BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Xh 14, 21-15,1
14 21 Khi ấy, ông Mô-sê giơ tay trên mặt biển,
ĐỨC CHÚA cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hoá
thành đất khô cạn. Nước rẽ ra,22 và con cái Ít-ra-en đi vào giữa
lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu.23
Quân Ai-cập đuổi theo; toàn thể chiến mã, chiến xa và kỵ binh của Pha-ra-ô tiến
vào giữa lòng biển, đằng sau dân Ít-ra-en.24 Vào lúc gần sáng, từ
cột lửa và mây, ĐỨC CHÚA nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập, Người gây rối loạn trong
hàng ngũ chúng.25 Người làm cho chiến xa kẹt bánh, khiến chúng phải
vất vả mới di chuyển nổi. Quân Ai-cập bảo nhau: "Ta phải trốn bọn
Ít-ra-en, vì ĐỨC CHÚA chiến đấu chống lại người Ai-cập để giúp họ."26
ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: "Hãy giơ tay trên mặt biển, nước sẽ ập xuống
trên quân Ai-cập cùng với chiến xa và kỵ binh của chúng."27 Ông
Mô-sê giơ tay trên mặt biển, và biển ập lại như cũ, vào lúc tảng sáng. Quân
Ai-cập đang chạy trốn thì gặp nước biển, ĐỨC CHÚA xô ngã quân Ai-cập giữa lòng
biển.28 Nước ập xuống, vùi lấp chiến xa và kỵ binh, vùi lấp toàn thể
quân lực của Pha-ra-ô đã theo dân Ít-ra-en đi vào lòng biển. Không một tên nào
sống sót.29 Còn con cái Ít-ra-en đã đi giữa lòng biển khô cạn, nước
sừng sững như tường thành hai bên tả hữu.30 Ngày đó, ĐỨC CHÚA đã cứu
Ít-ra-en khỏi tay quân Ai-cập. Ít-ra-en thấy quân Ai-cập phơi thây trên bờ
biển.31 Ít-ra-en thấy ĐỨC CHÚA đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập.
Toàn dân kính sợ ĐỨC CHÚA, tin vào ĐỨC CHÚA, tin vào ông Mô-sê, tôi trung của
Người.
15 1 Bấy giờ ông Mô-sê cùng với con cái Ít-ra-en
hát mừng ĐỨC CHÚA bài ca sau đây. Họ ca rằng:"Tôi xin hát mừng CHÚA, Đấng
cao cả uy hùng: Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương.
ĐÁP CA: Xh 15
Đ. Nào ta
hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng. (x c 1b)
8 Nộ khí Ngài, lạy
Chúa, đã khiến nước dâng lên, sóng trùng dương dồn lại dựng đứng như tường
thành; giữa lòng biển thẳm sâu, nước bỗng đâu ngừng chảy. 9 Địch
quân tự nhủ rằng: "Ta đuổi theo bắt lấy, chiến lợi phẩm đem chia, mới no
lòng thoả dạ; ta tuốt lưỡi gươm trần, cứ thẳng tay tiêu diệt."
10 Ngài hà hơi nổi gió,
biển vùi lấp chúng đi, chìm lỉm tựa như chì giữa nước sâu cuồn cuộn. 12
Tay hữu Ngài giơ lên, đất rẽ ra nuốt chúng.
17 Ngài cho dân tiến
vào, định cư họ trên núi, núi gia nghiệp của Ngài. Lạy CHÚA, chính nơi đây Ngài
chọn làm chỗ ở, đây cũng là đền thánh tự tay Ngài lập nên.
BÀI GIẢNG
A. PHẦN TÌM HIỂU
Trước
khi chúng ta đi vào giáo huấn của Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay, ta hãy giải
đáp hai thắc mắc
- Dựa vào Tin Mừng anh em Tin Lành xác định Đức Giê-su có anh em, thế thì làm
sao người Công Giáo lại tin Đức Ma-ri-a chỉ sinh Đức Giê-su nên vẫn còn đồng
trinh ? (Mt
12, 46)
- Tại sao ngôn sứ Mikha
lại cầu xin với Chúa dùng gậy để chăn dắt dân ? (Mk 7,14a)
1/ HỘI THÁNH VẪN TIN ĐỨC MARIA LÀ MỘT TRINH NỮ, khác với anh em Tin
Lành
Anh em Tin Lành tin
rằng Đức Ma-ri-a chỉ đồng trinh khi sinh Đức Giê-su mà thôi, đó là quyền năng
của Chúa Thánh Thần. Còn sau khi đã sinh Đức Giê-su thì không còn đồng trinh,
cụ thể:
§ Đức Giê-su đang giảng,
có Mẹ và anh em Ngài đến mời Ngài ra để nói chuyện (x Mt 12,46). Như thế
bà Maria sau khi sinh Đức Giê-su còn sinh nhiều người em khác nữa.
§ Bà Maria sinh Con đầu
lòng và lấy tã vấn Con đặt trong máng cỏ (x Lc 2,7). Đã nói Đức Giê-su là con
đầu lòng thì phải hiểu là người mẹ còn sinh nhiều người con khác nữa.
§ Ông Giuse và bà Maria không
ăn ở với nhau cho đến khi bà sinh Con (x Mt 1,25). Như thế ông Giuse và bà
Maria chỉ không ăn ở với nhau cho đến khi sinh Đức Giê-su, sau đó hai ông bà
vẫn ăn ở với nhau.
Nhưng Hội Thánh Công
Giáo vẫn tin Mẹ Ma-ri-a đồng trinh vì:
* Từ “anh em” mà Kinh Thánh dùng, tiếng Do-Thái gọi là “Ăch”
tiếng Hy-Lạp gọi là “Adelphoi”. Từ này hiểu chung về cả anh em ruột
và anh em họ, giống như tiếng Việt Nam: con chú cũng gọi là em; con
bác cũng gọi là anh. Thực vậy, Abraham là chú của Lot, mà Abraham gọi Lot bằng từ Ăch, hoặc Adelphoi (x St 13,8 ; 14,12 ;
29,10).
Thế thì tại sao anh em
Tin Lành chỉ chọn một nghĩa anh em ruột để phủ nhận Đức Ma-ri-a đồng trinh!?
* Ngôn sứ Isaia loan báo Đấng Cứu Độ: “Một người nữ sẽ sinh con” (Is 7,14). Người nữ này tiếng Do Thái
là Almah. Almah không nhất thiết là trinh nữ, cũng
không khẳng định là mất trinh. Vì từ này có nghĩa chung là một cô vợ trẻ, hay
cô gái đến tuổi dậy thì. Nhưng bản văn tiếng Do-Thái đã được dịch ra tiếng
Hy-Lạp, thì lại xác định: cô vợ trẻ đó
là một trinh nữ (Parthenos), dịch như thế là dựa vào lối giải thích từ
ngữ (ngữ vựng) tiếng Do Thái trường Alexandria
(theo Bible Jérusalem). Như vậy bản Hy-Lạp xác định truyền thống giải thích
danh từ Almah với ý nghĩa rõ rệt là một trinh nữ, để chỉ người Mẹ của Đấng
Emmanuel. Mà bản văn Kinh Thánh tiếng Hy-Lạp này, Đức Giê-su và các môn đệ đã
dùng để giảng dạy.
* “Bà sinh Con đầu lòng” (Lc 2,7): Tác giả Luca không có ý nói: đã có
con đầu lòng là tất yếu phải sinh con nữa. Mà ông viết câu này chỉ có ý nhấn
mạnh: gia đình Nazareth
rất cẩn thủ giữ Luật Mô-sê, mà Luật Mô-sê thì buộc cha mẹ phải dâng con đầu
lòng cho Thiên Chúa (x Xh 13).
* “Hai ông bà không ăn ở với nhau cho đến khi sinh con” (Mt 1,25): Anh
em Tin Lành dựa vào câu này mà xác định rằng: Đức Ma-ri-a chỉ đồng trinh cho
đến khi sinh Đức Giê-su mà thôi. Bởi vì bà sinh con là do quyền năng Chúa Thánh
Thần. Nhưng ta phải biết rằng thuật ngữ “cho
đến khi” trong Thánh Kinh có ý nhấn mạnh một điều gì đã có, đang có, và không bao giờ mất đi. Thí dụ: Chúa Giê-su nói với các
môn đệ: “Thầy ở với các con mọi ngày cho
đến tận thế” (Mt 28,20), có nghĩa là Chúa đang ở với các môn đệ và mãi mãi
không bao giờ lìa xa ; thế thì câu Mt 1,25 nhấn mạnh sự đồng trinh của Đức
Ma-ri-a cũng không bao giờ mất đi !
Ngoài ra, Hội Thánh
Công Giáo dưới cái nhìn thần học phải xác nhận Đức Maria là một Trinh Nữ vì:
* Maria là khuôn mẫu của Hội Thánh: Maria sinh Chúa Giê-su là đầu của
Hội Thánh ; còn Hội Thánh sinh các Ki-tô hữu là chi thể trong Thân Mình mầu
nhiệm Chúa Ki-tô. Hội Thánh không liên hệ tới một người khác phái nào mà vẫn
sinh con, do đó Chúa Giê-su gọi Hội Thánh là một cộng đoàn trinh nữ (x Mt
25,1-13), thì Đức Ma-ri-a cũng không ăn ở đời vợ chồng với ông Giuse.
* Thánh I-rê-nê nói: “Adam cũ
được sinh ra bởi đất trinh (đất chưa ai canh tác), Adam cuối cùng (Đức Giê-su)
sinh ra bởi Mẹ đồng trinh”.
* Xét về mặt tâm lý và nhân bản: Nếu Đức Giê-su còn
anh em ruột, thì không thể nào trước giờ chết Ngài phải nhờ ông Gioan chăm sóc
Mẹ mình (x Ga 19,25-27).
2/ CHÚA DÙNG GẬY CHĂN DẮT DÂN NGÀI.
Gậy của Chúa chính là
Lời Ngài dẫn dắt và bảo vệ đoàn chiên của Ngài, như Tv 23/22, 4: “Cây
gậy của Chúa làm tôi yên lòng”. Câu này diễn tả Đức Giê-su là Mục Tử,
mà Thánh vịnh 22 nhắc nhở cho mọi người nhớ đến Thánh vịnh 119 (118) nói về Lời
Chúa. Đây là Thánh vịnh dài nhất trong 150 Tv, vì có tới 176 câu. Thánh vịnh
này dùng nhiều lời, nói nhiều cách để
diễn tả sự phong phú tuyệt vời của Lời Chúa. Thánh vịnh được chia ra làm 22 ca khúc, mỗi ca khúc có 8 câu.
Số 22 có ý nhắc đến Thánh
vịnh Mục Tử (Tv 22), Ngài chăm sóc đoàn chiên bằng Lời của Cha rất phong phú ơn
sủng. Bởi đó Lời Chúa được gọi là cây gậy của vị mục tử trong Hội Thánh. Thực
vậy, chính Đức Giê-su đã không dùng quyền Vua để thống trị ai, nhưng Ngài chăm
sóc mọi người bằng tình thương, thể hiện qua việc làm. Việc quan trọng và đứng
hàng đầu của Đức Giê-su là cầu nguyện và giảng Lời. Nên ai làm ngăn trở sứ mệnh
này, thì Ngài trốn họ đi cầu nguyện (x Lc 4, 42-44).
B. GIÁO HUẤN
GIA TỘC CỦA CHÚA GIÊSU
Để hiểu lý do Đức Giê-su
tỏ ra hững hờ trước tin người ta báo lại cho Ngài: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng
ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy". Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai
là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói:
"Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.
Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là
anh chị em tôi, là mẹ tôi." (Mt 12, 47-50: Tin Mừng), vì hai lý do :
1/ Đức Giê-su không phủ nhận Đức Ma-ri-a là Mẹ của Ngài, nhưng người
ta chỉ nhìn Đức Ma-ri-a là mẹ vì đã sinh dưỡng ông Giêsu. Điều đó không quan
trọng, bởi vì “Thần Khí mới làm cho sống, xác thịt không sinh ích gì, Lời Chúa là Thần
Khí và là sự sống” (Ga 6,63). Do đó, nếu Đức Ma-ri-a không nói tiếng
xin vâng Lời Chúa trong ngày Truyền Tin, để Thần Khí Chúa cũng là Lời Chúa
chiếm đoạt Mẹ, và Mẹ xin Chúa thực hành điều Chúa đã nói cho Mẹ, thì Đức
Ma-ri-a cũng không thể sinh Con Thiên Chúa vào đời bằng xương thịt của mình
được (x Lc 1, 26t).
2/ Nhìn vào cơ cấu Tin Mừng của Mat-thêu, thì Lời Đức Giê-su nói về Mẹ
và anh em Ngài:
- Đặt sau lời kết án của Đức Giê-su đối với những ai đã
thuộc về Chúa, mà không trang hoàng nhà tâm hồn bằng ơn Chúa, cụ thể không để
Hội Thánh dùng quyền năng Chúa Thánh Thần ghi Lời vào tấm lòng và tấm thịt (x 2
Cr 3,3), thì nó đã tạo điều kiện thuận lợi cho quỷ đã xuất khỏi nó, rủ thêm bảy
quỷ khác dữ tợn hơn, đến lập cư nơi người đó (x Mt 12,43-45).
- Đặt trước dụ ngôn gieo giống, Đức Giê-su diễn tả những
người thuộc linh tộc của Ngài là những người nghe và thực hành Lời Cha Ngài, cụ
thể là các môn đệ đã từ bỏ mọi sự ở đời này đi theo Ngài, nghe Lời để rồi nối
tiếp sứ mệnh của Ngài đã nhận từ nơi Cha. Đó là lý do Ngài đã chọn họ để họ trở
thành “hạt giống tốt là con cái Nước Trời” (x Mt 13, 1-38). Nhờ họ
biết đón nhận “hạt giống tốt là Lời Chúa được gieo vào lòng” (x Mc 4, 14 ; Lc
8,11). Như vậy con cái Nước Trời mới thuộc về gia tộc của Đức Giê-su, họ được
tái sinh bằng Lời sự thật và bởi Chúa Giê-su Phục Sinh (x Gc 1,18 ; Cv 2,38).
Khi đã tin, ta được trở nên giống Chúa thực sự, nhờ được tái sinh bởi Lời sự
thật và sinh bởi Chúa Giê-su, thì ta phải biết quý trọng Thánh Lễ đến hiệp dâng
mỗi ngày trong suốt đời ta. Vì Lời và Mình Máu Thánh Chúa là hai Lương Thực
trong tiệc Thánh Thể. Tiệc này có sức giải phóng ta thoát tay tử thần, thoát nô
lệ satan. Chân lý đã được diễn tả qua phép lạ Chúa cho ông Mô-sê dùng dậy rẽ
nước Biển Đỏ để dân Do Thái đi qua an toàn, thoát bọn Ai Cập đang truy đuổi, và
cũng từ dòng nước này lại chôn sống bọn chúng từ vua quan, binh lính (x Xh
14,21- 15,1: Bài đọc năm lẻ). Bởi đó, ai hiệp dâng Thánh Lễ thì vui sống hơn
dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ mà nhảy múa reo hò xướng lên bài ca: “Nào ta hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng”
(Xh 15,1b: ĐC năm lẻ).
Vì thế ngôn sứ Mikha
cầu xin Chúa tha tội cho dân tộc ông đang lâm cảnh hỗn độn: “Lạy Chúa, xin dùng gậy (Lời) chăm sóc dân là
đoàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài, vì Ngài đã đưa dân ra khỏi Ai Cập. Không có
thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác
cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài? Người không giữ mãi cơn giận, nhưng
chuộng lòng nhân nghĩa, Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta
Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm
chúng ta, Người quăng tùm xuống biển, như Người đã thề với tổ phụ chúng con từ
thuở trước” (Mk 7, 14-15.18-20: Bài đọc năm chẵn). Lời xin tha tội để được
giải thoát của ngôn sứ Mikha, Chúa chỉ đáp ứng cách chính xác, phong phú, dồi
dào sự sống khi ta tự tiệc Thánh Thể. Đây là phép lạ vĩ đại hơn dân Do Thái
được ông Mô-sê rẽ nước biển Đỏ cho dân thoát nô lệ Ai Cập.
Trong tâm tư và khát
vọng của ngôn sứ Mikha, Hội Thánh muốn mọi người Công Giáo thực hành Lời Chúa
Giê-su dạy: “Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời
Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha và Thầy sẽ đến với người ấy” (Ga
14,23: Tung Hô Tin Mừng). Như thế chỉ khi ta dự Lễ, mới làm cho lời ấy nên ứng
nghiệm, để cùng cất lời cầu: “Lạy Chúa,
xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa” (Tv 85/84, 8a: Đáp ca năm
chẵn).
THUỘC LÒNG
Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.
Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống (Ga 6,63).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH