BÀI GIẢNG
LỜI CHÚA BIẾN DỮ RA LÀNH !
Sở dĩ người nhà nông đem hạt giống
vãi trên thửa đất của mình, là vì sau vụ mùa người ta để đất hoang, nhiều người
đi tắt qua ruộng tạo nên con đường mòn, và nhiều bụi cỏ mọc lên. Đến mùa gieo
hạt, người ta vãi hạt trên khắp thửa ruộng, sau đó mới cày xới. Hạt rơi trên
đường chim trời bay ngang qua trông thấy xà xuống công mất, khi cày đá dưới đất
vần lên đội hạt giống, vì không đủ ẩm ướt nên hạt giống khô héo, bụi cỏ dù lưỡi
cày có lấp xuống, nhưng sẵn có rễ nó mọc nhanh hơn hạt giống, làm hạt giống
chết nghẹt!
Đức Giêsu dùng hình ảnh ấy để diễn
tả người đi gieo Lời Chúa, họ cũng gieo Lời vào tâm hồn hết mọi loại người :
- “Hạt gieo vệ đường” là kẻ nghe Lời mà
không hiểu (x Mt 13,19), vì Satan đến cướp đi Lời đã gieo trong lòng họ (x Lc
8,12 : Tin Mừng). Thực vậy, Đức Giêsu đã trách các môn đệ : “Các con chưa hiểu Lời Thầy nói sao?Các con
cứ giữ lòng trí chai đá mãi sao?”(x Mc 4,13;Mc 8,17-21) Như thế các môn đệ là vệ đường !
- “Hạt gieo trên sỏi đá” là kẻ nghe Lời
thì hăm hở đón nhận, nhưng khi gặp cấm cách, bắt bớ, họ vội tháo chạy ! (x Lc
8,13 : Tin Mừng) Thực vậy, các môn đệ thấy Đức Giêsu vừa bị bắt, họ bỏ trốn hết
! (Mc 14,50) ! Như thế, các môn đệ lại
là sỏi đá.
- “Hạt rơi vào bụi gai” là kẻ nghe Lời Chúa mà còn mê đắm vinh hoa sự đời (x Lc
8,14 : Tin Mừng). Thực vậy, các môn đệ dù họ có bỏ gia đình, bỏ nghề nghiệp, bỏ
mọi của cải đi theo Đức Giêsu. Nhưng họ còn vẫn tranh nhau quyền chức bên phải
bên trái! (x Mc 10,35-40). Như thế, các môn
đệ còn là bụi gai.
Nếu
hạt giống tốt chỉ gieo trên đường đi, hay chỉ gieo vào tảng đá, hoặc lại gieo
vào bụi gai, thì hoàn toàn thất thu ! Thế mà hạt giống Lời Chúa gieo vào tâm
hồn các môn đệ, còn tồi tệ hơn vệ đường, tệ hơn trên đá, tệ hơn bụi gai. Nhưng
11 môn đệ sau này đã trở thành mảnh đất tốt cho hạt giống Lời sinh hoa kết trái
: “hạt được 100” (Lc 8,8a : Tin
Mừng). Như vậy Đức Giêsu chỉ mất tên Giuđa, vì hắn không đón nhận ơn Chúa như
11 môn đệ kia, nên hắn không có khả năng sám hối, sinh thất vọng tự đi tìm cái
chết. Nói cách khác, 11 môn đệ còn trung thành kiên nhẫn theo Đức Giêsu, các
ông đã được Ngài biến đổi thành những mảnh đất tốt, nhờ
·
Được
dự tiệc Thánh Thể ; trái lại Giuđa thì không, vì trước khi Đức
Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, hắn đang dự tiệc với Thầy và các bạn, hắn đã bỏ
bàn tiệc ra đi mong kiếm được 30$. Ông Gioan ghi nhận lúc ấy là đêm tối, có
nghĩa là hắn băng mình vào trong tội lỗi đưa đến sự chết (x Ga 13,30).
·
Được
Đức Giêsu Phục Sinh thổi hơi trao ban Thần Khí và trao quyền tha tội (x
Ga 20,22). Giuđa không được ơn này, vì hắn đã tự tử nhào đầu xuống chết vỡ bụng
lòi ruột ra (x Cv 1,18).
·
Được
Đức Giêsu Phục Sinh sai đi loan báo Tin Mừng khắp thế giới.
Chính nhờ việc này mà Đức Tin của các môn đệ được củng cố hơn không còn hồ nghi
như trước (x Mt 28,17t).
·
Được
Đức Maria cầu nguyện chung với các ông trong nhà Tiệc Ly,
nhờ vậy mà Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập tâm hồn các ông qua hình lưỡi lửa (x
Cv 1,14).
Đúng
như Lời Đức Giêsu đã nói với ông Phêrô : “Bây
giờ con không có sức theo Thầy, nhưng sau này (khi đã được bốn ơn trên), con
mới có sức theo Thầy” (x Ga 13,36).
Thật
là lạ lùng tuyệt vời : hạt giống cỏ cây
không bao giờ biến đổi được môi trường tiếp nhận nó, nhưng hạt giống Lời Chúa
đã canh tân đổi mới tâm hồn con người tồi tệ hơn vệ đường, sỏi đá, bụi gai, trở
nên những mảnh đất tốt phì nhiêu mầu mỡ, để hạt giống Lời Chúa phát triển phong
phú vô tận!
Thánh
Gioan Tông Đồ trong thị kiến được Chúa bảo: “Hãy cầm lấy Cuốn Sách mà nuốt đi!”
Rồi ông nói : “Sau khi tôi đã nuốt
Cuốn Sách đó, bụng tôi ụa đắng, nhưng
miệng tôi lại ngọt ngào như mật!” (Kh 10,9-10 : Bản dịch của NTT).
Như
thế với trải nghiệm sống Lời Chúa của Gioan, ông xác tín cho chúng ta : Nhờ
nghe và thực hành Lời Chúa, tâm hồn ta được thanh tẩy “miệng ụa đắng”, và Lời Chúa còn huấn luyện uốn nắn miệng lưỡi ta
nói năng dễ nghe, hấp dẫn, ngọt ngào như mật. Đúng như Lời Kinh Thánh đã
nói : “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời
nói mà nâng đỡ kẻ nhọc nhằn, mỗi sáng Ngài đánh thức tôi, Ngài thức tỉnh tai
tôi, để nghe Lời Ngài giáo huấn.” (Is 50,4)
Vì
thế, thánh Phaolô nói : “Kinh Thánh đã
được linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, khuyên răn, giáo dục,
để trở nên người công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên hoàn thiện, cáng
đáng được mọi việc lành.” (2Tm 3,16-17).
Còn
sách Khôn Ngoan nói : “Lời Chúa là Thầy
dạy dỗ, luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt, và ghê tởm những
chuyện bất công !” (Kn 1,5).
Nói
tóm lại, Lời Chúa biến dữ ra lành, nếu
1/ Người ta được tự do nghe Lời Chúa,
hay biết tận dụng mọi khả năng để đón nhận, như Đức Giêsu đã nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe” (Lc 8,8b
: Tin Mừng). Thế thì Chúa còn ban cho ta đôi mắt để đọc, cánh tay để viết Lời
Chúa, ấy chưa kể ngày nay khoa học cho ta nhiều phương tiện như máy vi tính,
điện thoại, radio… liệu ta có tận dụng tất cả để đón nhận Lời Chúa hay không?!
2/ Người ta chỉ được đón nhận và hiểu
Lời Chúa qua Phụng Vụ Hội Thánh.
a-
chỉ đón nhận Lời Chúa chính xác và đầy
đủ qua Hội Thánh.
- Ai
đón nhận môn đệ tôi là đón nhận tôi, ai khước từ môn đệ tôi là khước từ tôi và
khước từ Đấng đã sai tôi (Lc 10,16).
- Đức
Giêsu trả lời cho vị thượng tế tra hỏi Ngài về Giáo Lý : “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ, hằng ngày tôi giảng dạy trong
hội đường và tại Đền Thờ, vậy các ông muốn nghe Giáo Lý của tôi, thì cứ hỏi
những người đã nghe tôi nói” (Ga 18,19-21).
- Thánh
Phaolô quả quyết : “Thiên thần từ trời
đến giảng Giáo Lý khác chúng tôi, thì đó là đồ chúc dữ” (Gl 1,8).
- Giáo
Lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định : “Chúa
Giêsu hiện diện cách thiết thực khi chúng ta đọc Kinh Thánh trong Hội Thánh”
(HCPV số 7), có nghĩa là hiểu Lời Chúa qua các Bài đọc Hội Thánh đã chọn trong
Phụng Vụ.
b-
Ta chỉ hiểu Lời Chúa qua Quyền giáo huấn của Hội Thánh.Thực
vậy, khi Đức Giêsu giảng Lời nơi công cộng cho nhiều người, chẳng ai hiểu Ngài
muốn nói gì. Sau bài giảng,các Tông Đồ về nhà hỏi lại Thầy về ví dụ, lúc đó Đức
Giêsu mới mở trí cho các ông hiểu Lời
Ngài, như Ngài nói với các ông : “Anh em
thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa ; còn với kẻ khác thì phải
dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu” (Lc 8,10 :
Tin Mừng).
3/ Người có tâm nghe Lời Chúa, và kiên
tâm thiện ý thực hành. Đó là hạt giống Lời được gieo và “đất
tốt” như Lời Đức Giêsu nói : “Hạnh phúc
thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ Lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà
sinh hoa kết quả” (x Lc 8,15 : Tung Hô Tin Mừng). Bởi thế “con sẽ bước đi trước mặt Người trong ánh
sáng dành cho kẻ sống” (Tv 56/55,14c : ĐC năm chẵn).
Thánh
Phaolô đã giải thích về mầu nhiệm Phục Sinh trong ngày cánh chung : “Như hạt lúa gieo xuống đất, cái ngươi gieo
không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi ; thì trong thế
giới Phục Sinh, Thiên Chúa cho người ta sống lại như hình thể Ngài muốn : giống
nào hình thể ấy. Việc kẻ chết sống lại cũng vậy : Gieo xuống thì hư nát, chỗi
dậy thì bất diệt ; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang ; gieo
xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ. Con người đầu tiên là Adam được dựng nên thành một sinh vật ; còn Adam
cuối cùng là Thần Khí ban sự sống. Loài xuất hiện trước không phải là loài
có Thần Khí, nhưng là loài có sinh khí ; loài có Thần Khí chỉ xuất hiện sau đó. Người thứ nhất bởi đất mà ra
thì thuộc về đất ; còn người thứ hai thì tự trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất
thì giống như kẻ bởi đất mà ra ; còn
những kẻ thuộc về Trời, thì giống như Đấng từ Trời mà đến. Chúng ta cũng sẽ
được mang hình ảnh Đấng từ Trời mà đến” (1Cr 15,35-37.42-49 : Bài đọc năm
chẵn).
Vậy
nhờ Hội Thánh ta được đón nhận Lời Chúa phát xuất từ Cha trên trời (x Mt
16,16-17 ; Dt 1,1-2), và được Hội Thánh dạy hiểu Lời Chúa, lại còn được ăn Mình
Máu Chúa Kitô, được Chúa Giêsu ở cùng ; với lòng kiên tâm thiện ý sống Lời
Chúa, chắc chắn đời ta thành công, sẽ đem lại nhiều hoa trái việc lành như Đức
Giêsu nói : “Có hạt lại rơi nhằm đất tốt,
và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm” (Lc 8,8a : Tin Mừng). Thánh
Tông Đồ đã xác tín cho chúng ta : “Chúng
tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe Lời
Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như Lời
Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những
tín hữu” (1Tx 2,13).
Cũng
vì vậy mà thánh Phaolô nhắc nhở Giám mục Timôthêu, môn đệ của ông : “Thiên Chúa là Đấng ban sức sống cho mọi
loài, tôi truyền cho anh : hãy tuân giữ Điều Răn của Chúa mà sống cho tinh
tuyền, không chi đáng trách cho đến ngày Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta xuất
hiện, Ngài là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa. Chỉ mình
Ngài là Đấng trường sinh bất tử ngự trong ánh sáng siêu phàm, kính dâng Ngài
danh dự và uy quyền đến muôn đời” (1Tm 6,13-16 : Bài đọc năm lẻ). Giám mục
Timôthêu phải sống như thế mới có lý động viên các tín hữu thuộc quyền : “Hãy vào trước Thánh Nhan Chúa giữa tiếng hò
reo” (Tv 100/99,2b : ĐC năm lẻ).
Sự
kiên tâm bền chí của ta trong hy vọng phải đợi đến ngày cánh chung, mới biết
mình gặt hái được nhiều phúc lộc của Thiên Chúa. Vì thế thánh Gioan nói : “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con
Thiên Chúa;nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.Chúng ta
biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện,chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế
nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2).
THUỘC LÒNG
Như mưa thấm xuống đất làm cho đất phì
nhiêu phát sinh sự sống, hơn thế Lời tự miệng Ta phán ra thấm vào lòng người sẽ
không trở lại với Ta cách hư luống nhưng thực hiện điều Ta muốn (Is
55,10-11).
http://phaolomoi.net
Lm
GIUSE ĐINH QUANG THỊNH