Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ BẢY SAU CN 22 TN-NĂM LẺ: PHỤNG VỤ CHÚA GIÊSU THAY THẾ PHỤNG VỤ DO-THÁI GIÁO
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Cl 1,21-23
21 Cả anh em nữa, xưa kia anh em là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em.22 Nhưng nay nhờ Đức Giê-su là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người.23 Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin Mừng. Tin Mừng này đã được rao giảng cho khắp thiên hạ, và tôi, Phao-lô, tôi đã được trở nên người phục vụ Tin Mừng.
ĐÁP CA: Tv 53
Đ.    Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi.  (c 6a)
3 Lạy Thiên Chúa, xin dùng uy danh mà cứu độ, lấy quyền năng Ngài mà xử cho con. 4 Lạy Thiên Chúa, xin nghe con nguyện cầu, lắng tai nghe lời con thưa gửi.
6 Nhưng này có Thiên Chúa phù trì, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ. 8 Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế, lạy Chúa, con xưng tụng danh Ngài, thật danh Ngài thiện hảo. 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 14,6
Hall-Hall: Chúa nói: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Hall.
TIN MỪNG: Lc 6,1-5
1 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn.2 Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói: "Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát?"
3 Đức Giê-su trả lời: "Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng?4 Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi."5 Rồi Người nói: "Con Người làm chủ ngày sa-bát." 
BÀI GIẢNG
PHỤNG VỤ CHÚA GIÊSU
THAY THẾ PHỤNG VỤ DO-THÁI GIÁO
 
Luật Môsê cấm dân làm việc trong ngày thứ bảy, đây là Luật về Phụng Vụ Do Thái giáo, nhưng ta biết Phụng Vụ này chỉ là hình bóng Phụng Vụ Chúa Giê-su thiết lập. Bởi thế, ba lý do ông Môsê truyền cho dân phải nghỉ việc ngày thứ bảy để tôn kính Chúa,chỉ là tiên báo về ngày thứ nhất trong tuần (ngày thứ 8), Chúa Giêsu Phục Sinh mới làm hoàn hảo ba điều mọi người phải chúc tụng Chúa :
1/ MỪNG CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG CỦA THIÊN CHÚA
 Ông Môsê truyền cho dân phải nghỉ việc ngày thứ bảy để mừng công trình Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ tốt đẹp trong sáu ngày, rồi ban tặng hết cho loài người, ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi (x Xh 20,8-11).
Nhưng ngày Chúa nhật, Chúa Giêsu Phục Sinh tái tạo loài người (đã ra hư hỏng do tội Adam, Eva) khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy, và nuôi sống bằng Bí tích Thánh Thể - bằng chính xương thịt Con Một Thiên Chúa – để ta được trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa, được thông dự cùng một sự sống Phục Sinh của Chúa Giêsu (x Ga 6,57 ; Ga 15,1), đến như được đồng hóa với Ngài (x Gl 2,20). Nếu không ta chỉ như một sinh vật (x 1Cr 15,45), chẳng hơn gì con thú (x Gv 3,18-19).
2/ MỪNG ĐƯỢC CHÚA CỨU THOÁT KHỎI NÔ LỆ
Ông Môsê lại truyền cho dân phải nghỉ ngày thứ bảy vì Chúa đã cứu dân thoát cảnh nô lệ Ai Cập, nhờ Chúa bảo ông Môsê dùng gậy đập xuống Biển Đỏ, nước rẽ ra cho dân đi qua an toàn, để rồi cũng nước ấy chôn sống bọn Ai Cập dưới lòng biển (x Dnl 5,12-15).
Niềm vui trên đây không thể sánh bằng nhờ Chúa Giêsu Phục Sinh cứu chúng ta thoát nô lệ satan, thoát tội lỗi, đánh gục thần chết, nhờ nước Thánh Tẩy và Máu Chúa Giêsu Phục Sinh trong Phụng Vụ Ngài thiết lập vào ngày thứ nhất trong tuần. Đúng như Lời Đức Giêsu đã nói: “Chúa Con có cho các ngươi tự do, thì các ngươi mới đích thực là tự do(Ga 8,36).
3/ MỪNG ĐƯỢC CHÚA BAN LỜI HẰNG SỐNG
Sau cùng ông Môsê truyền cho dân phải nghỉ ngày thứ bảy để ngợi khen Chúa, vì vào ngày thứ bảy Ngài đã gọi ông lên núi Sinai trao cho ông Lời Chúa được ghi trên hai bia đá để truyền lại cho dân (x Xh 24,16-18 ; 35,2). Nhờ hai bia đá ấy, dân Chúa toàn thắng mọi kẻ thù, được bình an trên đường tiến về miền đất Hứa.
Nhưng Lời Chúa ban riêng cho dân Do Thái ở núi Sinai, không bằng Lời ban cho toàn thể nhân loại vào ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày Chúa nhật sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh (x Cv 2). Lời không ghi trên hai tấm đá như xưa, nhưng được Hội Thánh dùng quyền năng Chúa Thánh Thần ghi trên tấm bia lòng bia thịt của người tín hữu (1 Cr 4,7: Bài đọc). Chân lý này được ngôn sứ Giêrêmia báo trước: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta  là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.  Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, không còn kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA“, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. (Gr 31,33-34)
Tuy thế giá trị Lời Chúa ban ở núi Sinai chỉ giam người ta trong tội, cùng lắm có giá trị như một quản giáo dẫn ta đến kết hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh (x Gl 3,22.24), Ngài là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” để “ từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có” (Ga 1,14a.16-17).
Trên đây là những lý do Đức Giêsu bênh vực các Tông Đồ vì đói nên khi đi qua đồng lúa của người ta, các ông đã bứt lúa mà ăn vào ngày thứ bảy (x Mt 12,1). Điều này chứng tỏ Phụng Vụ ngày thứ bảy của Do Thái giáo không làm cho ai no thỏa, vì không sinh ơn cứu độ.
Đức Giêsu lại dẫn chứng truyện ông Đavid cùng với đoàn tùy tùng chạy trốn vua Saolê, vì quá đói, họ đã vào Đền Thờ lấy bánh chỉ dành riêng cho tư tế để ăn (x 1Sm 21, 2-7). Đức Giêsu nhắc đến truyện này là Ngài muốn ám chỉ: Ngài cũng đang lâm nạn như Đavid, bị nhiều kẻ có dòng máu ghen tỵ như vua Saolê đang tìm cách ám hại, nhưng chính lúc Đức Giêsu bị giết, Ngài mới đích thực là “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (x Ga 1,29), thay thế con chiên người Do Thái sát tế dâng Thiên Chúa theo Luật Phụng Vụ do ông Môsê truyền (x Dt 8-9). Do đó Đức Giêsu nói: “Tôi là Chủ ngày sabbat: Chủ Phụng Vụ” (Lc 6,5: Tin Mừng). Để minh chứng Đức Giêsu là Chủ Phụng Vụ, thì liền ngay sau đó tới câu 6, ông Luca cho độc giả thấy ba lần Đức Giêsu chữa lành các bệnh nhân vào ngày sabat :
-      Chữa lành người có tay khô bại (Lc 6,6-11).
-      Chữa lành một phụ nữ bị còng lưng đã 18 năm (x Lc 13,10t).
-      Chữa lành người bị bệnh phù thũng (x Lc 14,1t).
Thánh Phaolô xác tín cho chúng ta: “Không ai có thể nhận được ơn gì (đặc biệt là ơn cứu độ, thoát tay tử thần để được sống đời đời hạnh phúc) mà không do Chúa ban". Kể cả lúc các Tông Đồ đi đường thập giá theo Thầy Giêsu, như ông nói: “Tôi thiết nghĩ: Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người! Chúng tôi điên dại vì Đức Ki-tô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Ki-tô; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi. Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người. Nhưng “Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi” (Tv 54/53, 6a :ĐC năm lẻ). Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Ki-tô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em.” (1 Cr 4,7-15: Bài đọc năm chẵn). Vì thánh Tông Đồ nhờ Tin Mừng đã sinh ra các tín hữu, nên ông nói với giáo đoàn Côlôsê: “Xưa kia anh em là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em. Nhưng nay nhờ Đức Giêsu là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người. Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin Mừng. Tin Mừng này đã được rao giảng cho khắp thiên hạ, và tôi, Phao-lô, tôi đã được trở nên người phục vụ Tin Mừng” (Cl 1,21-23: Bài đọc năm lẻ). Bởi vì Đức Giêsu đã nói: “Chính Thầy là con đường, và là sự thật, sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6: Tung Hô Tin Mừng).
Vậy các Tông Đồ đã tạo thêm điều kiện để “Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Người” (Tv 145/144,18a: ĐC năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới (Dt 10, 8-9).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
  

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: