BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I: Cv
8,5-8.14-17
5 Hồi
ấy, ông Phi-líp-phê xuống một thành miền Sa-ma-ri và rao giảng Đức Ki-tô cho
dân cư ở đó.6 Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Phi-líp-phê
giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm.7
Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số
những kẻ bị chúng ám. Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành.8
Trong thành, người ta rất vui mừng.
14 Các Tông Đồ ở Giê-ru-sa-lem
nghe biết dân miền Sa-ma-ri đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phê-rô và
ông Gio-an đến với họ.15 Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để
họ nhận được Thánh Thần.16 Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong
nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su.17 Bấy giờ
hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.
ĐÁP CA: Tv 65
Đ. Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa. (c
1)
1 Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa, 2
đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời, nào dâng lời ca tụng tôn vinh! 3a
Hãy thưa cùng Thiên Chúa: "Khủng khiếp thay, sự nghiệp của Ngài!
4 Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ, và
đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh." 5 Đến mà xem công
trình của Thiên Chúa: hành động của Người đối với phàm nhân thật đáng kinh đáng
sợ!
6 Chúa làm cho biển khơi hoá đất liền, và
dân Người đi bộ qua sông; việc Người làm đó khiến ta hoan hỷ. 7a
Chúa uy dũng hiển trị muôn đời.
16 Tất cả những ai kính sợ Chúa Trời, đến
mà nghe tôi kể việc Chúa đã làm để giúp tôi. 20 Xin chúc tụng Thiên
Chúa đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng, lại cũng không dứt nghĩa đoạn
tình.
BÀI ĐỌC II: 1Pr 3,15-18
15 Anh
em thân mến, Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng
anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng
của anh em.16 Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng.
Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở
ngay thẳng trong Đức Ki-tô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống,17
bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì
làm điều ác.
18 Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một
lần vì tội lỗi -Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta
đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người
đã được phục sinh.
BÀI GIẢNG
ĐÓN NHẬN THẦN KHÍ
BAN SỰ SỐNG
Thánh
Phao-lô xác nhận: “Đấng Trung Gian giữa Thiên
Chúa và loài người chỉ có một là Đức Ki-tô Giê-su” (1Tm 2,5). Nhưng Đấng
Bầu Cử thì có hai: Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần.
I. CHÚA GIÊSU LÀ ĐẤNG BẦU
CỬ
Tác
giả thư Do Thái nói: “Chúng ta có niềm hy
vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào
bên trong bức màn cung thánh”(Dt 6,19). Và “Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn
đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn
cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy,
Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.”
(Dt 7,24-25).
Chúa
Giê-su lấy chính máu thịt của Ngài làm giá chuộc tội nhân loại, Ngài không
chuộc hay tìm lại ơn Chúa đã ban mà ma quỷ cướp mất vì tội ta phạm, nhưng Ngài
chuộc từ nơi Chúa Cha để ban lại cho ta những ơn và còn hơn thuở ban đầu mà
Chúa đã ban cho dòng giống Adam, Eva, để nâng ta lên địa vị hơn tình trạng
nguyên thủy, vì được tái sinh làm con Thiên Chúa (Lời Nguyện Đầu Lễ Thứ Năm sau
CN 4 Phục Sinh).
II. CHÚA THÁNH THẦN
CÙNG LÀ ĐẤNG BẦU CỬ
Đức
Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy sẽ xin
Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo
Trợ khác đến
ở với anh em luôn mãi.Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón
nhận” (Ga 14, 16-17a: Tin Mừng).
Đức
Giê-su đã mạc khải cho ta biết: “Lời Ta
nói với các con là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6,63b). Mà Lời Chúa (Thần Khí hay
Thánh Thần) thánh Phao-lô ví như thanh
gươm hai lưỡi, ông nói: “Lời Thiên Chúa
là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân
cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của
lòng người” (Dt 4,12). Bởi đó ông khuyên các tín hữu: “Hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là
Lời Thiên Chúa” (Ep 6,17). Đúng với lời kinh ta đọc: “Miệng vang lời tán dương Thiên Chúa,thanh gươm hai lưỡi, cầm chắc trong
tay. Để trả thù muôn nước và trừng trị chư dân” (Tv 149,6-7).
Có
hai cách để chúng ta đón nhận được Chúa Thánh Thần :
1/ Đón nhận Chúa
Thánh Thần bằng chính trái tim biết lắng nghe Lời Chúa
Đức
Giê-su nói: “Nếu anh em yêu mến
Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” (Ga 14,15: Tin Mừng).
Trong lãnh vực trần thế, người ta thường nói “vô tri bất mộ”: không hiểu biết thì không yêu mến. Nhưng thánh An-sen-mô
nói: “Đối với Lời Chúa, thì “vô mộ bất
tri”: không yêu mến thì không biết gì. Rõ ràng muốn đón nhận Lời Chúa (Thần
Khí) thì phải đón nhận bằng tình yêu. Đây là cách ta đón nhận Chúa Thánh Thần
(Thần Khí ban sự sống). “Đấng mà thế gian
không thể đón nhận, vì thế gian không thấy cũng chẳng biết Người” (Ga
14,17a). Thế gian không thấy là vì chúng không có trái tim đón nhận Lời Chúa,
nên chúng giết Con Thiên Chúa.
Còn
những ai có trái tim đón nhận Lời Chúa (Thần Khí), thì Lời Chúa (Thần Khí) thúc
đẩy họ hiệp dâng Thánh Lễ, có thế mới được Đức Giê-su hứa: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong
Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.Ai có và giữ các điều răn
của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha
của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy."
(Ga 14,20-21: Tin Mừng). Đó là lý do Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thế gian không thấy cũng không biết Thánh
Thần ; còn anh em, anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa và ở trong anh em”
(Ga 14,17: Tin Mừng).
2/ Đón nhận Thánh
Thần bằng cách hiệp thông với Hội Thánh
Bài
đọc I (Cv 8,5-8.14-17) cho ta biết: Phó tế Philipphê giảng Tin Mừng cho dân
thành Samari, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng, vừa tháo chạy xuất khỏi nhiều người
trong số những kẻ bị chúng ám. Nhiều
người tê bại và tàn tật được chữa lành. Trong thành người ta rất đỗi vui mừng. Nhưng họ chưa nhận
được Thánh Thần, vì họ mới chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Giê-su. Bấy giờ các
Tông Đồ ở Giêrusalem cử hai ông Phê-rô và Gioan đến Samari cầu nguyện cho họ và
đặt tay trên họ, lúc đó họ mới nhận được Thánh Thần.
Sở
dĩ ông Philip không ban Thánh Thần cho ai được, vì ông chỉ là Phó tế. Chỉ có
các Tông Đồ (Giám mục) mới được Chúa hứa ban Thánh Thần cách dồi dào. Sách Giáo
Lý Công Giáo số 1287 dạy: “Nhiều lần Đức
Ki-tô đã hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ (x Lc 12,12 ; Ga 3,5-8) ; Người đã
thực hiện lời hứa đó trong ngày Phục Sinh (x Ga 20,22), và sau đó công khai
trong ngày lễ Ngũ Tuần (x Cv 2,1-4). Được tràn đầy Thánh Thần,các Tông Đồ bắt
đầu rao giảng “những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11). Ông Phê-rô tuyên bố: Việc
Thánh Thần được ban xuống là dấu chỉ của thời đại Đấng Mêsia (x Cv 2,17-18). Ai
tin lời rao giảng của các Tông Đồ và nhận Phép Rửa, cũng nhận được hồng ân
Thánh Thần (x Cv 2,38)”. Vì phải hiệp thông với Hội Thánh Chúa Ki-tô mà
giáo huấn Công Đồng Vat.II, trong Sắc Lệnh Đào Tạo Linh Mục số 9,Hội Thánh nhắc
lại lời thánh Augustin: “Ai càng yêu mến Hội
Thánh Chúa Ki-tô, người đó càng có Chúa Thánh Thần”.
Do
đó, chỉ có Đức Giám mục mới có quyền đặt tay trên người tín hữu để ban Thánh
Thần. Sách Giáo Lý Công Giáo số 1288 nói tiếp: “Từ đó theo ý của Đức Ki-tô, các Tông Đồ đặt tay ban Thánh Thần cho các
tân tòng để kiện toàn ân sủng Thánh Tẩy. Vì thế, thư Do Thái đã liệt kê giáo lý
về Phép Rửa và Nghi Thức Đặt Tay (x Dt 6,2) vào số những yếu tố căn bản của giáo huấn.
Truyền thống Công Giáo đã làm đúng, khi coi việc Đặt Tay
là nguồn gốc của Bí tích Thêm Sức, là phương thế lưu truyền hồng ân Thánh Thần
trong Hội Thánh”. Và số 1313 dạy: “Các
Giám mục là những vị kế nhiệm các Tông Đồ, được lãnh nhận Bí tích Truyền Chức
cách viên mãn, nên việc các ngài đích thân cử hành Bí tích sẽ nhấn mạnh: Bí
tích Thêm Sức kết hợp chặt chẽ những người lãnh nhận với Hội Thánh, với các
nguồn gốc Tông Đồ và với sứ mệnh làm chứng cho Chúa Ki-tô”.
Muốn
làm chứng cho Chúa Ki-tô, ta phải chấp nhận bị trù dập vì giảng Tin Mừng. Chính
Đức Giê-su đã báo trước cho các môn đệ: Ngài sẽ phải chết vì sứ mệnh ngôn sứ.
Ngài nói: “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ
không thấy Thầy, phần anh em, anh em sẽ thấy Thầy” (Ga 14,19: Tin Mừng).
-
“Thế gian
không thấy Thầy”, vì chúng không đón nhận Lời Thầy nên giết Thầy.
-
“Anh em sẽ
thấy Thầy”, vì anh em biết đón nhận Lời Thầy nên tin Thầy sau khi bị giết
chết sẽ sống lại.
Thực
vậy, Đức Giê-su sau khi từ cõi chết sống lại, Ngài đã cho các Tông Đồ thấy Ngài
và trao ban Thánh Thần cho họ (x Ga 20,22). Bởi đó Đức Giê-su nói với các Tông
Đồ: “Thầy không để các con mồ côi”
(Ga 14,18a). Nhờ được Chúa Thánh Thần ở cùng, Ngài giúp ta sáng suốt, đủ can
đảm, bất chấp gian khổ để làm chứng cho Chúa Giê-su Phục Sinh. Do đó thánh
Phê-rô khuyên nhủ các tín hữu: “Hãy luôn luôn
sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải
trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến
những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô, thì chính
họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống, bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành,
nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác. Chính Đức Ki-tô đã chịu
chết một lần vì tội lỗi - Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa
chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần
Khí, Người đã được phục sinh” (1Pr 3,15b-18: Tin Mừng).
Sống
được như lời thánh Phê-rô dạy như trên, là ta đã được Chúa Thánh Thần liên kết
với Chúa Ki-tô, nên cho “dầu có phải chết
vì tội phạm, Thánh Thần cũng làm cho ta được sống, vì ta đã được trở nên công
chính” (Rm 8,10).
Ta
lưu ý đến lời vị Giáo Hoàng tiên khởi nhắc nhở: “Dù bị
bách hại, ta vẫn trả lời đối phương cách hiền hòa và với lòng kính trọng”,
vì đó là: “Hoa quả của Thần Khí là: bác
ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết
độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế.24 Những ai thuộc
về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các
dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí
mà tiến bước.Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ
nhau” (Gl 5,22-25).
Có
thế ta mới làm ứng nghiệm Lời Đức Giê-su nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha
Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23: Tung Hô Tin Mừng). Để
làm cho “cả trái đất hãy tung hô Thiên
Chúa” (Tv 66/ 65,1: Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Đức
Giê-su nói: “Ai yêu mến Thầy, người
ấy sẽ giữ Điều Răn của Thầy” (Ga 14,15)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH