DỰ LỄ
LÀ TÁI HÔN VỚI TÂN LANG GIÊSU
Chúa dùng cuộc hôn nhân điên loạn
của ngôn sứ Hô-sê với cô vợ điếm Gô-mơ để diễn tả mối tình bền chặt giữa Tân
Lang Giêsu với người Công Giáo, có tính “dâm” hơn vợ của ông Hô-sê.
Ta hãy so sánh hôn nhân của ngôn sứ Hô-sê (x Hs 2, 16-22: Bài đọc năm
chẵn) với hôn nhân của “Tân Lang Giêsu” (x Ga 3,29).
1/ Thời Cựu Ước ưu
đãi cho nam giới được lấy nhiều vợ, bà nào ông không ưa liền cho ly thư! Thế mà
ngôn sứ Hô-sê chỉ lấy một vợ là cô
điếm Gô-mơ, dù bà có tính dâm luôn chạy theo tình lang, nhưng ông Hô-sê trung
tín quyết không rẫy từ.
1) Đức Giê-su chỉ đính hôn với người Công Giáo khởi đi từ Bí tích
Thánh Tẩy (x 2Cr 11,2). Dù ta bất trung, Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không
thể chối bỏ chính mình (x 2Tm 2,13).
2/ Mỗi khi ông Hô-sê
bắt gặp vợ ngoại tình, ông lại dụ nàng vào nơi vắng vẻ, lòng kề lòng thỏ thẻ
tâm sự, lập lại mối tình như tuổi thanh xuân, để tái lập hôn ước vĩnh cửu (x Hs
2, 16-22: Bài đọc).
2) Tân Lang Giêsu luôn
bắt gặp ta bội tình (phạm tội), thì Ngài mượn lời ngôn sứ Hô-sê mà nói: “Ta chuộng nhân nghĩa chứ không phải lễ tế”
(Hs 6,6), “Ta không đến kêu gọi những
người công chính mà là những kẻ tội lỗi” (Mt 9,13). Ngài muốn dìu ta vào
nơi vắng vẻ (Nhà Thờ) để Ngài thỏ thẻ tâm sự (Phụng Vụ Lời Chúa), hầu tái lập
hôn ước với ta, đến nỗi thánh Phao-lô nói: “Nếu
Đức Ki-tô ở trong anh em thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm,
Thần Khí cũng làm cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính.
Vì ai ở trong Đức Ki-tô thì không còn vấn đề lên án nữa” (Rm 8,10 . 1).
Ta biết Luật hôn nhân bền chặt dựa
trên hai nền tảng: Giao ước và trao thân cho nhau. Bởi đó mỗi khi ta
đến dự Lễ, Chúa Giê-su lập lại Giao Ước với ta, hơn nữa còn ban Di Chúc cho ta
(x Dt 9,16) [Phụng Vụ Lời Chúa], rồi Ngài trao thân cho ta (rước lễ). Lúc ấy ta
có thể nghe Lời Ngài nói: “Ta sẽ lập với
ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước cùng ngươi trong công minh chính
trực, trong ân tình và xót thương” (Hs 2,21: Bài đọc). Hôn ước này không
còn ai phải thất vọng vì tội lỗi quá nặng nề đáng phải chết.
Vậy đời sống hôn nhân của ngôn sứ
Hô-sê đã báo trước cuộc hôn nhân giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh (x Ep 5,22-33).
Mà Chúa Giê-su muốn đưa cả loài người vào Mầu Nhiệm Hôn Nhân của Ngài. Chân lý
này đã được Chúa mạc khải qua thị kiến của cậu Gia-cóp (x St 28,10-22a: Bài đọc
năm lẻ) :
- Cậu Gia-cóp trên đường đi tìm cô nương vừa ý để kết
duyên
; điều ấy tiên báo: Ngôi Hai làm người có tên là Giê-su – Thiên Chúa Cứu Độ -
Ngài muốn tìm người say mê đọc Lời Chúa như ông Nathanael đang ngồi dưới gốc
cây vả để “cưới lấy” (x Ga 1,45t).
- Cậu Gia-cóp nằm ngủ lúc mặt trời lặn ; Đức Giê-su chết
trên thập giá chỉ là giấc ngủ (x Mt 9,24: Tin Mừng), lúc ấy mặt trời mất sáng
(x Mt 27,45).
- Cậu Gia-cóp ngủ trong cảnh nghèo lấy cục đá gối đầu ; trên thập giá Đức
Giê-su nói về giờ chết của Ngài trong cảnh nghèo: “Tôi không có nơi ngả đầu”(x Mt 8,20).
- Cậu Gia-cóp mơ thấy chiếc thang bác từ trời xuống, có các thiên thần
lên xuống trên thang ; Đức Giê-su tìm được người yêu là Nathanael, Ngài cũng
nhắc đến các thiên thần của Chúa lên xuống trên Ngài (x Ga 1,51).
- Chúa chúc lành cho cậu Gia-cóp: “Dòng giống ngươi đông như sao trời
nhiều như cát biển, mọi dân trên mặt đất
nhờ dòng giống ngươi mà được chúc phúc” ; Chúa Giê-su Phục Sinh sai các môn
đệ quy tụ muôn dân về cho Ngài, và Ngài giơ tay chúc phúc cho các ông (x Lc
24,47t).
- Cậu Gia-cóp lấy cục đá gối đầu dựng làm trụ, và đổ dầu lên đầu
trụ ; Chúa Giê-su Phục Sinh nói với các môn đệ đang vây quanh Ngài như cột trụ:
“Anh em sẽ chịu lấy Chúa Thánh Thần (đổ
dầu Thánh Thần), để đi làm chứng cho Thầy tới tận cùng trái đất” (Cv 1,8t).
- Cậu Gia-cóp xin Chúa giữ gìn trên đường đi bình an, ban
cho ông cơm ăn áo mặc ; Chúa Giê-su Phục Sinh ban bình an cho các môn đệ (x Ga
20,19t), họ luôn được bình an dù có cầm rắn trong tay, uống nhằm thuốc độc cũng
không bị hại (x Mc 16,18).
- Cậu Gia-cóp lấy cục đá dựng làm trụ sẽ là nhà Thiên Chúa ; Đức Giê-su nói
với ông Phê-rô (Đá Tảng): “Thầy sẽ xây
Hội Thánh của Thầy trên đá này” (Mt 16,17t).
Thế nên nếu ta muốn sống Mầu Nhiệm
Hôn Nhân với Chúa Giê-su, thánh sử Mattheu ghi hai phép lạ xảy ra trong cùng
một hoàn cảnh: Cứu sống bà bị loạn huyết, và phục sinh con gái vị đầu mục (x Mt
9,18-26: Tin Mừng). Là Chúa có ý muốn :
1- Ta phải tin tuyệt đối vào sức mạnh của Lời Chúa, không thua kém người
đàn bà bị bệnh mất máu được lành mạnh.
Bà này đã bị mất máu 12 năm, đã hao tốn tiền của để chữa bệnh mà tiền mất tật
mang. Khi bà nghe biết Đức Giê-su đến nhà vị đầu mục để cứu con ông vừa mới
chết. bà biết Luật Do-thái không cho phép người bệnh đến gần người khỏe, nên bà
lẻn vào đám đông có ý rờ vào tua áo choàng của Ngài, đó là một chùm lông nhiều mầu sắc đính vào góc áo
choàng để chỉ người Do-thái yêu kính Lời Chúa (x Ds 15,38-39). Tức khắc
dòng máu nơi bà đang chảy được cầm lại, bà thoát chết, chỉ vì bà đã được rờ vào
tua áo là biểu tượng của Lời Chúa (x Mt 9,20-23).
Phép lạ ấy không bằng
khi Đức Giê-su lên 12 tuổi, Ngài trốn cha mẹ ở lại Đền Thờ giảng Lời (x Lc 2,41t), ai đến nghe Lời Chúa nơi Nhà
Thờ qua Phụng Vụ, chắc chắn được thoát chết (x Ga 18, 19-21 ; 5, 24-25).
2- Ta cần phải được Chúa Ki-tô động vào thân xác, đặc biệt lúc dự tiệc
Thánh Thể. Đan cử như con gái vị đầu mục đã chết được sống lại. Cô gái này cũng
đang ở tuổi 12, lâm bệnh và đã chết. Nhưng nhờ Đức Tin của người cha đến xin Đức Giê-su động vào xác đứa con, ông
tin nó sẽ sống lại. Quả thực ông đã được như lòng tin (x Mt 9, 18-19.23-26).
Phép lạ ấy cũng không
sánh bằng khi dự Thánh Lễ, ta được đón Chúa Giê-su Phục Sinh vào lòng, thì dù
ta có chết vì tội đã phạm, Ngài cũng làm cho ta nên công chính và được sống đời
đời (x Rm 8,10 ; Ga 6, 50-51).
Đó là cách Chúa cứu độ
ta, vì Ngài. Vì “Đấng Cứu Độ chúng ta là
Đức Giê-su Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ
phúc trường sinh” (2Tm 1,10: Tung Hô Tin Mừng). “Lạy Chúa, con tin tưởng vào Ngài” (Tv 91/90,2b: ĐC năm lẻ), “Chúa thực là Đấng từ bi nhân hậu” (Tv
145/144,8a: ĐC năm chẵn)..
THUỘC LÒNG
Nếu Đức Ki-tô ở trong anh em thì dầu thân xác anh em có
phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng làm cho anh em được sống, vì anh em đã
được trở nên công chính (Rm 8,10).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH