BÀI GIẢNG
LỊCH
LÀM VIỆC CỦA ĐỨC GIÊSU
Tin Mừng hôm nay (Lc 4,38-44) ghi
lại cho chúng ta những sinh hoạt của Đức Giê-su trong một ngày :
I/ GIẢNG LỜI
Theo Luật Phụng Vụ Do Thái, Đức
Giê-su phải chấm dứt giảng dạy ở hội đường vào 9 giờ sáng, nên sau giờ này, Đức
Giê-su đã ra khỏi hội đường (x Lc 4,38a).
II/ CHỮA BỆNH
Ngài về nhà mẹ vợ ông Phê-rô, thấy
bà này lâm cơn sốt nặng, Ngài đứng cúi mình trên bà và quát bảo cơn sốt, tức
khắc bà được lành mạnh. Vì người Do Thái quan niệm bệnh là hậu quả tội lỗi (x
Ga 9,2). Ai phạm tội là thuộc quyền quản lý của ma quỷ. Bởi đó Đức Giê-su quát
bảo cơn sốt cũng có nghĩa là Ngài đuổi quỷ không cho phép chúng làm hại ai! Sau
đó bà chỗi dậy phục Đức Giê-su và các Tông Đồ. Nghĩa là những ai được Chúa cứu
phải tham gia vào việc xây dựng và phát triển Nước Thiên Chúa (x Lc 4,39).
III/ TRỪ QUỶ
Sau khi đã chữa lành cho bà gia
ông Phê-rô, từ lúc đó biết bao người mắc đủ các chứng bệnh tuốn đến với Ngài,
đều được Ngài chữa lành, tức là quỷ xuất khỏi nhiều người, nó la lên: “Ông
là Con Thiên Chúa” (x Lc 4,40-41: Tin Mừng), Đức Giê-su quát mắng satan, cấm không cho nói về Ngài, vì bốn lý
do :
1. Người nào biết Đức
Giê-su là Con Thiên Chúa, người ấy được Chúa cứu độ (x Ga 17,3). Quỷ không được
Chúa cứu, nên nó không được phép nói Ngài là Con Thiên Chúa.
2. Quỷ không được phép
rao giảng Tin Mừng.
3. Quỷ nói Đức Giê-su
là Con Thiên Chúa, nó nhằm xúi người Do Thái hiểu lầm Ngài là Đấng Mêsia
(Ki-tô) đến để giành độc lập cho dân tộc thoát đế quốc Roma thống trị. Chính
các Tông Đồ của Đức Giê-su cũng luôn mơ ước như thế (x Cv 1,6). Điều ấy không
đúng với sứ mệnh của Ngài và sẽ gây cớ cho người Roma hiểu lầm về Ngài thu phục
lòng dân để chống lại đế quốc Roma, thì chắc chắn họ không dễ dàng để Ngài hoạt
động. Như thế quỷ nói Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, không có ý tuyên xưng Ngài
là Đấng đến cứu nhân loại, mà nó muốn
chính quyền Roma diệt Ngài sớm.
4. Chỉ khi nào Đức
Giê-su qua Tử Nạn và Phục Sinh, Ngài hoàn tất sứ mệnh Chúa Cha trao cứu độ loài
người, lúc đó Ngài mới muốn cho toàn thể nhân loại phải tuyên xưng Đức Tin: “Giêsu
là Con Thiên Chúa” (x Mc 15,39). Do đó muốn nói chính xác về ai, ta
phải đợi sau khi người ấy đã qua đời.
IV/ CẦU NGUYỆN
“Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận
nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi.43
Nhưng Người nói với họ: "Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa
cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó."44
Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê” (x Lc 4,42-44: Tin
Mừng).
Nhìn vào cơ cấu Tin Mừng Lc 4,
38-44 ta rút ra bảy xác tín :
1- Giảng Lời và cầu
nguyện đã đóng khung mọi sinh hoạt trong ngày. Nói cách khác, mọi việc ta làm
trong ngày mà thiếu cầu nguyện, thiếu giảng Lời, thì chẳng được Chúa chúc lành.
2- Những bệnh nhân được
lành mạnh là do Lời Chúa phán. Vì thế tác giả sách Khôn ngoan viết: “Nguời ta được lành mạnh không phải nhờ cỏ nọ
hay thuốc kia, nhưng nhờ Lời Chúa chữa họ khỏi mọi tật nguyền” (Kn 16,12).
3- Quỷ buông thả con
người tháo chạy về sào huyệt của nó, cũng là nhờ Lời Đức Giê-su lên tiếng. Vì
thế, ông Matthêu ghi nhận: “Đức Giê-su
trừ mọi ác thần, chữa lành mọi kẻ đau ốm chỉ bằng Lời nói của Ngài” (Mt
8,16).
4- Hội đường hay cộng
đoàn Phụng Vụ phải là nơi loan báo Tin Mừng. Thực vậy, mở đầu Tin Mừng hôm nay,
Đức Giê-su ra khỏi hội đường (x Lc
4,38), Ngài phục vụ nhu cầu thân xác mọi người, rồi trốn đi cầu nguyện. Kết
thúc Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su vào hội
đường giảng dạy (x Lc 4,44). Rõ ràng Đức Giê-su cứ ra, vào hội đường làm nổi bật việc giảng Lời trong cộng đoàn Phụng
Vụ.
5- Việc cầu nguyện trở
thành khoen móc nối kết mọi sinh hoạt trong ngày với Chúa Ki-tô, nhờ đó ta được
Ngài đồng công cộng tác biến mọi sự ra tốt đẹp (x Rm 8,28).
6- Đức Giê-su vốn dĩ là
Đấng toàn năng, vì Ngài là Thiên Chúa, vậy mà Ngài đã ưu tiên đặt việc cầu nguyện lên hàng đầu các sinh hoạt trong ngày, là
Ngài muốn dạy mọi người chúng ta để làm cho công việc có giá trị tồn tại muôn
đời, đóng góp vào chương trình cứu độ của Chúa (x Cv 5,39), nếu làm việc không
nhờ, không với, không trong Chúa Giê-su, thì dẫu có thành công cũng chỉ là việc
của sinh vật, không có giá trị cứu độ, trước sau sẽ ra tro bụi (x Cv 5,38). Bởi
vì nhờ cầu nguyện, nhất là tham dự Thánh Lễ, ta như cành nho được tháp vào thân
nho là Chúa Giê-su, như Lời Đức Giê-su nói: “Ai không lưu lại trong Ta thì như cành nho bị quăng ra ngoài, vì ngoài
Ta các ngươi không thể làm được việc gì” (Ga 15,5). Bởi đó không có lý do
nào làm ngăn trở việc dự Lễ mỗi ngày, nếu muốn đời thành công trong Chúa.
7- Sứ giả Tin Mừng phải
lưu động vất vả, không dừng ở một nơi nghỉ ngơi hay hưởng thụ, vì thế ông Luca
ghi nhận: “Đức Giê-su đi rao giảng trong các hội đường miền Giuđê” (Lc 4,44: Tin
Mừng). Thực ra vào thời ấy,khi nói đến miền Giuđê, người ta hiểu theo nghĩa
rộng: đó là toàn diện nước Israel
(x Lc 1,5 ; 6,17 ; 23,5). Như thế, trong một ngày Đức Giê-su đi khắp nước Do
Thái rao giảng, thì quả là vất vả. Nhưng đó là dấu chỉ chính Chúa Giê-su giảng
dạy mỗi khi Hội Thánh cử hành Phụng Vụ trên khắp hoàn cầu (x Dt 1,1-2)
Dù Đức Giê-su có ba quyền Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế, nhưng xem
ra Ngài không chú trọng thi hành quyền Vương Đế để trục xuất quỷ, chữa lành
nhiều bệnh nhân, mà Ngài chỉ thiết tha
và ưu tiên thi hành hai quyền Tư Tế (cầu nguyện) và Ngôn Sứ (giảng Lời), thì đương nhiên Ngài đã thi hành quyền
Vương Đế để xua trừ ác thần, đẩy xa tội lỗi ra khỏi con người làm cho họ
được lành mạnh, cũng như giải quyết tất cả các nhu cầu chính đáng của mọi
người. Nhà Bác học Archimède nói: “Cho
tôi một đòn bẩy và một điểm tựa ngoài trái đất, tôi có thể bẩy trái đất lăn đi
theo ý muốn”. Dựa vào câu nói này, người Công Giáo có thể suy ra: đòn bẩy
đó là lời cầu nguyện, điểm tựa đó là Chúa Giê-su.
Sau khi Chúa Giê-su Phục Sinh, các
Tông Đồ đã ý thức thực thi ba quyền Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế mà Ngài đã trao
cho các ông tiếp tục “Ngày Làm Việc” giống Thầy Giêsu. Để nhấn mạnh các Tông Đồ
phải tiếp nối ba quyền trên, các tác giả Tin Mừng đã ghi lại :
CVề sứ mệnh Tư Tế: Ông Luca ghi nhận các Tông Đồ hằng
ngày trong Đền Thờ chúc tụng Thiên Chúa (x Lc 24,53), chứ không phải đi khắp
thế gian giảng Tin Mừng như hai ông Mt và Mc ghi. Ông Luca có ý viết như thế,
để nhấn mạnh rằng: trước khi lên đường rao giảng Lời cho muôn dân thì phải cầu
nguyện. Nói cách khác, nếu không cầu nguyện thì đi giảng Lời không đạt hiệu
quả.
C Về sứ mệnh Ngôn Sứ: Ông Matthêu và ông Marco thì nhấn
mạnh các Tông Đồ phải đi khắp thế giảng Tin Mừng (x Mt 28,19-20 ; Mc 16,15-20).
C Về sứ mệnh Vương Đế: Ông Gioan ghi Chúa Giê-su Phục Sinh trao quyền tha tội cho
các Tông Đồ (x Ga 20,22-23), các ông phải phục vụ bằng sức mạnh do Đức Ái Đức
Giê-su thúc đẩy (x 2Cr 5,14), đến nỗi sẵn lòng mất mạng như Thầy Giêsu (x Ga
21,18t).
Thời gian sau, các Tông Đồ gây
được nhiều uy tín nơi giáo dân, khiến nhiều người bán hết tài sản dâng cho các
ông để chia sẻ. Thế là các ông dùng quyền quản lý tiền bạc của mình để thi hành
sứ mệnh Vương Đế, mà xao nhãng việc cầu nguyện và giảng Lời, đã gây ra bất hòa
trong cộng đoàn. Nhờ ơn Chúa soi sáng, các ông đã nhận ra lỗi lầm của mình nên
trao tiền của cho các Phó Tế quản lý để chia sẻ, còn các Tông Đồ trở về nhiệm
vụ chính là cầu nguyện và giảng Lời, từ bấy giờ cộng đoàn được bình an và phát
triển (x Cv 6,1-7).
Khi các Tông Đồ đã ưu tiên dồn hết
tâm lực cho việc cầu nguyện và loan báo Tin Mừng, làm tròn sứ mệnh ngôn sứ Chúa
trao, mới có thể tạo nên một cộng đoàn dân Chúa sống Đức Tin và Đức Ái gương
mẫu, như giáo đoàn Côlôsê được thánh Phaolô khen: “Chúng tôi đã được nghe nói về lòng tin của anh em vào Đức Ki-tô Giê-su,
và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh ; niềm trông cậy anh em đã
được nhờ nghe loan báo khi Lời Chân Lý là Tin Mừng đến với anh em ; Tin Mừng
này đang sinh hoa trái và lớn lên trên toàn thế giới như thế nào, thì nơi anh
em cũng vậy. chính anh em đã cho chúng tôi về lòng mến mà Thần Khí đã ban cho
anh em” (Cl 1, 1-8: Bài đọc năm lẻ).
Ngày nay, nhìn vào các sinh hoạt
trong Hội Thánh, rất tiếc nhiều chủ chăn đã đưa sứ mệnh Vương Đế đứng hàng thứ
ba, lên vị trí thứ nhất, có ý tỏ uy quyền, chứ không lo ưu tiên chu toàn sứ
mệnh tư tế và ngôn sứ. Do đó, không còn thiết tha giảng dạy, mà có giảng dân
không muốn nghe, vì các ngài đã làm cho người ta sợ hơn là mến. Lãnh đạo mà chỉ
dùng quyền cai trị, đáng bị thánh Phaolô khiển trách: “Anh em còn là những người sống theo tính xác thịt, theo người phàm! Đó
là mầm mống sinh ra phe phái :“Người này nói: “Tôi thuộc phe ông Phao-lô” ; kẻ
khác nói: “tôi thuộc phe ông Apolo”. Sinh ra phe phái như thế chỉ là người phàm
tục, và thánh Tông Đồ nói: “Apolo là gì? Phao-lô là gì? Đó là những người tôi
tớ giúp anh em có Đức Tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng,
anh Apolo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay tưới
chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể”.
Thực vậy, một giáo xứ từ cha Sở đến
Ban Hành Giáo chỉ dùng quyền để cai trị dân, thì chắc chắn sinh ra phe phái!
Những người thuộc “phe cha”, thì ra sức bảo vệ cha, kẻ nào có ý kiến ngược lại
với cha là kẻ không có đức vâng lời, nó là tay sai của satan chống phá giáo xứ
; trái lại, những người thuộc phe giáo dân, thì lại tìm lông bới vết “phe cha”,
có khi đưa ra chính quyền kiện tụng nhau, nhục thật!
Để giải quyết vấn đề phe phái, ông
Phao-lô cho ý kiến: Các chủ chăn chỉ là cộng sự viên của Thiên Chúa, còn giáo
dân là cánh đồng của Thiên Chúa, thế nên các chủ chăn phải gieo hạt giống Lời
vào cánh đồng tâm hồn giáo dân, và mọi người tưới ơn Chúa bằng lời cầu nguyện,
thì mới có thể trở nên ngôi nhà đích thực của Thiên Chúa (x 1Cr 3,1-9: Bài đọc
năm chẵn).
Ai sống “Ngày Làm Việc” giống Chúa Giê-su, để chu toàn sứ mệnh Cha trên trời
trao phó, như Đức Giê-su nói: “Chúa sai
tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết
họ được tha” (Lc 4,18: Tung Hô Tin Mừng), thì người ấy đã “chọn Chúa làm gia nghiệp” (Tv 33/32,12b:
ĐC năm chẵn), và phải luôn cầu nguyện: “Lạy
Chúa, tôi tin cậy vào tình thương Chúa, mãi
mãi đến muôn đời” (Tv 52/51, 10b: ĐC năm lẻ).
THUỘC LÒNG
Ai muốn làm việc giống Chúa
Giê-su, phải ưu tiên theo thứ tự:
§
Đặt việc cầu nguyện
quan trọng nhất.
§
Sau cầu nguyện là giảng
Lời để nuôi linh hồn người ta.
§
Cuối cùng phục vụ nhu
cầu thân xác mọi người. (Theo Lc 4,38-44)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH