1/ LÀM VIỆC PHẢI KẾT HỢP VỚI CHÚA GIÊ-SU.
Lời Kinh Thánh dạy:
- Tách rời khỏi Đức Ki-tô
Giê-su, mọi việc ta làm dù thành công trước sau sẽ ra tro bụi. Trái lại, nếu biết
liên kết với Ngài, thì mọi việc trong đời ta luôn đạt thành công, dù có lúc xem
ra thất bại. Vì đó là công việc của Thiên Chúa, không ai phá hủy được, kẻ nào
manh tâm tiêu diệt, nó sẽ mang họa vào
thân (x Cv 5,38-39).
- Mọi việc ta làm phải
nhờ, với, trong Chúa Giê-su thì mới tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời (x Rm
11,36).
- Tích cực làm mọi điều
tốt đến nỗi bán cả gia tài chia sẻ, hiến mạng sống vì người khác mà không có
Đức Ái (không có Chúa) [x 1Ga 4,8], thì chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa
(x 1Cr 13,3)
2/ CHỌN CHÚA HƠN MỌI GIÁ TRỊ TRẦN THẾ.
Lời Kinh Thánh nói: “Nếu
anh quẳng vàng xuống đất,liệng vàng Ô-phia giữa đá cuội lòng sông, thì chính
Đấng Toàn Năng sẽ là vàng, chính Người sẽ là bạc cho anh. Bấy giờ anh sẽ lấy
Đấng Toàn Năng làm nguồn hoan lạc,và sẽ ngẩng mặt lên hướng về Thiên Chúa”
(Gióp 22,24-26). Bởi vì mọi giá trị của cải vật chất chỉ là phương tiện giúp ta
thuộc về Chúa Ki-tô, cũng như ta dùng nó để quy tụ đồng loại về cho Chúa, chứ
nó không phải là thần hộ mệnh ta.
3/ ƯU TIÊN ĐÓNG GÓP MỌI KHẢ NĂNG VÀO VIỆC PHÁT TRIỂN TIN
MỪNG VÀ XÂY DỰNG HỘI THÁNH
Đức Giê-su dạy: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống,
dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật
anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42).
“Kẻ bé nhỏ” nghĩa đặc
thù trong Tân Ước nhắm nói về các môn đệ của Đức Giê-su (x Mt 18,3 ; Lc 12,32),
hoặc ám chỉ về những người thuộc về Hội Thánh Chúa Ki-tô (x 1Ga
2,1.12.14.18.28).
Thánh Phao-lô là chứng
nhân sống động đã cổ võ mọi Ki-tô hữu hãy bắt chước ông như ông đối với Chúa
Ki-tô (x 1Cr 11,1), như trong thư gởi giáo đoàn Corintho: “23 Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư? Tôi nói như người điên:
tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì
chịu đòn, bao lần suýt chết.24 Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn
mươi roi bớt một;25 ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị
đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi!26 Tôi còn hơn
họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy
hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở
thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh
em.27 Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói
khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng.” Và trong tâm tư ông
luôn thổn thức lo lắng cho những người yếu đuối trong Hội Thánh (2 Cr 11,23-29:
Bài đọc năm lẻ). Như thế ông Phao-lô đã sống mối Phúc thứ nhất trong Hiến
Chương Nước Trời: “Phúc thay ai có tâm
hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3: Tung Hô Tin Mừng). Do đó
ông Phao-lô xứng đáng là “người công
chính được Thiên Chúa giữ gìn, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn” (Tv
34/33,18b: ĐC năm lẻ).
Chính vì vậy mà Điều
răn mới của Hội Thánh (Điều răn thứ năm) dạy mọi Ki-tô hữu: “Phải
đóng góp tiền của cho những nhu cầu của Hội Thánh tùy theo khả năng và lòng mến
của mỗi người” (x GLHT số 2041-2043).
4/ CHIA SẺ CHO NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG TỰ SỐNG.
Đức Giê-su dạy: “Hãy bán tài sản của mình đi mà chia sẻ. Hãy
sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên
trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em
ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Lc 12, 33-34).
Tác giả sách Huấn ca
dạy: “Hãy bỏ tiền ra giúp người anh em
bạn hữu,đừng đem chôn dưới đá kẻo nó hư đi.Hãy theo lệnh Đấng Tối Cao mà sử
dụng của cải, việc đó còn ích lợi cho con hơn cả vàng. Rộng tay chia sẻ là con
chất đầy kho lẫm, và con sẽ thoát mọi nỗi gian nguy. Của chia sẻ sẽ nên vũ khí
giúp con chống địch thù lợi hại hơn cả khiên dầy giáo nhọn” (Hc 29,10-13).
Vậy nếu ta có con mắt
sáng suốt của Thiên Chúa ban để đầu tư mọi khả năng mình có vào bốn mục đích
như trên, thì ta đã tích của vào kho trên Quê Trời. Như thế là đã ý thức sống
Lời Chúa dạy: “Kho tàng ngươi ở đâu thì
lòng ngươi ở đó” (Mt 6,21). Đó là con đường nên hoàn thiện (xMt 19,21).
Nếu không có con mắt
sáng suốt để biết tích góp của cải như trên, mà chỉ lo tích kho ở đời, thì
chính của cải vật chất ta tích trữ, nó sẽ làm khổ ta, như lời thánh Gia-cô-bê
nói: “Tài sản của các người đã hư nát,
quần áo của các người đã bị mối ăn.Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và
chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác
thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này” (Gc
5,2-3).
Thế mà tên phú hộ được
mùa quá dư của cải, không còn đủ kho để chất, hắn đã nổi hứng cho phá tất cả
kho cũ rồi xây kho mới lớn hơn tích của vào đó, rồi nhủ hồn mình: “Hồn ơi, sướng chán, có nhiều của cho nhiều
năm, hưởng đi, vui chơi đi”. Nhưng Thiên Chúa lên tiếng: “Đồ ngốc, nội đêm nay ngươi ra khỏi thế gian,
của ngươi tích góp sẽ thuộc về tay ai?” (x Lc 12, 16-21).
Vua A-kháp đã để cho vợ
là bà I-de-ven bày mưu thâm độc giết ông Na-bót để chiếm vườn nho. Tội ác đó đã
di căn đến con cháu. Thực vậy, bà A-than-gia, con gái vua, có con trai qua đời,
thì bà lên làm vua, bà đi theo đường lối gian ác của cha mẹ: Bà ra lệnh giết
tất cả các cháu của bà để chiếm đoạt vương quyền Giu-đa. Bà chỉ thành công được
sáu năm với ý đồ của bà là tiêu diệt dòng giống vua Đavid, tức là làm cho lời
hứa của Thiên Chúa trên nhà Đavid được vững bền thành vô hiệu. Thời gian bà nắm
vương quyền, hoàng tử Giô-át đã được giấu trong Nhà Chúa, nên không bị chết
dưới bàn tay bà A-than-gia.
Vào năm thứ bảy cuối
thời bà A-than-gia làm vua, ông Giơ-hô-gia-đa sai mời vị thủ lãnh thuộc đoàn
thị vệ đến, ông trao cho mỗi vị lãnh đạo một trăm quân, giáo và thuẫn của vua
Đavid cất giấu trong Nhà Chúa. Các thị vệ cầm khí giới trong tay đứng bao quanh
hoàng tử Giô-át trước Nhà Chúa, người ta đội vương miện trên đầu,và trao vương
quyền và xức dầu cho Giô-át, rồi vỗ tay hô to: “Vạn tuế đức vua”. Bà A-than-gia nghe tiếng dân la, thì chạy tới,
thấy hoàng tử đứng trên bệ cao theo nghi lễ phong vương, giữa tiếng toàn dân
tung hô chen tiếng kèn trổi vang. Bà A-than-gia liền xé áo mình ra la lên: “Bội phản, bội phản”. Thế là người ta lôi
bà đi giết, và dân kéo đến đập nát đền thờ Baal, giết tất cả các tư tế trong
đền này. Toàn dân xứ Giu-đa hân hoan vui mừng (x 2 V 11,1-20: Bài đọc năm
chẵn).
Như thế dòng vua gian
ác A-kháp dù đã dùng mọi thủ đoạn để vơ của, để đoạt danh vọng, nhưng đã bị
tiêu diệt, và dòng dõi vua Đavid lên ngự trị, đúng như lời Thiên Chúa “đã thề cùng vua Đavid, và sẽ không thất tín
bao giờ, vì Chúa đã chọn Sion đã thích lấy chốn này làm nơi Người ngự” (Tv
132/131, 11a.13: ĐC năm chẵn). Lời chúc phúc này cho dòng Đavid chỉ được ứng
nghiệm nơi Chúa Giê-su Phục Sinh mà thôi. Do đó, ai nghe Lời Chúa Giê-su và kết
hợp với Ngài, thì cũng được tham dự vào vương quyền vĩnh cửu của Ngài. Vì “Chúa Ki-tô hôm qua, hôm nay, ngày mai vẫn là
một cho đến muôn đời” (Dt 13,8).
THUỘC LÒNG
Tách rời khỏi Đức Ki-tô Giê-su, mọi việc ta làm dù thành
công trước sau sẽ ra tro bụi. Trái lại, ai biết liên kết với Đức Ki-tô Giê-su,
mọi việc trong đời họ luôn đạt thành công, dù có lúc xem ra thất bại. Vì đó là
công việc của Thiên Chúa, không ai phá hủy được, kẻ nào manh tâm tiêu
diệt, nó sẽ mang họa vào thân (x Cv 5,38-39).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH