BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Cv 4, 32-37
32 Các tín hữu thời bấy giờ đông
đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của
riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.
Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa
ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất
cả các ông dồi dào ân sủng.
Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì
tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền,35 đem
đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu
cầu.
Ông Giô-xếp, người được các Tông
Đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa đất. Ông là
một thầy Lê-vi quê quán ở đảo Sýp.37 Ông bán đất đi, lấy tiền đem
đặt dưới chân các Tông Đồ.
ĐÁP CA : Tv 92
Đ. Chúa là
Vua hiển trị, Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào.
(c 1a)
1ab Chúa là Vua hiển trị, Chúa mặc
oai phong tựa cẩm bào, Người lấy dũng lực làm cân đai.
1c Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu
không lay chuyển.2 Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa:
Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời.
3 Sóng nước đã gầm lên, lạy Chúa,
sóng nước đã gầm lên tiếng thét gào. Sóng nước đã gầm lên, long trời lở đất.
5 Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài thật là
bền vững, nơi đền vàng rực lên toàn thánh thiện triền miên qua mọi thời.
BÀI GIẢNG
CHÚA GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT
(Cv 4,12)
Để xác tín như lời thánh Phê-rô
nói : “Vì dưới gầm trời này, không có một
danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà
được cứu độ" (Cv 4,12), khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy, ta phải tìm hiểu
ý Chúa các Bài đọc được công bố trong Thánh Lễ hôm nay.
-
Hiểu
Lời Chúa qua phương pháp loại suy.
-
Hiểu
về tương quan giữa các tôn giáo.
-
Ơn
tái sinh khởi đi từ đâu và ai nói cho ta biết ?
-
Người
Công Giáo sống thể hiện thế nào về giá trị ơn tái sinh của mình ?
I. HIỂU LỜI CHÚA QUA PHƯƠNG PHÁP
LOẠI SUY
Phương pháp loại suy là ngôn ngữ
và hình ảnh dùng trong Thánh Kinh, ta phải suy ra những điều không hợp mầu
nhiệm Nước Thiên Chúa thì loại trừ, và chỉ đón nhận những gì phù hợp với giáo
lý Hội Thánh mà thôi. Bởi vì đến như thánh Phao-lô đã được Chúa cho lên đến
tầng trời thứ ba, khi trở về trần gian, ông chỉ có thể nói được rằng : “Tôi được nghe những lời khôn tả, người phàm
không được phép nói lại” (2Cr 12,2-4). Có nghĩa là không có ngôn ngữ hình
ảnh nào trên trần gian có thể dùng diễn tả hết được những điều tuyệt vời nơi
Quê Trời. Vì ở trần gian khác hẳn với Thiên Đàng. Trong khi đó Đức Giê-su muốn
cho con người hiểu về mầu nhiệm Nước
Thiên Chúa, thì Ngài lại phải dùng ngôn ngữ, hình ảnh, văn hóa của loài người.
Mà loài người muốn có tư tưởng truyền đạt cho nhau thì phải bám vào vật hữu
hình. Thí dụ ta nói cái này nặng quá, thì người nghe nghĩ ngay đến cục đá ; ta
nói cái này nhọn quá, người nghe liên tưởng đến mũi kim ; ta nói cái này tròn
quá, thì người nghe đương nhiên như nhìn thấy trái banh trước mặt ; hoặc một
người đến Việt Nam muốn hiểu người VN, thì phải nói phải hiểu theo văn hóa của
người Việt. Thí dụ tôi nói : tôi phải đi khám bác sĩ, thì người nghe phải hiểu
rằng tôi đang bị bệnh, tôi phải đến bác sĩ khám bệnh cho tôi ; hoặc tôi nói : chúc
anh chị trăm năm hạnh phúc, thì đôi tân hôn đó phải hiểu rằng suốt đời mình
được hạnh phúc, chứ không phải sống trên trăm năm là bất hạnh. Cũng thế, ta vào
rừng nói chuyện với dân tộc thiểu số, nếu ta nói với họ về một vật rất lớn, thì
ta phải nói cái đó lớn hơn trái đất so với mặt trời, trong khi đó khoa học dạy
ta biết mặt trời lớn hơn trái đất 50 lần.
Bởi vậy, Đức Giê-su nói với ông
Ni-cô-đê-mô về ơn tái sinh : “Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông
cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn Trên.Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông
nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí
mà sinh ra thì cũng vậy." (Ga 3,7-8 : Tin Mừng). Ở đây Đức Giê-su
dùng hình ảnh gió để chỉ về Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Ngôi thứ Ba, Ngài được
ví như gió, nhưng Ngài lại không
phải là gió. Tuy nhiên gió làm cho người ta sống, gió đến đâu hay đi đâu không
ai thấy được, thì Chúa Thánh Thần cũng làm cho người ta được sống và không ai
thấy Ngài.
Vậy muốn hiểu Kinh Thánh cho đúng, phải nghe Hội Thánh dạy ta hiểu
những phạm trù nào Kinh Thánh dùng để diễn tả về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa,
phạm trù nào phải loại trừ. Không ai được lấy ý riêng mình mà giải thích Kinh
Thánh ngoài Đức Tin truyền thống của Hội Thánh, khởi đi từ thời các Tông Đồ. Đó
là lý do thánh Phê-rô nói : “Anh em phải
biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách
Thánh.Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính
nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa”
(2Pr 1,20-21).
II. HIỂU VỀ TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC
TÔN GIÁO.
Đức Giê-su nói: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người,
Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13 : Tin Mừng). Hội
Thánh dạy ta phải xác tín thế này:
1- Mọi tôn giáo ngoài Ki-tô giáo
đều phát xuất từ trái đất, từ lòng người (số 2), hy vọng dạy con người vươn lên
tới cõi Vĩnh Phúc (1). Trong khi đó Ki-tô giáo từ Trời hay từ nơi Vĩnh Phúc (1)
xuống trái đất, vào lòng người (2), để làm cho những thực tại ở trái đất được
giống thực tại ở trên Trời, như Đức Giê-su đã dạy trong kinh Lạy Cha : “Xin
cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời” (Mt 6,10).
2- Giá trị các tôn giáo khác đưa
hạnh phúc con người lên cao hay thấp tùy theo những chân lý trong đạo đó phù
hợp nhiều hay ít với những chân lý trong
giáo lý của Hội Thánh Chúa Ki-tô.
3- Chỉ có Ki-tô giáo từ nguồn hạnh
phúc vĩnh cửu (Trời) đến với con người, và cũng chỉ nhờ Hội Thánh Chúa Ki-tô
làm Thân Mình Mầu Nhiệm của Ngài dẫn ta về Trời nguồn Vĩnh Phúc.
III. ƠN TÁI SINH KHỞI ĐI TỪ ĐÂU VÀ
AI NÓI CHO TA BIẾT?
1- Con người được Thiên Chúa tái sinh do Ba Ngôi Thiên Chúa mạc khải,
như Lời Đức Giê-su nói : “Chúng Tôi có
biết, Chúng Tôi mới nói, và Chúng Tôi thấy Chúng Tôi mới làm chứng” (Ga
3,11 : Tin Mừng). Như thế, Đức Giê-su dựa vào Luật của người Do Thái để xác
nhận một sự thật buộc mọi người phải tin : “Chứng của một người không đáng
tin, nhưng chứng của hai ba người trở lên thì phải tin” (Dnl 19,15). Do
đó, danh hiệu “Chúng Tôi” Đức Giê-su dùng là chỉ về Ba Ngôi Thiên Chúa thực
hiện cuộc tái sinh con người tin vào Đức Giê-su là Thiên Chúa, như Ngài nói với
các môn đệ : “Anh em hãy đi và làm cho muôn
dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha,và Chúa Con và
Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
2- Việc tái sinh con người nhờ, với, trong Chúa Giê-su khởi đi từ nước trong
tim Ngài dốc ra khi bị đâm trên thập giá (x Ga 19,34). Vì thế Đức Giê-su
nói với ông Ni-cô-đê-mô : “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa
mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,để ai tin vào Người thì
được sống muôn đời” (Ga 3,14-15 : Tung Hô Tin Mừng).
Thời dân Do Thái còn đi trong sa
mạc tiến về đất Hứa, họ bị rắn cắn, Chúa bảo ông Mô-sê đúc con rắn đồng treo
lên cây cột, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được sống (x Ds 21,4-9). Đó là hình ảnh tiên
báo về Đức Giê-su bị treo trên thập giá, để những kẻ có tội biết sám hối mà nhìn
lên Đức Giê-su xin Ngài thương xót như anh trộm lành, thì được Ngài cho vào
Thiên Đàng ngay (x Lc 23,43), nhất là khi ta
được tái sinh bởi xương thịt Chúa Giê-su để được đón nhận Chúa Thánh Thần nhờ
Bí tích Thánh Thể (x Cv 2,38), hơn thuở xưa Chúa lấy xương thịt A-đam tạo
nên E-và (x St 2,21-24).
IV. NGƯỜI CÔNG GIÁO THỂ HIỆN
THẾ NÀO VỀ GIÁ TRỊ ƠN TÁI SINH CỦA MÌNH?
Các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai
cho chúng ta mẫu gương sống đạo :
1- Họ cùng một Đức Tin, một linh hồn (x Cv 4,32 : Bài đọc). Cụ thể
phải hiểu là “họ chuyên cần nghe giáo lý
của các Tông Đồ, hiệp thông Thánh Thể và kinh nguyện” (x Cv 2,42). “Vì Chúa là Vua hiển trị, mặc oai phong tựa
cẩm bào” (Tv 93/92,1 : Đáp ca).
2- Họ tôn trọng nhau thể hiện bằng việc chăm sóc nhau. Cụ thể ai làm chủ
đất đai hay nhà cửa thì họ bán đi và đem giá cả các vật bán được mà đặt dưới
chân các Tông Đồ để phân phát cho mỗi người ai nấy tùy theo nhu cầu của mình,
không còn ai phải túng thiếu (x Cv 4,34-37 : Bài đọc). Ở đây ta lưu ý dân đưa
tiền của đặt dưới chân các Tông Đồ,
chứ không đặt vào tay các ngài, vì người ta ý thức rằng của cải vật chất chỉ là
bệ kê chân con người nhắc lên gần Thiên Chúa, còn bàn tay của họ, là bàn tay
đón Chúa và phân phát ơn Ngài. Chính vì vậy mà giáo lý Hội Thánh trong điều răn
V (điều răn mới trong sách Giáo Lý số 2041-2043) dạy con cái mình phải biết
dùng tiền của đóng góp cho những nhu cầu của Hội Thánh tùy theo Đức Tin và lòng
Mến mỗi người, để Hội Thánh có điều kiện làm phát triển Tin Mừng, và tạo nên
những phương tiện phục vụ nhu cầu dân Thiên Chúa.
Ông John Rockfeller năm
33 tuổi, tài sản ông chỉ có vỏn vẹn 1.000 dollars cùng với cây xà-beng đi đào
giếng mướn cho người ta, dần dần ông mua được một đàn bò, rồi nhiều đàn bò, bán
bò ông mua nông trại, bán nông trại ông làm chủ một cơ sở lớn nhất nước Mỹ vào
tuổi 43. Nhưng không may đến với ông khi ông được 53
tuổi : ông bị bệnh rụng hết tóc đầu! Hội Đồng Bác sĩ bảo ông chỉ sống thêm một
năm nữa! Báo chí đưa hình hói đầu của ông lên trang nhất và chế giễu : “Ông không đủ tiền mua một sợi tóc!” Tỉnh
ngộ ông bắt chước ông Gia-kêu : đưa tài sản chia sẻ cho các cơ quan từ thiện,
cho những chương trình nghiên cứu khoa học phục vụ con người. Kết qủa ông đã
sống thọ đến 98 tuổi (thay vì 54 như bác sĩ chẩn đoán).
Hãng
Thông Tin Công Giáo Thế Giới loan đi ngày 02/03/2007 : Ông Fred Nassiri, một
nhà tỷ phú ở nước Mỹ, ông là người gốc Iran theo đạo Hồi. Nhưng khi ông trở lại
Công Giáo, ông dâng tất cả tài sản cho Dòng Phanxico khó khăn và xin gia nhập
Dòng. Người ta phỏng vấn ông tại sao ông làm thế ? Ông trả lời : “Càng
nhiều của cải, càng có nhiều nghĩa vụ với người xung quanh”.
Giáo sư
Alfred Adler nói: “Kẻ nào không quan tâm tới người khác, chẳng những nó gặp nhiều khó khăn
trên đời, mà còn là kẻ gây tác hại cho xã hội”.
Vậy ta hãy
noi gương Mẹ Maria đoán ý muốn người
khác để phục vụ (x Lc 1,39t ; Ga 2,3).
Thánh Phao-lô
dạy: Hãy khó với mình nhưng quảng đại
với Chúa và đồng loại (x 2Cr 6,12-13).
THUỘC LÒNG
Tôi sống, nhưng không còn
phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân
trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. (Gl 2,20)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH