Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ TƯ SAU CN 16 TN-NĂM LẺ: GIẢNG LỜI CHÚA LÀ ƠN GỌI BẨM SINH (người gieo giống)
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Xh 16,1- 5.9-13
1 Con cái Ít-ra-en nhổ trại rời Ê-lim lên đường, và toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en tới sa mạc Xin, giữa Ê-lim và Xi-nai, vào ngày mười lăm tháng thứ hai kể từ khi họ ra khỏi đất Ai-cập.2 Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en kêu trách ông Mô-sê và ông A-ha-ron.3 Con cái Ít-ra-en nói với các ông: "Phải chi chúng tôi chết bởi tay ĐỨC CHÚA trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây! "
4 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: "Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không.5 Ngày thứ sáu, khi chúng dọn phần ăn đã đưa về, sẽ có gấp đôi phần chúng lượm mỗi ngày."
9 Ông Mô-sê nói với ông A-ha-ron: "Xin anh nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en thế này: Anh em hãy lại gần thánh nhan ĐỨC CHÚA, vì Người đã nghe thấy những lời anh em kêu trách."10 Trong khi ông A-ha-ron nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en, họ quay mặt về phía sa mạc, và kìa, vinh quang ĐỨC CHÚA xuất hiện trong đám mây.11 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê:12 "Ta đã nghe tiếng con cái Ít-ra-en kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi."13 Thật vậy, buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại. Và buổi sáng thì có lớp sương phủ quanh trại.
ĐÁP CA: Tv 77
Đ.        Chúa ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ. (c  24b)
18 Họ chủ tâm thách thức cả Chúa Trời, đòi được ăn cho vừa sở thích. 19 Họ kêu trách Thiên Chúa rằng trong sa mạc này, liệu Chúa Trời có thể dọn gì cho ta ăn?
23 Chúa hạ lệnh cho mây tầng cao thẳm, lại truyền mở rộng cánh thiên môn; 24 Người khiến man-na tựa hồ mưa đổ xuống, và ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ.
25 Kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần, Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực. 26 Trên trời cao, Người giục gió đông thổi tới, dùng sức mạnh đưa ngọn gió nam về.

27 Người cho mưa thịt xuống nhiều như bụi, chim chóc ê hề như cát đại dương; 28 Người cho rớt vào ngay doanh trại, chung quanh lều dân ở. 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG:
Hall-Hall: Hạt giống là Lời Thiên Chúa, người gieo giống là Đức Ki-tô.Ai tuân giữ Lời Người, sẽ muôn đời tồn tại. Hall.
TIN MỪNG: Mt 13, 1-9
1 Khi ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ.2 Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ.3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.
4 “Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt.8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.9 Ai có tai thì nghe." 
BÀI GIẢNG
A. PHẦN GIẢI THÍCH
Tại sao người đi gieo giống không chọn đất tốt để gieo hạt, mà gieo cả trên đường, trên sỏi đá, vào bụi gai ? (x Mt 13, 4t)
Ruộng lúa của Do Thái sau vụ gặt để hoang, khiến nhiều người đi tắt ngang tạo nên con đường mòn, bên cạnh đó là những khóm cỏ hoang mọc lên. Đến mùa gieo giống, người nhà nông đem hạt vãi trên thửa đất của mình rồi mới cày lấp hạt giống xuống, như thế những hạt rơi trên đường chủ ruộng chưa kịp cày, thì chim trời bay ngang qua trông thấy nó xà xuống công đi mất! Khi tra lưỡi cày xuống ruộng, vì đất Do Thái có nhiều đá, nên lưỡi cày vần cục đá nhô lên, đội hạt giống nằm trên. Khi hạt giống vừa nảy mầm, vì không có nước nên khô héo; những hạt rơi vào bụi cỏ, bụi gai, dù lưỡi cày đã úp bụi cỏ, bụi gai xuống, nhưng có sẵn rễ, nó mọc nhanh hơn hạt giống còn phải qua thời kỳ nảy mầm, do đó cỏ làm chết ngạt hạt giống, không mọc chen với cỏ được!
B. GIÁO HUẤN
GIẢNG LỜI CHÚA LÀ ƠN GỌI BẨM SINH
 
Ta biết chủ đích tác giả Mat-thêu viết Tin Mừng là để diễn tả đời sống của Hội Thánh, đã được sinh ra bởi Chúa Giê-su Phục Sinh. Để minh chứng đời sống Hội Thánh là công trình tạo dựng mới của Thiên Chúa, tác giả Mt ở chương 13 ghi lại: Đức Giê-su đã dùng bảy dụ ngôn :
1-     Gieo giống.
2-     Lúa cỏ chen nhau mọc.
3-     Hạt cải nhỏ bé mọc thành cây lớn.
4-     Men làm dậy bột.
5-     Kho báu trong ruộng.
6-     Ngọc quý.
7-     Lưới cá.
Đây được gọi là tuần Sáng Thế Mới, vì mở đầu Tuần Sáng Thế này, Đức Giê-su nói về người gieo giống trong ruộng. Marco và Luca giải thích: đó là gieo Lời Chúa. (x Mc 4,14 ; Lc 8,11). Như thế, Đức Giê-su muốn xác định rằng: không gieo Lời Chúa thì không thể tạo nên cuộc Sáng Tạo Mới, để có “hạt giống tốt là con cái Nước Thiên Chúa” (Mt 13,38), làm hoàn tất việc sáng tạo con người giống Thiên Chúa khởi đi từ ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Vì mỗi ngày Ngài chỉ phán một Lời, tức khắc vạn vật xuất hiện vô cùng tốt đẹp (x St 1). Vì Hội Thánh là cộng đoàn “giống tốt con cái Nước Trời”, là gia tộc của Đức Giê-su (x Mt 12, 49-50). Đây là hiệu quả do việc gieo Lời vào lòng người qua dụ ngôn người gieo giống. Thực vậy, nếu không gieo hạt giống Lời  (x Mt 4,14 ; Lc 8,11), để sinh “giống tốt là con cái Nước Trời” (Ki-tô hữu) [x Mt 13,38], thì chẳng có chuyện thu góp hoa trái của cuộc sáng tạo vào kho Nước Trời (không một ai được vào Thiên Đàng), dù đã từng nghe Đức Giê-su nói “trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,2-3). Ta muốn có chỗ trong Nước Trời là nhờ khi còn sống, mỗi ngày dự Phụng Vụ đã được Hội Thánh gieo hạt Lời vào tâm hồn. Vì “hạt giống là Lời Thiên Chúa, người gieo giống là Đức Ki-tô, ai tuân giữ Lời Người sẽ muôn đời tồn tại” (Tung Hô Tin Mừng).
Hội Thánh là Hiền Thê của Chúa Giê-su (x Ga 3,29 ; 2 Cr 11,2), thì Hội Thánh phải sinh nhiều “con cái Nước Trời” cho Đức Lang Quân Giê-su. Đó là lý do Đức Giê-su đã sai các  môn đệ đi giảng Tin Mừng cho muôn dân, chứ không dừng chân giới hạn nơi dân tộc Do Thái mà thôi, hầu làm cho mầu nhiệm Nước Trời thêm nhiều môn đệ, sinh nhiều hoa trái việc lành làm vinh hiển Thiên Chúa (x Mt 28,19-20 ; Ga 15,8). Vì thế, không một người Công Giáo nào được phép cưỡng lại ý Chúa mà không tích cực loan báo Tin Mừng. Sứ mệnh này là ơn gọi bẩm sinh, như Chúa đã nói với ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết  ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân." Nhưng tôi thưa: "Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!" Đức Chúa phán với tôi: "Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói.  Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi", - sấm ngôn của Đức Chúa. Rồi Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng tôi và phán: "Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng.” (Gr 1, 5-10: Bài đọc năm chẵn).
Việc loan báo Tin Mừng là ơn huệ cho ta sống hạnh phúc, thì ta phải nói được như thánh Phao-lô: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.” (1Cr 9,16-17). Bởi thế giáo huấn của Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số  35 dạy: “Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới, cả những lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế”.
Người loan báo Tin Mừng cần nhất phải tin tưởng vào sức mạnh đổi mới của Lời Chúa, như Lời Kinh Thánh nói: “Như mưa thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, phát sinh sự sống, hơn thế, Lời từ miệng Ta phán ra, thấm vào lòng người sẽ không trở lại với Ta cách hư luống, nhưng thực hiện điều Ta muốn” (Is 55,10-11). Nước mưa đổ xuống nơi nào, thì dù ta muốn hay không, tất yếu sinh sự sống như cỏ, côn trùng, thậm chí tảng đá không thấm nước mà được nước mưa dầm dìa đổ xuống, lâu ngày cũng có rêu mọc lên. Còn hơn thế nữa, khi Lời Chúa đã được gieo vào lòng người, tất yếu sinh hiệu quả tốt,còn hơn nhà nông đi gieo giống, dù họ biết có nhiều hạt bị thất thoát: “Hạt rơi trên đường, trên đá, vào bụi gai”, thế mà người gieo vẫn tin tưởng có mùa gặt, nhờ kiên nhẫn trong niềm tin và trông cậy ơn Chúa phù hộ cho công việc để có thu hoạch. Người gieo giống biết chắc việc thu hoạch còn lệ thuộc vào ơn Chúa cho, vì “có hạt được 100, hạt được 60, hạt được 30” (Mt 13,8: Tin Mừng). Kết quả này làm ta phải suy nghĩ: cùng một mảnh đất tốt và cùng gieo những hạt giống tốt như nhau, thế mà có hạt cho năng suất 100, hạt khác chỉ đạt 60 hay 30! Là hoàn toàn do ơn Trời, chứ không phải do người gieo. Bởi thế, trước khi lên đường rao giảng Tin Mừng, ta phải vào Nhà Thờ dự Lễ để được Chúa Thánh Thần khắc ghi Lời vào tâm hồn và thân xác của ta (x 2Cr 3,3), và được rước Lễ để kết hợp với Chúa Giê-su, có thế ta mới sống lời thánh Phê-rô dạy: “Ai có nói thì nói Lời Chúa, ai phục vụ thì phục vụ bằng sức mạnh Chúa ban, có thế trong mọi việc chúng ta làm mới tôn vinh Thiên Chúa” (1Pr 4,11).
Kìa dân Do Thái suốt 40 năm băng qua sa mạc không làm lụng, không kho lẫm, nhưng nhờ hằng ngày đi lượm manna từ trời rơi xuống mà ăn, mới đủ sức để tiến về miền đất chảy sữa và mật Chúa hứa ban (x Xh 3,17). Ngày nào không ăn manna, thì không đủ sức lên đường, vì “Chúa đã ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ” (Tv 78/77, 24b: ĐC năm lẻ). Chúa Giê-su giải thích manna đó là hình bóng Bánh Hằng Sống (Chúa Giê-su Phục Sinh) mà Chúa Cha thương ban cho thế gian. Xưa kia cha ông họ ăn manna rồi cũng phải chết, nhưng ai ăn Thịt và Máu Chúa Ki-tô thì được sống dồi dào như Thiên Chúa, có chết cũng sống lại (x Ga 6,32t). Thế mà nhiều người Công Giáo không chịu đến dự Lễ, làm sao có sức, có nghị lực để lên đường đi loan báo Tin Mừng ?! Chính vì thế mà thánh sử Luca không ghi sau khi Chúa Giê-su về trời các Tông Đồ đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng như ông Mat-thêu (x Mt 28,19-20), mà ông Luca lại ghi sau khi Chúa Giê-su về trời, các Tông Đồ hằng ở trong Đền Thờ chúc tụng Chúa (x Lc 24,50-53). Sở dĩ hai ông Mat-thêu và Luca ghi khác nhau như thế, vì Chúa muốn chúng ta phải hiểu rằng :
-   Cầu nguyện, nhất là tham dự Thánh Lễ cũng là cách truyền giáo, chứ không nhất thiết chỉ lên đường đi rao giảng Tin Mừng.
-   Trước khi lên đường truyền giáo, ta phải dự Lễ, mới có đủ nghị lực, đủ khả năng loan báo Tin Mừng.
-   Nếu cân đo giữa cầu nguyện và giảng Tin Mừng, thì cầu nguyện vẫn quan trọng hơn. Vì nếu không cầu nguyện để được Chúa ở cùng, thì dù có làm việc tốt đến đâu cũng chỉ là việc của loài người, trước sau ra tro bụi. Do đó phải làm việc nhờ, với, trong Chúa Giê-su mới có giá trị cứu độ và tôn vinh Thiên Chúa (x Cv 5,38-39).
Khi đã cầu nguyện được Chúa ở cùng mà xem ra công việc lại thất bại, thì ta nhớ mình chỉ là “đầy tớ vô dụng, không biết làm việc gì hơn là bổn phận phải làm” (Lc 17,10). Vì cũng như người đi gieo hạt giống, bổn phận cứ gieo, có người khác bón tưới, nhưng mọc lên là do ơn Trời (x 1 Cr 3,6). Kìa Đức Giê-su đi gieo Lời, cũng phải kiên nhẫn,chịu đựng đón nhận kết quả xem ra hẩm hiu, như Ngài nói: “Không biết ngày tôi trở lại, có gặp được niềm tin vào trên mặt đất này không?” (Lc 18,8). Thế nên người tôi tớ của Thiên Chúa phải luôn tự nhủ mình rằng: “Tôi đã vất vả luống công phí sức mà chẳng được gì, chính Chúa minh xét cho tôi, và phần thưởng của tôi nơi tay Ngài” (Is 49,4).
Vậy ngày nào Chúa cho ta còn sống trên đời,  hãy luôn cầu nguyện: “Lạy Chúa, miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban” (Tv 71/70, 15: ĐC năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng tôi và phán: “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng” (Gr 1, 9-10).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
  

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: