BÀI GIẢNG
CHỈ
TÔN THỜ THIÊN CHÚA
Dựa vào các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay, Hội Thánh muốn
mọi người phải xác tín và sống hai điểm giáo lý:
-
Loài
người chỉ tôn thờ Thiên Chúa
-
Tôn
thờ Thiên Chúa còn phải thể hiện trong việc phục vụ đồng loại
I. LÝ DO BUỘC LOÀI NGƯỜI CHỈ TÔN THỜ THIÊN
CHÚA
Vì ai cũng cảm nghiệm con người được sống nhờ bơi lội trong
ơn huệ Chúa ban:
Trước nhất Chúa tỏ tình thương và
uy quyền, khi Ngài chọn dân tộc Do Thái làm sở hữu của Ngài, Ngài đã thực hiện
bao việc kỳ diệu. Bởi đó ông Giôsuê đã tập trung dân tại Sikem, nơi đây là đất
Chúa đã hứa ban cho tổ phụ của họ là ông Abraham: “Ta sẽ ban xứ này cho dòng dõi ngươi”, và để tạ ơn Chúa, ông Abraham đã xây Đền Thờ kính Chúa tại Sikem (x
St 12,6-7). Trước mặt toàn dân, ông Giôsuê nhắc lại bao việc kỳ diệu Chúa đã
thực hiện để ban muôn vàn ơn cho dân tộc Do Thái, từ khi Ngài dùng tay ông Môsê
đưa họ thoát ách nô lệ Ai Cập, để tiến về miền đất chảy sữa và mật mà Chúa đã
hứa từ thời tổ phụ của họ. Với bao nhiêu ơn huệ đó, gia đình ông Giôsuê và toàn
dân đã thề, khi họ dựng cục đá làm chứng: “Chúng
tôi quyết tâm từ bỏ thờ ngẫu tượng, một chỉ tôn thờ Thiên Chúa mà thôi” (Gs 24,14-29: Bài đọc năm lẻ). Vì thế
dân Do Thái vẫn cất lời cầu: “Lạy Chúa,
Chúa là phần gia nghiệp con được hưởng” (Tv 16/15,5a: Đáp ca năm lẻ).
Không phải chỉ dân tộc Do Thái mới
nhận ra ơn Chúa bao phủ họ, mà bất cứ dân tộc nào trên trái đất, lương cũng như
giáo, ai cũng phải nhìn nhận người ta sống được là bởi ơn Trời. Do đó khi họ
gặp khổ, trên môi miệng vội vàng thốt lên: “Trời
ơi!”, hoặc trước những bất công ai cũng nói: “Ông Trời có mắt”. Những lời ấy đã xác nhận Chân Lý: “AI CŨNG PHẢI TÔN THỜ MỘT CHÚA TRÊN TRỜI MÀ THÔI!”.
II. TÔN THỜ THIÊN CHÚA CÒN PHẢI THỂ HIỆN
TRONG VIỆC PHỤC VỤ ĐỒNG LOẠI.
Thánh sử Mattheu ghi lại cảnh: “Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để
Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giê-su nói: “Cứ để trẻ em đến với
Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng”. Người
đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.” (Mt 19,13-15: Tin Mừng). Vì thế mà
Đức Giêsu đã cất lời tạ ơn Chúa Cha thay cho các trẻ nhỏ: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải
mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn” (Mt 11,25: Tung Hô Tin Mừng). Qua sự việc
ấy chắc chắn Đức Giêsu muốn mọi người phải hiểu và thực hành ý của Ngài.
1. Mục vụ giáo dục
trẻ nhỏ đến với Chúa:
Người lớn hãy để cho trẻ được hồn
nhiên đến với Chúa như đến với cha mẹ của chúng, chứ đừng bắt trẻ phải nghiêm
trang nết na như người lớn quỳ chầu trước Thánh Thể.
2. Trách nhiệm của cha mẹ là phải nuôi con
bằng Đức Tin:
Căn cứ vào Lời Đức Giêsu nói: “Ai không tái sinh bởi Nước và Thần khí, thì
không thể vào được Nước Thiên Chúa” (Ga
3,5), nghĩa là bất cứ loại người nào, người lớn hay trẻ nhỏ, cũng cần phải được
lãnh Bí tích Thánh Tẩy mới được cứu độ. Chính vì vậy mà Hội Thánh Công Giáo đòi
buộc những người làm cha mẹ phải sớm cho con được lãnh Bí tích Thánh Tẩy vì :
- Đức Giê-su đã nói: “Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, đừng ngăn cản
chúng” (Mt 19,13 Tin Mừng)
- Hạt giống tốt (Đức Tin) khi gặp
được mảnh đất tâm hồn tốt (trẻ thơ) cũng như gia đình là môi trường tốt, chắc
chắn sẽ phát triển (x Mt 13,23)
- Vì ơn cứu độ của người Công
Giáo, ngoài Chúa Giêsu Kitô còn lệ thuộc vào Tín Điều Các Thánh Cùng Thông Công,
tức là nhờ Đức Tin của Hội Thánh và của cha mẹ, mà em bé được lãnh Bí tích
Thánh Tẩy. Cha mẹ biết điều tốt mà không làm cho con thì có tội (x Gc 4,17).
Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai,
nhiều gia đình cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đã xin ông Phao-lô ban Bí tích Thánh
Tẩy cho: Gia đình bà Lyđia
(x Cv 16,14-15) ; gia đình viên cai ngục (x Cv 16,30-34) ; gia đình công Krispo
trưởng hội đường (x Cv 18,8).
Hãy xem Luật ban Bí tích Thánh Tẩy
cho trẻ nhỏ trong sách Giáo lý Roma số 1250-1251.
3. Hãy sống đạo bằng tinh thần trẻ thơ
a. Sống lệ thuộc vào đấng sinh thành:
Thánh Phaolô nói: “Trẻ em trong gia đình có giáo dục là trẻ
muốn dùng bất cứ điều gì phải có phép cha mẹ” (x.Gl 4,1-4). Thế thì
người thuộc về Chúa nhất cử nhất động phải lệ thuộc vào Lời Chúa. Nói cách khác
họ là “tù nhân trong Chúa” (Ep 4,1) .“tù nhân trong Chúa” là bởi tình yêu
giữa Chúa Kitô và ta gắn bó keo sơn, không thế lực nào tách khỏi.
b. Không đòi được người khác tôn vinh:
Thực vậy, khi ăn tiệc người ta để
ý mời các đấng các bậc, còn trẻ con thì sao cũng được, không ai quan tâm (x.Mt 14,21); như thế người thuộc về Chúa
phải quên mình đi. Thánh Phanxicô dựa vào lời thánh Phao-lô, lên tiếng dạy: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”
(x Pl 2,6-11).
c.
Không ác tâm với ai:
Thánh Tông Đồ dạy: “Có ác thì như con nít thôi!” (1Cr 14,20), nghĩa là trẻ em chơi với
nhau thế nào cũng không tránh được bất hòa, khi ấy chúng chạy đi cáo tội với
người lớn, rồi lại chơi với nhau.
Và thánh Tông Đồ còn dạy: “Có nóng giận thì sao cho đừng mắc tội, chớ
để mặt trời lặn mà cơn giận chưa tan” (Ep 4,26). Có nghĩa là khi ta bị ai làm hại, hãy bắt chước Chúa Giêsu trong
ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, lúc Ngài bị treo lên thập giá thì trời sầm tối, Ngài
đã cất tiếng cầu nguyện cho kẻ hại mình (x.Mt
27, 45 và Lc 23,34).
d. Thăng tiến tri thức vươn đến trưởng thành:
Thánh Phaolô nói: “Khi tôi còn trẻ, tôi nói năng như trẻ nhỏ,
tôi suy nghĩ như trẻ nhỏ. Nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại đi những gì
là trẻ nhỏ” (1Cr13,11).
Thực vậy trẻ nhỏ nói trước hiểu
sau. Tình trạng ấu trĩ ấy dần dần phải loại bỏ khi đến tuổi trưởng thành: hiểu
biết rồi hãy nói năng.
e.
Sống với Chúa và mọi
người bằng tình yêu:
Lời KinhThánh nói:“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn
lặng lẽ an vui” (Tv 131/130,1-3). Thực
vậy, một đứa trẻ lớn lên phát triển về mọi phương diện, không phải chỉ được
nuôi bằng cao lương, mà quan trọng là được nuôi bằng tình yêu.
Tình yêu đối với Chúa phải ưu tiên
cho việc đến Nhà Thờ đón nhận nguồn sống Chúa ban khi Hội Thánh cử hành Phụng
Vụ, và trong cuộc sống phải đối xử nhân ái với đồng loại như Chúa phán qua
miệng ngôn sứ Ezêkien: “Ngươi không làm
cho vợ người đồng loại ra ô uế, không gần gũi phụ nữ đang thời kỳ ô uế, không
bóc lột ai, trả của cầm cho người cầm của, không cướp của ai, cho kẻ đói bánh
ăn, lấy áo che thân kẻ mình trần, không cho vay ăn lời, không lấy lãi quá nặng,
không nhúng tay vào chuyện bất công, xét xử công minh giữa người với người, thể
hiện lòng trung tín của mình, người ấy mới là người công chính, chắc chắn nó sẽ
được sống.
Nhưng nếu nó sinh ra một đứa con hung dữ, khát máu, phạm một trong
những tội trên chắc chắn sẽ phải chết, máu nó sẽ đổ trên mình nó. Hãy trở lại,
hãy từ bỏ mọi tội đã phản nghịch của các ngươi, chẳng còn chướng ngại nào làm
các ngươi phạm tội nữa. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới.
Sao các ngươi cứ truyền cho nhau câu ngạn ngữ này: “Đời cha ăn nho xanh, đời
con phải ê răng. Các ngươi sẽ không còn truyền cho nhau câu ngạn ngữ đó nữa vì
mạng sống của cha cũng như của con đều thuộc về Ta. Ai phạm tội kẻ ấy phải chết
nhưng Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết” (Ed 18,1-13.30-32).
Vậy dân Chúa phải cất lời cầu xin:
“Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng
trong trắng” (Tv 51/50,12a: Đáp ca năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Chúa Giê-su dạy: “Hãy để trẻ nhỏ đến với ta, đừng ngăn cấm
chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19,4)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH