BÀI GIẢNG
THIÊN
THẦN HỘ THỦ
Giáo
Lý Công Giáo dạy : “Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng không có thể xác,
mà Thánh Kinh quen gọi là các Thiên
thần, là một chân lý Đức Tin. Thánh Kinh và Thánh Truyền đều nhất trí như
thế” (số 328).
“Chân lý Đức Tin” thì vượt lý trí con
người, ta chỉ có thể đón nhận được Chân Lý này với lòng khiêm tốn và tin tưởng
tuyệt đối vào Thiên Chúa toàn năng, toàn tri, toàn thiện, luôn mạc khải cho ta
những điều hữu ích.
Mạc
Khải không nói rõ Chúa dựng nên Thiên thần vào lúc nào. Mạc Khải cho ta biết “mục đích Chúa dựng nên Thiên thần để sai đi
giúp đáp vì phần ích những kẻ sẽ thừa hưởng ơn cứu độ” (Dt 1,14).
Cụ
thể như Thiên thần Gabriel mang sứ điệp Truyền Tin (x Lc 1,19.26) ; một đạo
binh các Thiên thần trên Thiên Quốc hát mừng trong đêm Giáng Sinh (x Lc 2,9-14)
; các Thiên thần còn báo tin Chúa Giêsu Phục Sinh (x Mt 28,5t) và thông báo cho
các môn đệ Đức Giêsu hiểu biết ý nghĩa việc Chúa Giêsu Thăng Thiên (x Cv
1,10t). Thiên thần còn có sứ mệnh phụ tá Đức Kitô Giêsu trong việc cứu độ nhân
loại, các Thiên thần chăm sóc, gìn giữ loài người (x Cv 12,15) và mỗi người
Công Giáo (những kẻ bé mọn) được các Thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm
ngưỡng Thánh Nhan Chúa Cha (x Mt 18,10 : Tin Mừng), để dâng lên Thiên Chúa lời
kinh của các Thánh (x Kh 5,8 ; 8,3), cùng dẫn đưa linh hồn người công chính vào
Thiên Đàng (x Lc 16,22).
Có
một mối dây liên lạc mật thiết nối kết Phụng Vụ trần thế với Phụng Vụ Thiên
Quốc : trên trời các Thiên thần cử hành Phụng Vụ vĩnh cửu (x Kh 4,8-11), mà
Phụng Vụ Giáo Hội ở trên dương thế cũng cùng hiệp thông, như trong kinh Vinh
Danh và trong kinh Tiền Tụng.
Tuy
vậy, các Thiên thần không được phúc ngắm nhìn Lời Thiên Chúa (x 1Pr 1,12). Cụ
thể ngôn sứ Isaia vào Đền Thờ thấy Thiên thần Sêraphim chầu hầu bên Hòm Bia
Thiên Chúa, phải lấy hai cánh che mặt (x Is 6,2) ; và Chúa cũng không bao bọc
một Thiên thần nào, Ngài chỉ bao bọc dòng giống Abraham : những người tin tưởng
tuyệt đối vào Lời Thiên Chúa để hành động (x Dt 2,16).
Có
loại Thiên thần ánh sáng (Lucipher) đã kiêu ngạo tức khắc bị lãnh án phạt : “Hỡi tinh tú rạng ngời, con của bình
minh,chẳng lẽ ngươi đã từ trời sa xuống rồi sao? Này, kẻ chế ngự các dân tộc,
ngươi đã bị hạ xuống đất rồi ư?Chính ngươi đã tự nhủ: "Ta sẽ lên trời: ta
sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa; ta sẽ ngự trên núi
Hội Ngộ,chốn bồng lai cực bắc.Ta sẽ vượt ngàn mây thẳm,sẽ nên như Đấng Tối
Cao." Nhưng ngươi lại phải nhào
xuống Âm phủ,xuống tận đáy vực sâu”
(Is 14,12-15). Chính Chúa Giêsu
cũng đã xác định như vậy : “Ta đã thấy Satan
như chớp nhoáng tự trời sa xuống” (Lc 10,18).
Satan
có nghĩa là địch thủ ; hoặc quỷ có nghĩa là kẻ vu khống, nó hiện diện cùng với
các Thiên thần tốt lành tại triều đình Thiên Chúa, chu toàn nơi tòa án Thiên
Quốc một nhiệm vụ giống như một biện lý công cộng, có bổn phận bắt người trần
thế phải tôn trọng công lý và quyền lợi của Thiên Chúa.Tuy nhiên,dưới chiêu bài
phục vụ Thiên Chúa, chúng ta nhận ra nó là kẻ lừa gạt muốn lôi kéo người ta
không còn tin vào Thiên Chúa nữa (x Giop 1-3). Nó đội lốt hình con rắn ghen với
hạnh phúc của loài người (x St 2,24), vì nó rất thông minh và khôn khéo, dụ dỗ
được nguyên tổ loài người làm theo ý nó thì tốt hơn là làm theo ý Chúa (x St 3).
Như thế,vài trò cốt yếu của nó là cám dỗ, cố gắng xúi giục người ta phạm tội (x
1Tx 3,5 ; 1Cr 7,5),và như vậy là đặt loài người chống lại Thiên Chúa (x Cv
5,3), nhưng nó thường xuất hiện dưới dạng phản Kitô (x 2 Tx 2,7t). Quỷ khủng
khiếp vì mưu mô, cạm bẫy, lừa dối và thủ đoạn (x 2Cr 2,11 ; Ep 6,11 ; 1Tm 3,7).Satan
ngụy trang thành Thiên thần ánh sáng (x 2Cr 11,14). Nhưng nó bị đánh bại bởi
cây Thập Giá của Chúa Kitô (x Ep 6,10) và kinh nguyện của loài người (x Mt
6,13). Chỉ kẻ nào thuận theo Satan mới bị chiến bại (x Gc 4,7 ; Ep 4,27). Satan
sẽ bị ném vào biển diêm sinh bốc lửa, nó sẽ chết lần thứ hai (x Kh 20,10.14t).
Vậy
ta không được tin vào thuyết nhị nguyên là trong thế giới này có thần lành và
thần dữ luôn đấu đá với nhau, khi nào thần lành thắng thì ta hạnh phúc ; khi
nào thần dữ thắng thì ta khổ! Mà phải tin rằng mọi kẻ thù đều làm bệ kê chân
Đức Kitô, đến nỗi “trước danh hiệu của
Đức Kitô,mọi gối đều phải quỳ xuống bái lạy,chốn hoằng thiên, trên địa cầu,
dưới gầm đất, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng : Giêsu Kitô là Chúa mà làm vinh hiển cho Thiên Chúa Cha” (Pl 2,9-11).
Mỗi
người Công Giáo được Chúa sai Thiên thần đến chăm sóc,như Ngài nói : “Này Ta sai Thiên sứ đi trước mặt ngươi, để
gìn giữ ngươi khi đi đường và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn.Trước mặt người
hãy ý tứ nghe Lời người. Đừng làm cho người phải chịu cay đắng ; người sẽ không
tha lỗi lầm cho các ngươi, vì danh Ta ngự trong người” (Xh 23,20-21 : Bài
đọc).
Chúa
đã dặn mỗi người chúng ta phải ý tứ nghe lời Thiên thần, nghĩa là phải thực
hành Lời Chúa Giêsu dạy : “Muốn làm lớn phải hoán cải nên như trẻ nhỏ
và hạ mình như trẻ nhỏ (x Mt 18,1-4 : Tin Mừng).
I. Phải hoán cải trở nên trẻ nhỏ : Có nghĩa là phải được
tái sinh trong Chúa Giêsu
Thực vậy, ai không
được sinh lại bởi Chúa Giêsu, dù người ấy có địa vị cao, thì trước mặt Chúa họ
cũng chỉ là một sinh vật (x 1Cr 15,45), chẳng khác loài thú đều phải chết (x Gv
3,18-19). Mà ý định ngàn đời của Thiên Chúa là “con người phải nên giống hình ảnh Thiên Chúa” (x St 1,26). Không
phải giống Thiên Chúa vô hình mà là giống Con Thiên Chúa làm người : Đức Giêsu
Kitô. Do đó ta phải được tái sinh qua Bí tích để được đồng hóa với Đức Giêsu
(Gl 2,20).
Đó là lý do Đức Giêsu
nói về ơn tái sinh với ông Nicôđêmô : “Quả
thật, quả thật, tôi bảo ông : ai không bởi Trên sinh ra, thì không thể thấy
được Nước Thiên Chúa”, làm ông thắc mắc : không lẽ người đã già lại có thể
chui vào lòng mẹ lại sinh ra làm con nít ? Thì Đức Giêsu lại nhấn mạnh : “Ai không sinh bởi nước và Thần
Khí, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa” (Ga 3,3-5).
Một khi ta đã được tái sinh làm con
Thiên Chúa, ta được đồng hóa với Chúa Giêsu (x Gl 2,20), cùng một xương thịt
với Ngài (x Dt 2,11), cùng một sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa (x Ga 6,57), và
cùng quyền năng như Thiên Chúa (x Ga 14,12). Người như thế chắc chắn được Chúa
Giêsu khen : “Họ là kẻ nhỏ trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông Gioan Bt, mặc dù
ông Gioan là người cao cả nhất trong
những người do người nữ sinh ra” (x Mt 11,11).
Xét về mặt tình cảm trong gia đình,
ai nhỏ nhất, người ấy làm vua. Bởi lẽ cả gia đình phải quan tâm chăm sóc, trìu
mến đứa con sơ sinh. Cũng chính vì vậy mà trong ngày Đức Giêsu chịu phép rửa
tại sông Giođan, báo hiệu ý muốn của Thiên Chúa là loài người phải được sinh
lại bởi nước và Thần Khí. Ngày ấy, tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta,Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).Tiếng
ấy,Chúa Cha muốn nói về những người được tái sinh trong Con yêu dấu của Ngài.
Vậy
ai được tái sinh làm con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha thì cũng được
Hội Thánh là Mẹ ôm vào lòng: “Được thỏa
thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ ; được bồng ẵm
bên hông, nâng niu trên đầu gối, khiến thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh”
(Is 66,10-14c).
II. Sống tinh thần trẻ thơ. Cụ thể phải là :
- Vâng
phục cha mẹ.
- Sống
không có ác tâm.
- Không
đòi ai quan tâm tôn mình lên.
- Luôn
sống vươn tới sự trưởng thành.
- Sống lệ
thuộc vào đấng sinh thành.
- Sống
bằng tình yêu.
1/ Vâng phục cha mẹ. Trẻ nào không vâng
phục cha mẹ, không thể thành công làm lớn trong xã hội được. Đức Giêsu muốn kẻ
đã thuộc về Ngài phải đi con đường khiêm nhu, hạ mình phục vụ theo ý Cha trên
trời dù phải chết nhục nhã đau khổ, như thế để học biết thế nào là Con vâng
phục Cha, nhưng cuối cùng được Chúa Cha tôn vinh Con, đến nỗi trên trời dưới
đất ai nghe danh Con, mọi đầu gối phải sụp lạy bái quỳ (x Pl 2,6-11).
2/
Không có ác tâm : Thánh Phaolô nói : “Có
ác thì như con nít thôi” (1Cr 14,20). Thực vậy, trẻ con chơi với nhau thế
nào cũng có lúc bất hòa, chúng mếu máo khóc lóc chạy đi mách ông bà cha mẹ,
nhưng lát sau chúng lại vui đùa với nhau bình thường, đó là “cái ác” của trẻ
thơ ; khác hẳn người trưởng thành, bề ngoài xem ra thân thương, hòa thuận,
nhưng trong lòng tìm mưu kế hại nhau.
3/ Không đòi ai quan tâm
tôn mình lên. Cụ thể
: trong bữa tiệc, những người có chức vị thì được tôn trọng mời lên chỗ danh
dự, còn đàn bà con nít thì không đáng kể
(x Mt 14,21). Vậy ta phải sống khiêm tốn hạ mình sát đất thì không còn khoảng
cách nào để phải sợ té!
4/ Luôn
sống vươn tới sự trưởng thành. Thánh Phaolô nói : “Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ
con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người
lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con” (1Cr 13,11). Bởi vì ai cũng
biết con nít nói trước hiểu sau, còn người trưởng thành thì phải nghĩ trước,
hiểu rồi mới nói. Vậy ta phải chăm học hỏi giáo lý, Kinh Thánh, vì “khởi điểm đạt tới Đức Khôn Ngoan là thật
lòng ham muốn học hỏi” (Kn 6,17).
5/ Sống lệ thuộc vào đấng sinh thành.Thánh
Phaolô muốn các Kitô hữu phải sống lệ thuộc vào Thiên Chúa,như trẻ thơ trong
gia đình phải lệ thuộc vào cha mẹ : chúng muốn gì phải được phép của cha mẹ,
mặc dù mọi vật trong gia đình cha mẹ mua sắm là dành cho con cái (x Gl 4,1-3).
Vậy bất cứ làm việc gì, ta phải cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn.
6/ Sống bằng tình yêu. Trẻ thơ không
bao giờ bận tâm lo ăn gì, uống gì, mặc gì? Cũng chẳng sợ kẻ thù nào, nếu nó
được nép mình bên cha mẹ. Thiên Chúa muốn con cái Ngài sống tinh thần đó, như
Lời Kinh Thánh nói : “Lòng con chẳng dám
tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi! Đường cao vọng, chẳng đời nào
bước,việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu; hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh
lặng, giữ sao thanh bình.Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ
an vui. Cậy vào CHÚA, Ít-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv
131/130,1-3).
Ai
sống Lời Chúa Giêsu dạy trên đây, thì được Ngài xác nhận : Người ấy đã đón tiếp
chính Ngài (x Mt 18,5 : Tin Mừng). Và như thế mới được “Chúa truyền cho Thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường” (Tv
91/90,11 : Đáp ca).
THUỘC
LÒNG
Thiên thần là những bậc thiêng liêng chuyên
lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa
hưởng ơn cứu độ (Dt 1,14).
http://phaolomoi.net
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh