CHÚA GIÊSU XÂY DỰNG HỘI THÁNH NGÀI
Để
làm cho con người được sống,Chúa Giêsu muốn đưa cả loài người vào Hội Thánh của
Ngài xây dựng trên năm nền tảng cơ bản :
- Thiên Chúa có tự do và toàn quyền chọn
người làm việc theo ý Ngài.
- Hội Thánh xây dựng trên cơ cấu phẩm
trật.
- Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng
giáo lý bởi Trời.
- Hội Thánh được xây dựng trên con người
xuất sắc về giáo lý.
- Hội Thánh được xây dựng trên quyền làm
cho người ta sống.
1/ THIÊN CHÚA
CÓ TỰ DO VÀ TOÀN QUYỀN CHỌN NGƯỜI LÀM VIỆC THEO Ý NGÀI
Cụ
thể, Thiên Chúa đã truất chức ông Sép-na, không cho làm tể tướng triều đình, và
đặt ông En-gia-kim lên thay, để ông làm cha nhà Giê-ru-sa-lem và nhà Giu-đa, và
còn trao cho ông chìa khóa, đó là quyền mở hay đóng một cách vững chắc không ai
thay đổi được! (Is 22,19-23: Bài I); Cũng thế Đức Giêsu có quyền tự do chọn ông
Phê-rô và đặt ông làm thủ lãnh Hội Thánh của Ngài (Israel mới), thay thế các thủ lãnh Do Thái giáo (Israel cũ), và
Ngài chỉ muốn trao quyền đóng hay mở cửa Trời cho ông Phê-rô, nghĩa là ông được
Đức Giê-su chia cho quyền của Ngài là Đấng duy nhất có quyền đóng và mở cửa
Trời (x Cv 4,12) vững chắc như đá, bởi vì Ngài chính là Đá Tảng, mà ngôn sứ
Daniel trong thị kiến cho biết một tảng đá tách ra khỏi đỉnh núi rớt xuống
trúng pho tượng khổng lồ và kỳ dị, làm nó vỡ tan tành, đó là hình ảnh các quyền
lực bị hủy trước quyền của Thiên Chúa. Tảng đá đó đã trở thành Núi lớn choán
khắp mặt địa cầu (x Dn 2,31t). Thị kiến này báo trước Hội Thánh Chúa Ki-tô là
Núi Đá choán cả địa cầu làm nơi nương ẩn cho muôn dân (x Mt 13,32). Vì thế mà
Đức Giê-su đã đổi tên ông Simon thành Kêpha, có nghĩa là Đá Tảng, để ông được
tham dự vào quyền bính vững chắc của Chúa Ki-tô (x Mt 16, 17-19: Tin Mừng ; Ga
21, 15t). Đức Giê-su còn muốn quyền lãnh đạo Hội Thánh Ngài đã trao cho ông
Phê-rô phải được chia sẻ cho Tông Đồ Đoàn (x Mt 18,18 ; Ga 20,22-23). Nhưng ông
Phê-rô mới chính là người có quyền phán quyết điều gì sai, điều gì đúng, thể hiện
quyền đóng mở cửa Trời mà Đức Giê-su đã trao cho ông. Đó là lý do Ngài chỉ cầu
nguyện riêng cho ông Phê-rô khỏi mất Đức Tin vì ông có nhiệm vụ củng cố Đức Tin
của cộng đoàn (x Lc 22,31-32). Thực vậy, trong các quyết định của Công Đồng,
Đức Giáo hoàng luôn luôn công bố với câu nói: “Tôi, Giám Mục Roma, cùng với các
Nghị Phụ truyền dạy ...”
2/ HỘI THÁNH
XÂY DỰNG TRÊN CƠ CẤU PHẨM TRẬT
Hình
ảnh ông Sép-na, tể tướng triều đình bị cách chức, để trao quyền hành cho ông
En-gia-kim, chính là biến cố tiên tri loan báo cơ cấu tổ chức Do Thái giáo vì
bất trung với sứ mệnh Chúa trao, nên nó sẽ bị Thiên Chúa truất bãi, thay vào đó
là thủ lãnh Phê-rô có quyền thành lập cơ chế mới trong Hội Thánh. Như thế, việc
thành lập Hội Thánh đã được lồng vào cơ cấu của một triều đình vua chúa, nhất
là lại được so sánh với cơ cấu tổ chức của đế quốc Roma, một nước nổi danh về
cơ cấu tổ chức hoàn bị do hoàng đế Xê-xa-rê lãnh đạo. Do đó đúng lý ra tác giả
Mát-thêu phải nhắc đến thành do quận vương Hê-rô-đê Phi-líp xây vào năm thứ hai
trước Công nguyên, gần sông Gio-đan, để kính hoàng đế Au-gút-tô, thì thánh sử
lại viết là “Đức Giê-su đến miền Xê-xa-rê
Phi-líp” (x Mt 16,13). Quyền này không chỉ dừng lại nơi ông Phê-rô mà Chúa
cho cả những người kế vị ông, vì Đức Giê-su đã nói về Hội Thánh của Ngài vĩnh
cửu: “Quyền lực Âm Phủ cũng không thắng
nổi”. (Mt 16,18). Lời hứa này có nghĩa là Hội Thánh nhờ Chúa Giê-su mà tấn
công satan cho đến tận thế (x Cv 2,27 ; 1Pr 3,19).
Vậy không
ai có quyền kết án cơ cấu tổ chức trong Hội Thánh là sáng kiến của lớp người
tham quyền bính theo thói đời chứ không phải do ý Chúa ! Vì thế, Hiến Chế Hội
Thánh số 8 nói: “Chúa Ki-tô đã thiết lập
Hội Thánh là một cơ cấu hữu hình trên trần gian, mà Ngài không ngừng bảo vệ. Qua Hội Thánh, Ngài đổ tràn chân lý và
ân sủng cho mọi người. Hội Thánh là một xã hội có tổ chức phẩm trật … là một
thực thể phức tạp, duy nhất, do yếu tố nhân loại và thần linh kết thành.”
Nhìn vào thực tế, một giáo xứ phát triển nhờ có nhiều giáo dân làm gương sáng,
là một giáo xứ có cơ cấu tổ chức khoa học, hoàn bị, từ cha Sở, cha Phụ tá, đến
các viên chức, ban ngành, đoàn thể, phải ăn khớp và hòa hợp với nhau.
3/ HỘI THÁNH
ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN NỀN TẢNG GIÁO LÝ BỞI TRỜI
Cuộc
điều tra dư luận của Đức Giê-su về chính
Ngài, các môn đệ đã cho biết: “Có kẻ nói
Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, người khác nói Thầy là ông Ê-ly-a ; người thì cho
là ông Giê-rê-mi-a hay một tiên tri nào đó !” Còn các môn đệ, ông Phê-rô
đại diện phát biểu: “Thầy là Đấng Ki-tô,
Con Thiên Chúa hằng sống !” Đức Giê-su
khen: “Phê-rô, con thật có phúc,
vì không phải phàm nhân nào mạc khải cho con, mà là Cha Thầy, Đấng ngự trên
trời !” (x Mt 16,13-17: Tin Mừng)
Như
thế, chỉ có Hội Thánh Công Giáo mới được Cha trên trời mạc khải riêng cho.
Ngoài chứng từ trên đây, ta còn tìm thấy những chứng từ khác trong Tân Ước nói
về quyền giáo huấn Chúa chỉ ban riêng cho Hội Thánh Công Giáo :
Đức
Giê-su nói:
- “Lạy Cha, Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu hạng khôn ngoan
mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn (Hội Thánh)” (Mt 11,25t). “Kẻ bé nhỏ”
ở đây phải hiểu là các môn đệ Ngài tuyển chọn cũng như các tín hữu (x Mt 18,3 ;
Lc 12,32 ; 1Ga 2,1.12.14.18.28).
- “Ai muốn nghe giáo lý của tôi, hãy vào Nhà Thờ hỏi những
người đã nghe tôi nói!” (x
Ga 18,19-21). Câu nói này phải hiểu là nghe Lời Chúa Giê-su trực tiếp nói với
mọi người khi Hội Thánh cử hành Phụng Vụ (x Dt 1,1-2).
- “Ai nghe lời môn đệ tôi chính là nghe tôi” (Lc 10,16).
- “Này chúng con (các môn đệ), satan thử thách chúng con như
người ta sàng gạo, nhưng Thầy đã cầu nguyện riêng cho Phê-rô để anh khỏi mất
Đức Tin, vì Phê-rô có nhiệm vụ củng cố Đức Tin và cộng đoàn” (Lc 22,31-32).
Chính
vì vậy mà Thánh Tông Đồ khẳng định: “Nếu có ai, cho dù là Thiên thần từ trời đến, mà loan báo Tin Mừng cho anh em khác
với Tin Mừng chúng tôi rao giảng, thì nó là đồ chúc dữ !” (Gl 1,8).
Dựa
vào các chứng từ mạc khải trên, người Công Giáo thật là hạnh phúc, vì chỉ có họ
mới đón nhận được chính thức và trọn vẹn Giáo Lý hằng sống từ Trời ban cho qua
Hội Thánh là Mẹ. Bởi thế, Đức Giê-su chỉ muốn cho mọi người sống trong một đoàn
chiên, một chủ chiên (x Ga 10,16), để họ “được
thấy Chúa cách thiết thực khi họ đọc Thánh Kinh trong Hội Thánh” (x Hiến Chế
Phụng Vụ số 7). Vì nếu ở ngoài Hội Thánh, có hiểu biết về Giáo Lý của Chúa cũng
chỉ cỡ như dư luận nói về Đức Giê-su là
một ngôn sứ nào đó mà thôi !
Vì
thế Công Đồng Vat.II dạy: “Thiên Chúa,
Đấng xưa đã phán dạy, nay vẫn không ngừng ngỏ lời với Hiền Thê của Con yêu dấu
mình, và Thánh Thần, Đấng làm cho tiếng nói sống động của Phúc Âm vang dội
trong Giáo Hội, và nhờ Giáo Hội, làm vang dội trong thế giới, hướng dẫn các tín
hữu biết toàn thể Chân Lý và làm cho Lời Chúa Ki-tô tràn ngập lòng họ !”
(Hiến Chế Mạc Khải số 8)
Vấn
đề này, chắc chắn có người nảy sinh thắc mắc: Tại sao Chúa chỉ mạc khải riêng
cho ông Phê-rô, mà không mạc khải ý Chúa cho người khác nữa ?
Kẻ nào ghen tỵ với ông Phê-rô mà nói như thế, coi chừng bị
Chúa phạt cùi, giống như bà Mi-ri-am đã buông lời: “Dễ chừng Chúa chỉ phán dạy qua Mô-sê sao? Ngài lại không dùng miệng ta
mà phán dạy sao ?” (x Ds 12)
4/ HỘI THÁNH ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN CON NGƯỜI XUẤT
SẮC VỀ GIÁO LÝ
Khi Đức Giê-su mới gặp ông Phê-rô đang hành nghề đánh cá,
Ngài không nói ngay với ông: “Ngươi là
đá, trên đá ấy, Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta, và quyền âm phủ sẽ không thắng nổi
!” (Mt 16, 18: Tin Mừng), nhưng sau thời gian dài ông đã bỏ mọi sự mà theo Đức
Giê-su, cùng với bao thăng trầm trong đời phục vụ, mới được Chúa Cha mạc khải
cho đạt đến Đức Tin viên mãn: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống
!” Dựa vào Đức Tin ấy Đức Giê-su mới
“dám” xây Hội Thánh của Ngài, và Ngài thách đố quyền lực âm phủ có dấy lên cũng
không phá đổ được! Lời Ngài hứa cho Hội Thánh được vĩnh cửu, không phải chỉ vì
Ngài là Đấng Toàn Năng, mà Đức Giê-su
còn dựa vào giáo lý viên mãn của các kẻ tin vào Ngài dám liều mạng vì
Tin mừng. Vì một cục đá Phê-rô không thể xây nên ngôi nhà, mà cần đến nhiều
viên đá khác, tầm cỡ Đức Tin như ông Phê-rô. Càng nhiều “đá Đức Tin” góp lại,
thì nhà Hội Thánh xây càng lớn và vững chắc hơn ! Vì thế ông Phê-rô nói: “Anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, Viên Đá sống
động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá.
Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền
Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng
những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô.”(1Pr 2,4-5)
Thực vậy, dù Đức Giê-su là Thiên Chúa toàn năng, Ngài cũng
không muốn xây dựng Hội Thánh trên những kẻ ngu dốt về giáo lý. Có lần Đức Giáo
hoàng Pio X hỏi các thày ở Đại Chủng viện: “Chúng
con nghĩ kẻ thù số một phá Hội Thánh là ai?” Người thì thưa: “Đó là kẻ rối đạo !” Kẻ khác đáp: “Đó là kẻ bách hại đạo !” Người thì nói: “Đó là sa-tan !”… Tất cả các ý kiến trên
Đức Giáo hoàng đều lắc đầu ! Sau đó ngài nói: “Kẻ thù số một phá Hội Thánh là
người Ki-tô hữu ngu dốt về giáo lý !” Như thế người tín hữu dốt đặc về giáo
lý, nó phá Hội Thánh mạnh hơn sa-tan, nói cách khác sa-tan chưa cần nhúng tay
vào việc này !
5/ HỘI THÁNH
ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN QUYỀN LÀM CHO NGƯỜI TA SỐNG
Lời tuyên tín của thủ lãnh Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống !” Như thế, Thần, Chúa
của Hội Thánh là Đấng làm cho ai thuộc về Ngài được sống, vì Ngài chính là Sự
Sống (x Ga 14,6), khác với thần dân ngoại: “Chúng
chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành. Có mắt, có miệng, không nhìn
không nói, có mũi, có tai, không ngửi, không nghe ; Có hai tay, không sờ, không
mó, có hai chân, không bước không đi, từ cổ họng không thốt ra một tiếng !”
(Tv 113B/115, 4-7).
Vì thủ lãnh Phê-rô đã tin Thầy Giê-su là Thần hằng sống, nên
ông được Thầy trao quyền chỉ để làm cho người ta sống. Do đó, Đức Giê-su nói với ông Phê-rô: “Sự gì con cầm buộc (bắt) dưới đất, trên trời cũng cầm buộc ; sự gì con
tháo cởi (tha) dưới đất, trên trời cũng tháo cởi !” (Mt 16,19: Tin Mừng).
Như thế, Đức Giê-su không trao quyền
“tha” trước và “bắt” sau, mà Ngài nói
“bắt” để “tha”. Đó là nhiệm vụ của Hội Thánh có quyền quy tụ, tập họp (bắt) mọi
người lại, để làm cho họ được sống (tha). Như chính Đức Giê-su đã bắt lỗi ông
Phê-rô khi ông xúi Thầy chớ đương đầu với cái khổ (x Mt 16,21t), và đã ba lần
ông chối Thầy (x Ga 21,15t). Vậy mà Đức Giê-su chẳng những tha thứ cho ông, mà
Ngài còn cất nhắc ông làm thủ lãnh Hội Thánh và trao cho ông quyền tha tội cho
thế gian ! (x Ga 20,23 ; Mt 16,18t: Tin Mừng).
Vậy bất cứ quyền bính nào bắt để trị, thì quyền đó không
phải bởi Trên ban ; Ngược lại, nếu người nào dùng quyền mà làm cho người ta
được sống, thì người đó mới thuộc về Hội Thánh Chúa Ki-tô !
Nhìn vào bản chất của Hội Thánh như trên, ta phải mượn lời
thánh Phao-lô ca tụng ý nhiệm mầu của Thiên Chúa: “Ôi sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào!
Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!
Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người ?” (Rm
11,33-34: Bài đọc II).
Vậy Chúa đã tự ý chọn ông Phê-rô và đặt ông làm thủ lãnh
Hội Thánh, ông như tảng đá vững chắc đặt làm nền móng xây dựng Hội Thánh Công
Giáo, như Ngài nói với ông: “Anh là
Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và
quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18: Tung Hô Tin Mừng), vì “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, lạy
Chúa, công trình do tay Ngài thực hiện xin đừng bỏ dở dang”(Tv 138/137, 8bc: Đáp ca)
THUỘC
LÒNG
Dân Chúa
được đoàn tụ trước nhất là nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống. Lời này phải được đặc
biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các Linh mục ! (Vat.II - Sắc Lệnh Và Đào Tạo Linh
Mục số 4).
Linh mục
GIUSE ĐINH QUANG THỊNH