BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Cv
4, 23-31
23 Hôm ấy, sau khi được thả về, hai ông Phê-rô và
Gio-an đến với các anh em và thuật lại mọi điều các thượng tế và kỳ mục đã nói
với hai ông.24 Nghe vậy, họ đồng tâm nhất trí cất tiếng lên cùng Thiên Chúa:
"Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài
trong đó;25 Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là
Đa-vít, tôi trung của Ngài, mà phán: Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn
quốc dám bày kế viển vông?26 Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập
mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.
27 "Đúng vậy,
Hê-rô-đê, Phong-xi-ô Phi-la-tô, cùng với chư dân và dân Ít-ra-en đã toa rập trong
thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giê-su, Đấng Ngài đã xức dầu.28 Như thế họ đã thực
hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước.29 Giờ đây, lạy Chúa, xin
để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài
với tất cả sự mạnh dạn.30 Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm
thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giê-su."31 Họ cầu nguyện xong,
thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu
mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa.
ĐÁP CA: Tv
2
Đ. Lạy Chúa, hạnh phúc thay những ai ẩn náu
bên Ngài. (x c 12d)
1 Sao chư dân lại ồn ào náo động? Sao vạn quốc dám bày kế
viển vông? 2 Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập
mưu đồ chống lại Đức Chúa , chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.3 Chúng
bảo nhau: "Xiềng xích họ, nào ta bẻ gãy, gông cùm họ, ta hãy quẳng đi!
"
4 Chúa ngự trời cao thấy thế bật cười, Người chế nhạo bọn
chúng. 5 Rồi nổi trận lôi đình, Người quát nạt, trút cơn thịnh nộ,
khiến chúng kinh hoàng, 6 rằng: "Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn,
lên trị vì Xi-on, núi thánh của Ta."
7 Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của Chúa, Người
phán bảo tôi rằng: "Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con. 8 Con cứ
xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng, toàn cõi đất làm phần
lãnh địa. 9 Con sẽ dùng trượng sắt đập chúng tan tành, nghiền nát
chúng như đồ sành đồ gốm."
BÀI GIẢNG
NGƯỜI CÔNG
CHÍNH SỐNG BỞI ĐỨC TIN
Ai muốn đón nhận được sự sống dồi dào từ Chúa Giê-su Phục
Sinh, thì họ phải tìm hiểu và sống hai điểm giáo lý :
-
Đức
tin Ki-tô giáo.
-
Lãnh
Bí tích Thánh Tẩy là cách thể hiện tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh.
I. ĐỨC TIN
KI-TÔ GIÁO
Đức tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng, là
phương nhận thức các thực tại người ta không trông thấy (Dt 11,1). Cụ thể
§ Đức
tin là một ơn nhưng không bởi Thiên
Chúa ban, như ông Phê-rô tuyên xưng đức tin về Đức Giê-su: “Thầy là
Con Thiên Chúa hằng sống”. Đức Giê-su xác nhận ngay: “Không phải bởi phàm nhân, cũng không phải
bởi xác thịt nào dạy con, nhưng bởi Cha trên trời” (Mt 16,17).
§ Đức
tin xem ra như vô lý, hoặc như một sự ác. Đan cử: Chúa bảo ông Abraham sát
tế con một của mình để dâng Ngài, trong khi đó Chúa đã hứa trước cho dòng tộc
của ông đông như sao trời như cát dưới
biển (x St 22).
§ Đức
tin nâng cao phẩm giá và tri thức con
người. Đan cử: người không biết Chúa thấy tạo vật tốt đẹp và hùng vĩ thì tưởng
nó là thần để tôn thờ, trong khi đó người được Chúa soi sáng thì nhận ra những
điều kỳ diệu nơi tạo vật là bởi Thiên Chúa ban cho nó. Bởi đó, Chúa đòi buộc
mọi người chỉ tôn thờ một mình Ngài, là tác giả của muôn loài trong vũ trụ (x Kn 13).
§ Đức
tin là hành vi tự do của con người
đón nhận. Đan cử: Đức Giê-su giảng về Bí tích Thánh Thể, đây là chân lý quan
trọng nhất, nếu người ta muốn được sự sống như Thiên Chúa thì phải lãnh nhận Bí
tích này. Thế mà biết bao nhiêu người nghe Đức Giê-su giảng, họ không tin, và
lũ lượt quay gót đi. Nhưng Đức Giê-su không hối tiếc về lời giảng của Ngài,
Ngài tôn trọng quyền tự do của mọi người (x Ga 6, 22-66).
§ Đức
tin dẫn đến sự sống. Thánh Phao-lô
xác tín: “Người công chính sống bởi đức
tin” (Rm 1,17).
§ Đức
tin được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa.
Thánh Phao-lô nói: “Làm sao có thể tin
Đấng họ không được nghe rao giảng ?” (Rm 10,14).
§ Đức
tin là niềm hy vọng hướng về ngày cánh
chung. Thánh Phao-lô nói: “Ơn cứu độ
đến với ta như một hy vọng, hy vọng mà thấy được ai còn hy vọng nữa, nhưng nếu
ta hy vọng điều ta không thấy thì ta cứ kiên vững đợi trông” (Rm 8,24-25).
Dầu sao trí tuệ con người bị giới hạn, không toàn năng
toàn tri như Thiên Chúa được, bởi đó phải tin vào uy tín của Thiên Chúa mà
thôi. Đức Giê-su đã nói với ông Ni-cô-đê-mô: “Gió muốn đâu thì thổi đến, ông
nghe được tiếng nhưng nào có biết được từ đâu mà đến hay lại đi đâu ? Cũng vậy
về mọi kẻ sinh bởi Thần Khí” (Ga 3,8: Tin Mừng).
Đức Giê-su nói thế đã xác minh cho chúng ta rằng: những
thực tại hữu hình ngay ở trần gian này ta có thể nhìn hay sờ nắn thấy, mà ta
vẫn không hiểu thấu tất cả những gì ta muốn biết về nó, huống chi ơn tái sinh
thuộc lãnh vực siêu hình, thuộc phạm trù về Nước Thiên Chúa, làm sao con người
có thế dùng trí tuệ để lý luận hiểu hết mới tin? Nên phải tin mà thôi.
Lần kia Đức Khổng Tử
đang phóng ngựa trên đường dài, thình lình ông phải dừng lại vì nhìn thấy một
chú bé đang dùng đất sét nặn mô hình một thành phố giữa đường. Đức Khổng Tử lên
tiếng:
- Chú bé, tránh ra cho
tôi đi, đường để đi chứ không phải để ngồi nghịch ngợm.
- Thưa ngài, ngựa phải
tránh thành phố mà đi hay thành phố phải tránh ngựa ?
Đức Khổng Tử nghe chú bé
vặn hỏi về sự thông minh của mình, nên ngài đặt câu hỏi :
- Nếu chú trả lời được
câu hỏi của tôi, tôi sẽ cho ngựa vòng lối khác đi, còn nếu không tôi sẽ cho
ngựa dẵm nát công trình của chú. Chú nói cho tôi nghe: ánh sáng nào lại không
nóng?
- Thưa ngài, về ban đêm
ngài không thấy đít con đom đóm nó sáng hay sao, mà đâu có nóng ? Rồi chú bé lại đưa ra câu hỏi :
- Thưa ngài, ngài có biết
trên đầu ngài có bao nhiêu sợi tóc không ?!
Khổng Tử tấm tắc khen
ngợi: “Đúng là hậu sinh khả úy”, và ông đã cho ngựa tránh lối khác mà
đi.
II. LÃNH BÍ TÍCH THÁNH TẨY LÀ CÁCH THỂ HIỆN ĐỨC TIN VÀO
CHÚA GIÊSU PHỤC SINH
Đức Giê-su nói về giá trị của ơn tái sinh qua Bí tích
Thánh Tẩy: “Ai không sinh lại bởi nước và Thần Khí thì không thể vào được nước
Thiên Chúa” (Ga 3,5). Như vậy ơn tái sinh cần thiết cho hết mọi loại
người, không trừ ai, nếu họ muốn được sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa. Ai
lãnh Bí tích này phải tin rằng :
-
Thánh
Tẩy là một cuộc lột xác.
-
Thánh
Tẩy là cửa ngõ dẫn ta tiếp nhận các ơn của Thiên Chúa.
1/ Thánh Tẩy là một cuộc lột xác.
Trong nhiều sinh vật muốn tăng trưởng và sự sống của nó
được tồn tại, nó cần phải lột xác. Cụ thể con sâu lột xác biến thành con bướm. Bướm
thì hơn sâu. Thế thì Thiên Chúa cũng muốn con người phải được biến đổi một khi chấp
nhận phải “lột xác”, tức là phải chịu khổ bởi sống Lời Chúa. Thánh Phao-lô nói:
“Hết thảy ta đã được thanh tẩy trong Đức
Ki-tô Giê-su, thì chính trong sự chết của Ngài mà ta được thanh tẩy. Vậy nhờ
thanh tẩy ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Đức
Ki-tô nhờ bởi vinh quang của Cha, đã được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa,
ta cũng bước đi trong đời sống mới. Nếu ta chết làm một với Đức Ki-tô, ta cũng
sẽ cùng sống với Người trong vinh quang” (Rm 6,3-4.8).
Các môn đệ Đức Giê-su cũng như các tín hữu thời sơ khai,
đã thể hiện đức tin bằng cách chấp nhận chết trong Đức Giê-su. Đan cử: sau khi
hai ông Phê-rô và Gio-an làm cho anh què được lành mạnh, thì các ông bị bọn đầu
mục hành hạ. Nhưng được ơn Chúa giải phóng khỏi tay những kẻ ác, các ngài trở về với giáo đoàn
thuật lại những đau khổ các ngài phải chịu vì rao giảng Tin Mừng, thì giáo đoàn
cất tiếng cầu nguyện: “Làm sao các dân
dấy động ? và các nước tính chuyện hão huyền ? vua chúa trần gian dấy binh khởi
nghĩa, quan quyền vây cánh liên minh, chống lại Chúa và chống lại Đức Ki-tô của
Người, họ còn chống lại tôi tớ thánh của Người là Đức Giê-su Đấng đã được xức
dầu. Xin Chúa hãy nhìn đến những lời hăm dọa của họ, và ban cho các tôi tớ của
Người được tất cả được tất cả dạn dĩ mà nói Lời Người. Cộng đoàn đã được đầy
tràn ơn Chúa Thánh Thần và họ đã hiên ngang nói Lời Thiên Chúa” (Cv 4,23-
31: Bài đọc).
Rõ ràng chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa, thể
hiện bằng việc “lột xác” mình, tức là phải thoát ra khỏi kiếp sống thói quen,
luật lệ, cơ chế, định kiến ràng buộc, như bóng đêm đang đè trên tâm tư của ông
Ni-cô-đê-mô ban đêm ông tìm đến nhà Đức Giê-su xin dạy bảo (x Ga 3,1-3). Muốn
được thế, ta phải chấp nhận chết cho niềm tin như ông Phê-rô và Gio-an bị người
đời hành hạ. Nhưng sự lột xác này không
phải do ý chí con người có thể thực hiện được, mà là nhờ vào Lời Chúa và Chúa
Giê-su Phục Sinh. Thuở xưa, khi Chúa tạo dựng A-đam, E-và nguyên tổ loài
người, mạc khải cho ta biết họ được tạo dựng hai lần :
- Lần
I được sinh ra bởi Lời Chúa: “Chúa nói Ta
hãy dựng nên con người giống Ta, tức khắc xuất hiện nam nữ” (St 1,26) ; thì
ơn tái sinh làm con Thiên Chúa, ta cũng phải được sinh lại bởi Lời của Ngài (x
Gc 1,18).
- Lần
II được sinh ra bởi vật chất: “Chúa đã
lấy bùn đất nắn tạo nên A-đam” (x St 2,7) ; thì ơn tái sinh ta còn được
sinh ra làm con Thiên Chúa nhờ Chúa Giê-su Phục Sinh (x Ga 1,12 ; Cv 2,38).
Vậy hằng ngày người Ki-tô hữu còn được tiếp tục lột xác,
được tái sinh nhờ Lời và nhờ Chúa Giê-su Thánh Thể mỗi khi họ ý thức tích cực tham dự Thánh Lễ.
Dự Lễ là cách cụ thể “tìm kiếm những gì
thuộc Thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, vì đã được chỗi
dậy cùng với Đức Ki-tô” (Cl 3,1: Tung Hô Tin Mừng).
2/ Thánh Tẩy là cửa ngõ dẫn ta tiếp nhận các
ơn của Thiên Chúa
Gọi Bí tích Thánh Tẩy là Bí tích cửa ngõ các ơn Chúa, là
vì ai chưa lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy thì không thể lãnh nhận ơn nào trong các
Bí tích khác. Bởi vì, khi ta đã được tái sinh trong Bí tích Thánh Tẩy :
- Ta
được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Giê-su như cành liền cây. Đức Giê-su nói: “Thầy là cây nho thật, anh em là cành, cành
nào không liền với thân cây thì không thể sống và sinh trái trăng. Kẻ nào lưu
lại trong Thầy thì nó sinh nhiều hoa quả, vì ngoài Thầy anh em không thể làm
được việc gì” (Ga 15,1-5).
- Ta
trở thành chi thể của Chúa Giê-su Phục Sinh (x 1Cr 6,15).
- Ta
là con Thiên Chúa được sinh ra bởi Chúa Giê-su chứ không phải do ý muốn xác
thịt của loài người (x Ga 1,12-13).
- Ta
là Hiền Thê của Tân Lang Giê-su, như lời thánh Phao-lô nói: “Tôi đã đính hôn anh em với một người độc
nhất là Đức Ki-tô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết”
(2Cr 11,2).
- Ta
là Thiên Chúa, dù ta còn nhiễm lây tội lỗi nhưng đã được trở nên công chính nhờ
Chúa Giê-su. Vì thế thánh Phao-lô nói: “Tôi
sống, nhưng không còn phải là tôi sống mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi” (Gl
2,20). Và vì “ta ở trong Chúa Giê-su thì dù ta có chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng làm
cho ta được sống, vì ta đã trở nên công chính” (Rm 8,10). Do đó “ai ở trong Chúa Giê-su thì không còn bị lên
án nữa” (Rm 8,1).
Thánh Phao-lô năm lần bị 39 roi, nghĩa là bị đánh tối đa,
vì theo Luật không được đánh trên 39 roi (x Dnl 25,2-3), bởi lẽ ông có quốc
tịch Roma. Vì thế người ta hỏi ông: “Phải
tốn bao nhiêu tiền để có quốc tịch Roma?” (Cv 22,28). Có quốc tịch Roma để
bảo vệ thua xa chúng ta có quốc tịch Nước Trời được tay quyền năng và yêu
thương Chúa Cha và Chúa Con bảo vệ (x Ga 10,27-30), trong khi đó ta chẳng mất một đồng xu nào!
Vậy “hạnh phúc thay
những ai ẩn náu bên Chúa” (Tv 2,12d: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Ai không
sinh lại bởi nước và Thần Khí thì không thể vào được Nước Thiên Chúa (Ga 3,5) Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
|