BÀI GIẢNG
CHÚA BẢO GÌ CỨ LÀM
THEO! (Ga 2,5)
Chúng
ta biết thuyền các Tông Đồ gặp sóng gió sau khi Đức Giê-su hóa bánh cá cho dân
ăn no nê. Đó là dấu chỉ người Ki-tô hữu dù mỗi ngày được ăn Bánh Hằng Sống
(rước Lễ), nhưng vẫn còn gặp sóng gió. Thực vậy, trình thuật thuyền các môn đệ
gặp sóng gió trên biển (x Mt 14,22-33: Tin Mừng) báo trước sóng gió Hội Thánh
phải đương đầu, sau khi Chúa Giê-su đã đánh gục tử thần đi vào vinh quang với
Cha. Bởi vì những chi tiết xảy ra trong trình thuật này được lặp lại sau khi
Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại :
SÓNG BIỂN TRƯỚC CHÚA PHỤC
SINH
- Vào buổi chiều, sau phép lạ hóa bánh, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện một mình (x Mt 14,22)
- Thuyền môn đệ gặp sóng gió (x Mt 14,24).
- Canh tư đêm tối, Đức Giê-su đi trên biển đến với các
môn đệ (x Mt 14,25)
- Môn đệ thấy Đức Giê-su lại tưởng là ma! (x Mt 14,27)
- Đức Giê-su trấn an các môn đệ: “Hãy vững lòng, Thầy đây, đừng sợ !” (x Mt 14,27)
- Đức Giê-su truyền cho ông Phê-rô đi trên biển mà đến
với Ngài (x Mt 14,29).
- Ông Phê-rô vẫn còn sợ sóng gió, nên ông kêu lên: “Lạy Thầy, xin cứu con !” (x Mt 14,30)
-
Đức Giê-su mắng các
môn đệ: “Hỡi kẻ kém lòng tin, sao lại hoài
nghi?” (x Mt 14,31b)
- Đức Giê-su giơ tay nắm lấy ông Phê-rô! (x Mt 14,31a)
|
SÓNG GIÓ NIỀM TIN SAU
CHÚA PHỤC SINH
+ Vào buổi chiều, sau bữa tiệc ly, Đức Giê-su cầu nguyện
một mình ở núi Cây Dầu (x Lc 22,39t ; Lc 23,34)
+ Chúa Giê-su sống lại rồi mà các môn đệ vẫn còn run sợ,
cửa nhà các ông luôn đóng kín (x Ga 20,19)
+ Vào canh tư đêm tối, lúc tảng sáng, Chúa Giê-su Phục
Sinh đến với các môn đệ đang ngồi run trong căn phòng đóng kín cửa ! (x Ga
20,1t)
+ Chúa Giê-su Phục Sinh đến với các môn đệ,họ la lên: Ma
kìa! (x Lc 24,27)
+ Chúa Giê-su Phục
Sinh nói với các môn đệ: “Bình an cho
anh em !” (x Ga 20,19)
+ Ai muốn đến với Chúa Giê-su Phục Sinh, phải qua nước Bí
tích Thánh Tẩy (x Mt 28,19)
+ Trong mỗi Thánh Lễ, kẻ sợ tội phải kêu lên: “Xin Chúa Ki-tô, thương xót chúng con
!”
+ Chúa Giê-su Phục Sinh mắng các môn đệ: “Chậm tin !” (x Lc 24,25) Ngài sai họ
đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian, “trong
số đó có kẻ còn hồ nghi” (Mt 28,17)
+ Kẻ tin Chúa đưa tay nắm lấy Chúa Giê-su Phục Sinh (rước lễ).
|
Có nhiều
loại sóng gió :
1. SÓNG GIÓ CHÚA CHO PHÉP XẢY ĐẾN ĐỀ
HUẤN LUYỆN CON NGƯỜI, như núi lửa, động đất, bệnh tật, sự
chết. Sóng gió này xảy ra trong một giai đoạn. Sở dĩ Chúa cho phép sự dữ này
xảy đến là muốn nhắc hết mọi người: Trái đất
chỉ là quán trọ, ai cũng phải chuẩn bị cho ngày ra đi định cư nơi Quê
Hương vĩnh viễn. Muốn được thế, phải luôn chuẩn bị cho ngày chết của mình. Ông
Pascal, nhà Toán học, Vật lý và Triết gia nói: “Vũ trụ có khả năng đè bẹp tôi, nhưng tôi vẫn hơn cả vũ trụ, vì vũ trụ
không biết gì về chiến thắng của nó, còn tôi, tôi biết về sự chết của mình”.
Như vậy ông Pascal có ý nói: Người nào biết chuẩn bị hành trang cho ngày ra
khỏi thế gian, người ấy quý hơn giá trị cả vũ trụ cộng lại. Những sóng gió trên
đây không độc ác, không đau bằng những sóng gió gây ra bởi những người Đức Giêsu
đã tuyển chọn,vì không thực hành lời Mẹ Maria dạy “ Giêsu bảo
gì, cứ làm theo” (Ga.2,5). Đan cử:
2. SÓNG GIÓ DO NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG ĐẠO TẤN CÔNG NHỮNG SỨ GIẢ CỦA
CHÚA: Các môn đệ đều bị hành hạ, bị giết chết chỉ vì nhiệt tình
giảng Tin Mừng ; các tín hữu thuộc giáo
đoàn Roma suốt 300 năm bị đế quốc Roma trù dập không trông sống nổi! Nhất là
ông Phao-lô dù được Chúa ở cùng, nhưng ông không thoát khỏi nỗi đau khổ bởi những
người đồng chủng, đồng đạo gây nên, vì họ chỉ tin vào thế lực Luật Mô-sê mà
được trở nên công chính, chứ không tin vào Chúa Giê-su. Bởi đó họ đã gây đau
khổ cho ông, như ông nói: “Lòng tôi rất
đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của
tôi theo huyết thống, mà tôi bị nguyền rủa và xa lìa Đức Ki-tô, thì tôi cũng
cam lòng. Họ là người Israel, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người
cho thấy vinh quang, ban tặng các Giao Ước, Lề Luật, một nền phụng tự và các
lời hứa ; họ là con cháu các tổ phụ, và sau hết, chính Đức Ki-tô, xét theo
huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ” (Rm 9,2-5: Bài đọc II). Mỗi
lần ông bị người đồng chủng, đồng đạo tấn công, họ đều đánh ông tối đa 39 roi
(x 2Cr 11,24). Tông Đồ của Đức Giê-su đau khổ như thế cũng chẳng lạ gì, ngay vị
đại ngôn sứ Ê-ly-a sau khi đã thành công dâng lễ trên núi Carmen, ông còn giết
luôn các tư tế thờ thần Baal, nên ông bị vua Akhaz truy nã, ông vội chạy trốn
lên núi, xin Chúa ra tay che chở,trong lúc ấy ông chợt thấy gió xé núi non, đập
vỡ đá, rồi lại thấy động đất, sau lại thấy lửa bốc cháy, ông tưởng là Chúa đang
đến bày tỏ sức mạnh để bênh đỡ ông, nhưng ông không thấy Chúa hiện đến, sau đó
ông nghe tiếng gió hiu hiu, lúc đó Chúa mới hiện diện, ông lấy áo choàng che
mặt rồi ra đứng ở cửa hang đón Ngài (x 1V 19,9a.11-13a: Bài đọc I). Chúa đến
trong làn gió hiu hiu là báo trước ngày Chúa Giê-su ra tay cứu độ loài người,
Ngài lội xuống sông Gio-đan để ông Gioan làm phép rửa cho, lúc ấy Thánh Thần
Chúa xuất hiện qua làn gió hiu hiu nghe như tiếng chim câu bay đến (x Mt
3,16b). Chúa Thánh Thần là Dầu Chúa Cha dùng xức trên Chúa Giê-su, để Ngài thi
hành quyền Vua cứu độ loài người.
Vậy
để chuẩn bị cho ngày ra đi cuối đời, Chúa muốn ai cũng nhớ đến thân phận yếu
hèn của mình, bất lực trước đòi hỏi nên giống Cha trên trời (x Mt 5,48) mà ăn
năn sám hối, xin Chúa thương xót. Chính vì vậy mà thánh Tông Đồ đã khiêm tốn và
can đảm thú nhận tội mình với giáo đoàn Roma: “Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi.
Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi
muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm
7,18-19). Khi cầu nguyện, Tông Đồ Phao-lô đã nhận ra rằng Chúa cho phép sự dữ
xảy đến để ông khỏi tự cao tự đại về những mạc khải cao siêu Chúa ban và để
quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn trong con người yếu đuối ! (x
2Cr 12,7-10).
Như
thế các loại sóng gió trên cần thiết phải xảy đến để con người biết sợ tội,
biết sợ sự chết mà sống tốt hơn.
3. SÓNG GIÓ DO GIÁO SĨ BỎ VIỆC CHÍNH MÀ
LÀM VIỆC PHỤ. Cụ thể các môn đệ vì được dân tín nhiệm, họ bán
cả tài sản lấy tiền đặt dưới chân các ông, để các ông phân phát đồng đều cho
mọi người, không còn người giàu, kẻ nghèo (x Cv 2,42t). Vì quá bận rộn công
việc này nên các ông đã xao nhãng việc cầu nguyện và giảng Lời.
Hậu quả gây sóng gió trong cộng đoàn, vì trong việc phân phát lương thực hằng
ngày, các bà góa bị bỏ quên (x Cv 6, 1-7).Thánh Phaolô nhắc nhở cho Giám Mục
Timôthêu:“Nhiều
kẻ hình thức của đạo Thánh thì họ còn giữ,nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ. Anh
hãy xa lánh cả những người ấy” (2 Tm.3,5 bản dịch PVGK) .Thánh Augustin mỉa mai: “Bạn chạy khỏe lắm,
nhưng trật đường mất rồi”.
Sự
cố trên ngày nay vẫn còn tiếp diễn nơi hàng giáo sĩ, hầu hết các ngài bận rộn lo việc mục vụ như xây
Nhà Thờ, chăm lo cho người nghèo, hoặc tổ chức những lễ hội linh đình, nên
không còn giờ để cử hành các Bí tích cách tích cực và chu đáo, nhất là không đủ
giờ đọc kỹ các Bài đọc trong Thánh Lễ,
để tìm ra sợi dây giáo lý xuyên suốt theo đúng quy định trong Hiến Chế Phụng Vụ số 24: “Trong việc cử hành Phụng Vụ, Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy, Hội Thánh trích từ Thánh
Kinh những Bài để đọc, những Bài để dẫn giải
trong Bài giảng.
Phải xúc tiến việc canh tân, phát triển và thích ứng Phụng Vụ, cần phải phát
huy lòng mộ mến Kinh Thánh đậm đà và sống động”,
và số 52: “Bài giảng phải căn cứ vào Thánh Kinh, để trình bày các mầu nhiệm Đức
Tin và những quy tắc cho đời sống Ki-tô giáo trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ,
rất đáng được coi như một phần của chính Phụng Vụ”. Bởi thế, nếu không
giảng đúng quy luật Phụng Vụ này, thì không còn phải là giảng Lời Chúa, trở
thành kẻ nói dối, Kinh Thánh nặng lời kết án loại này: “Nơi con người, nói dối là điều đê tiện xấu xa, kẻ dốt nát
cứ luôn mồm nói dối. Trộm cắp còn đỡ hơn nói dối, nhưng cả hai đều chuốc lấy hư
vong. Kẻ quen nói dối là kẻ vô liêm sỉ, nỗi nhục không bao giờ rời xa nó.”
(Hc 20,24-26).Thực vậy, ngôn sứ Kha-nan-gia tự cho mình nhân danh Thiên Chúa mà
nói những điều đẹp lòng mọi người: dân không còn cảnh lưu đày, ông chứng minh bằng việc lấy gông gỗ đang đeo cổ ngôn
sứ Giê-rê-mi-a mà bẻ nát quăng đi,nhưng hành động ấy chỉ là dối gạt, không đúng
ý Chúa, nên Chúa phán với ngôn sứ Giê-rê-mi-a rằng: “Hãy đi nói với Kha-nan-gia Chúa phán thế này: ngươi đã bẻ gãy cái gông
bằng gỗ, thì hãy làm những cái gông bằng sắt thế vào. Quả thật, Ta sẽ quàng một
cái ách bằng sắt vào cổ tất cả các dân này, khiến chúng phải làm tôi Nabukodonosor,
vua Babylon.
Ngay cả những giống vật ngoài đồng, Ta cũng trao cho nó”. Như vậy vì ngôn
sứ Kha-nan-gia nói dối mà dân phải khổ
hơn trước, và ông phải chết vào tháng thứ bảy năm ấy (x Gr 28,1-17).
Ngày
nay rất nhiều chủ chăn không có tinh thần giảng giống Chúa Giê-su,cũng chẳng
giống các Tông Đồ. Thực vậy:
- Đức Giê-su giảng cho dân tới ba ngày, họ phải bỏ việc, bỏ
ngủ, nhịn ăn để nghe Ngài, mà chẳng thấy ai phàn nàn. Đức Giê-su thấy thế Ngài
chạnh lòng thương, nói với các môn đệ: “Ta
xót thương dân này bởi đã ba ngày rồi họ lưu lại với Ta mà không có gì ăn! Để
họ nhịn đói mà lui về thì Ta không muốn, kẻo họ xỉu mất dọc đường” (Mt
15,32), Ngài còn thức suốt đêm dậy giáo lý cho ông Ni-cô-đê-mô vì ông này tỏ ra
cứng tin (x Ga 3). Nhưng không phải lúc nào Ngài giảng cũng được mọi người chấp
nhận. Đan cử có lần Đức Giê-su giảng về Bí tích Thánh Thể, một chủ đề quan
trọng nhất, thế mà toàn dân và nhiều môn đệ phê bình Ngài ăn nói sống sượng,
nên nhất loạt quay gót bỏ đi! Dù vậy Ngài cũng không hối hận vì bài giảng của
mình, Ngài còn thách thức cả Nhóm Mười Hai: “Cả các ngươi, các ngươi không muốn bỏ về hay sao?” (x Ga 6,22-71).
- Ông Phao-lô đến phục vụ tại Trôa suốt một tuần lễ,
ngày cuối cùng ông giảng tới sáng khiến anh Êutykho từ lầu ba ngủ gật nhào đầu
xuống đất, anh đã chết. Thế mà ông Phao-lô không cho ai đưa xác anh đi, ông ôm
anh đặt nằm dưới chân và tiếp tục giảng cho đến sáng. Chấm dứt bài giảng anh
Êutykho cũng hòa vào dòng người ra về trong vui vẻ. Điều này chắc chắn là nhờ
Đức Tin của ông Phao-lô, vì ông xác tín rằng cứ giảng Lời Chúa, không làm ai
phải chết, dù có chết cũng sống lại bình an (x Cv 20,7t).
Nhìn
hai mẫu giảng như trên, cho chúng ta xác tín: Người giảng Lời Chúa có quyền bắt
người khác nghe, không chiều theo ý ai. Thánh Phao-lô nói: “Nếu tôi luôn làm hài lòng người đời, tôi
không còn là nô lệ của Đức Ki-tô” (Gl 1,10), và giáo dân phải quảng đại,
phải từ bỏ những nhu cầu cần thiết cho thân xác để có nhiều giờ đến nghe Lời
Chúa để không thua các tín hữu thuở ban đầu.
Tiếc
rằng bữa ăn nuôi thân xác ai cũng thích ngồi lâu để dùng nhiều món, chẳng ai
quan tâm đến thời giờ. Trái lại bữa ăn nuôi linh hồn thì người ta rất sợ nghe
giảng nhiều điều!
Để
nhấn mạnh người giảng Lời cần có nhiều giờ để trình bày nhiều điều giống Chúa
Giê-su và người nghe cần phải quảng đại dành nhiều thời gian mới đón nhận được
tất cả những điều Chúa muốn nói. Nói cách khác Phụng Vụ Lời Chúa cần được kéo
dài. Thánh sử Luca ghi lại cho chúng ta hai chứng từ đáng phải suy nghĩ :
- Người giảng cần có nhiều thời giờ. Đức Giê-su mới lên
12 tuổi theo cha mẹ đi lễ đền thờ Giêrusalem, cuộc lễ kéo dài một tuần, sau khi
mọi người ra về, Ngài còn trốn cha mẹ ở lại để trao đổi giáo lý với các bậc tấn
sĩ (x Lc 2,41-52). Rõ ràng Đức Giê-su muốn Phụng Vụ Lời Chúa không phải chỉ được
kéo dài trong Thánh Lễ theo Luật, mà cần phải dạy dỗ dân nhiều điều (x Mc
6,34).
- Người nghe cần phải quảng đại dành nhiều thời gian.
Ông hoạn quan nước Á, dù là người ngoại giáo ông cũng đi lễ ở đền thờ
Giêrusalem, lễ xong trên đường về, ngồi trên xe ông mở Sách Thánh đọc, dù không
hiểu, Chúa thương tình sai Phó tế Philip đến giải thích Thánh Kinh và ban Thánh
Tẩy cho ông (x Cv 8,26-40). Điều này Kinh Thánh muốn nhấn mạnh: Cả đến người
ngoại sau khi dự Lễ ra về còn muốn tiếp tục tìm hiểu Lời Chúa. Trong khi đó
những người “đạo gốc” thì chỉ muốn Phụng Vụ Lời Chúa càng vắn càng tốt!
Nhìn
vào Hội Thánh trên hoàn vũ, nhiều nước trước đây có sức truyền giáo mạnh, nhưng
hôm nay chẳng còn mấy người muốn đến Nhà Thờ, vì họ đã không thực hành lời Đức
Maria dạy: “Chúa bảo gì cứ làm theo”,
mặc dù xác tín Lời Chúa rất cần thiết trong cuộc sống như trình bày ở trên. Kìa
sau lụt Hồng Thủy, con cháu Noe muốn xây dựng tháp Babel chạm Trời để lưu danh
muôn thuở, khi họ còn chung một ngôn ngữ, tháp cứ thế mà vươn lên, nhưng khi họ
bất đồng ngôn ngữ, thì việc xây tháp bất thành (x St 11). Con cháu Noe đó chính
là tiền thân những người qua nước Bí tích Thánh Tẩy vào Hội Thánh mới chính là
tầu Noe (x 1Pr 3,20t). Ngày nay nhiều người Công Giáo bỏ đạo hoặc không muốn
đến Nhà Thờ, cũng chẳng hy vọng kết thúc cuộc đời sẽ được “chạm Trời” (lên
Thiên Đàng), trừ khi các Nhà Thờ Công Giáo, mọi chủ chăn đều dựa vào các bản
văn Kinh Thánh mà Hội Thánh đã chọn đọc trong Thánh Lễ, để trình bày các mầu
nhiệm Đức Tin và những quy tắc cho đời
sống Ki-tô giáo trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ (x Hiến Chế Phụng Vụ số 52).Có
như thế, hàng giáo sĩ mới thực hiện giáo huấn của Công Đồng Vat.II trong Sắc
Lệnh Đời Sống Các Linh Mục số 4: “Dân Chúa được quy tụ
trước nhất là nhờ Lời Chúa, Lời này đặc biệt phải tìm thấy trên môi miệng các
Linh mục, vì Linh mục mắc nợ giáo dân về Lời Chúa”.
Đức
Hồng y Yves Congar, một Thần học gia nổi tiếng, ngay khi chưa được tấn phong
Hồng y, ngài đã đóng vai trò quan trọng trong việc soạn thảo các Bản Văn CĐ
Vat.II, cho nhận xét rất chí lý: “Tôi có
thể trích dẫn một loạt các bản văn để quả quyết rằng: một giáo xứ suốt ba mươi
năm không có Thánh Lễ,chỉ nghe giảng Lời cách cặn kẽ, thì chắc chắn về mặt Đức
Tin của họ rất vững mạnh và Đức Ái sống động tuyệt vời, hơn hẳn một giáo
xứ suốt ba mươi năm giáo dân chỉ dự
Lễ mà không được nghe giảng”.
Chính
vì vậy mà thánh Phao-lô nói: “Đức Ki-tô
đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao
giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô
hiệu” (1Cr 1,17).
Đức
Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã lưu ý và nhắc nhở cho các mục tử: “Một nỗi nguy hiểm thường xảy ra nơi các giáo sĩ, là họ
quá hăng say trong những công việc của Chúa, mà quên mất Chúa là Chủ công việc”.
4. SÓNG GIÓ LY KHAI HỘI THÁNH CÔNG GIÁO.
Dựa vào các sự cố Hội Thánh gặp sóng gió trên đây, ta có quyền xác tín
rằng đó lý do làm cho nhiều tín hữu ly khai với Hội Thánh. Thật vậy,
- Sở dĩ có anh em Chính
Thống Giáo hoặc Anh Giáo, vì
họ không
tin Đức Giáo hoàng là thủ lãnh Chúa đặt làm dấu chỉ hiệp nhất trong
Hội Thánh thay quyền Chúa Giê-su.
- Sở dĩ có nhiều giáo phái Tin Lành, vì họ không tin quyền giáo
huấn Chúa trao riêng cho Hội Thánh, họ xác tín rằng ai tin vào
Chúa Giê-su cũng được Chúa Thánh Thần soi sáng để hiểu Kinh Thánh và đem ra
thực hành, họ đã không quan tâm đến lời xác tín của thánh Phao-lô: “Thiên thần nào từ trời đến giảng Tin Mừng khác chúng tôi,
thì đó là đồ chúc dữ!” (Gl 1,8).
Về
Quyền Giáo Huấn, ta biết Chúa chọn ai và cho ai công bố Lời Chúa là quyền tự do
của Ngài, Chúa đã trao thì không bao giờ rút lại, dù người ấy có điều bất xứng.
Đan cử
-
Bà Miriam và ông Aharon thấy ông Mô-sê lấy vợ
ngoại người Kush, là gây gương xấu, cho nên họ
nói với nhau: “Dễ chừng Thiên Chúa chỉ
phán dạy ngang qua ông Mô-sê hay sao? Người đã không phán dạy ngang qua chúng
ta nữa đó ư?” Chúa liền lên tiếng trách: “Tại sao các ngươi dám nói phạm đến
Mô-sê tôi tớ của Ta”, và khí nộ Thiên Chúa bừng cháy phạt họ: Bà Miriam bị
phung hủi như tuyết” (x Ds 12).
-
Ông Phê-rô được Cha trên trời mạc khải riêng
cho, và Đức Giê-su đã đặt ông làm nền tảng xây dựng Hội Thánh. Thế nhưng sau đó
ông Phê-rô bị Đức Giê-su mắng là satan, vì ông đã khuyên Thầy đừng nộp mạng
mình cho kẻ ác, đó là dấu Chúa không thương
(x Mt 16,17-23). Nhưng ông được Đức Giê-su cầu nguyện riêng cho, để ông
không mất Đức Tin, vì ông có nhiệm vụ củng cố Đức Tin cộng đoàn (x Lc
22,31-32), để rồi Ngài dứt khoát trao sứ mệnh chăm sóc Hội Thánh cho, cụ thể ba
lần Ngài tra hỏi ông về tình yêu đối với Ngài, mỗi lần ông thưa có, thì Ngài
lại trao cho ông quyền chăn dắt đoàn chiên của Ngài (x Ga 21,15t).
Hai chứng từ trên cho
ta xác tín rằng: Chúa đã trao quyền công bố Lời Chúa cho ai, Ngài không bao giờ
rút lại, dù người đó còn bất xứng!
Vậy
muốn được Chúa “đổi phong ba thành gió thoảng
nhẹ nhàng, sóng đang gầm bỗng đâu im
tiếng, họ vui sướng vì trời yên biển lặng, và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ”
(Tv 107/106,29-30), thì ta hãy cầu nguyện: “Lạy
Chúa xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng
con”(Tv 85/84,8: Đáp ca). Vì “mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy
trông ở Lời Người” (Tv 130/129,5: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Với ai yêu mến Thiên
Chúa, thì Ngài đồng công cộng tác biến mọi sự nên tốt đẹp! (Rm 8,28)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH