KHÔNG ĐỔ MÁU KHÔNG CÓ ƠN CỨU ĐỘ !
Mỗi
Ki-tô hữu phải làm chứng cho Đấng Toàn Năng và yêu thương. Muốn thế ta phải nói
được như thánh Phao-lô:
- Tôi sống, nhưng không phải
là tôi mà là Đức Ki-tô sống trong tôi (Gl 2,20).
- Anh em hãy bắt chước tôi
như tôi đối với Đức Ki-tô (1Cr 11,1).
Đức
Ki-tô Giê-su đến để làm chứng cho thế gian biết Ngài với Chúa Cha là một (x Ga
10,30),vì cùng là Thiên Chúa toàn năng và yêu thương.
Để
bộc lộ tình yêu cao cả nhất không có cách nào hơn là chết vì Chân Lý hầu quy tụ
loài người về cho Chúa. Nhưng trong bản tính loài người, cả đến Đức Giê-su,
khi đứng trước cái chết cũng run sợ đến
toát mồ hôi máu, nên Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể xin cất chén đắng này khỏi Con, xong đừng theo ý
Con một theo ý Cha” (Lc 22,42-44). Thế mà không thấy Cha Ngài trả lời, vì
Chúa Cha không có con đường nào khác để cho Con bày tỏ tình yêu đối với loài
người tội lỗi. Mà chính Đức Giê-su cũng đã nói với các môn đệ: “Không có tình yêu nào cao cả hơn người hy
sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Ta
cứ nhìn vào cuộc đời Đức Giê-su, Ngài hết lòng rao giảng Lời Chân Lý đã nhận từ
nơi Chúa Cha (x Ga 14,24), và Ngài hoàn toàn làm theo thánh ý Người (x Ga
14,31). Vậy mà thế gian lại chống đối Ngài cách quyết liệt, bởi lẽ :
§ Đức Giê-su chứng thực
những kẻ thuộc về thế gian thì các việc làm của nó là xấu xa (x Ga 7,7).
§ Tư tưởng của Đức Giê-su
không phải là tư tưởng của người đời, nên đường lối của người đời không phải là
đường lối của Thiên Chúa (x Is 55,8).
§ Điều mà người đời cho
là cao siêu, thì lại là điều nhờm tởm trước mặt Đức Giê-su (x Lc 16,15).
Chính vì Đức Giê-su tố
cáo người đời như trên, nên Ngài có nhiều kẻ thù nhất. Cứ nhìn vào ngày Thứ Sáu
Tuần Thánh, cả rừng người về một phe chống đối Đấng vô tội. Ông Phi-la-tô cho
lính đánh đòn Đức Giê-su đến bầm dập, rồi đưa Ngài ra đứng trước mặt toàn dân,
ông chỉ vào Ngài và nói: “Này là Người” (Ga 19,5). Chúa dùng
miệng ông Phi-la-tô nói như thế có ý xác nhận rằng: Cả rừng người trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đều là lang sói, chỉ mình
Đức Giê-su phục vụ loài người đến tan
nát xương thịt mới thực là Người! Nhưng không phải vì thế mà người
đời tưởng là đã diệt được Ngài, bởi lẽ Ngài là Thiên Chúa tình yêu, là Đấng
toàn năng, Ngài biến chết ra sống, Ngài trở thành nguyên nhân cứu độ duy nhất
cho loài người (x Cv 4,12).
Bởi đó, Đức Giê-su
Ki-tô muốn ta làm chứng về Thiên Chúa thì Ngài nói cho ta biết trước :
§ Vì Lời Ta ban cho anh
em nên thế gian ghét anh em (Ga 17,14).
§
Nếu thế gian ghét anh em,
anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.Giả như anh em thuộc về thế gian,
thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế
gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.
Hãy nhớ Lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt
bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân
giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh
em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy (Ga 15, 18-21: Tin Mừng).
§
Môn đệ được như Thầy, tôi
tớ được như chủ là đủ rồi. Nếu thế gian gọi chủ nhà là tướng quỷ, huống chi là
người nhà của chủ (Mt 10,24b-25).
§ Anh em sẽ bị mọi người
ghét vì danh Thầy, nhưng ai bền đỗ đến cùng
người đó mới được cứu độ (Mt 10,22).
Thánh Gioan Tông Đồ dựa
vào Lời Đức Giê-su nói như thế, ông khuyên các tín hữu: “Đừng lấy làm lạ hỡi anh em, nếu thế gian ghét anh em. Ta biết là ta đã
được ngang qua sự chết mà vào sự sống, vì hiện ta yêu mến anh em.Kẻ không yêu
mến thì lưu lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình thì nó là đứa sát nhân.
Và anh em biết: phàm là kẻ sát nhân thì không có sự sống đời đời lưu lại nơi
mình nó” (1Ga 3,13-15).
Tâm lý người đời thường
lấy mình mà đo người khác :
Thấy ai thấp bé hơn
mình, dáng vóc không bảnh bao, thì chê : “Nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún”.
Nhưng lại chê người cao lớn: “Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”.
Khi ta bị chống đối,
đừng vội tự cho mình là giống Chúa, ta phải cầu xin Chúa soi sáng giúp ta biết xét mình, có khi do lỗi tại ta mà
người khác phê bình, phản đối. Cho nên ta phải cầu nguyện: “Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, xin cho những
người trông đợi Chúa, đừng vì con mà phải thẹn thùng. Lạy Chúa Trời nhà Israel, xin
đừng để những ai tìm kiếm Ngài lại vì con mà mang tủi hổ” (Tv 69/68,7). Khi
ta đã cầu nguyện và cân nhắc kỹ lưỡng, ta thấy mình không thể làm khác, nói
khác được, thì ta hãy vui lên, vì ta làm việc để được nhận phần thưởng nơi Chúa
chứ không nơi người đời (x Is 49,4).
Tóm lại, càng tha thiết
sống theo Lời Chúa dạy, ta càng gặp nhiều chống đối, xem ra ta là kẻ bất hạnh
nhất trên đời. Nhưng niềm hân hoan vui sướng sẽ đến
với ta, vì “một khi ta cùng chịu
đau khổ với Đức Giê-su, thì ta cũng được thông chia vinh quang Phục Sinh với
Ngài” (Rm 8,17). Cho nên cứ nhìn
thập giá Đức Giê-su mà tiến bước, Ngài là “cờ
trận của ta” (Xh 17,15). Vì vậy thánh Phao-lô nói: “Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì
thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1: Tung
Hô Tin Mừng). Có thế ta mới động viên muôn người: “Hãy tung hô mừng Chúa hỡi toàn thể
địa cầu” (Tv 100/99, 1: Đáp ca).
Ngày
tôi mới vào Đại chủng viện, tôi không thể quên được lời dặn dò trong buổi Tĩnh
Tâm của Cha giảng phòng: “Thầy nào sau
khi được làm Linh mục ra phục vụ giáo xứ 5 năm, mà không thấy ai chửi mình, thì
phải xin phép Đức giám mục xách va-ly về Chủng viện học lại”.
Tuy
nhiên không phải lúc nào ta cũng đương đầu với những kẻ đối kháng, khi không
cần thiết. Cụ thể như ông Phao-lô đã cắt
bì cho Ti-mô-thêu, dù
trái với quyết định của Công Đồng Giêrusalem, nhưng vì hoàn cảnh nơi ông
Phao-lô đang phục vụ, những người Do Thái chưa tiếp nhận được giáo lý mới mẻ là
bỏ cắt bì cho dân ngoại, nếu muốn đưa họ gia nhập vào dân Thiên Chúa. Ông
Phao-lô phải cắt bì cho ông Ti-mô-thêu, để
đưa Ti-mô-thêuđi chung đường truyền giáo mà không bị những người Do Thái
chống đối, và để Thánh Thần dẫn ông đi tới các vùng khác tiếp tục hoạt động cho
Tin Mừng (x Cv 16,1-10: Bài đọc).
Việc
ông Phao-lô cư xử như thế, ông muốn dạy chúng ta: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu.
Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người”
(1Cr 9,22).
THUỘC LÒNG
Nếu tôi luôn luôn làm hài lòng người đời
thì tôi không còn là tôi tớ của Đức Ki-tô (Gl 1,10).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH