Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ NĂM SAU CN 19 TN-NĂM LẺ: CHÚA THA TỘI TA, KHI TA THA LỖI ĐỒNG LOẠI
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Gs 3,7-10a.11.13–17
7 Ngày ấy, ĐỨC CHÚA phán với ông Giô-suê: “Hôm nay, Ta bắt đầu cho ngươi được nên cao trọng trước mắt toàn thể con cái Ít-ra-en, để chúng biết là Ta sẽ ở với ngươi như Ta đã ở với Mô-sê. 8 Còn ngươi, ngươi sẽ ra lệnh này cho các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước: khi đến bờ sông Gio-đan, các ngươi hãy đứng lại trong sông Gio-đan.” 9 Ông Giô-suê nói với con cái Ít-ra-en: “Anh em hãy tiến lại đây và nghe lời của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em.” 10a Rồi ông nói: “Dựa vào điều này, anh em sẽ biết là Thiên Chúa hằng sống ngự giữa anh em và Người sẽ hoàn toàn đuổi người Ca-na-an cho khuất mắt anh em. 11 Này đây, Hòm Bia Giao Ước của Vị Chúa Tể toàn cõi đất sắp dẫn đầu anh em mà qua sông Gio-đan. 12 Vậy bây giờ anh em hãy chọn mười hai người trong các chi tộc Ít-ra-en, mỗi chi tộc một người. 13 Và khi bàn chân các tư tế khiêng Hòm Bia của ĐỨC CHÚA, Vị Chúa Tể toàn cõi đất, vừa đặt xuống nước sông Gio-đan, thì nước sông Gio-đan, nước mạn ngược chảy xuống, sẽ bị chặn lại và dừng lại thành một khối duy nhất.”
14 Khi dân rời lều để qua sông Gio-đan, thì các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước dẫn đầu dân. 15 Bấy giờ là mùa gặt ; sông Gio-đan tràn ra hai bên bờ suốt mọi ngày. Lúc những người khiêng Hòm Bia vừa đến sông Gio-đan, và chân các tư tế khiêng Hòm Bia vừa nhúng vào nước ở ven bờ, 16 thì nước mạn ngược chảy xuống dừng lại, dựng đứng thành một khối duy nhất trong một khoảng rất dài, ở A-đam là thành ở cạnh Xác-than; còn nước chảy xuống biển A-ra-va, tức là Biển Muối, thì bị chặn hẳn lại, và dân đã qua sông, đối diện với Giê-ri-khô. 17 Các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước của ĐỨC CHÚA đứng yên tại chỗ, nơi đất khô cạn giữa lòng sông Gio-đan, trong khi toàn thể Ít-ra-en qua sông trên đất khô cạn, cho đến khi toàn dân đã qua hết.
ĐÁP CA: Tv 113A
Đ.        Halleluia.
1 Thuở Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập, thuở nhà Gia-cóp rời bỏ ngoại bang, 2 thì Giu-đa trở thành nơi Chúa ngự, Ít-ra-en nên lãnh địa của Người.
3 Vừa thấy thế, biển liền trốn chạy, sông Gio-đan cũng chảy ngược dòng. 4 Ví tựa bầy chiên, núi đồi nhảy nhót, như thể đàn cừu, gò nổng tung tăng.
5 Biển kia ơi, việc gì mà trốn chạy ? Gio-đan hỡi, cớ chi chảy ngược dòng ? 6 Kìa núi đồi, sao nhảy nhót ví tựa bầy chiên ? Này gò nổng, sao tung tăng như thể đàn cừu ? 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: Tv 118,135
Hall-Hall: Xin tỏa  ánh Tôn Nhan rạng ngời trên tôi tớ Chúa, Thánh Chỉ Ngài, xin dạy bề tôi. Hall.
TIN MỪNG: Mt 18,21-19,1
18       21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ?” 22 Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao !” 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” 30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?” 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
19       1 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Ga-li-lê và đi đến miền Giu-đê, bên kia sông Gio-đan. 
BÀI GIẢNG
CHÚA THA TI TA, KHI TA THA LI ĐNG LOI
Trong các giới răn của Chúa, tha thứ cho kẻ làm hại mình là điều khó nhất. Khó có ai không vướng mắc. Kẻ nào không biết tha thứ cho đồng loại, thì xin gì Chúa cũng không cho, vì thế ai không biết tha thứ thì cũng đừng cầu nguyện,trong kinh Lạy Cha Chúa Giêsu đã dạy như vậy (x Mt 6, 9- 15). Thế thì Chúa đòi hỏi chúng ta phải có tinh thần tha thứ cho đồng loại như thế nào? Vào thời Chúa Giêsu các Ráp-bi (Thầy dạy đạo) thì bảo là tha tối đa ba lần mà thôi (Việt Nam có câu: “Quá tam ba bận”). Ông Phê-rô nghĩ: chẳng biết tha thứ như các thầy Ráp-bi dạy thì có đẹp lòng Thầy Ráp-bi Giêsu hay không? Do đó ông cất tiếng hỏi: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc  phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt. 18, 21- 22 Tin Mừng)
F Ý nghĩa số 7: Trong Kinh Thánh,  số 7 mang ý nghĩa vô cùng hoàn hảo, bất tận, và phi thời gian.
-          Chúa tạo dựng vũ trụ cách tốt đẹp trong 7 ngày (x  St 1).
-        Chúa cho phép ông Cain báo thù 7 lần (x St 4,15). Có nghĩa là ông không được gia tăng báo thù, tốt hơn phải chơi đẹp với kẻ ác, như Thánh Phaolô nói: “ Kẻ thù ngươi đói hãy cho nó ăn, nó khát hãy cho nó uống” (Rm 12,20a).
-          Người công chính ngày phạm tội 7 lần mà biết trỗi dậy (x Cn 24,16).
-          Chúa Thánh Thần ban 7 ơn (x Is 11,2-3a).
-          Đức Giê-su trừ 7 quỷ xuất khỏi bà Maria Madalena (x Lc 8,2).
-          Con ông đội trưởng ngoại giáo được Đức Giê-su cứu sống vào giờ thứ 7 (x Ga 4,52).
-          Ơn Chúa ban qua 7 Bí tích.
F Ý nghĩa số 70: Đây là con số ám chỉ cả nhân loại sinh ra bởi dòng tộc ông Nôe (x St 10). Như thế ta không chỉ yêu đồng chủng, đồng tộc như người Do Thái dựa Luật Môisê dạy rằng: “Phải yêu dân tộc mình hơn dân ngoại” (x Mt 5,43), nhưng còn phải yêu đồng đều hết thảy mọi người trên thế gian vì cùng chung một ông tổ Nôe.
F Ý nghĩa số 70x7: Ông Phê-rô hỏi Đức Giê-su: “Con tha cho anh em 7 lần đã được chưa?”, Đức Giê-su trả lời: “Thầy không bảo là đến 7 lần, nhưng là đến 70x7” (x Mt 18,21-22: Tin Mừng).
Sở dĩ ông Phê-rô chỉ tha cho đồng loại 7 lần là vì ông không muốn bắt chước ông Cain báo thù 7 lần (x St.4,15). Mà Đức Giê-su đòi ông phải tha 70x7, nghĩa là luôn luôn tha thứ, kể không xiết, bất luận lúc nào, cho hết mọi loại người, lấy ơn đền oán, chứ không được giống ông Cain lấy oán báo oán. Bởi vì ông Phê-rô thuộc dòng giống Adam cuối cùng (Chúa Giêsu) hơn Ađam thứ nhất không có ơn cứu độ đã đòi báo thù để đạt lấy công bằng_giống ông Cain con trưởng của Adam hoặc giống ông Lamek cháu của Adam (x St 4,15.24). Như thế ông Phê-rô đã được sinh lại bởi Adam cuối cùng có ơn cứu độ, Ngài không bao giờ lấy dữ đáp lành, nhưng luôn luôn lấy điều lành báo kẻ ác (x Rm 12,21). Nói cách khác phải làm ơn cho  kẻ thù hơn lòng họ mong ước, vượt trên lẽ công bằng
Chúng ta biết rằng kẻ luôn tìm cách báo thù thì giống con vật, đi đâu cũng cúi mặt xuống, đầu đi ngang giống ông Cain (x St 4,6) ; khác với người làm ơn cho cả kẻ hại mình, thì luôn ngẩng đầu, vì đã đến giờ được cứu độ ! (x Lc 21,28)

Nhìn vào lược đồ trên ta thấy lịch sử loài người sau khi Adam, Eva phạm tội, càng ngày càng cắm mặt xuống vực thẳm tội lỗi, vì sự báo thù bất tận (-¥) ! Mặc dù Luật chỉ cho phép báo thù 7 lần như một cái thắng, cũng không dừng lại được ! Đó là thảm trạng dưới chế độ Luật Mô-sê (x Rm 3,7 ; Gl 3,22). Nhưng người tin Chúa dưới chế độ ân sủng do Con Thiên Chúa thiết lập trong Hội Thánh Ngài, lịch sử loài người phải được bẻ cong vươn lên, không phải chỉ đạt đến mức công bằng (điểm 0), mà còn phải luôn thi ân tới lúc viên mãn bất tận (+¥) !
Để hiểu rõ lý do ta phải tha thứ cho người anh em, Đức Giêsu kể dụ ngôn Mt.18,23-35: Một người mắc nợ vua 10.000 nén vàng; tương đương với 60.000.000 ngày công, nếu làm tối đa một năm 300 ngày thì phải mất 2.000 năm lao động liên tục! Thế mà đã được vua tha bổng. Khi ra về, anh gặp bạn chỉ nợ anh có 100 quan tương đương với 100 ngày công, anh bạn này không xin tha nợ mà chỉ xin khất, vậy nhưng kẻ được vua tha nợ lại tóm lấy bạn tống vào ngục! Vua nghe được gọi tên nợ trở lại và cho tống giam, vì hắn không biết tha cho bạn chỉ 100 ngày công (1/3 năm), trong khi hắn được tha tới 2000 năm lao động tức là 60.000.000 ngày công (theo chú giải của TOB). Người nợ vua đó gọi là kẻ có TỘI; con nợ kẻ có tội gọi là người có LỖI. Bởi đó, trong kinh Lạy Cha Đức Giêsu dạy cầu nguyện: “Xin Cha tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có lỗi với chúng con” (Mt. 6, 12). Tình thương của Chúa tha thứ cho ta không có miệng lưỡi nào diễn tả cho thấu. Tình thương ấy được thể hiện như khi người Do Thái vượt qua sông Giođan chiếm miền đất Chúa hứa, nước sông Giođan đang chảy chạm vào bia Lời Chúa phải dừng lại, tạo nên một khúc sông khô ráo cho dân Do Thái đi qua an toàn (x Gs. 3, 7- 10a.11.13-17: Bài đọc năm lẻ), vậy tại sao dân Chúa chọn được Chúa Cha sai Con Một đến với họ, và Con Chí Ái của Chúa Cha đã lấy mạng mình hầu cứu kẻ có tội (x Rm 8, 32), mà dân Ngài chọn lại không biết vâng lệnh Chúa, như nước sông Giođan ngừng chảy, để dân Chúa cũng phải dừng tay lại không được báo thù người anh em mình để người anh em ấy được sống bình an trong Hội Thánh như dân Do Thái sống an bình trong miền đất Chúa hứa? nếu không biết thương tha thứ cho kẻ hại mình thì chắc chắn bị lãnh án như lời Đức Giêsu nói: “Cha Ta trên trời sẽ xử những kẻ nào không biết thương tha lỗi cho người anh em, giống như  ông vua đã truyền tống ngục kẻ mắc nợ vua dù đã được vua tha hết nợ, mà không hoãn cho người bạn chỉ xin khất nợ” (x Mt 18, 32- 35 Tin Mừng).
Kẻ bị tống ngục phải khốn nạn như dân Do Thái không nghe lời các ngôn sứ, chắc chắn sẽ bị đi lưu đày làm nô lệ cho dân ngoại (satan) như Chúa đã truyền cho ngôn sứ Êzekiel làm một hành động kỳ dị, trở nên dấu chỉ dân phải đi lưu đày, không còn được ở trong đất Chúa hứa chảy sữa và mật, dù Lời Chúa đã tỏ uy quyền rẽ nước sông cho dân đi qua chiếm miền đất ấy. Thực vậy,Chúa phán với ngôn sứ Êzekiel: “Hỡi con người, ngươi đang sống giữa một nòi phản loạn. Hãy chuẩn bị hành lý đi đày và hãy đi đày giữa ban ngày trước mắt chúng. Ngươi hãy đem hành lý của ngươi ra ngoài như hành lý của kẻ đi đày, giữa ban ngày, trước mặt chúng. Ngươi hãy khoét tường mà đưa hành lý ra. Hỡi con người, chẳng phải nhà Israel, nòi phản loạn đã nói với ngươi: “Ông làm gì thế?”. Ngươi hãy nói: "Tôi là điềm báo cho các ông. Tôi đã làm thế nào, thì sẽ xảy ra cho họ như vậy. Họ sẽ phải đi tù, đi đày.12Ông hoàng đang ở giữa họ sẽ vác hành lý lên vai lúc trời tối và sẽ ra đi; họ sẽ khoét một lỗ trên tường cho ông chui qua. Ông sẽ che mặt để chính mắt khỏi nhìn thấy xứ sở."(Ed. 12, 1- 12: Bài đọc năm chẵn).
Vậy “anh em đừng lãng quên những việc Chúa làm”(Tv 78/77, 7b: Đáp ca năm chẵn), và hãy cầu nguyện: “Xin tỏa ánh Tôn Nhan rạng ngời trên tôi tớ Chúa, Thánh Chỉ Ngài, xin dạy bề tôi”(Tv 119/118, 135: Tung hô Tin Mừng). Nhờ đó dân Chúa luôn cất lời chúc tụng: “Halleluia” (Tv 113A: Đáp ca năm lẻ).
THUỘC LÒNG
            Lấy ác báo lành, ta giống ma quỷ.
            Lấy ác báo ác, ta như chó sói.
            Lấy lành báo lành, ta thực là người.
            Lấy  lành báo ác, ta là con Chúa.
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
  

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: