Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ NĂM TRONG TUẦN BNPS: BÌNH AN CỦA CHÚA GIÊ SU PHỤC SINH BAN
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Cv 3,11-26
11 Khi ấy, vì anh què vừa được chữa lành cứ níu lấy ông Phê-rô và ông Gio-an, nên toàn dân rất kinh ngạc, chạy ùa tới các ông tại hành lang gọi là hành lang Sa-lô-môn.12 Thấy vậy, ông Phê-rô lên tiếng nói với dân: "Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?13 Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha.14 Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân.15 Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.16 Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.
 17 "Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em.18 Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình.19 Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.20 Như vậy thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Đấng Ki-tô Người đã dành cho anh em, là Đức Giê-su.21 Đức Giê-su còn phải được giữ lại trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Người mà loan báo tự ngàn xưa.22 Thật vậy, ông Mô-sê đã nói: Từ giữa đồng bào của anh em, Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho trỗi dậy một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; tất cả những gì vị ấy nói với anh em, anh em hãy nghe.23 Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân.24 Sau đó, mọi ngôn sứ, kể từ ông Sa-mu-en đến các vị kế tiếp, khi lên tiếng thì cũng đã loan báo những ngày chúng ta đang sống.
 25 "Phần anh em, anh em là con cháu của các ngôn sứ và của giao ước mà Thiên Chúa đã lập với cha ông anh em, khi Người phán với ông Áp-ra-ham: Nhờ dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.26 Thiên Chúa đã cho Tôi Trung của Người trỗi dậy để giúp anh em trước tiên, và sai đi chúc phúc cho anh em, bằng cách làm cho mỗi người trong anh em lìa bỏ những tội ác của mình."
ĐÁP CA : Tv 8
Đ.        Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
            lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu.  (c 2a)
2a Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! 5 thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
6 Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, 7 cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân:
8 Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, 9 nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương. 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG : Tv 117,24
Hall-Hall :  Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Hall.
TIN MỪNG : Lc 24,35-48
35 Bấy giờ, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
 36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! "37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.38 Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? "40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? "42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
 44 Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm."45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh46 và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này. 
BÀI GIẢNG
BÌNH AN CỦA CHÚA GIÊ SU PHỤC SINH BAN
Bình an là gì ? Bình an đích thực là một trật tự do Lời Chúa xếp đặt. Đan cử như ông Phê rô nhân danh Chúa Giê-su, ông ra lệnh cho anh què bẩm sinh được lành mạnh tức khắc. Ông Luca cho biết các xương mắt cá của anh què được xếp lại trật tự giống như người bình thường Chúa cho sinh ra ( x. Cv 3,7 : Bài đọc).  Bởi vì chỉ duy có Chúa là Đấng tối cao toàn năng , đầy sức mạnh không có sức mạnh nào dám đương đầu, Ngài lại là Đấng đầy nhân ái giàu lòng xót thương (x. Ep 2,4 ; 3,20 ).Vì thế chỉ có Chúa Giê-su có quyền nói: “  Thầy để lại bình an cho anh em; Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (x ga 14,27).
Bình an Chúa Giê-su ban không giống như bình an thế gian ban, vì bình an của thế gian ban dựa trên 3 thế lực:
§         Thế lực chính trị, mà chính trị thì phải dối trá lừa đảo!
§         Thế lực vũ khí, sở hữu được vũ khí giết người dã man nhất!
§         Thế lực tiền “tệ”, tiền “bạc”, nghĩa là nắm vững kinh tế.
Rõ ràng bình an thế gian ban thua xa và khác hẳn bình an Chúa ban. Đan cử : nước Việt Nam hôm nay được đảng cộng Sản cho dân được bình an, vì lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua liên tiếp mấy ngàn năm chiến tranh, chỉ có từ 30 tháng 4 năm 1975 đến nay gần 40 năm không có chiến tranh tàn phá, dân Việt không còn ai phải chạy giặc tránh né bom đạn, vì đảng cộng sản Việt Nam đã dựa vào 3 thế lực trên. Thế mà sau năm 1975 rất nhiều người Việt không muốn ở lại trên mảnh đất quê hương để hưởng bình an này, họ chạy trốn bỏ của bỏ nhà lại, có khi đành chấp nhận mất mạng! Bình an như thế có thực là bình an giống Chúa Giê-su ban hay không !
Trái lại bình an của Chúa Giê-su Phục sinh ban cho những ai tin vào Ngài qua việc lắng nghe lời Giáo Huấn và lãnh nhận Bí tích Khai tâm Hội Thánh ban, thì người ấy được “ bác ái , hoan lạc, bình an , nhẫn nhục, nhân hậu , từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ “ (x Gl 5, 22-23a). Để dù họ có bị bách hại vì chân lý vì hạnh phúc đồng loại, vì vinh quang Thiên Chúa như ông Phao-lô bị người ta ném đá tưởng đã chết, họ lôi xác ông vứt bỏ ngoài thành! Nhưng một lát sau, ông chỗi dậy trong hân hoan, can đảm hơn, hăng hái hơn, tiếp tục lên đường đi giảng Lời Chúa cho nhiều cộng đoàn khác, rồi ông vòng trở lại nơi ông đã bị ném đá để sinh hoạt tiếp (x Cv 14).
 Sự bình an của Chúa Giê-su ban cho những ai thuộc về Ngài như thế là do hiệu quả Mầu Nhiệm tnạn và Phục Sinh của ngài. Mầu Nhiệm này Chúa Giê-su truyền cho Hội Thánh làm hiện tại hóa trong Phụng Vụ, nhất là lúc Hội Thánh cử hành Bí tích Thánh Thể.
Đọc kỹ trong bốn Tin Mừng, khi Chúa Giê-su Phục Sinh gặp các bà ra mộ viếng xác Ngài (x Ga 20,11t); hoặc Ngài cùng đồng hành hai môn đệ về làng Emmau (x Lc 24, 13-35 ); cả lúc Ngài đứng trên bờ biển đón các môn đệ đi đánh cá về (x Ga 21,1-14), Chúa Giê-su Phục Sinh không chúc bình an cho ai, trừ khi họ cùng hội họp với nhau trong ngày Chúa Nhật- cử hành Thánh Thể - Ngài mới đến ban bình an cho cộng đoàn Phụng Vụ (x Lc 24, 36t ; Ga 20,19.21.26).
Theo thánh sử Luca, lần Chúa Giê-su Phục Sinh chúc bình an này là cuộc gặp gỡ cuối cùng của Ngài  với các môn đệ, sau đó Ngài lìa các ông mà về trời (Lc 24, 36-48: Tin Mừng).Ta phải hiểu cuộc gặp gỡ này chính là Chúa Giê-su Phục Sinh cùng dâng Lễ với các môn đệ, vì lúc ấy các ông dâng cho Ngài miếng cá nướng : “chỉ vật được sát tế”, và Ngài ăn trước các ông. Sau đó Ngài cắt nghĩa những đoạn Kinh Thánh chỉ về Ngài khởi đi từ sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ, như lúc Ngài đi đường với các môn đệ về Emmau (x Lc 24,25-32). Nhưng đặc biệt trong bữa tiệc này, Ngài cắt nghĩa thêm Thánh vịnh cho các ông hiểu, mà Thánh vịnh chỉ được đọc trong khi Hội Thánh cử hành Phụng Vụ (x Lc 24,42-48 : Tin Mừng).
Cũng thế, hai môn đệ Phê-rô và Gioan sau khi chữa lành cho anh què ngồi ăn xin ở cửa Đẹp Đền Thờ, rồi anh theo hai ngài vào Đền Thờ tạ ơn Chúa. Khi ông Phê-rô vào trong Đền Thờ, ông giảng cho mọi người về Đức Giê-su mà dân đã nộp Ngài cho Roma để treo Ngài trên thập giá. Nhưng Ngài đã phục sinh, đánh gục tử thần. Đó là Hy Lễ Mới của Chúa Giê-su thiết lập thay thế cho lễ tế của dân Do Thái vẫn dâng theo Luật Mô-sê, và ông Phê-rô kêu gọi : “Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa để Ngài xóa bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy thời kỳ an lạc – bình an – mà Đức Chúa đã ban cho anh em sẽ đến, khi Ngài sai Đấng Ki-tô, Ngài đã dành cho anh em là Đức Giê-su. Đức Giê-su còn phải được giữ lại trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Ngài mà loan báo tự ngàn xưa” (Cv 3,17-21 : Bài đọc). Hầu trong Phụng Vụ dân Chúa được cất lời ngợi khen : “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp địa cầu” (Tv 8,2 : Đáp ca).
Vì Chúa Giê-su Phục Sinh chính thức chỉ ban bình an ba lần trong cộng đoàn dân Chúa đang cử hành Phụng Vụ vào ngày Chúa nhật (x Ga 20,19. 21.26). Bởi thế ngày nay khi Hội Thánh cử hành Bí tích Thánh Thể, cũng chỉ có ba lần chủ tế chúc bình an cho cộng đoàn : Lần I bắt đầu  Thánh Lễ, lần II trước khi rước Lễ, và lần III trước khi cộng đoàn ra về.
Để minh xác Chúa Giê-su Phục Sinh chỉ muốn ban bình an cho ai tích cực và ý thức tham dự Thánh Lễ : Văn phòng Nghiên Cứu Hiện Tượng của Hoa Kỳ về Đời Sống Hôn Nhân, kết quả được Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách về Gia Đình trích dẫn trong tài liệu có tựa đề “Bí tích Hôn Phối” xuất bản năm 1989 như sau :
§   Trong 100 gia đình không theo đạo Công Giáo, thì có khoảng 50 gia đình ly dị (50%).
§   Trong 100 gia đình theo Công Giáo, chỉ đi dự lễ Chúa nhật thì có khoảng 10 gia đình ly dị (10%).
§   Trong 100 gia đình Công Giáo, đi dự Lễ và rước Chúa hằng ngày, gia đình còn có giờ cầu nguyện riêng, thì ly dị xuống thấp nhất, tối đa chỉ còn khoảng 1% gia đình ly dị.
Vậy gia đình nên năng dự Lễ và có giờ cầu nguyện chung với nhau. Vì nơi đó được Chúa Giê-su ban bình an cho. Ta cứ nhìn gia đình Nazareth, cả ba  Đấng đều là Thánh tuyệt vời, vậy mà đã có lúc Gia Đình mất bình an. Gia Đình này chỉ có thể tìm lại sự bình an khi cả hai ông bà trở lại Đền Thờ (x Lc 2,41-52).
Quả thật bình an Chúa ban chính là trật tự Chúa đã thiết định ngay từ thuở sáng tạo vũ trụ, nên sự gì Chúa tạo dựng cũng tốt đẹp, Adam, Eva sống trong cảnh bình an hoan lạc thư thái, cụ thể Chúa cho các con vật lành dữ đi qua trước mặt Adam, ông vuốt ve chúng và đặt tên cho từng con,  mà chẳng con vật nào làm ông hoảng sợ! (x St 2,20).Chỉ khi thủy tổ loài người là Adam, Eva bất tùng phục Lời Chúa, thì nơi Địa Đàng họ đang dung thân trở thành địa ngục ! Kinh Thánh đã diễn tả thảm trạng này bằng hình ảnh “gai góc mọc lên cho họ !” Cụ thể như Adam, Eva không muốn giáp mặt Thiên Chúa nữa, họ nghe tiếng chân Chúa bước đi tìm họ để nâng đỡ, họ lại trốn tránh ! Chúa bắt gặp được họ thì Adam đổ lỗi cho Thiên Chúa đã dựng nên người vợ ; còn bà Eva lại quy trách nhiệm cho Thiên Chúa đã dựng nên con rắn ; Cain con trai trưởng của họ giết Abel em nó ; cháu họ là Lamek thì đòi báo thù 70x7, và dòng giống họ mất Đức Tin : “Con cái Thiên Chúa lấy con cái loài người”(x St 3-6). Như thế tội ác của dòng giống Adam, Eva làm mất trật tự chính là mất bình an thuở ban đầu Chúa đã thiết định, Chúa không để cho tội lỗi loài người cứ gia tăng, nên Chúa cho mưa ngập tràn trái đất, mọi người cũng như mọi  sinh vật đều chết hết, trừ có gia đình ông Noe, và từng cặp trống mái của mỗi loài động vật được ông Noe đưa vào tầu sống bình an (x 11 chương đầu của sách Sáng thế). Tầu Noe đó, thánh Phê-rô xác nhận là Hội Thánh Chúa Ki-tô (x 1Pr 3,20-21).
Vậy chỉ những ai kiên trì sống Đức Ái trong Hội Thánh Chúa Ki-tô lập, thể hiện bằng việc tham dự Thánh Lễ mỗi ngày, thì họ mới được Chúa ban bình an, sống hòa thuận thương yêu nhau. Vì “đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 118/117,24 : Tung Hô Tin Mừng)
THUỘC LÒNG
Chúa Giêsu Phục Sinh chỉ ban bình an cho những ai hiệp thông cùng Hội Thánh trong cộng đoàn Phụng Vụ, đặc biệt vào ngày Chúa nhật (x Ga 20,19.21.26).

Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH  

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: