Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN NĂM A
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI ĐỌC I : Ed 33,7-9

            7 Đức Chúa phán như sau : “Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.8 Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: "Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết", mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.9 Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.”

ĐÁP CA : Tv 94

Đ.       Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !

            Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng. (c 7b.8a)

1 Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, 2 vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.

6 Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. 7 Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.

7b Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! 8 Người phán : "Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, 9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.

BÀI ĐỌC II : Rm 13,8-10

8 Thưa anh em, anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.9 Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.10 Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.

BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG : 2Cr 5,19

            Hall-Hall : Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải. Hall.

TIN MỪNG : Mt 18,15-20

            15 Khi ấy, Đức Giê-su  nói với các môn đệ rằng : "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

18 "Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

19 "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ."

 

BÀI GIẢNG

TRÁCH NHIỆM SỬA LỖI ANH EM !

            Một trong những vấn đề lớn, tế nhị và phức tạp nhất trong sinh hoạt cộng đoàn, mà khó có ai trắng án trước mặt Chúa, đó là thái độ trước lỗi lầm của người anh em,thường người ta ở trong những thái cực xử người anh em rất nghiệt ngã : Bới móc đời tư anh em rồi thịnh nộ ? Hoặc thổi phồng lỗi của anh em rồi rêu rao khắp nơi làm cho chuyện bé xé ra to, còn đa số người tỏ thái độ bàng quan không muốn dây dưa đến chuyện người khác. Rất ít người vì Đức Ái biết cầu nguyện xin Chúa chỉ cho cách giúp người anh em sống tốt hơn.

            Giáo lý Công Giáo dạy không ai có thể lên Trời một mình,khi có khả năng mà không giúp đồng loại. Một trong những việc Chúa cần chúng ta quan tâm đến anh em là giúp nhau thoát vòng tội lỗi ! Muốn làm được việc này, chúng ta cần chu toàn hai bổn phận :

-Bổn phận người lính canh Chúa đã trao để chăm sóc linh hồn người anh em.

-Bổn phận làm cho người anh em nhận ra Thiên Chúa yêu thương họ qua cách đối xử của ta.

***

I. BỔN PHẬN NGƯỜI LÍNH CANH CHÚA ĐÃ TRAO ĐỂ CHĂM SÓC LINH HỒN NGƯỜI ANH EM.

            Vì ba lý do sau đây :

            1/ Vì Chúa đặt tôi làm người lính canh” (Ed 33,7 : Bài đọc I).

Một người lính canh mà để cho kẻ thù lọt vào khu vực có trách nhiệm canh gác mà không báo động cho mọi người, cho dù kẻ thù chưa kịp ra tay, hắn đã bị tóm, thì cả tập thể vẫn kết án người lính canh trước! Còn nếu kẻ thù đã thực hiện được ý đồ, thì tai họa khủng khiếp ập đến mọi người! Thực vậy,

·Vì tội ông Ađam không ngăn cản bà Evà hái trái Chúa cấm, lại còn toa rập ăn trái cấm với vợ, hậu quả là “đất đai hãy là đồ chúc dữ vì cớ ngươi, gai góc sẽ mọc lên cho ngươi.” (St 3,17-18).

·Vì tội lỗi loài người, Thiên Chúa làm ngơ để cho ác thần gây lụt Hồng Thủy tiêu diệt muôn vật tốt đẹp Chúa đã dựng nên, trừ những gì có trong tàu Noe (x St 6).

·Vì tội cuồng dâm của thành Sôđôm mà Chúa tung lửa trời xuống thiêu rụi toàn thành, và cả miền Gômôra cũng bị vạ lây ! (x St 7.8).  

·Vì tội vua Đavid không tin tưởng vào Thiên Chúa phù hộ để xuất quân chiến thắng kẻ thù, mà lại tin vào sức mạnh binh lực của vua. Hậu quả là : Ba  năm mất mùa ? Ba tháng loạn lạc ? Ba ngày ôn dịch ? (x 2Sm 24,12-13).

Một số chứng từ trên đây cho thấy tội không chỉ làm khổ người đã vi phạm Luật, mà còn gây tai họa khủng khiếp đến mọi người sống trong cùng một môi trường! Ý thức được trách nhiệm này, Linh mục Gioan Maria Vianey nói : “Cha Sở thánh thiện, giáo dân đạo đức, cha Sở đạo đức giáo dân tầm thường, cha Sở tầm thường giáo dân ra quỷ!

            2/ anh em là chi thể của tôi.

            Trong đời sống Hội Thánh, không ai được làm ngơ để cho người anh em trong cộng đoàn Đức Tin, họ là chi thể của mình lại sống trong tội lỗi. Thánh Tông Đồ nói : “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.” (1Cr 12,26). Vì sự liên đới này mà Công Đồng Vat.II dạy : “Chúa không cứu con người cách riêng rẽ thiếu liên kết” (HCHT số 9)

3/ Vì lo cho anh em là lo cho chính mình.

            Ơn cứu độ của mỗi Kitô hữu gắn liền với phần rỗi của người anh em, nhất là bổn phận của cha mẹ đối với con cái ; bổn phận của hàng giáo sĩ với giáo dân, như Chúa dạy qua miệng ngôn sứ Êzêkiel : “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: "Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết", mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.” (Ed 33,8-9 : Bài đọc I). Cũng vì thế, thánh Giacôbê nói  : “Ai làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.” (Gc 5,20).

II. BỔN PHẬN LÀM CHO NGƯỜI ANH EM NHẬN RA THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG HỌ QUA CÁCH ĐỐI XỬ CỦA TA.

            Khi ta biết người anh em có vấn đề cần phải được góp ý, Đức Giêsu dạy ta nhẹ nhàng đi bốn bước đến với người anh em :

            1- Phải trực tiếp gặp người anh em để đối thoại.

            Tránh kiểu “nặc danh”. Vì có khi nhờ đối thoại ta lại khám phá ra mình mới là người cần sửa đổi. Kìa ông Nicôđêmô,một đầu mục Do Thái (giới đối kháng với Đức Giêsu), nhờ sau một đêm ông trò chuyện với Đức Giêsu (x Ga 3), nên khi ông thấy các đầu mục kết án Ngài, ông lại lên tiếng bênh vực : "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? " (Ga 7,51)

            2- Kèm theo hai ba nhân chứng.

            Đức Giêsu dạy: “Nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng”(Mt 18,16 : Tin Mừng). Nghĩa là : Phải trưng bằng chứng xác thực, vì theo Luật Do Thái : “Chứng của hai người thì xác thực” (Dnl 19,15). Trong thực tế, có khi cả tập thể nhất trí về một vấn đề mà vẫn không đúng. Thực vậy, cả rừng người trước mặt tổng trấn Philatô đều cáo gian Đức Giêsu. Thế nên Ngài nói : “Hãy cho tôi biết tôi sai ở điểm nào?” (Ga 18,23). Vì thế ta phải hiểu điều sách Luật dạy : “Chứng của hai người thì xác thực”, có nghĩa là phán quyết của ta phải dựa vào Lời Chúa để cho mọi người nhận ra tội. Vì“Lời Chúa là đèn soi cho con bước,là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119/118,105). Do đó thánh Phaolô nói : “Chỉ ngang qua Lề Luật tôi mới biết mình có tội” (Rm 7,7b), chứ không phải đi rỉ tai lôi kéo thêm hai, ba đồng minh đến làm áp lực. Kìa trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, giữa rừng người chìm trong sai lạc gian ác, chỉ mình Đức Giêsu lớn tiếng hô : “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37b).

3- Trình bày với người có trách nhiệm trong Hội Thánh.

Đức Giêsu  dạy : “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh.” (Mt 18,17a : Tin Mừng), tức là trình với người có trách nhiệm trong cộng đoàn đã tin Chúa. Chứ không phải là nói công khai ở quán nhậu hay phố chợ, nhất là không đưa nhau ra tòa án đời, để thánh Phaolô phải lên tiếng trách : “Khi anh em đưa nhau ra tòa án đời để kiện tụng, thì thật đáng xấu hổ !” (x 1Cr 6,1-11).Vì ta phải có trách nhiệm trình bày lỗi của người anh em với Cộng Đoàn Đức Tin, để Cộng Đoàn có trách nhiệm cứu giúp người anh em, như thánh Tông Đồ nói: “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải” (2Cr 5,19 : Tung Hô Tin Mừng).

Hai ông bà già đã gần 100 tuổi, có con có cháu đùm đìa mà còn hay gây gổ bất hòa với nhau, có khi phải mời anh công an khu vực đến giải quyết. Nhục thật! anh công an chỉ đáng tuổi con cháu, mà ông bà già phải nghe! Trong khi đó cha Sở nói lại không nghe!

4- Phó thác tội nhân cho Chúa.

Nếu đã đi đến với anh em ba bước trên mà không thấy kết quả gì, thì bước cuối cùng hãy “kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.”  (Mt 18,17b : Tin Mừng). Điều này không có nghĩa là khai trừ kẻ có tội ra khỏi Hội Thánh (dứt Phép Thông Công), mà phó thác tội nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện trong Thánh Lễ. Bởi vì dưới cái nhìn của thánh sử Mátthêu, người ngoại giáo và người thu thuế có chỗ đứng riêng trong trái tim của Đức Giêsu. Đan cử :

-  Lời giảng đầu tiên của Đức Giêsu  là cho dân ngoại (x Mt 4,15t).

- Khi người ta phê phán Đức Giêsu  gần gũi với quân thu thuế, Ngài trả lời : “Tôi đến vì người tội lỗi !” (Mt 9,13) Lời này tác giả Luca xác định thêm : “Tôi đến kêu gọi người tội lỗi hối cải !” (Lc 5,32). Ta lưu ý ông Matthêu không ghi “hối cải” mà chỉ nói “người tội lỗi”, vì nếu người tội lỗi đã biết nghe hai, ba người hoặc cộng đoàn nói, thì chắc chắn nó không nán lại trong tội, nó đã hối cải!

            Vậy khi ta đã làm hết cách mà người anh em không sám hối, thì người anh em mới thực là kẻ tội lỗi, ta hãy đi dự Lễ và phó dâng người anh em đó cho Chúa. Bởi thế, sau bước thứ tư này, Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,18-20 : Tin Mừng). Tức là hãy cầu nguyện cùng Hội Thánh, vì sứ mệnh của Hội Thánh là cầu nguyện cho tội nhân, xin Chúa thương xót và xin mở cửa Thiên đàng cho họ vào. Lời dạy này làm cho chúng ta nhớ :khi Đức Giêsu dâng Lễ trên đồi Sọ, có Đức Maria, thánh Gioan, bà Maria vợ ông Klôpa và bà Maria Madalena cùng cầu nguyện trong lúc anh trộm lành xin Chúa thương xót và Chúa đã cho anh vào Thiên Đàng ngay. Ta lưu ý Lời Đức Giêsu nói : “Nếu hai hay ba người hiệp thông cầu nguyện có Ngài ở đó”, thì phải hiểu là vị giáo sĩ không dâng Lễ một mình, mà phải có ít là một hay hai người giáo dân dự Lễ (x Giáo Luật số 106). Thế thì khi ta hiệp dâng Thánh Lễ với Hội Thánh, ta đã thuộc về Chúa Kitô và ta còn được hợp với ba thành phần trong Hội Thánh : Những Kitô hữu sống Đức Ái trên dương thế, các linh hồn nơi lửa luyện tội và các Thánh trên Thiên Đàng cùng cầu nguyện, thì chắc chắn kẻ có tội được Chúa xử nhân ái không thua anh trộm lành (x Lc 23,43)

            Do đó, thánh Phaolô dạy : “Trong một buổi họp của anh em, ở đó có tôi hiện diện bằng tinh thần, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và với quyền năng của Người, chúng ta phải nộp con người đó cho Satan, để phần xác nó bị huỷ diệt, còn phần hồn được cứu thoát trong Ngày của Chúa.” (1Cr 5,4-5).

            Vấn đề sửa lỗi anh em, điều cần thiết nhất ta phải xác tín : Tất cả các phương cách sửa lỗi người anh em, phải dựa trên Đức Ái. Thánh Tông Đồ dạy : “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại, yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8.10 : Bài đọc II). Ta lưu ý hai lần thánh Phaolô nói “yêu người là chu toàn Lề Luật”, để giúp ta gợi lòng thương cảm người anh em sa ngã, ta hãy nhớ rằng : “Ngã vào tội là người, nán lại trong tội là quỷ” (Ngạn ngữ Đức). Và ta hằng phải cám ơn Chúa, vì nếu Chúa không bịt mắt đồng loại, để họ nhìn biết tội lỗi của ta như Chúa biết, thì liệu ta có sống nổi không?

            Thể hiện lòng yêu mến đó là :

a- Phải cầu nguyện cho người anh em, đặc biệt trong Thánh Lễ trước khi muốn sửa lỗi người nào, để xin Chúa Giêsu cho ta trái tim của Ngài (x Pl 2,5). Công Đồng Vat.II, trong Hiến Chế Phụng Vụ số 7 đã nhắc lại lời Đức Giêsu dạy hôm nay : “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20 : Tin Mừng). Chân lý này được hiểu cụ thể mỗi khi Hội Thánh họp nhau cử hành Phụng Vụ.

b- Cầu nguyện còn để xin Chúa móc cái đà trong mắt mình trước đã, hầu ta thấy rõ mà lấy cái rác khỏi mắt người khác (x Mt 7,1t). Vì thế trong giờ Kinh Phụng Vụ ban sáng, mọi người đều phải cầu nguyện : “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa, Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng” (Tv 95/94,7b.8a : Đáp ca).

c- Việc sửa lỗi người khác rất cần phải tế nhị và khéo léo. Vì nói đúng, làm đúng, mà thiếu khéo léo, sẽ gây đổ vỡ tồi tệ hơn. Do đó ta còn phải nói khéo, làm khéo nữa. Nhưng thế nào là  khéo, ta còn phải cầu nguyện với trái tim biết yêu, như thánh Tông Đồ dạy: “Lời lẽ của anh em hằng phải thanh nhã, mặn mà, ý nhị, biết đối đáp sao cho phải với mỗi một người” (Cl 4,6 – Bản dịch NTT).

d- Khi gặp người có lỗi, ta hãy khiêm tốn bắt đầu bằng câu : “Nếu tôi nói sai, xin bỏ qua, vì tôi không muốn ai nghĩ xấu nói sai về bạn...”

e- Với bản năng tự vệ, kẻ có lỗi thường phản ứng : im lặng hay tìm cách biện hộ, hoặc chối tội! Ta không nên gay gắt kết án là “ngoan cố”, để phải thịnh nộ, hoặc thất vọng! Nhưng ta phải tin Lời Chúa đã hứa : “Bất cứ điều gì anh em cầu xin hãy tin là đã được và sẽ thấy thành sự”(Mc 11,24). Hãy noi gương bà Monica, kiên nhẫn hơn 30 năm cầu xin cho con là Augustin, mãi đến lúc trước giờ chết, bà mới được Chúa nhận lời cho Augustin trở lại Đạo. Nhưng khi bà qua đời, bà trở thành thánh Bổn Mạng của Các Bà Mẹ Công Giáo ; và con của bà trở thành thánh Giám mục Tiến sĩ Hội Thánh! Rõ ràng điều ta xin thì dường như không thấy, nhưng điều ta được lại vượt quá ước mơ !

THUỘC LÒNG.

            Chúa đặt tôi làm người lính canh dân Ngài, khi nó phạm tội, tôi phải dựa vào Lời Chúa mà răn dạy nó, để nó trở lại và được sống. Nếu tôi không răn dạy nó, để nó chết trong tội, Chúa sẽ đòi tôi phải đền nợ máu nó ! (x Ed 33,7-9).

http://phaolomoi.net

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: