Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN NĂM LẺ
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI ĐỌC : Kn 7,22-8,1

7         22 Nơi Đức Khôn Ngoan,có một thần khí tinh tường và thánh thiện, duy nhất và đa năng, tinh tế và mau lẹ, minh mẫn và tinh tuyền, trong sáng và thản nhiên, lanh lợi và chuộng điều lành,23 bất khuất, từ bi và nhân ái, cương quyết, vững vàng và điềm tĩnh, làm được mọi sự và quan tâm đến mọi điều, thấu suốt mọi tâm can, kể cả tâm can của những người trong sạch, thông minh, tinh tế nhất. 24 Vì chuyển động của Đức Khôn Ngoan thì mau lẹ hơn tất cả các chuyển động. Do tính thuần khiết, Đức Khôn Ngoan thâm nhập và xuyên thấu mọi vật mọi loài. 25 Đức Khôn Ngoan toả ra từ quyền năng Thiên Chúa và rực lên trong ngần từ vinh hiển Đấng Toàn Năng, nên không thể vương một tì ố. 26 Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Người. 27 Dầu chỉ một mình, Đức Khôn Ngoan vẫn có thể làm được mọi sự ; luôn luôn bất biến, Đức Khôn Ngoan đổi mới được muôn loài. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, Đức Khôn Ngoan ngự vào những tâm hồn thánh thiện, biến họ nên bạn hữu của Thiên Chúa, nên ngôn sứ của Người. 28 Thiên Chúa chỉ yêu chuộng những người chung sống với Đức Khôn Ngoan. 29 Đức Khôn Ngoan rực rỡ hơn mặt trời, trổi vượt muôn tinh tú. So với Đức Khôn Ngoan, ánh sáng còn kém xa. 30 Bởi trước màn đêm, ánh sáng đành phải lui bước. Còn Đức Khôn Ngoan, chẳng gian tà nào thắng nổi.

8         1 Từ chân trời này, Đức Khôn Ngoan vươn mạnh tới chân trời kia, cai quản mọi loài thật tốt đẹp.

ĐÁP CA : Tv 118

Đ.       Lạy Chúa, Lời Ngài bền vững đến muôn đời. (c 89a)

 89 Muôn lạy Chúa, lời Ngài bền vững đến ngàn đời, trên cõi trời cao. 90 Lòng thành tín Chúa trải bao thế hệ, Ngài củng cố địa cầu, địa cầu tồn tại mãi.

91 Theo quyết định Chúa, mọi loài tồn tại mãi đến nay, vì muôn sự đều phục vụ Chúa.130 Giải thích lời Ngài là đem lại ánh sáng cho kẻ đơn sơ thông hiểu am tường.

135 Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Chúa, thánh chỉ Ngài, xin dạy bề tôi.175 Ước gì con sống để dâng Ngài lời ca tụng, cầu mong quyết định của Ngài phù hộ con.

BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG : Ga 15,5

          Hall-Hall : Chúa nói : Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Hall.

TIN MỪNG : Lc 17,20-25

20 Khi ấy,người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: "Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được.21 Và người ta sẽ không nói: "Ở đây này! hay "Ở kia kìa! , vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông."

22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.23 Người ta sẽ bảo anh em: "Người ở kia kìa! hay "Người ở đây này! Anh em đừng đi, đừng chạy theo.24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người.25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.

BÀI GIẢNG

NƯỚC THIÊN CHÚA ĐẾN

          Dân tộc Do Thái qua trải nghiệm từ khi Chúa dùng ông Môsê dẫn dân thoát nô lệ Ai Cập, rồi 40 năm lang thang trong sa mạc trên đường về đất chảy sữa và mật Chúa hứa ban. Đến đời vua Đavid mới thống nhất được lãnh thổ này. Sau đó ông truyền ngôi cho con là Salômôn, và khi Salômôn lên làm vua, ông chỉ xin Chúa cho ông tấm lòng biết nghe, nên ông được khôn ngoan và giàu có nhất không ai sánh bằng. Chính Salômôn đã xây thánh điện Giêrusalem đáp ứng mơ ước của vua cha. Ai trong dân Do Thái cũng tưởng như thế là Chúa đã cho họ được hạnh phúc như nguyên tổ Adam, Eva được ở trong Vườn Địa Đàng! Nhưng rồi dân tộc này lại bị vua Babylon là Nabukodonosor bắt đi lưu đày, mặc dù trước đó vua Đavid đã cất lời ca : “Phúc thay người được Chúa Trời nhà Giacob phù hộ” (Tv 146/145,5a : ĐC năm chẵn). Thế mà Đền Thờ của họ lại bị san bằng! Biến cố này nhiều người Do Thái mất Đức Tin vì cho là Thiên Chúa không toàn năng, nên không thực hiện được lời đã hứa cho ông Abraham, tổ phụ dòng giống này : “Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông đúc như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta." (St 22,17-18).

          Trong bối cảnh Đức Tin của dân bị giao động như thế, các ngôn sứ, nhất là Isaia, từ chương 40 trở đi động viên và nâng đỡ Đức Tin của dân, nội dung ông nói : Khi Nước Thiên Chúa đến, Ngài sẽ ra tay cứu dân.

Trong niềm hy vọng ấy, “người Pharisêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Nước Thiên Chúa đến? Người trả lời: "Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: "Ở đây này! hay "Ở kia kìa! , vì này Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông." (Lc 17, 20-21 : Tin Mừng).

Quả thật Nước Thiên Chúa đến cách bất ngờ, không ai biết trước lúc nào xảy đến. Đức Giêsu nói : “Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người.” (Lc 17,24 : Tin Mừng). Sở dĩ người ta không quan sát được Nước Thiên Chúa, nếu họ quan niệm Nước Thiên Chúa như một quốc gia trần thế, vì Đức Giêsu nói : “Nước Thiên Chúa không thuộc thế gian này” (Ga 18,36a). Bởi thế, ai thuộc về Nước Thiên Chúa, họ là những người được Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha : “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho Con, Con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga 17,6.14b-17). Như vậy chỉ có “ai tuân giữ Lời Chúa thì được bền vững đến muôn đời” (Tv 119/118,89a : ĐC năm lẻ), vì đã được nên một với Thiên Chúa, như Đức Giêsu nói : “Tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng Ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21).

Mà ai được nên một trong Thiên Chúa, như Chúa Con ở trong Chúa Cha, thì người ấy được Đức Khôn Ngoan ở cùng (x Mt 12,42).

Vậy Lời Đức Giêsu nói : “Nước Thiên Chúa ở giữa các ông” (Lc 17,21b : Tin Mừng) được hiểu theo hai nghĩa :

1/ Những người được đồng hóa với Chúa Giêsu, đúng với Lời Đức Giêsu nói : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái (Ga 15,5 : THTM). Ai được như thế là Nước Thiên Chúa đang ở giữa người ấy.

Tác giả sách Khôn ngoan nói : “Đức Khôn Ngoan có một Thần Khí tinh tường và thánh thiện, duy nhất và đa năng, tinh tế và mau lẹ, minh mẫn và tinh tuyền, trong sáng và thản nhiên, lanh lợi và chuộng điều lành, bất khuất, từ bi và nhân ái, cương quyết, vững vàng và điềm tĩnh, làm được mọi sự và quan tâm đến mọi điều, thấu suốt mọi tâm can, kể cả tâm can của những người trong sạch, thông minh, tinh tế nhất…Đức Khôn Ngoan toả ra từ quyền năng Thiên Chúa và rực lên trong ngần từ vinh hiển Đấng Toàn Năng, nên không thể vương một tì ố. Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Người… Đức Khôn Ngoan ngự vào những tâm hồn thánh thiện, biến họ nên bạn hữu của Thiên Chúa, nên ngôn sứ của Người. Thiên Chúa chỉ yêu chuộng những người chung sống với Đức Khôn Ngoan... chẳng gian tà nào thắng nổi” (Kn 7, 22-30 : BĐ năm lẻ).

2/ Những người có trái tim yêu thương như Chúa Giêsu (x Pl 2,5) cũng là những người biểu lộ Nước Thiên Chúa ở giữa họ. Mà đã yêu thương thì không bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng bằng việc phục vụ đồng loại dưới ánh sáng Tin Mừng, chấp nhận mất mạng như Thầy Giêsu, mà Ngài đã nói với các Tông Đồ : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị thế hệ này loại bỏ”(Lc 17,25 : Tin Mừng).

Phục vụ người anh em với tinh thần nhẫn nhục, chịu đựng, quảng đại, tha thứ như ông Phaolô muốn ông Philêmôn thể hiện trái tim của Chúa Giêsu,đối với tên nô lệ Ônêsimô đã ăn cắp của chủ rồi trốn đi. Vì quá sợ, nên tên nô lệ chạy đến với ông Phaolô xin được che chở, thế là nó được ông Phaolô dạy Giáo Lý và ban Bí tích Thánh Tẩy cho. Ngồi trong tù, ông viết thư gởi cho đồ đệ Philêmôn : “Tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ônêsimô, kẻ xưa kia đối với anh là vô dụng, thì nay đã thành người hữu ích cho cả anh lẫn tôi, tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi. Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện. Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa. Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi. Nếu nó đã làm thiệt hại anh hoặc mắc nợ anh điều gì, thì xin để tôi nhận cả. .. Chính tôi, Phaolô, tự tay viết điều này: tôi sẽ hoàn trả lại. Tôi khỏi cần nói với anh là anh còn mắc nợ tôi: món nợ đó là chính anh. Phải, thưa anh, xin anh cho tôi được hưởng niềm vui đó trong Chúa. Anh hãy làm cho lòng trí tôi được phấn khởi trong Đức Kitô.” (Plm 10-20 : BĐ năm chẵn).

Truyện kể :

Một hiền sĩ đang ngồi tại cổng thành Roma, bỗng một người đi ngang qua cất tiếng hỏi :

- Thưa ngài dân thành Roma có hiền hòa đức độ không ạ ? Vị hiền sĩ hỏi lại :

- Thế ông từ đâu đến ? Và xin ông cho tôi biết dân ông đang sống cùng, tính tình họ thế nào? Người kia đáp :

-  Dạ, tôi ở thành phố Sàigòn, dân này là dân ba trợn, độc ác, tôi không sống nổi với họ! Vị hiền sĩ đáp ngay :

-  Thế thì dân ở Roma này còn độc ác, dữ tợn hơn thế, ông nên tránh xa thì hơn !

Lát sau lại có người khác đến hỏi :

- Thưa ngài, dân thành Roma có hiền hòa đức độ không ạ ? Vị hiền sĩ hỏi lại :

- Vậy ông từ đâu tới ? Và xin ông cho tôi biết là dân thành nơi ông đang sống, họ thế nào ? Người kia đáp :

- Dạ tôi ở thành phố Sàigòn, dân ở đó rất hiền hòa, tử tế, bởi vì ngày  nào họ cũng đi dự Thánh Lễ, chăm chú nghe Lời Chúa và rước Lễ, tôi sống với họ rất hạnh phúc. Vị hiền sĩ đáp ngay :

- Thế thì dân thành Roma còn hiền hòa, tử tế hơn dân ở Sàigòn đấy, vì đây là thủ đô của người Công Giáo, xin mời ông đến với sống chung với họ.

Thật đúng như Lời Chúa Giêsu đã nói : “Người ta không thể nói : “Nước Trời ở đây hay ở kia, vì Nước Trời ở trong mọi người!” (Lc 17,21).

THUỘC LÒNG.

          Chúa Giêsu dạy : “Đây là Điều Răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

http://phaolomoi.net

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: