BÀI GIẢNG
TIN MỪNG
CHO MUÔN DÂN
Thánh sử Luca viết Tin Mừng cho
người Hy Lạp, cũng là có ý cho muôn dân khắp mọi nơi, ở mọi thời đại, trong mọi
lãnh vực. Đặc biệt là trong chương 24 Tin Mừng thứ ba, dưới ngòi bút của Luca:
-
Luca
không nói rõ ai là nhân chứng Chúa Giê-su Phục Sinh ?
-
Luca
ghi Chúa Giê-su lên Trời, lại không nói rõ ở nơi nào ?
-
Luca
không nói dứt khoát vào thời điểm nào Chúa Giê-su lên Trời ?
-
Luca
không ghi rõ Chúa Giê-su Phục Sinh đến sinh hoạt với các Tông Đồ về việc đời
hay việc đạo ?
I. ÔNG LUCA KHÔNG NÓI RÕ
AI LÀ NHÂN CHỨNG CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH.
Ông ghi: “Hai người trong Nhóm họ, một người tên là Khêôpha” (x Lc 24,13.18: Tin
Mừng). Trong Tân Ước, 12 môn đệ Đức Giê-su chọn, thường được gọi là “Nhóm Mười
Hai” (x Mt 26,47). Nhóm này có bốn danh sách nói rõ tên từng người trong Tin
Mừng Nhất Lãm và sách Tông Đồ Công Vụ (x Mt 10,2-4 ; Mc 3,16-19 ; Lc 6,13-16 ;
Cv 1,13). Nhưng “hai người trong Nhóm họ” không nói rõ là Nhóm nào ? Chỉ biết
một trong hai người của Nhóm này tên là Khêôpha.
Tên này không có trong danh sách Nhóm Mười Hai, “họ cùng sánh bước đi từ Giê-ru-sa-lem về Emmau, trong tâm trạng buồn bã
thất vọng ! Họ vừa đi vừa trao đổi với nhau về cuộc Tử Nạn của Đức Giê-su người
Nazareth, đã xuất hiện như một ngôn sứ, quyền năng trong việc làm và lời nói,
trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và hàng đầu mục trong
dân Do-thái đã nộp Ngài cho đế quốc Roma, để Ngài bị án tử hình, và người ta
đóng đinh Ngài trên thập giá. Những người trong Nhóm này vẫn hy vọng Ngài sẽ
giải thoát Israel, nhưng cơ sự đã xảy ra nay là ngày thứ ba, việc các phụ nữ
trong Nhóm làm họ hoảng hồn, tảng sáng họ đã đến mộ mà không gặp thấy xác Đức
Giê-su, họ về phân phô là đã gặp Thiên thần hiện ra và nói rằng Ngài đang sống.
Vài người trong Nhóm đã đi tới mộ, và đã gặp thấy y như lời các phụ nữ nói, còn
xác Đức Giê-su thì họ không thấy” (Lc 24,15-24: Tin Mừng). Cứ dựa vào các
chi tiết ông Khêôpha kể như trên, thì ta
phải hiểu đó là Nhóm Mười Hai (x Lc
24,1-12).
Vậy rõ ràng Tin Mừng về Chúa
Giê-su Phục Sinh, thánh sử Luca không viết rõ ai là chứng nhân, là ông muốn mọi người đã tin theo Chúa Giê-su phải trở
nên chứng nhân cho Ngài.
II. ÔNG LUCA GHI CHÚA
GIÊ-SU LÊN TRỜI, LẠI KHÔNG NÓI RÕ Ở NƠI NÀO.
Cụ thể như
1/ Ông Luca không xác định dứt khoát Chúa Giê-su lên Trời ở đâu, vì
-
Trong
Tin Mừng ông thuật lại: Chúa Giê-su lên
Trời ở Bêthania (x Lc 24,50).
-
Trong
khi đó sách Tông Đồ Công Vụ, ông lại ghi: Chúa
Giê-su lên Trời ở núi Cây Dầu (x Cv 1,9-12).
Vậy bất cứ nơi nào, người Ki-tô
hữu cũng phải trở nên chứng nhân của Chúa Giêsu Phục Sinh như mẫu gương nghe
Lời Chúa của bà Maria ở Bêthania (x Lc 10,38-42), và sẵn sàng liều mạng vì Tin
Mừng như Đức Giêsu cầu nguyện ở núi Cây Dầu (x Lc 22,39-46).
2/ Hai người Nhóm họ về làng Emmau, thì Emmau ở đâu ? Và cách
Giê-ru-sa-lem bao xa? Bởi vì
-
Có
bản viết cách Giê-ru-sa-lem 60 dặm, tương đương 12 km. Nếu thế thì họ tới địa
danh gọi là El Qoubeibeh (x Lc 24,13: Tin Mừng).
-
Có
bản viết cách Giê-ru-sa-lem 160 dặm, tương đương với 30 km. Nếu thế thì họ tới
địa danh Amwas Nicopolis.
Vậy chẳng ai xác định rõ Emmau nằm
ở đâu. Điều này ông Luca hậu ý muốn nói: Tin
Mừng Chúa Phục Sinh phải đem đến cho mọi người ở khắp mọi nơi.
III. ÔNG LUCA KHÔNG NÓI
DỨT KHOÁT VÀO THỜI ĐIỂM NÀO CHÚA GIÊ-SU LÊN TRỜI.
Cụ thể như
§
Trong
Tin Mừng, ông Luca gói gọn biến cố Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài đến gặp các môn
đệ cắt nghĩa Lời Chúa cho họ, và Ngài cùng ăn uống với các ông, rồi Ngài lên
Trời nội trong đêm Chúa nhật I Phục Sinh
(x Lc 24).
§
Trong
khi đó sách Tông Đồ Công Vụ, ông Luca lại nói: Chúa Giê-su sống lại còn ở với
các Tông Đồ 40 ngày để giáo dục các ông, rồi vào ngày thứ năm Ngài lên Trời rời xa các ông (x Cv 1,1-12).
Vậy ông Luca muốn nói rằng: Ai tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh, đặc biệt
vào ngày Chúa nhật, để cử hành Bí tích Thánh Thể mà Đức Giê-su đã thiết lập vào
ngày Thứ Năm Tuần Thánh và truyền cho Hội Thánh tiếp tục công việc này, thì đó
là họ được lên Trời với Chúa.
IV. ÔNG LUCA KHÔNG GHI
RÕ CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH ĐẾN SINH HOẠT VỚI CÁC TÔNG ĐỒ VỀ
VIỆC ĐỜI HAY
VIỆC ĐẠO ?
Cụ thể việc Chúa Giê-su vào nhà
hai môn đệ về Emmau, “họ đưa cho Ngài
bánh, Ngài đọc lời chúc tụng, bẻ ra rồi trao cho các ông” (Lc 24, 30: Tin
Mừng). Đây có phải là Ngài cử hành Thánh Thể hay không ? Có hai ý kiến khác
nhau :
§
Đây là Bí tích Thánh Thể, vì có chia sẻ Lời Chúa suốt quãng
đường đi, và hình ảnh “bẻ bánh” vào thời Giáo Hội sơ khai để chỉ riêng về việc
cử hành Thánh Thể (x Cv 2,42). Đó là ý kiến của thánh Augustin và của ông Dupon.
§
Đây không phải là cử hành Thánh
Thể, vì bữa tiệc
này không nói đến rượu, cũng không nói đến ăn ; hai môn đệ này lại không thuộc
Nhóm Mười Hai. Đây là ý kiến của các nhà chú giải Kinh Thánh như Prat, Lagrange, Schmid, Huby.
Vậy ông Luca hữu ý viết như thế để
minh xác rằng: Mọi sinh hoạt của người
Ki-tô hữu trong lãnh vực xã hội hay lãnh vực tôn giáo, hoặc mọi việc làm vì nhu
cầu thân xác hay vì nhu cầu linh hồn, phải đan kết với nhau. Nói như thánh
Phao-lô: “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ
việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Nói cách khác, việc đời phải hướng về việc
đạo, hoặc việc đạo phải chi phối việc đời. Có thế mọi sinh hoạt của người Ki-tô
giáo mới góp nên một của lễ với Chúa Giê-su Phục Sinh, để nhận ra Ngài đang
hiện diện trong cuộc sống.
NGOÀI RA, NHÌN VÀO CƠ CẤU TRONG TIN MỪNG LC 24, CÒN CHO TA NHỮNG
XÁC TÍN SỐNG NHỮNG ĐIỂM GIÁO LÝ SAU ĐÂY:
1- Muốn cho đồng
loại tích cực làm điều tốt, ta phải dạy họ Lời Chúa,như Chúa
Giê-su giải thích Kinh Thánh cho các môn đệ hiểu (x Lc 24,27), Lời Chúa liền tác
động các ông mở rộng vòng tay yêu thương:
Hai môn đệ đã mời vị khách lạ vào nhà nghỉ chân, và đưa bánh mời khách
(x Lc 24,28-29: Tin Mừng). Nhờ đó các ông nhận ra Chúa (x Lc 24, 31: Tin Mừng).
Và một khi ta nhận biết Chúa Giê-su Phục Sinh, hai ông vội vàng trở về
Giê-ru-sa-lem, trong đêm hôm đó chắc chắn các ông phải chạy mới kịp trở về báo
tin cho Nhóm Mười Hai, đang ngồi run rẩy trong một căn nhà đóng kín cửa. Chính
lúc ấy, Chúa Giê-su Phục Sinh lại đến với các ông, và Ngài ban bình an cho họ trong
khung cảnh Thánh Lễ (x Lc 24, 33t). Vì thế thánh Phao-lô nói: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do
Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục
để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được
trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2Tm 3,16-17).
2- Ta muốn chia sẻ nỗi u sầu thất vọng đau khổ
của đồng loại, không việc làm nào có
giá trị hơn là chia sẻ Lời Chúa, và đặt Chúa Giê-su vào tâm hồn đồng loại.
§
Thực
vậy, Chúa Giê-su Phục Sinh đi chung đường với hai môn đệ, tâm hồn họ bấn loạn u
sầu chán nản vì Thầy của họ đã mất và đường xá xa xôi. Vậy mà Chúa Giê-su đến bên
họ, Ngài không chia sẻ của cải vật chất, Ngài chỉ cắt nghĩa Kinh Thánh cho họ, thế mà họ quên hết nỗi mệt mỏi chán
chường, như họ nói với nhau: “Lòng chúng
ta đã không cháy bừng bừng lúc dọc đường Ngài ngỏ lời với ta và giải thích Kinh
Thánh cho ta đó sao ?” (x Lc 24,25-32:
Tin Mừng).
§
Hai
ông Phê-rô và Gioan đã theo gương phục vụ của Thầy Giêsu, cụ thể khi hai ông
vào Đền Thờ gặp anh què nghèo khó ngửa tay xin bố thí, vào thời điểm ấy các ông
rất giàu có, vì được dân tín nhiệm, nhiều người đã bán cả tài sản để đưa các ông
chia sẻ đồng đều cho mọi người (x Cv 2,45 ; 4,36-37). Thế mà hai ông lại nói
với anh què: “Vàng bạc chúng tôi không
có, xong có cái gì thì tôi cho anh: Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Nazareth
anh hãy bước đi”, rồi cầm lấy tay phải nó, ông cho nó chỗi dậy, lập tức bàn
chân và xương mắt cá nó được chắc lại, nó nhảy vùng lên và đứng dậy đi lại
được, rồi nó vào Đền Thờ với các ông vừa đi vừa nhảy mà ngợi khen Thiên Chúa”
(Cv 3,1-10: Bài đọc). Nếu hai ông hôm ấy cho tiền anh què, là đặt tiền có hình
hoàng đế Roma vào tay anh, thì không có giá trị bằng hai ông đặt Chúa Giê-su
vào tim anh.
Vậy nhìn vào việc phục vụ của Chúa Giê-su và của các Tông Đồ, ông Luca muốn
xác quyết cho chúng ta: Người Công Giáo có một món quà cao quý nhất mà thế gian
không ai có, đó là Lời Chúa và Chúa Giê-su Phục Sinh tặng ban cho đồng loại.
Đây là cách giải quyết tận căn những đau
khổ của con người, chứ không phải là chỉ lo cho kẻ nghèo đói có cơm ăn áo mặc.
3- Chỉ có Lời Chúa
làm cho ta thêm Đức Tin, quan trọng hơn dựa vào chứng của loài người. Thực vậy, Chúa Giê-su nghe hai
môn đệ nói về các phụ nữ đã ra mộ chứng kiến xác Thầy Giêsu không còn và họ về
báo lại cho các Tông Đồ. Thế mà Chúa Giê-su không trách họ tại sao không tin
vào lời các bà ấy, mà Ngài trách họ: “Ôi
những kẻ ngu đần và lòng trí chậm tin vào mọi điều các ngôn sứ đã nói”. Thế thì
Đức Ki-tô lại không phải chịu khổ nạn như thế đã rồi mới vào vinh quang của
Ngài hay sao ? Và khởi từ ông Mô-sê và
hết thảy các ngôn sứ Ngài giải thích cho họ các điều đã viết về Ngài trong toàn
bộ Kinh Thánh” (Lc 24,24-27: Tin Mừng). Bởi thế, ông phú hộ xin tổ phụ
Abraham cho người chết hiện về báo cho năm anh em ông biết cách dùng của cải, đã bị ông Abraham
khước từ. Ông nói: “Chúng đã có Mô-sê và
các ngôn sứ, chúng phải nghe các ngài” (x Lc 16,27-29). Có nghĩa là Lời
Thánh Kinh đủ giáo dục Đức Tin mọi người, chứ không cần dựa vào lời chứng của
bất cứ phàm nhân nào. Bởi vậy, “chỉ ai có tâm hồn biết tìm kiếm Thiên Chúa
họ mới được hoan hỷ” (Tv 105/104,3b: Đáp ca). Vì “đây là ngày Chúa đã làm ra” (Tung Hô Tin Mừng)
Ông Archimedes đã từng tuyên bố: “Hãy cho tôi một đòn bẩy và một điểm tựa ngoài
trái đất, tôi sẽ bẩy trái đất này”. Nhiều người nghĩ rằng không thể có một
đòn bẩy, không thể có một điểm tựa, và càng không thể có cánh tay nào đủ mạnh
để bẩy trái đất ! Nhưng trong đời sống Đức Tin của người Ki-tô hữu lại có quyền
nói: Tôi có đòn bẩy là Lời Chúa, điểm tựa là Chúa Giê-su Phục Sinh và sức mạnh
cánh tay là Đức Tin của tôi, tôi có thể bẩy mọi người trên trái đất này bật lên
Trời.
THUỘC LÒNG
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sáng chỉ đường
con đi
(Tv 119/118,105).
Linh mục GIUSE
ĐINH QUANG THỊNH