BÀI GIẢNG
CHỘP ĐƯỢC CHÚA GIÊSU PHỤC SINH
TRONG LAO ĐỘNG
Giá trị lao động theo giáo lý Công
Giáo: Thánh Công Đồng Va-ti-ca-nô II trong Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng số 35
dạy: “Hoạt động của con người phát xuất
từ con người, nên quy hướng về con người. Thật vậy, khi làm việc, con người
không những biến đổi sự vật và xã hội, mà còn cải thiện chính mình. Bởi vì khi
làm việc, con người học biết được
nhiều điều, phát triển tài năng, cũng như thoát ra (kiếp sinh vật) và vượt khỏi
chính mình. Nếu được hiểu cho đúng thì, sự tăng triển này đáng giá hơn mọi của
cải thu tích được. Giá trị của con người
hệ tại ở cái “TA LÀ” hơn là ở cái “TA CÓ”.
Do đó các Bài đọc trong Phụng Vụ
cho tám điều “Ta Là”.
1/
TA LÀ DÒNG GIỐNG ADAM VÔ TỘI NHỜ LAO
ĐỘNG TRONG CHÚA GIÊSU PHỤC SINH.
Thực vậy, Chúa Giê-su Phục Sinh tỏ
mình ra cho bà Maria Madalena, Ngài đã không tỏ vinh quang như trên núi Hiển
Dung cho ba môn đệ Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê (x Mt 17,1-8), mà vinh quang của
Chúa Giê-su Phục Sinh là dáng dấp người làm vườn (x Ga 20,15: Tin Mừng). Đây là dấu chỉ Chúa
Giê-su Phục Sinh muốn giúp loài người chu toàn sứ mệnh làm chủ vũ trụ mà Chúa
đã trao cho Adam nguyên tổ, khi ông còn trong tình trạng vô tội (x St 2,15).
Thể hiện quyền làm chủ thì phải phục vụ như nô lệ (x Mt 20,26-28) và chấp nhận đổ
máu như Chúa Giê-su Phục Sinh. Vì thế mà
trên thân thể Ngài còn mang vết tử thương! (x Ga 20,27). Như vậy chân lý Phục
Sinh không chỉ đợi đến ngày cánh chung, mà ngay từ đời này người Công Giáo phải
ý thức mình là chi thể của Chúa Giê-su, tiếp tục phục vụ như Ngài, làm cho môi
trường rộ lên niềm vui khôn tả, khiến mọi người ai cũng muốn tin theo Chúa
Giê-su.
2/ TA LÀ DÒNG GIỐNG ĐẤNG CÔNG CHÍNH
Thực vậy, Con Thiên Chúa làm người
không sinh bởi một gia đình quý phái như vua chúa, mà Ngài làm con của bác thợ
mộc Giuse (x Mt 13,55), ông được Kinh Thánh
ban tặng danh hiệu Công Chính (x Mt 1,19). Bởi thế, khi ta ý thức chu
toàn việc bổn phận của mình, là ta được cộng tác với Chúa Giê-su trở nên một
của lễ Abel mới mà ông Giuse đã tiên báo (x Mt 23,35), để làm hoàn hảo công
trình Thiên Chúa sáng tạo, đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.
3/ TA LÀ MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU TUYỂN
CHỌN.
Thực vậy, Tin Mừng không ghi chi
tiết các trường hợp Đức Giê-su đã chọn môn đệ, trừ một số ông đang lao động. Cụ
thể như
a- Lao động tay chân, như bốn ông Phê-rô, An-rê, Gia-cô-bê, Gio-an đang quăng chài bắt cá
hoặc vá lưới (x Mt 4,18-22).
b- Lao động như
ông Lêvi đang thu thuế (x Lc 5,27-32).
c- Lao động trí tuệ như ông Nathanael đang ngồi dưới gốc cây vả say sưa đọc Kinh
Thánh (x Ga 1,45).
d- Lao động tôn giáo như ông Phao-lô đang nhiệt tình bảo vệ Luật Mô-sê, chỉ vì ông đã lầm
tưởng làm thế là tôn vinh Thiên Chúa (x Cv 9; Ga 16,2).
4/ TA LÀ NGƯỜI CÓ LÒNG SÁM HỐI CHÂN
THÀNH ĐỂ SỐNG ĐỨC ÁI.
Thánh Gioan Tiền Hô kêu gọi những
người tội lỗi phải thể hiện lòng sám hối bằng các việc lành họ làm (x Mt 3,8). Thế thì bà Maria
Madalena thuộc loại người tội lỗi nhất, vì “bảy quỷ” điều khiển bà, bởi đó Chúa
Giê-su Phục Sinh muốn con người tội lỗi như bà Maria phải thể hiện lòng sám hối
bằng làm các việc lành. Đó là lý do dù Chúa Giê-su đã Phục Sinh vinh hiển, Ngài
vẫn tỏ mình qua dáng dấp người làm vườn (x Ga 20, 15: Tin Mừng), lặp lại hình
ảnh ông Adam, nguyên tổ loài người được Chúa trao canh tác vườn Địa Đàng (x St
2,15).
5/ TA LÀ NGƯỜI TRỜI VÌ ĐƯỢC ĐỒNG
HÓA VỚI CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI.
Đức Giê-su trong 33 năm tại thế, Ngài
đã dành 30 năm lao động tay chân như những người vô đạo, chỉ có 3 năm Ngài
chuyên lo việc Nước Thiên Chúa. Như vậy tỷ lệ lao động công việc Nước Thiên
Chúa chỉ bằng 1/10 công việc trần thế ( 3/33
năm). Mà ta lại được dựng nên giống Con Thiên Chúa, muốn giống Ngài, ta cũng
phải dành 1/10 thời gian để lo việc Nước Thiên Chúa (2/24
giờ trong ngày). Thử hỏi cứ tỷ lệ này, chúng ta tìm thấy được bao nhiêu người
Công Giáo lao động giống Chúa Giê-su ! Trong khi đó Đức Giê-su nói: “Cha Ta
hằng làm việc ta cũng thế” (Ga 5,17).
6/ TA LÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG GIỐNG CHÚA
GIÊ-SU BÙ VÀO NHỮNG GÌ CHÚA GIÊ-SU CHƯA LÀM.
Đức Giê-su đã cho chúng ta mẫu
thời khóa biểu lao động mỗi ngày: Sáng sớm Ngài vào nơi vắng vẻ cầu nguyện (x
Mc 1,35), sau giờ cầu nguyện Ngài vào hội đường giảng Lời (x Mc 1,21), tiếp đó
Ngài mới chăm lo đến nhu cầu thân xác mọi người (x Mc 1,29), rồi lại trốn đi
cầu nguyện.
Nhìn vào cơ cấu Tin Mừng Marco
chương 1,21-35, ta thấy Đức Giê-su đặt
việc phục vụ nhu cầu những kẻ khốn cùng chạy đến với Ngài ở giữa hai việc cầu
nguyện và giảng Lời :
- Giảng Lời cho mọi người (x Mc 1,21).
- Phục vụ nhu cầu thân xác của những người đang đau khổ (x Mc 1,29).
- Cầu nguyện với Chúa Cha (x Mc 1,35).
Vậy việc phục vụ nhu cầu thân xác
đồng loại chỉ được gọi là Bác Ái khi đặt việc ấy giữa cầu nguyện và giảng Lời. Như thế ta phải
có thời khóa biểu làm việc giống Chúa Giê-su: Ưu tiên cho việc cầu nguyện, để
biết cách giảng Lời Chúa, rồi đi phục vụ nhu cầu thân xác đồng loại, có thế mới
nói được như thánh Phao-lô: Tôi phục vụ Tin Mừng trong gian khổ, để bù vào
những gì còn thiếu trong các nỗi quẫn bách Đức Ki-tô phải chịu vì Thân Mình
Ngài là Hội Thánh (x Cl 1,24).
7/ TA LÀ NGƯỜI CHIẾN THẮNG.
Bà Maria Madalena gặp Chúa Giê-su
Phục Sinh, vì mừng quá bà ôm chầm lấy chân Ngài (x Mt 28,9), nhưng Ngài bảo: “Đừng cầm Ta lại vì Ta chưa về cùng Cha Ta”
(Ga 20,17: Tin Mừng).
Tại sao thế ?
Thưa: Để
thực hiện chương trình cứu độ loài người, Đức Giê-su đi ba bước:
§ Bước I : Ngài tự hủy mình ra không, từ
lúc Nhập Thể và cao điểm là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại đồi Golgotha.
§ Bước II : Ngài phục sinh,
chiến thắng mọi sự dữ, đánh gục thần chết.
§ Bước III : Ngài về
Trời để nhận vương quyền từ tay Chúa Cha (x Mt 28,18). Chính là
Ngài hoàn tất việc thiết lập Phụng Vụ mới hoàn hảo, để thay thế cho Phụng Vụ Do
Thái giáo, và Ngài truyền cho Hội Thánh làm hiện tại hóa trong Thánh Lễ mỗi
ngày (x 1Cr 11,23-27), để ai tham dự thì được thông phần sự sống Phục Sinh vinh
hiển của Ngài.
Vậy nếu bà Maria Madalena đã được
ôm chân Chúa Giê-su Phục Sinh, lúc ấy Ngài mới đi bước thứ II, chưa hoàn tất ơn
cứu độ cho loài người. Cho nên ta phải hiểu lời Ngài nói: “Đừng cầm lấy Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta”, có nghĩa là khi Ngài
về với Cha (trọn bước III), khi đó Ngài muốn chúng ta phải cầm lấy Ngài (rước
Lễ), mới thực là đón nhận Đấng Cứu Độ. Bởi thế, khi Đức Giê-su lập Bí tích Thánh
Thể, Ngài không nói với các môn đệ hãy há miệng ra Thầy đút cho ăn, mà Ngài nói:
“Hãy cầm lấy Ta mà ăn” (x Mc 14,22). Nhờ
cầm lấy Chúa Giê-su Phục Sinh mà ta có một sức mạnh trổi vượt hơn ông Samson, dù
ông đã bị kẻ thù khoét mất hai mắt, nhưng nhờ cầu nguyện, ông có sức mạnh bứt
tung xích sắt đang cùm trói ông, rồi cầm lấy hàm lừa diệt hàng ngàn kẻ thù,
giải phóng cho dân tộc (x Thẩm Phán /Quan án 15,15).
8/ TA LÀ NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA GIÊSU PHỤC
SINH CỨU ĐỘ.
Khi Chúa Giê-su Phục Sinh đón gặp
bà Maria Madala ngay cửa mộ đã an táng Ngài, bà vẫn chưa nhận ra Thầy, bà tưởng đó là người làm vườn,
nên bà nói: “Thưa ông, nếu chính ông đã
đem Ngài đi, xin cho tôi biết: ông đã đặt Ngài ở đâu, tôi sẽ đến cất lấy Ngài”,
lúc ấy Đức Giê-su gọi chính tên bà: “Maria !” Quay lại bà thưa Ngài: “Rabbuni”
(Sư Phụ), tiếng Do Thái là “lạy Thầy” (x Ga 20,15-16).
Tại sao lúc Chúa Giê-su Phục Sinh gọi
chính tên bà, bà mới nhận ra Ngài ? Thưa ngôn sứ Isaia đã nói về thời Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ: “Đừng
sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, Ta đã gọi bằng chính tên ngươi, ngươi đã trở thành
dân riêng của Ta” (Is 43,1b).
Vậy nhờ Kinh Thánh, bà Maria
Madalena mới nhận ra Chúa Giê-su Phục Sinh. Đó là lý do Ngài tín nhiệm bà, sai
bà đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh trước nhất cho các môn đệ (x Ga 20,16-18),và
bảo họ hãy về Ga-li-lê để gặp Ngài ở đó (x Mt 28,10). Đang lúc một số bà đi
cùng với bà Maria Madala trở về thành, thì các chú lính gác mộ là những người đầu
tiên chứng kiến Chúa Giê-su sống lại, hoảng hốt chạy về thành báo tin cho các
thượng tế, khiến mọi người kinh ngạc. Các thượng tế sợ tin này loan đi, liền
đút tiền cho các chú lính, bảo các chú nói dối: “Đang lúc chúng tôi ngủ, môn đệ của ông Giê-su đến trộm xác” (Mt
28,11-15). Đúng là “Chúa vừa nói, cả đoàn
phụ nữ đã loan đi, vua chúa đào tẩu, binh lính chạy dài” (Tv 68/67,12-13a).
Để thấy rõ việc truyền giảng Tin
Mừng vô cùng quan trọng, ta đọc lại bảy dụ ngôn trong chương 13 của Mat-thêu
diễn tả về đời sống Hội Thánh, thì dụ ngôn gieo giống là gieo Lời Chúa (x Mt
13,3-9 ; Lc 8,11), để tạo nên con cái Nước Thiên Chúa mới là hạt giống tốt (x
Mt 13,38) đặt đứng hàng đầu,có nghĩa là không rao giảng Lời Chúa, thì không thể
có ơn cứu độ. Cụ thể nhờ ông Phê-rô “tung” Lời Chúa sau lễ Hiện Xuống, đã có
3.000 người được Chúa gọi tên - được cứu độ -
qua việc họ xin lãnh Bí tích Thánh Tẩy trong Chúa Giê-su (x Cv 2,38-41: Bài
đọc). Như vậy, khi ông Phê-rô còn làm nghề đánh cá, ông vâng Lời Đức Giê-su tung
lưới, hôm đó ông bắt được mẻ cá lạ, nhưng cũng chỉ đếm được 153 con ; còn khi
ông bỏ nghề đánh cá theo Đức Giê-su đi giảng Lời, ông thâu họp được 3.000 người
(3.000 con cá mập). Rõ ràng lao động việc Nước Thiên Chúa thì thành quả lớn lao
và cao quý hơn lao động việc trần thế (x Ga 21, 1-8).
Ôi “tình thương của Chúa chan hòa mặt đất” (Tv 33/32,5b: Đáp ca).
Vậy vào ngày thứ tám Chúa Phục Sinh, cho ta quyền năng
để làm mọi việc đẹp lòng Chúa, ta đạt tám
giá trị “Ta Là” như trên, để ta làm rộ lên niềm vui sống cho mọi người ngay từ đời này . Vì “đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv
118/117,24: Tung Hô Tin Mừng).
Cha giáo khảo bài thày
Gioan Vianey, thấy thày dốt quá, thốt lên lời than:
- Đần thế này mà làm
linh mục thì làm được gì cho Chúa ?!
Gioan Vianey cúi đầu
khiêm tốn đáp :
- Thưa cha, xưa ông Samson
đã dùng hàm lừa giết cả ngàn quân thù, giải phóng cho dân Chúa (x Tp 15,9t).
Vậy khi Chúa dùng cả con lừa Vianey này mà Ngài lại bất lực sao ?!
Chính nhờ sự khiêm tốn chân thành ấy, cùng với lòng bác ái
sâu xa, nên khi làm linh mục, ngài cầm lấy Chúa Giê-su Phục Sinh mà trao cho
những kẻ yếu đuối, để họ có sức mạnh hơn ông Samson hầu chiến thắng tội lỗi,
đánh gục thần chết, giải phóng cho bản thân được tự do làm con cái Thiên Chúa,
đồng thời tỏa ra hương thơm của Đức Ki-tô để tập họp thêm nhiều người về cho Chúa.
THUỘC LÒNG
Cha Ta hằng làm việc,Ta cũng thế (Ga 5,17).
Linh
mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH