BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Cv 19, 1- 8
1 Hồi ấy,trong khi ông A-pô-lô ở
Cô-rin-tô thì ông Phao-lô đi qua miền thượng du đến Ê-phê-xô. Ông Phao-lô gặp
một số môn đệ2 và hỏi họ: "Khi tin theo, anh em đã nhận được
Thánh Thần chưa? " Họ trả lời: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi
cũng chưa hề được nghe nói."3 Ông hỏi: "Vậy anh em đã được
chịu phép rửa nào? " Họ đáp: "Phép rửa của ông Gio-an."4
Ông Phao-lô nói: "Ông Gio-an đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông
bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giê-su."5 Nghe nói
thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su.6 Và khi ông Phao-lô đặt
tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri.7
Cả nhóm có chừng mười hai người.
8 Ông Phao-lô vào hội đường, và trong vòng ba tháng, ông
mạnh dạn rao giảng, thảo luận về Nước Thiên Chúa và cố gắng thuyết phục họ.
ĐÁP CA: Tv 67
Đ. Hỡi vương
quốc trần gian, nào hát khen Thượng Đế. (c 33a)
2 Thiên Chúa đứng lên, địch thù
Người tán loạn, kẻ ghét Người phải chạy trốn Thánh Nhan. 3 Như làn
khói cuộn, chúng bị Chúa cuốn đi; như sáp chảy tan khi vừa gặp lửa, kẻ ác cũng
tiêu vong khi giáp mặt Chúa Trời.
4 Còn những người công chính múa
nhảy mừng vui trước mặt Chúa Trời, niềm hoan lạc trào dâng.
5ab Hãy hát mừng Thiên Chúa, đàn ca kính danh Người, hãy dọn đường
cho Đấng ngự giá đằng vân.
6 Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ
bênh quả phụ, chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người.
7ab Kẻ cô thân, Thiên Chúa cho nhà cửa, hạng tù đày, Người trả lại
tự do hạnh phúc.
BÀI GIẢNG
BÍ
TÍCH THÊM SỨC
Dựa vào các Bài đọc trong Thánh Lễ
hôm nay: Cv 19,1-8 ; Ga 16,29-33, Hội Thánh muốn dạy chúng ta tin và sống ba
điểm giáo lý về Bí tích Thêm Sức :
§
Chúa
Thánh Thần làm cho ta được kết hợp chặt chẽ hơn với Chúa Ki-tô và Hội Thánh.
§
Chúa
Thánh mở trí ta am hiểu Lời Chúa.
§
Chúa
Thánh Thần cho ta nghị lực dùng đau khổ chứng minh Đức Tin và lòng Mến của
mình.
I. CHÚA THÁNH THẦN LÀM CHO TA ĐƯỢC KẾT HỢP
CHẶT CHẼ HƠN VỚI CHÚA KI-TÔ VÀ HỘI THÁNH.
Các tác giả Tin Mừng cho ta biết: Phép
rửa của ông Gioan chỉ có giá trị nhắc nhở cho mọi người phải sống khiêm nhường:
tự nhận ra tội mình mà sám hối, để hướng về Phép Rửa của Chúa Giê-su thiết lập (x Mt 3,13-15 ; Mc 4,1-8 ; Lc 3,3 ;
Ga 1,15.26). Thế mà vào thời Giáo Hội sơ khai đã có nhiều người xin chịu phép
rửa của ông Gioan, thánh Phao-lô hỏi họ: “Anh
em đã nhận được Thánh Thần chưa?” Họ đáp: “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói”. Thế
là ông Phao-lô ban Bí tích Thánh Tẩy cho họ nhân danh Chúa Giê-su, và khi ông
đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ” (Cv 19,1-7: Bài đọc).
Giáo lý Công Giáo dạy: ta chỉ
thuộc về Chúa Giê-su cách trọn vẹn khi ta được lãnh nhận Bí tích Khai Tâm
(Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể). Đó là lý do Luật cho phép Linh mục khi ban Bí
tích Thánh Tẩy cho người trưởng thành, thì đương nhiên phải ban Bí tích Thêm
Sức cho họ, và cho họ được tham dự tiệc Thánh Thể (x GLCG số 1312-1313).
Giáo lý Công Giáo còn quy định: Bí
tích Thêm Sức chỉ được ban qua việc đặt
tay của Đức Giám mục, vì Đức Giám mục là người có chức thánh viên mãn, được
dồi dào Chúa Thánh Thần, được đồng hóa trọn vẹn với Chúa Giê-su Ki-tô trong
cùng chức Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế. Đức Giám mục lại là thủ lãnh của mỗi Giáo
Hội địa phương, nên Ngài phải được đầy đủ ơn Chúa Thánh Thần mới có khả năng
chăm sóc cộng đoàn, và ngài còn trở thành dấu chỉ hiệp nhất trong mỗi Hội Thánh
địa phương với Đức Giáo hoàng là Giám mục Roma, là dấu chỉ hiệp nhất Hội Thánh
hoàn vũ (x Giáo Luật số 882 – GLCG số 1312).
II. CHÚA THÁNH THẦN
MỞ TRÍ TA AM HIỂU LỜI CHÚA.
Chúa Giê-su chỉ trao quyền giáo
huấn cho Hội Thánh Công Giáo mà thôi. Bởi đó thánh Tông Đồ nói “các thiên thần từ trời đến trần gian mà
giảng Lời khác với Hội Thánh, thì nó là đồ chúc dữ” (x Gl 1,8), và Đức
Giê-su cũng chỉ mở lòng trí cho các môn đệ của Ngài được hiểu Lời Ngài giảng
dạy (x Mt 13,11). Khi Ngài từ cõi chết sống lại và về cùng Chúa Cha, Ngài mới
sai Thánh Thần đến dẫn đưa Hội Thánh dần dần đến Chân Lý vẹn toàn (x Ga 16,13).
Giáo huấn của Công Đồng Vat.II trong Sắc Lệnh Đào Tạo Linh Mục số 9 nhắc lại
lời thánh Augustin: “Ai muốn được Chúa Thánh Thần chiếm đoạt trọn
vẹn để Ngài dẫn đưa vào tất cả Sự Thật, thì người ấy phải yêu mến Hội Thánh”.
Chúa Thánh Thần đến với ta qua dấu
chỉ Dầu-Xức trên ta. Dầu này được gọi là Dầu Thánh, có tên là Sanctum Chrisma
(S.C.). Sách Giáo Lý Công Giáo dạy: “Dầu
là dấu chỉ sự sung mãn và niềm vui, dầu dùng để thanh tẩy (thoa dầu trước
và sau khi tắm), dầu làm cơ thể ta dẻo
dai, tăng sức lực (thoa dầu cho các võ sĩ trước khi thi đấu), dầu còn để chữa bệnh tật như vết bầm, vết
thương, dầu làm nổi bật vẻ đẹp sức khỏe và thể lực” (số 1293).
Thánh Gioan Tông Đồ nói: “Dầu-Xức anh em đã lãnh nơi Ngài hiện lưu lại
trong anh em, nên anh em không cần nhờ ai dạy bảo, phải hơn như Dầu-Xức của
Ngài dạy anh em về hết mọi sự và là sự thật, không phải là sự dối trá, nên
chiếu theo điều Dầu-Xức đã dạy, anh em hãy lưu lại trong Ngài” (1Ga 2,27).
Vì thế mà các môn đệ đã thưa cùng
Đức Giê-su: “Bây giờ Thầy nói trống ra,
chứ không còn nói bóng. Bây giờ chúng con biết Thầy thông hay mọi sự, và không
cần phải nhờ ai hỏi Thầy, bởi chúng con tin Thầy đã xuất từ Thiên Chúa” (Ga
16,29: Tin Mừng).
III. CHÚA THÁNH
THẦN CHO TA NGHỊ LỰC DÙNG ĐAU KHỔ MINH CHỨNG ĐỨC TIN VÀ LÒNG MẾN.
Chúa Thánh Thần là tình yêu là sức
mạnh của thập giá Chúa Ki-tô. Nên Ngài ban cho ta biết yêu cả đau khổ khi phục
vụ như Đức Giê-su. Thánh Augustin nói: “Ở
đâu có tình yêu thì ở đó hết khó nhọc, và giả như có khó nhọc thì lại yêu chính
sự khó nhọc đó”. Chính Chúa Thánh Thần đã làm cho Ngôi II nhập thể, thì cả
đời Đức Giê-su phục vụ đều do Chúa Thánh Thần hướng dẫn, làm cho Ngài dù bị mọi
người trong thế gian loại trừ, Ngài vẫn không cô đơn như Ngài đã nói với các
môn đệ: “Này giờ sẽ đến – và đã đến rồi –
anh em sẽ phân tán, mỗi người mỗi ngả mà để mặc Thầy một mình. Nhưng không: Thầy
không chỉ có một mình, và đã có Cha hằng ở với Thầy. Các điều ấy Thầy đã nói
cho anh em, ngõ hầu trong Thầy anh em được bình an” (Ga 16,32-33a: Tin
Mừng).
Chính vì vậy mà thánh Phao-lô cũng
nói: “Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi tình
yêu của Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, ngặt nghèo, bắt bớ, đói khát,
trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo ? Như có Lời chép: chính vì Ngài mà suốt ngày
chúng con bị giết,bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy,
chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,35-37). Ông Phao-lô
xác tín như thế là nhờ vào Lời Đức Giê-su đã nói: “Nơi thế gian anh em sẽ phải khốn quẫn, nhưng hãy vững lòng Thầy đã
thắng thế gian” (Ga 16,33b: Tin Mừng), đặc biệt là thắng tử thần, dù ta có
gặp gian nan khốn khó cách mấy, Ngài cũng biến dữ ra lành. Do đó thánh Phao-lô
động viên các tín hữu: “Anh em đã được
chỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi
Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1: Tung Hô Tin Mừng).Vì “Thiên Chúa đứng lên địch thù tán loạn, kẻ
ghét Người phải chạy trốn Thánh Nhan. Như làn khói cuộn bị Chúa cuốn đi, như
sáp chảy tan khi vừa gặp lửa, kẻ ác cũng tiêu tan khi giáp mặt Chúa Trời. Hỡi vương
quốc trần gian hãy ca khen Thượng Đế” (Tv 68/67, 2-3.33a: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? Phải
chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Nhưng trong
mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta(Rm 8,35.37)
Linh mục GIUSE ĐINH
QUANG THỊNH