BÀI GIẢNG
LỜI CHÚA VÀ THÁNH THỂ
CHÍNH LÀ KHO BÁU, LÀ NGỌC QUÝ
Ca dao
tục ngữ Việt Nam
có câu: “Giàu hai con mắt, khốn khó hai
bàn tay”.
§ Giàu nhờ con mắt biết
nhìn.
Ví dụ: sau năm 1975, tại miền Nam Việt Nam, nhiều người vội bán ruộng đất
của mình dùng tiền vượt biên đi ngoại quốc, người còn ở lại mua được với giá rẻ
mạt. Hai mươi năm sau, người Việt có đất chẳng cần trồng tỉa gì, chỉ trồng cọc
xi-măng phân lô bán, đương nhiên trở nên nhà tỷ phú hơn người lập cư ở nước
ngoài. Ấy chỉ vì người ở nhà có con mắt nhìn xa thấy rộng ; có khi nhìn một bãi
rác, họ biết khai thác phế liệu bán, rồi lại cắm cọc chia lô, thì họ hốt tiền
biết chừng nào! Trong khi đó có nhiều kẻ đi qua đống rác chỉ bịt mũi mà chạy
cho nhanh, vì không có con mắt kinh tế.
§ Khốn
khó hai bàn tay. Chính là nhờ hai bàn tay cần cù làm việc và sống
chân lý “năng nhặt chặt bị”, chắc chắn
người đó không rơi vào cảnh ăn mày ăn xin, có khi còn trở nên giàu có. Đan cử
như ông John Rockfeller năm 33 tuổi, tài sản ông chỉ có vỏn vẹn 1.000 dollars
cùng với cây xà-beng đi đào giếng mướn, dần dần ông mua được một đàn bò, rồi
nhiều đàn bò, bán bò ông mua nông trại, bán nông trại ông làm chủ một cơ sở lớn
nhất nước Mỹ vào tuổi 43. Nhưng không may khi ông được 53 tuổi,ông bị bệnh rụng
hết tóc đầu! Hội Đồng Bác sĩ bảo ông chỉ sống thêm một năm nữa! Báo chí đưa
hình hói đầu của ông lên trang nhất và chế giễu: “Ông không đủ tiền mua một sợi tóc!” Tỉnh ngộ ông bắt chước ông
Gia-kêu: đưa tài sản chia sẻ cho các cơ quan từ thiện, cho những chương trình
nghiên cứu khoa học phục vụ con người. Kết qủa ông đã sống thọ đến 98 tuổi,
thay vì chết ở tuổi 54 như bác sĩ chẩn đoán.
Những
mẫu người biết làm giàu trên đây, chắc chắn họ là những người giàu ý chí, cần cù làm việc, cũng như vất vả trải
qua những thăng trầm trong cuộc sống, họ mới có thể đạt tới vinh quang.
Chúng
ta biết mỗi người Chúa muốn ban cho năm vinh quang :
1/
Vinh quang nhờ Chúa Ki-Tô.
2/
Vinh quang nhờ trí tuệ thông minh.
3/
Vinh quang nhờ tài khéo lãnh đạo.
4/
Vinh quang nhờ giàu có của cải.
5/
Vinh quang vì có một thân xác cường tráng.
Nhưng
trong năm vinh quang trên thì vinh quang
nhờ Chúa Ki-tô quan trọng nhất, vì nếu thiếu vinh quang này, bốn vinh quang
kia sớm muộn cũng trở nên tro bụi. Bởi đó, chỉ ai được kết hợp với Chúa Giê-su,
thì bốn vinh quang còn lại mới có giá trị tồn tại muôn đời, làm vinh danh Chúa
(x Rm 11,36 ; Cv 5,38-39). Vì “vũ trụ đã
được hình thành bởi Lời của Thiên Chúa; cho nên, những cái hữu hình là do những
cái vô hình mà có” (Dt 11, 3 – Bản dịch PVGK). Giá trị vô hình đó không gì
sánh bằng Lời Chúa và Thánh Thể :
* LỜI CHÚA MỚI CHÍNH LÀ KHO
BÁU TRONG HỘI THÁNH
Sở dĩ
có kho báu chôn trong ruộng là vì vào thời dân Do Thái bị lưu đày bên Babylon
(- 734 đến – 582), rất nhiều người giàu có đã bí mật chôn giấu báu vật của
mình, phòng sau khi phải chạy giặc, lúc trở về còn có của nuôi thân, nhưng có
nhiều người không may mắn đã chết trong thời lưu đày mà không kịp trăn trối cho
ai tài sản của mình đã chôn giấu ! Sau cuộc chiến, ruộng ấy có khi rơi vào tay
người lạ, mà người ấy không hay biết có kho báu trong ruộng ! Khi một nông dân
đi cày mướn, tình cờ khám phá có kho báu, anh ta về bán tất cả tài sản để mua
thửa ruộng đó cho bằng được…Đó là kỳ thú vào thời Chúa Giê-su.
Người
tìm được kho báu trong ruộng, họ là người nghèo đi làm thuê, nhưng đầy ý
chí kiên cường mới trở nên giàu có. Cũng
thế, người thi hành sứ mệnh ngôn sứ để phân phát kho báu Lời Chúa phải thuộc loại
này. Đan cử ngôn sứ Giê-rê-mi-a, khi ông được Chúa đặt Lời vào miệng, ông nói: “Vừa gặp Lời Chúa tôi nuốt chửng, Lời Chúa
làm hoan lạc đời tôi, vì trên tôi danh Chúa được kêu khấn. Nhờ Lời Chúa, con
không ngồi chung vui với phường giễu cợt. Và Chúa nói với tôi: “Hãy trở về với
Ta, miệng ngươi sẽ trở nên như miệng Ta, ngươi sẽ quy tụ cả kẻ thù về với ngươi, chứ không phải ngươi trở lại với
chúng. Ta sẽ làm cho ngươi nên thành đồng kiên cố đối với dân đang chống lại
ngươi, chúng không làm gì được ngươi, vì Ta ở với ngươi, cứu sống ngươi và giải
thoát ngươi, Ta sẽ giải thoát ngươi khỏi tay kẻ dữ, sẽ cứu chuộc ngươi khỏi bàn
tay hung tàn” (Gr 15,16-21: Bài đọc năm chẵn).
Ai chiếm
được kho báu Lời Chúa, người đó đạt vinh quang mà không của cải vật chất nào
người ta dùng để tậu sắm được. Đan cử như ông Mô-sê, khi vào Lều Hội Ngộ được
Chúa đàm đạo với, lúc trở ra để nói cho dân biết Chúa dạy gì, thì ai cũng thấy
mặt ông rực sáng, khiến mọi người sợ hãi, không ai dám đến gần, nên ông Mô-sê
phải lấy khăn trùm mặt, lúc trở lại Lều Hội Ngộ để đàm đạo với Chúa, ông phải lột
khăn bỏ đi (x Xh 34, 29-35: Bài đọc năm lẻ).
Vinh
quang trên mặt ông Mô-sê chỉ là hình bóng diễn tả vinh quang của người Công Giáo có được nhờ vào Nhà Thờ dự Phụng
Vụ nhất là Thánh Lễ. Thánh Phao-lô xác quyết: “Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của
Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình
ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí (Lời
Chúa). Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán:
Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi
lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa
rạng ngời trên gương mặt Đức Ki-tô.” (2Cr 3,18 ; 4,6)
* THÁNH THỂ MỚI CHÍNH LÀ NGỌC
QUÝ
Người
giàu (buôn ngọc) đã tậu sắm được, vì bất cứ ai gia nhập Hội Thánh Công Giáo mà
đi dự Lễ thì được Chúa ở cùng, họ trở nên người giàu có nhất :
a- Được
Chúa cộng tác làm thăng hoa giá trị công việc. Thực
vậy, “với ai yêu mến Thiên Chúa, thì Ngài
đồng công cộng tác biến mọi sự nên tốt đẹp” (Rm 8,28). Tốt đẹp là biến tội
ra ơn, biến chết ra sống, Chúa còn giúp cho có khả năng làm những việc như Ngài
và còn làm hơn thế (x Ga 14,12). Thậm chí làm cho cả kẻ thù quy phục mình (x Gr
15,18-19: Bài đọc năm chẵn). Đặc biệt việc làm trở thành đức ái có giá trị tồn
tại muôn đời, như thánh Phao-lô nói: “Giả
như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà chia sẻ, hay nộp cả thân xác tôi để chịu
thiêu đốt, mà không có đức ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3),
ta biết “Thiên Chúa là Đức Ái” (1Ga 4,8).
b- Giàu
vì không bị lên án. Thánh Phao-lô nói: “Ai ở trong Chúa Giê-su thì không còn vấn đề lên án nữa”(Rm 8,1). Vì
thế mà thánh Phao-lô nói tiếp: “Nếu Đức
Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần
Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính”
(Rm 8,10). Hơn xưa ngôn sứ Giê-rê-mi-a được Chúa chọn đi loan báo Lời Ngài, mà
ông phải rên lên: “Con vô phúc quá, mẹ
ơi, mẹ sinh con ra làm gì,để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gổ với
con?Con chẳng cho ai vay, cũng không mượn của người, thế mà vẫn cứ bị nguyền rủa.
Quả thật, Ngài đã làm cho con đầy bực tức. Tại sao con cứ phải đau khổ hoài,
mang vết trọng thương hết đường cứu chữa?Phải chăng đối với con, Ngài chỉ là ngọn
suối trong ảo mộng, là dòng nước mơ hồ?” (Gr 15,10.18: Bài đọc năm chẵn).
c- Giàu
có nhờ Chúa Ki-tô. Ngài làm cho con người “trở nên một thụ tạo mới, con người cũ đã qua đi, và này con người mới
được tạo thành” (2Cr 5,17), vì được tái sinh bởi Lời Chúa (x Gc 1,18), và
Chúa Giê-su Phục Sinh (x Cv 2,38), nên được trở nên cùng một xương thịt, cùng một
sự sống với Thiên Chúa (x Ga 6,57), nhờ đó mà được “lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (x Ga 1,16). Vì thế người Công
Giáo phải tuyên xưng Đức Tin: “Chúa là chốn
con nương mình trong buổi gian truân” (Tv 59/58,17d: ĐC năm chẵn), và “lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài quả
là Đấng Thánh” (Tv 99/98,9c: ĐC năm lẻ).
Vậy
người Công Giáo được Chúa mở mắt nhận biết
kho báu Lời Chúa và ngọc quý Thánh Thể, mà không đầu tư mọi khả năng đón nhận,
và làm phát triển, thì quả là đắc tội.
Một
cán bộ cộng sản nói với các Linh mục trong dịp tĩnh tâm như thế này: “Theo tôi,
các Linh mục Ấn Độ chậm tiến ít là 200 năm. Các ông mù tịt về tất cả các hệ thống
tân thời để quảng bá tư tưởng. Các ông dùng tiền để xây cơ sở, còn chúng tôi
dùng tiền để in sách và làm báo chí. Các ông mở trường và dạy con nít biết đọc
biết viết, rồi các ông không cho chúng nó cái gì để đọc. Chúng tôi cho tất cả,
từ những chữ viết trên tường tới báo chí, từ những sách lớn tới sách nhỏ thích
hợp cho mỗi lứa tuổi và hoàn cảnh. Các ông có rất nhiều báo chí đạo đức, nhưng
có rất ít báo chí tư tưởng…
Các
ông lập các nhà in để kiếm tiền, chúng tôi lập nhà in để tuyên truyền, các ông
phân phát sữa bột cho dân nghèo, chúng tôi phân phát tư tưởng. Các ông bận tâm
lo lắng nuôi cái bụng của dân, chúng tôi nuôi tâm trí. Các ông nói là tư tưởng
hướng dẫn thế giới, nhưng các ông không quảng bá tư tưởng. Trong cuộc đọ sức tư
tưởng, các ông đã thua trên khắp thế giới và cả trên đất Ấn Độ… trên bình diện
tư tưởng các ông đã bại trận, vì chúng tôi tạo được dư luận, còn các ông thì bất
lực. Các ông phải tiêu tiền nhiều hơn nữa ít là gấp 100 lần cho báo chí, phim ảnh,
truyền thanh, truyền hình để giúp những ai muốn học và những ai có khả năng tạo
dư luận. Lời khuyên của tôi đáng giá ngàn vàng. Và vì đã cho các ông lời khuyên
này, tôi đáng bị loại khỏi đảng!”
Đức Tổng
Giám mục Phao-lô Nguyễn văn Bình trong dịp các Giám mục Việt Nam họp thường
niên tại thủ đô Hà Nội, sau khi đến chào thăm thủ tướng Phạm văn Đồng, Đức cha
Bình về nói với các thầy ở Chủng Viện Thánh Giuse Sài-gòn năm 1976: “Tôi
nhờ các vị Giám mục nhắc nhở cho giáo dân phải chịu khó mà đọc Kinh Thánh
!” Nhất là người Công Giáo đã biết Chúa nói với mình: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha
Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15b: Tung Hô Tin Mừng). Lời này làm
ta liên tưởng đến tình bạn giữa Gionathan và Đavid: Gionathan biết được ý thâm
độc của vua cha Sao-lê, nên báo cho Đavid đừng đến dự tiệc của vua, nhờ đó
Đavid thoát chết và sau này lên làm vua (x 1Sm 20).
THUỘC LÒNG
Xin Chúa soi lòng mở trí cho anh em thấy
rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia
nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh (Ep
1,18).
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH