BÀI GIẢNG
KHÔNG XÂY DỰNG HỘI
THÁNH
LÀ GIẾT ĐỨC GIÊSU
Dưới ngòi bút
của Mattheu, ông ghi lại ba lần Đức Giê-su loan báo Khổ Nạn của Ngài phải chết
vì những kẻ chống đối, thì ngay sau đó thánh sử Mt ghi nhận khuôn mặt tội lỗi
của các môn đệ lộ ra làm Đức Giê-su đau đớn hơn kẻ ác giết Ngài. Thực vậy:
- Theo Mt 16, 21-23. Sau khi Đức Giê-su loan báo Khổ Nạn lần I,
thì ông Phê-rô khuyên Thầy chớ liều mạng cho kẻ ác, vì ai gặp khổ là dấu Chúa
không thương. Đức Giê-su đã mắng ông là satan và đuổi ông lui ra đằng sau.
- Theo Mt 17, 22-27. Sau khi Đức Giê-su loan báo Khổ Nạn lần II,
thì người ta trách Đức Giê-su và các môn đệ không nộp thuế vào Đền Thờ.
- Theo Mt 20, 17-28. Sau khi Đức Giê-su loan báo Khổ Nạn lần III,
các môn đệ tranh nhau địa vị cao cả trong Nước của Thầy.
Trình thuật Đức Giê-su và các môn
đệ nộp thuế vào Đền Thờ (x Mt 17, 24-27: Tin Mừng), chỉ riêng có ông Mattheu
ghi nhận. Vì chủ đích Tin Mừng Mt, ông viết về Hội Thánh, mà Hội Thánh phải được xây dựng trên hai thực thể như giáo
huấn Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số 8 dạy: “Hội Thánh hữu hình và thiêng
liêng, Hội Thánh lữ hành tại thế và Hội Thánh dư tràn của cải trên trời
không được quan niệm như hai thực thể, nhưng chỉ là một thực thể phức tạp, duy
nhất, do hai yếu tố nhân loại và thần
linh kết thành”.
I. HỘI THÁNH ĐƯỢC
XÂY DỰNG TRÊN THỰC THỂ THIÊNG LIÊNG (yếu tố thần linh)
Chương 13 của Tin Mừng Matthêu ghi
lại bảy dụ ngôn Đức Giê-su dùng để diễn tả đời sống Hội Thánh. Dụ ngôn gieo
giống (rao giảng Lời Chúa) đứng hàng đầu, vì nếu không gieo Lời Chúa thì không
có Hội Thánh, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa không thể hiện hữu trên dương thế. Để
minh chứng Lời Chúa quan trọng trong việc xây dựng Hội Thánh, Chúa cho ngôn sứ
Êzekiel nhìn thấy bốn con vật kỳ lạ :
- “Con vật đầu tiên giống người ta” (Ed 1,4: Bài
đọc năm chẵn). Đây là dấu chỉ Tin Mừng Matthêu, Đức Giê-su thuộc dòng giống vua
Đavid, Ngài có bản tính loài người như mọi người khác, ngoại trừ tội lỗi.
(Nếu ta đọc tiếp Ed 1,10, thì còn thấy ba con vật khác nữa: con vật có mặt sư tử chỉ Tin Mừng Marco,
vì mở đầu Tin Mừng này, ông Marco ghi nhận Đức Giê-su bị satan cám dỗ, Ngài
sống giữa dã thú mà không bị chúng làm hại. Dã thú chúa tể sơn lâm chính là con
sư tử ; Hình con vật đầu bò ám chỉ Tin
Mừng Luca, vì mở đầu Tin Mừng này, ông Luca ghi nhận ông tư tế Zacarya vào
Đền Thờ dâng lễ theo Luật Do Thái, nên giết bò ; Con vật thứ tư đầu phượng hoàng, ám chỉ Tin Mừng Gioan, vì mở đầu Tin Mừng này, ông Gioan ghi nhận
Ngôi Lời đã làm người, ai đón nhận Ngài, thì được tái sinh làm con Thiên Chúa, tức là Ngài đưa con
người lên địa vị cao nhất, như chim phượng hoàng bay cao hơn mọi loài có cánh
khác).
-
“Bốn con vật có cánh vẫy đi như tiếng nước chảy”
(x Ed 1,24: Bài đọc năm chẵn), có nghĩa là Lời Chúa được loan đi phát sinh sự
sống cho những người khao khát chân lý, mơ ước sự thiện.
- “Có một vòm như cầu vồng trên đầu chúng” (x
Ed 1,25.28: Bài đọc năm chẵn), có nghĩa là Chúa Giê-su lập Giao Ước mới, như
xưa Thiên Chúa lập Giao Ước với ông Noe qua dấu cầu vồng (x St 9,13). Giao Ước
mới này bảo đảm cho con người được sống hạnh phúc đời đời trong Thiên Chúa.
-
“Đầu các sinh vật có cái gì giống như đá lam ngọc làm
ngai, trên ngai đó có một người ngự” (x Ed 1,26: Bài đọc năm
chẵn), có nghĩa là Tin Mừng làm cho ta trở thành Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự (x
1Cr 3,16).
-
“Có lửa bao quanh với ánh sáng lung linh”
(x Ed 1,27: Bài đọc năm chẵn), có nghĩa là ai đón nhận được Lời Chúa do Hội
Thánh rao giảng, thì được rạng ngời vinh quang hơn ông Mô-sê thuở xưa lên núi
Sinai nhận Lời Chúa (x Xh 34,29-35 ; 2Cr 3,17t).
Vì Lời Chúa quan trọng đến thế,
nên Chúa dùng ông Mô-sê nói với dân Ngài tuyển chọn: “Thiên Chúa đòi hỏi anh (em) đi theo mọi đường lối của Người, giữ các
mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh (em)
hôm nay, để anh (em) được hạnh phúc” (Dnl 10,12-13: Bài đọc năm lẻ).
II. HỘI THÁNH
ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN THỰC THỂ HỮU HÌNH (vật chất)
Hội Thánh lữ hành trần thế phải
biểu lộ sự giàu có Hội Thánh ngày cánh chung. Bởi đó mọi Ki-tô hữu phải đóng
góp của cải để xây dựng và phát triển Tin Mừng tùy theo Đức Tin và lòng mến (x
Điều răn V – ĐR mới theo sách GLHT số 2041-2043). Trách nhiệm đóng góp tiền bạc
của các Ki-tô hữu cho nhu cầu Hội Thánh đã được tiên báo trong đời sống đạo của
người Do Thái: “Bất cứ ai thuộc diện kiểm
tra dân số, từ 20 tuổi trở lên, người giàu cũng như kẻ nghèo phải nộp hai chỉ
bạc, tính theo đơn vị đo lường của Thánh Điện. Tiền dâng cúng ấy dùng vào việc
phục vụ Lều Hội Ngộ (Lều đặt hai bia đá ghi Mười Điều Răn): đối với con cái Israel
đó sẽ là kỷ vật trước nhan Đức Chúa, nhắc nhở rằng các ngươi đã chuộc mạng”
(Xh 30,13).
Theo chú giải trong “ Bible de jérusalem” của TOB (nhóm PVCGK dịch): vào
thời Đức Giê-su, thuế Đền Thờ phải nộp là hai đơ-rắc-men tương đương hai ngày
công, năm một lần, mỗi nam công nhân Do Thái, kể cả người sống ngoài đất Thánh,
phải đóng bằng tiền Do Thái để chi phí việc thờ phượng. Người ta bắt đầu thu
thuế này khoảng này 15 ngày trước lễ Vượt Qua.
Thế mà nhiều người thấy Đức Giê-su
và các môn đệ không đóng thuế Đền Thờ theo Luật nên họ phê bình. Đức
Giê-su nghe được, Ngài hỏi ông Phê-rô: “Simon,
ngươi nghĩ sao ? Vua chúa trên trần thu
thuế hay sưu nơi hạng người nào ? Nơi con cái hay nơi người xa lạ ?” Và ông thưa: “Nơi người xa
lạ”, Đức Giê-su mới nói với ông: “Vậy con cái được miễn” (Mt 17, 24-26: Tin
Mừng).
Ngài hỏi Phê-rô và giải thích cho
ông như thế có nghĩa Ngài là Chủ Đền Thờ, là Vua trời đất, các môn đệ là con
cái, thì theo Luật không phải đóng thuế Đền Thờ. Nhưng “để khỏi gây cớ vấp phạm, thì con hãy ra biển buông câu bắt được con cá
thứ nhất lên, hãy mở miệng nó và thấy có lạng bạc: con hãy lấy lạng bạc đó mà nộp cho họ, phần Thầy trước, phần
con sau” (Mt 17,27-28: Tin Mừng).
Đồng tiền ông Phê-rô lấy từ miệng
cá gọi là stater có giá trị bằng bốn đơ-rắc-men. Như vậy, những người Do Thái
nộp thuế Đền Thờ theo Luật chỉ có hai đơ-rắc-men, còn Đức Giê-su và các môn đệ
đã nộp gấp đôi. Đó là cách làm gương mẫu của Đức Giê-su phải quảng đại với công
việc Nước Thiên Chúa.
Ta lại biết con cá tiếng Hy Lạp là
Ictus, có hai nghĩa: con cá và bàn thờ. Như vậy, ông Phê-rô lấy tiền từ miệng
cá ngụ ý nói: hàng giáo sĩ nhờ chức vụ phục vụ bàn thờ mà có bổng lộc, thì vẫn
được dùng bổng lộc ấy, như Đức Giê-su đã nói: “Thợ thì đáng được của nuôi thân” (Mt 10,10 ; Lc 10,7). Nhưng không
phải chỉ dùng tiền của ấy nuôi thân xác, mà còn biết dùng nó để tạo phương tiện
làm tròn sứ mệnh Chúa trao, đó mới thực là của ăn đem đến sự sống đời đời, như
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Của ăn
của Thầy là làm theo ý Thiên Chúa đã sai” (Ga 4,34). Bởi đó, Đức Giê-su bảo
ông Phê-rô “con hãy nộp thuế vào Đền Thờ
phần Thầy trước”, ngụ ý tiền của hàng giáo sĩ có được thì phải ưu tiên dùng
vào việc phát triển Tin Mừng, xây dựng Nước Thiên Chúa.
Thánh Phao-lô đã làm gương về việc
này, như ông đã nói với các tín hữu: “Tôi
đã giảng Tin Mừng không công” (2 Cr 11,7-8), “mặc dù người giảng Tin Mừng được sống nhờ Tin Mừng, nhưng tôi đã không
dùng quyền ấy, trái lại, chúng tôi đã đành chịu đựng mọi sự, để khỏi gây trở
ngại cho Tin Mừng của Đức Ki-tô” (1 Cr 9,12-15). “Tôi không ăn vạ anh em đâu, vì điều tôi tìm không phải là của cải, mà
là chính mình anh em. Vả lại, không phải
con cái có bổn phận tích của cho cha mẹ, mà là cha mẹ cho con cái. Phần tôi,
tôi rất vui lòng có gì thì sẽ tiêu, và tiêu hao cả mình tôi nữa, vì linh hồn anh em. Phải chăng tôi hết
mực yêu mến anh em, nên tôi được yêu mến ít hơn?” (2Cr 12,13-15).
Vì đời sống thánh Phao-lô gương
mẫu như thế, nên các tín hữu thuộc giáo đoàn Makedonia cũng đã hết lòng đóng
góp vào công việc truyền giáo của ông, làm ông Phao-lô lên tiếng khen: “Họ đã tự động khẩn khoản nài nẵng chúng tôi
cho họ được tham dự vào việc phục vụ các thánh. Họ đã đi quá điều chúng tôi hy
vọng: họ đã tự hiến mình trước tiên cho Chúa, rồi cho chúng tôi vì ý Thiên Chúa”
(2 Cr 8,1t). Ông còn khen giáo đoàn Galat: “Nếu
có thể, anh em đã móc mắt hiến cho tôi” (Gl 4,15)
Vậy xây dựng Hội Thánh không phải
chỉ là quảng đại góp tiền của để Hội Thánh làm phát triển Tin Mừng, mà còn phải
chăm sóc những người đau khổ trong xã hội như ông Môisê nói: “Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em
đã từng là ngoại kiều ở đất Ai Cập. Chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), là Đấng anh (em) phải kính sợ ; chính Người là Đấng anh (em) phải phụng thờ
; chính Người là Đấng anh (em) phải ca tụng ; chính Người là Thiên Chúa của anh
(em). Cha ông của anh (em) chỉ có bảy mươi người khi xuống Ai Cập, mà bây giờ
ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã làm cho anh (em) nên nhiều như sao trên
trời.” (Dnl 10,19-22: Bài đọc năm lẻ). Nếu mọi người Công Giáo để hết
tâm hồn nghe và thực hành Lời Chúa, cụ thể rộng tay đóng góp của cải vật chất
cho việc phát triển Tin Mừng để xây dựng Hội Thánh, cũng như rộng rãi chia sẻ
với những người không có khả năng tự sống, thì chắc chắn dân Chúa đã làm cho “trời đất rạng ngời vinh quang Thiên Chúa”
(Tv 148: ĐC năm chẵn), vì đã làm ứng nghiệm lời kinh “Giêrusalem nào hãy tôn vinh Thiên Chúa” (Tv 147,12: ĐC năm lẻ). “Giêrusalem tôn vinh Thiên Chúa” là những
người Công giáo, nhờ tham dự Thánh Lễ, được Chúa ở cùng, Ngài giúp họ thực hành
lời thánh Phao-lô đã xác tín cho các tín hữu: “Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được vinh
quang của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô” (2Tx 2,14: Tung Hô Tin Mừng).
Được như thế “dân Chúa chọn đông như sao
trời nhiều như cát biển” (Dnl 10,22: Bài đọc năm lẻ)
THUỘC LÒNG
Hãy khó với mình, nhưng quảng đại với Chúa và tha nhân (x 2 Cr 6,12)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH