BÀI GIẢNG
THÁNH THỂ MẠC KHẢI VỀ DANH THIÊN CHÚA
Đối với dân Do Thái, tên của một
người là diễn tả về lý lịch, bản tính, sứ mệnh, hay tầm quan trọng hoạt động
của người đó.
Thí dụ:
-
Giêsu
có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ (x Mt 1,21).
-
Maria
có nghĩa là được yêu, bà chủ, bà chúa (x Lc 1,27).
-
Gioan
có nghĩa Thiên Chúa là Đấng thương xót (x Lc 1, 13).
-
Phê-rô
có nghĩa là Đá tảng, Đức Giê-su xây dựng Hội Thánh Ngài trên Đá tảng này (x Ga
1,42 ; Mt 16,18).
Khi ông Mô-sê được Thiên Chúa
tuyển chọn làm người giải phóng dân Do Thái thoát ách nô lệ Ai- Cập, lúc ấy ông
là kẻ thất thế, vì ông đã giết một người Ai Cập, nên bị nhà vua ra lệnh truy nã,
ông phải trốn lên rừng giả dạng là người chăn chiên, làm sao ông có khả năng
đối đầu với một đế quốc hùng mạnh, làm sao ông có uy tín nói với dân Do Thái
nghe theo. Do đó, để tạo uy tín đối với dân, ông Mô-sê phải hỏi tên Đấng sai
ông, để biết Ngài là ai, hầu nói với dân tin theo ông. Chúa đã mạc khải Danh của
Ngài cho ông: “Ta là YAHWEH (Gia-vê)”,
có nghĩa là “Đấng Hằng Hữu” hoặc “Ta là Ta” (x Xh 3, 13-16 ; 6,3).
Người Do Thái xưa muốn tôn trọng
danh Chúa, họ không dám gọi tên Ngài là Gia-vê, mà gọi Ngài là Ông Chủ: ADONAI
; thì anh em Tin Lành cũng sợ không dám gọi danh Thiên Chúa hay danh Adonai, mà
gọi Thiên Chúa là Yehova. Từ này ghép bởi những phụ âm của từ Yahweh và nguyên
âm của từ Adonai (phụ âm của Yahweh là chữ y, h, w ; nguyên âm của Adonai là a,
o, khi ghép những chữ này lại thì a đổi thành e, w đổi thành v), thành ra từ Yehova
(đúng ra là Yahowa).
Như thế người Do Thái và Tin Lành
rất sợ Thiên Chúa, nên không dám gọi chính danh của Ngài ; trái lại đối với
người Công Giáo nhờ được Chúa Thánh Thần soi sáng hiểu bảy lần trong Tin Mừng
Gioan, Đức Giê-su mạc khải về danh Thiên Chúa (Yahweh) :
1/ TA LÀ BÁNH HẰNG SỐNG! Ai đến với Ta sẽ không hề đói, và
kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ (Ga 6,35: Tin Mừng).
Để diễn tả Chúa Giê-su là Bánh trường
sinh, nhờ Ngài không ai còn đói khát. Thánh Lễ hôm nay Hội Thánh cho ta đọc
sách Cv 8, 1-8 ghi lại sức bật của Tin
Mừng: Người ta ném đá Phó tế Stephano cho đến chết. Họ tưởng làm như thế là
diệt được Lời ban sự sống cho thế gian. Thế nhưng cái chết của ông Stephano được
thông hiệp với cuộc Tử Nạn của Đức Giê-su và cùng được chia phần chiến thắng
Phục Sinh với Ngài, ông như một tấm bánh bẻ ra phân phát cho nhiều người, bởi
lẽ sau khi người ta ném đá ông, các tín hữu phân tán khắp nơi, đi tới đâu họ
cũng giảng Tin Mừng. Như vậy, vì ông Stephano đã được kết hợp với Chúa Giê-su
Thánh Thể mà cuộc tử nạn của ông diễn tả sức sống bất diệt của người đã ăn Bánh
đích thực của Chúa Giê-su ban. Vì thế các tác giả Tin Mừng đã ghi lại việc Đức
Giê-su hóa bánh và cá nuôi dân là báo trước về mầu nhiệm Thánh Thể, thì không
phải chỉ duy Đức Giê-su bị giết chết vì rao giảng Tin Mừng, và Ngài sống lại để
trở thành Bánh nuôi mọi người, mà còn có cả chứng nhân của Ngài như ông Gioan
Tẩy Giả cũng chết vì sứ mệnh ngôn sứ. Đó là lý do tác giả Nhất Lãm đã ghi nhận cái
chết của ông Gioan Tẩy Giả trước việc Đức Giê-su hóa bánh nuôi dân (x Mt 14,
1-21 ; Mc 6, 17-44 ; Lc 9, 7-17), nhằm báo hiệu các chứng nhân của Chúa Giê-su
cũng phải chấp nhận đau khổ đến mất mạng vì phục vụ Tin Mừng, để nói được như
thánh Phao-lô: “Tôi vui sướng trong các
nỗi thống khổ chịu vì anh em, và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn
thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Ki-tô phải chịu vì Thân Mình Ngài là Hội Thánh”
(Cl 1,24).
2/ TA LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN! Ai theo Ta sẽ không phải đi trong
tối tăm, nhưng nó sẽ có ánh sáng sự sống (Ga 8, 12).
Nhờ Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài
đưa ta ra khỏi vùng tối tăm, có nghĩa là ta không còn sống trong tội lỗi, nhưng
được mặc lấy khí giới sự sáng (x Rm 13,12). Do đó ai lưu lại trong Chúa Giê-su
Phục Sinh là Ánh Sáng, thì người ấy không thể phạm tội, không thuộc về tối tăm
(1Ga 3,6).
Vì Chúa Giê-su là ánh sáng ban sự
sống nên ông Zacarya diễn tả Chúa Giê-su là “Mặt Trời từ cao xanh đến viếng thăm ta, soi sáng những kẻ ngồi trong
tối tăm bóng chết, và hướng chân ta thẳng đường bình an” (Lc 1,78-79). Kinh
Thánh dùng hình ảnh mặt trời để diễn tả
Thiên Chúa là ánh sáng ban sự sống. Ánh sáng mặt trời vừa tiêu diệt vi trùng
trong không khí, vừa làm cho các loài thụ tạo có sự sống được tồn tại và phát
triển, đặc biệt đối với con người nhờ ánh sáng soi đường chỉ lối cho người ta
làm việc, cũng như không đi lầm đường mà rớt xuống vực thẳm.
3/ TA LÀ CỬA RÀN CHIÊN! Bao nhiêu kẻ đã đến trước Ta hết
thảy đều là trộm là cướp ; nhưng chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa vào! Ai
ngang qua Ta mà vào thì sẽ được cứu ; nó sẽ vào, sẽ ra, và sẽ gặp được lương
thực (Ga 10, 7b-9).
Lời khẳng định này Đức Giê-su có ý
nhấn mạnh: Ngoài Danh Ngài, không có danh nào đem ơn cứu độ cho loài người (x
Cv 4,12). Các mục tử trước Ngài như Abraham, Đavid, các ngôn sứ, những vị này
chỉ giới thiệu, chuẩn bị lòng người để người ta tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh.
Cho nên ai tin vào các vị đó mà không thuộc về Đức Ki-tô, thì chỉ trộm là cướp chiên
của Đức Giê-su. Chính vì vậy, Đức Giê-su đã hai lần mạc khải Ngài là cửa ràn
chiên (Ga 10,7.9), và chiên của Ngài được đặt trong giữa hai cửa (Ga 10,8), thì
chiên được gìn giữ an toàn.
4/ TA LÀ MỤC TỬ TỐT LÀNH ! Người chăn chiên tốt thí mạng
sống mình vì chiên. Kẻ làm công thì không hẳn là chủ chiên, và không có chiên
làm của mình, thì vừa thấy sói là bỏ chiên mà chạy trốn, và sói bắt chiên và
làm tán loạn. Ấy là vì hắn là kẻ làm công, và không màng gì đến đoàn chiên. Ta
là người chăn chiên tốt (Ga 10, 11.14a).
Ở đây ta lại thấy hai lần Đức
Giê-su xác nhận: “Ta là Mục Tử tốt lành”
(c 11 và 14a). Hai câu này như hai vòng tay người mục tử tốt ôm lấy đàn chiên, bảo
vệ, gìn giữ thoát mọi sự dữ! Khác hẳn với kẻ chăn thuê, gặp sói dữ thì bỏ chiên
chạy thoát thân !
5/ TA LÀ SỰ SỐNG LẠI VÀ LÀ SỰ SỐNG! Ai tin vào Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống, và mọi kẻ sống cùng
tin vào Ta thì không phải chết bao giờ (Ga 11,25-26).
Ta biết chữ “và” trong ngôn ngữ Hy
Lạp báo trước một điều quan trọng. Vì vậy dù được Đức Giê-su cho sống lại như con
gái ông Giairo, trai bà góa thành Naim, anh Ladaro (x Mc 5,35t ; Lc 7,11t ; Ga
11,1t), cũng không quan trọng, bởi lẽ họ còn phải chết, chưa có sự sống đời
đời. Chỉ ai được thông hiệp với sự sống của Chúa Giê-su Phục Sinh nhờ lãnh Bí
tích Khai Tâm (Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể), thì dầu thân xác họ có chết vì
tội, họ vẫn được sống lại vinh quang giống Chúa Giê-su trong ngày cánh chung.
6/ TA LÀ ĐƯỜNG VÀ LÀ SỰ THẬT, SỰ SỐNG! Không ai đến với Cha mà lại không nhờ Ta (Ga 14,6).
Đường đi thì không quan trọng,
nhưng đường dẫn đến sự thật, sự sống mới là quan trọng. Vì thế chữ “và” đã được
đặt trước sự thật, sự sống để nhấn mạnh rằng chỉ có Chúa Giê-su Phục Sinh mới
dẫn chúng ta đi vào con đường sự thật đạt sự sống đến cùng Chúa Cha: được cứu
độ.
7/ TA LÀ CÂY NHO ĐÍCH THỰC, VÀ CHA TA LÀ NGƯỜI CANH TÁC! Nhánh nào trong Ta không sinh quả, Người chặt nó đi ; còn nhánh nào
sinh quả thì Người tỉa sạch để nó sinh quả nhiều hơn… Ta là cây nho đích thực,
ai không lưu lại trong Ta, thì bị quăng ra ngoài như nhánh nho và khô đi (Ga 15, 1-5).
Cuối cùng lại hai lần Đức Giê-su mạc
khải “Ta là cây nho đích thực” (Ga
15,1.5). Hai lời này mở đầu và kết thúc: ai ở trong Chúa Giê-su thì như ngành
liền thân nho sinh nhiều hoa trái, kẻ không liền vào thân nho là Chúa Giê-su,
thì tự khô héo.
Nhìn vào bảy lần Đức Giê-su mạc
khải về danh Chúa “Ta Là”: Mở đầu “Ta là BÁNH” (Ga 6,35), kết thúc “Ta là NHO” (Ga 15,1).
Bánh và nho là dấu chỉ về Bí tích Thánh Thể. Vậy qua mầu nhiệm Thánh Thể ta
được kết hợp nên một Chúa Giê-su, thì được lãnh nhận trọn vẹn sự sống vinh
quang dồi dào nơi Thiên Chúa. Khác với thuở xưa người Do Thái cứ thắc mắc danh
Chúa “Ta Là”, “Ta Có”, thì Ngài là gì, Ngài có gì, người ta khắc khoải để được hiểu
biết về Thiên Chúa và được thông phần sự “Có” của Ngài, nhưng không được ! Mãi
đến thời Tân Ước, ai nhờ kết hợp Chúa Giê-su Phục Sinh qua Bí tích Thánh Thể,
thì người ấy được :
a-
Chúa tái tạo nên hoàn hảo trong Chúa Giê-su. Vì số 7 chỉ
về tuần Sáng thế.
b-
Chúa cho người đó được dồi dào ơn Chúa. Thánh Gioan nói “họ được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”
(Ga 1,16). Vì con số 7 chỉ về sự phong phú ơn Thiên Chúa, như 7 Bí tích, 7 ơn
Chúa Thánh Thần.
c-
Được sự sống dồi dào vì Chúa Giêsu là Bánh đích thực (Ga
6,35) ; được thoát khỏi vòng tội lỗi, tham dự vào sự sống Phục Sinh, vì Chúa
Giê-su là ánh sáng ban sự sống (Ga 8,12) ; được Chúa canh giữ khỏi mọi sự dữ,
vì Chúa Giê-su là cửa ràn chiên (Ga 10,7-9) ; được Chúa Giêsu hiến cả mạng sống
cho ta được sống, vì Ngài là Mục Tử nhân lành (Ga 10,11-14) ; được sống vinh
quang bất diệt, vì Ngài là sự sống lại (Ga 11,25) ; được về hưởng hạnh phúc
cùng Cha trên trời, vì Chúa Giê-su là đường sự thật dẫn đến sự sống (Ga 14,6), và
làm được nhiều việc tốt lành hơn Chúa Giê-su (Ga 14,12), lưu lại mãi đến sự
sống đời đời, vì Chúa Giê-su là cây nho, ta là ngành (Ga 15, 1-5).
Bởi vậy Đức Giê-su đã xác nhận: “Tất cả những ai tin vào Người Con, thì được
sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40: Tung
Hô Tin Mừng). Như thế Đức Giê-su muốn cả loài người phải được dự tiệc Thánh Thể,
mới thực là tin vào Ngài để được sống muôn đời, dầu có chết cũng được sống lại
vinh quang như Thiên Chúa, làm cho “cả
trái đất tung hô Thiên Chúa” (Tv 66/65,1: Đáp ca).
Ngày 21-07-1969, hai phi hành gia người Mỹ đã đổ bộ
xuống mặt trăng.
Anh Amstrong đạo Tin Lành, gởi ngay một bức điện về trái
đất: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc
tay Người làm.” (Tv 19/18,2).
Còn Adryan, người Công Giáo, anh vội mở hộp đựng Mình
Thánh Chúa và rước lễ.
Như thế lần đầu tiên hai phi hành gia đã đưa hai lương thực
chính của bàn tiệc Thánh Lễ lên mặt trăng :
+ Một anh viết Lời Chúa: Tv 19/18, 2 trên tấm bảng mica
và cắm trên mặt trăng.
+ Một anh rước Mình Thánh Chúa, bảo đảm cho anh được
sống đời đời, dù khi bước ra khỏi trái đất sang một hành tinh khác.
THUỘC LÒNG
Ta là bánh sự sống, ai đến với Ta không hề đói, và kẻ tin
vào Ta không hề khát bao giờ (Ga 6,35).
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
|