BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC
: Tl. 9, 6–15
6 Bấy
giờ tất cả thân hào Si-khem cùng toàn dân Bết Mi-lô họp lại, kéo đến tôn
A-vi-me-léc lên làm vua, bên cạnh cây sồi trước bia đá ở Si-khem.
7 Khi người ta báo tin ấy
cho ông Giô-tham, ông liền lên đứng trên đỉnh núi Gơ-ri-dim, cất tiếng gọi và
nói với những người kia rằng : “Hỡi các thân hào Si-khem ! Hãy nghe tôi đây,
thì Thiên Chúa cũng sẽ nghe các người.
8 Cây cối đã lên đường
đi xức dầu phong một vua cai trị chúng. Chúng nói với cây ô-liu : “Hãy làm vua
cai trị chúng tôi !”
9 Nhưng cây
ô-liu nói với chúng : “Chẳng lẽ tôi lại từ bỏ dầu của tôi là thứ đã từng làm
cho thần minh và người đời được tôn trọng, mà đi đu đưa trên cây cối hay sao ?”
10 Cây cối liền nói với cây vả : “Hãy đến làm vua cai trị
chúng tôi !”
11 Nhưng cây vả bảo
chúng : “Chẳng lẽ tôi lại từ bỏ vị ngọt và trái ngon của tôi mà đi đu đưa trên
cây cối hay sao ?”
12 Bấy giờ cây cối nói với
cây nho : “Hãy đến làm vua cai trị chúng tôi !”
13 Nhưng
cây nho bảo chúng : “Chẳng lẽ tôi lại từ bỏ rượu của tôi là thứ đã từng làm cho
thần minh và người đời phấn khởi, mà đi đu đưa trên cây cối hay sao ?”
14
Tất cả cây cối liền
nói với bụi gai : “Hãy đến làm vua cai trị chúng tôi !”
15 Bụi gai trả lời cây cối : “Nếu quả thật các ngươi xức dầu
phong ta làm vua cai trị các ngươi, thì hãy tới nương náu dưới bóng ta ; bằng
không, lửa sẽ bốc ra từ bụi gai và sẽ thiêu rụi các cây bá hương Li-băng !”
ĐÁP CA
: Tv 20
Đ. Lạy
Chúa, Ngài tỏ uy lực khiến nhà vua sung sướng. (c 2a)
2 Lạy CHÚA, Ngài tỏ uy lực khiến nhà vua sung sướng, Ngài
đã chiến thắng, vua hoan hỷ dường nào !3 Lòng
vua ước nguyện sao, Chúa đã ban như vậy, miệng vua khấn xin gì, Ngài cũng không
từ chối.
4 Chúa đã ân cần ban muôn phúc lộc,vương miện vàng, Ngài đội
cho vua. 5 Vua xin được sống, Ngài cho được sống,
năm tháng dài lâu, tuổi thọ miên trường.
6 Vì Ngài chiến thắng, nên nhà vua rực rỡ vinh quang, Ngài
cho vua được oai phong lẫm liệt. 7 Ngài đặt
vua làm nguồn hạnh phúc đến muôn đời và cho vua được hớn hở vui mừng trước Nhan
Thánh.
BÀI GIẢNG
A. GIẢI THÍCH
1/ Giờ lao động của người Do Thái quy định thế nào ?
Người Do Thái lao động mỗi ngày 12
giờ :
-
Giờ
thứ I : 6 giờ sáng, bắt đầu đi làm.
-
Giờ
thứ 12 : 18 giờ, nghỉ việc và lãnh lương.
2/ Có năm loại thợ làm vào những giờ khác nhau nghĩa là
sao ?
-
Loại
thợ giờ thứ I : 6 giờ sáng, làm 12 giờ trong ngày.
-
Loại
thợ giờ thứ 3 : 9 giờ sáng, làm 9 giờ trong ngày.
-
Loại
thợ giờ thứ 6 : 12 giờ trưa, làm 6 giờ trong ngày.
-
Loại
thợ giờ thứ 9 : 15 giờ, làm 3 giờ trong ngày.
-
Loại
thợ giờ thứ 11: 17 giờ, làm 1 giờ trong ngày.
Những thợ vào làm vườn nho cho ông
chủ sớm muộn khác nhau, diễn tả người lãnh Bí tích Thánh Tẩy để được sống trong
Hội Thánh : Trẻ con có (giờ I) ; vị thành niên có (giờ III) ; thanh niên có (giờ
VI) ; trưởng thành có (giờ IX) ; già nua có (giờ XI).
3/ Tiền công nhật một đồng có quá ít không ?
Đó là tiền công nhật,
theo luật Do Thái đã quy định, đủ nuôi sống gia đình trong một ngày.
4/ Hình ảnh năm nhóm
thợ làm những giờ khác nhau trong mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, có nghĩa gì ?
Thánh Irênê, thánh Grégorio
(590-604), và ông Origène cho rằng đây là năm chặng trong lịch sử Thiên Chúa cứu
độ khởi đi từ Adam (giờ I), rồi đến ông Noe (giờ III), kế tiếp là ông Abraham
(giờ IV), tiếp đến là ông Môsê (giờ IX), và cuối cùng Đức Giêsu (giờ XI).
Ông chủ trao cho năm nhóm thợ tiền
lương đồng đều mỗi người một đồng, chính là Đức Giêsu ban ơn cứu độ đồng đều
cho tất cả mọi người Công Giáo, tân tòng cũng như đạo gốc, không ai cảm thấy
mình bị thiệt thòi, không ai được kể công với Chúa, vì ơn cứu độ là ơn nhưng
không. Bởi đó họ phải luôn biết tạ ơn Chúa, vì được làm con Chúa và hằng ngày
còn được nuôi dưỡng bằng ơn thánh (một đồng),đặc biệt mỗi khi dự Lễ. Thánh
Phaolô là mẫu người trong việc này, nên ông cất lời khuyên các tín hữu : “Chính bởi ân huệ mà anh em được cứu độ, vì
anh em cũng như tôi xưa kia chúng ta làm theo xu hướng xác thịt ! Nhưng Đức
Kitô thương xót ta, Ngài đã cho ta được hồi sinh, như vậy, không phải do công
anh em, mà là do ơn Chúa ban, không phải do tự việc làm để đừng có ai vênh vang
tự đắc” (Ep 2,1-9).
B. GIÁO HUẤN
SỐNG TRONG HỘI THÁNH,
NẾM PHÚC THIÊN ĐÀNG
Dụ ngôn thợ làm vườn nho nếu xét về
mặt xã hội, không ông chủ nào đối xử với các thợ như thế. Đành rằng ông chủ trả
lương cho thợ không sai hợp đồng, không bất công. Nhưng làm như vậy là chủ tỏ
ra thiếu khôn ngoan, gây cớ cho người ta ghen tỵ nhau, hoặc làm cho thợ hiểu lầm
chủ thương người này mà ghét người kia. Thợ mà biết tâm tình chủ như thế, chắc
gì lần sau chủ có thể mượn được thợ vừa ý! Nhưng Đức Giêsu kể dụ ngôn này nhằm
diễn tả mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, vì “đường
lối của Thiên Chúa khác với đường lối của loài người, vì ý nghĩ của Thiên Chúa
khác với suy nghĩ của loài người” (Is 55, 6-9). Qua dụ ngôn này Chúa muốn
ta phải ý thức mình vừa là thợ, vừa là chủ trong đời sống Hội Thánh :
I. TA LÀ THỢ LÀM VƯỜN NHO : PHỤC VỤ TRONG HỘI
THÁNH, THÌ PHẢI TÍCH CỰC PHỤC VỤ MỌI NGƯỜI, MÀ VẪN CẢM NGHIỆM MÌNH ĐƯỢC HẠNH
PHÚC NHƯ SỐNG TRÊN THIÊN ĐÀNG.
1- Được làm vườn nho của Chúa (gia
nhập Hội Thánh) là một ơn lớn lao, nên phải tỏ ra tích cực phục vụ mọi người.
Ta hãy bắt chước đời sống của thánh
Phaolô, ông là Tông Đồ sinh non đẻ muộn (tu muộn), thuộc loại thợ làm vườn nho
vào giờ thứ 11 (17giờ). Thế thì ông Phaolô có thể phàn nàn : “Lạy Chúa, sao Ngài
không gọi con sớm cùng với các bạn con (Nhóm Mười Hai), để con khỏi bị nhiều
người nghi ngờ khi con hoạt động cho Tin Mừng (x Cv 9,26), để con khỏi ân hận
là tên vũ phu (x Cv 26,11), để con khỏi mặc cảm là “đứa ranh con, là người mạt nhất trong các Tông Đồ, và cũng không đáng gọi
là Tông Đồ nữa” (1Cr 15,8-9)”. Thánh Phaolô nói với mọi người như thế,
nhưng không phải là phàn nàn với Chúa, mà ông chỉ muốn diễn tả người thợ làm vườn
nho muộn nhất đã không hề phàn nàn, trách móc chủ điều gì. Ông chỉ giống như
anh thợ suốt ngày ngẩn ngơ đầu đường xó chợ, không ai hỏi thuê mướn, cả nhà có
thể chết đói vì thất nghiệp ! (x Mt 20,3-7 : Tin Mừng). Bởi lẽ thánh Phaolô đã
cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương, nên ông rất biết ơn Chúa, ông nói : “Trong số các tội nhân được Chúa cứu, tôi là
người thứ nhất, qua tôi, Đức Kitô đã bày tỏ phác sơ qua tất cả sự đại lượng của
Ngài” (1Tm 1,15-16). Tình yêu Chúa dội vào tâm hồn, nên ông tích cực trong
việc Tông Đồ, ông nói : “Tôi không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng”
(2 Cr 11,5).
Nhìn vào đời sống Hội Thánh, nhiều
người đạo gốc, đạo dòng, là các thợ vào làm vườn nho sớm, lẽ ra không được thua
kém tinh thần phục vụ mẫu mực của ông Phaolô, ông nói : “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đối với Chúa Kitô” (1Cr 11,1), và
“anh em hãy làm thay tôi” (2Cr
12,11). Nói như thế với dụng ý : Ông
chưa hoàn tất nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, mọi người hãy cộng tác thêm vào.
2- Được làm vườn nho của Chúa là
hạnh phúc như sống trên Thiên Đàng.
Thánh Tông Đồ nói : “Sống là Đức Kitô, chết là mối lợi!” (Pl
1,21). Mối lợi khi chết là “lên Thiên
Đàng được nghe Lời khôn tả” (2Cr 12,4). Nhưng “nếu sống trong xác phàm là hoạt động có hiệu quả trong việc rao giảng
Tin Mừng, thì tôi không biết phải chọn gì. Tôi bị giằng co đôi ngả : tôi ước
mong thoát ly và được ở cùng Đức Kitô, thì thật là điều tối hảo gấp bội, nhưng
lưu trú trong xác phàm lại khẩn thiết hơn vì anh em, và tôi biết rằng tôi sẽ
lưu lại và ở bên mà giúp anh em hết thảy tiến tới và được vui mừng của lòng tin”
(Pl 1,22-25).
Như thế Tông Đồ Phaolô khác hẳn với
những người thợ làm vườn nho cho ông chủ từ sáng sớm đã lên tiếng than thân và
trách chủ : “Tôi phải vác nặng cả ngày
trường với nắng nôi thiêu đốt, vậy mà ông lại kể tôi ngang hàng với người làm
có một giờ” (Mt 20,12 : Tin Mừng). Ông Phaolô không phàn nàn về số phận tu
muộn, bởi vì ông đã nhận ra : “Chúa là Mục
Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 23/22,1 : ĐC năm chẵn).
Vậy khi ta là người làm công, ta
không nên ghen tỵ với người khác,để rồi oán trách Thiên Chúa không thương mình,
như những người thợ làm vườn nho từ sáng sớm đã trách chủ. Do đó thánh Gioan Tẩy
Giả đã nhắc : “Chớ đòi gì quá mức ấn định,
đừng xách nhiễu, đừng vu khống cho ai, hãy bằng lòng với lương bổng của mình”
(Lc 3,13-14). Thánh Phaolô cũng tiếp lời
khuyên : “Làm việc gì hãy tận tâm như thể
làm cho Chúa, chứ không phải làm cho người đời” (Cl 3,23).
Người Công Giáo sống Đạo mà có tính
ghen tỵ, oán trách, họ là tông giống Adam, Eva, vì nguyên tổ loài người đã được
Chúa cho làm chủ vũ trụ, mà còn tham lam đòi ăn cả trái Chúa cấm (x St 3).
Ngụ ngôn trong Qa(Tl) 9,6-15 (Bài đọc
năm lẻ) : Các cây cối như cây ô-liu chỉ tiết dầu ; cây vả cho trái ngọt ; cây
nho sinh trái để người ta làm rượu. Những cây này làm đúng nhiệm vụ Chúa trao,
nên không thiết gì vương quyền các cây khác đề nghị phong cho. Chúng không ghen
tỵ với một cây nào. Các cây này diễn tả người làm vườn nho trễ nhất đã không
phàn nàn gì. Các cây cối lại xin bụi gai làm vua, mà gai chỉ làm hại người ta,
thế nên những kẻ giết Đức Giêsu đã tết một vòng gai làm triều thiên đội lên đầu
Đức Giêsu, nhằm nhạo báng vương quyền của Ngài, đẩy Ngài vào nỗi khổ nhục nhất
(x Mt 27,27-31). Thế mà Đức Giêsu không ghen tỵ Vương Quyền với Chúa Cha, cũng
không lạm dụng quyền bính để làm hại, báo oán những kẻ đã làm nhục Ngài. Ngài chính là hình ảnh người làm
vườn nho cho ông Chủ là Cha Ngài trên trời. Ngài vất vả suốt cả cuộc đời, hơn hẳn những người làm vườn nho sớm
đã oán trách chủ. Ngài không mở miệng than van, “Ngài như con chiên hiền lành bị đưa đi làm thịt, Ngài giơ lưng cho kẻ
đánh đập, giơ má cho kẻ giật râu, Ngài không giấu mặt, không tránh nhục nhằn và
khạc nhổ, Ngài không còn duyên dáng oai vệ, không có vẻ gì đáng mến chuộng”
(x Is 49,1t ; 50,4t ; 52,13 – 53,1t). Vì thế dân Chúa cất lời thưa: “Lạy Chúa, Ngài tỏ uy lực khiến nhà vua sung
sướng” (Tv 21/20,2a : ĐC năm lẻ). Sung sướng vì lúc Ngài khổ nhục nhất trên
thập giá, mà Ngài còn cầu xin Chúa Cha tha tội cho kẻ hại mình (x Lc 23,34).
Một người có tính ghen tỵ và một người
có lòng tham lam, cả hai đều được dẫn đến trước mặt vua, vua bảo : “Để làm vừa lòng các ngươi, ai muốn xin gì trẫm
cũng cho, nhưng ai xin sau thì được gấp
đôi người trước”. Lời này làm cho hai tên ghen tỵ và tham lam đều phải câm
miệng, vì tên tham không muốn xin trước, đợi tên ghen xin trước để mình được
vua ban gấp đôi! Còn tên ghen cũng chờ tên tham xin trước, vì nó sợ tên tham được
gấp đôi mình! Vua đợi một lúc lâu, không ai lên tiếng, cuối cùng vua ra lệnh
cho tên ghen phải xin trước, hắn nghĩ : Mình phải xin gì trước để trả thù tên
tham, cuối cùng hắn xin vua : “Xin vua chặt một cánh tay của tôi”,với thâm ý là
vua sẽ chặt hai cánh tay của tên kia!
Tên ghen tỵ đó là ma quỷ, kẻ tham
lam là Adam, Eva, là Giuđa tham 30$ với dã tâm bán Thầy! Thế mới hiểu được lời
ông chủ vườn nho trách người thợ làm từ sáng sớm : “Bạn ghen tỵ làm gì? Há tôi không được quyền làm như tôi muốn về của cải
tôi hay sao : hay mắt bạn lườm nguýt vì tôi nhân lành” (Mt 20, 13t : Tin Mừng).
Ta biết ông Matthêu sử dụng hình ảnh
người bạn trong Tin Mừng ông viết là ám chỉ những người tham tiền giống Giuđa,
vì những bạn trong Tin Mừng Matthêu đều là những bạn xấu. Đan cử như những người
bạn làm vườn nho từ sáng sớm đã phàn nàn với chủ (x Mt 20,13 : Tin Mừng) ; người
bạn không mặc áo cưới vào dự tiệc đã bị bỏ tù (x Mt 22,11) ; và Giuđa dùng cái
hôn để nộp Thầy, Ngài đã hỏi lại hắn : “Này
bạn, bạn dùng cái hôn để nộp Con Người sao?” (x Mt 26,50).
II. SỐNG TRONG HỘI THÁNH TA CÒN PHẢI Ý THỨC QUYỀN LÀM CHỦ
CỦA MÌNH, VÀ THI HÀNH QUYỀN NÀY NHƯ MỤC TỬ GIÊSU.
Chúa Giêsu là Vị Mục Tử nhân hậu có
một không hai. Chính vì vậy mà trong Tin Mừng Gioan,ông không viết danh sách
các môn đệ Đức Giêsu chọn làm mục tử dân Ngài. Vì ông chỉ muốn mọi người chiêm
ngắm Vị Mục Tử tuyệt vời là Chúa Giêsu mà noi gương bắt chước. Nhất là tích cực
loan báo Tin Mừng,làm phát triển vườn nho Hội Thánh, vì “Lời Thiên Chúa là Lời sống động và hữu hiệu, Lời đó phê phán tâm tình
cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12 : Tung Hô Tin Mừng) .
Còn về mặt nhân bản, ta phải bắt chước
ông chủ vườn nho, trả lương cho thợ không căn cứ vào năng xuất lao động, mà căn
cứ vào hoàn cảnh sống của họ, vì nếu ông trả theo đức công bằng là 1/12 phần một
đồng của người đến sớm, thì gia đình người này không thể sống được. Ông chủ vườn
nho đã thể hiện lời dạy của ông Tôbya : “Hãy
trả lương cân xứng cho người giúp con và thêm chút gì vào tiền công của họ”
(Tb 12,1). Thế mà có nhiều kẻ lợi dụng người thất nghiệp đến làm việc cho mình
mà trả lương chết đói, lại còn tự hào : nếu tôi không mượn nó, thì cháo không có
mà húp!
Làm
chủ mà lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của kẻ làm công để làm giàu cho mình,đó là
loại mục tử gian ác, bị Chúa lên án : “Ta
lấy mạng sống Ta mà thề - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng -, bởi chiên của
Ta bị cướp phá và biến thành mồi cho mọi dã thú vì thiếu mục tử, bởi các mục tử
chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên của Ta, nên hỡi các mục tử,
hãy nghe lời ĐỨC CHÚA: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này : Đây Ta chống lại
các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và
các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng
chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa” (Ed 34,8-10 : Bài đọc năm chẵn).
Vì
thế, Đức Giêsu nói : “Nhiều kẻ đầu hết sẽ nên cuối hết, và có những
kẻ cuối hết sẽ nên đầu hết” (Mt 20,16a : Tin Mừng).
Có
nghĩa là trong chương trình cứu độ của Chúa, các chủ chăn trong Do Thái giáo bị
truất quyền, quyền chăm sóc muôn dân Chúa trao cho các chủ chăn trong Hội Thánh
đã được Ngài đặt lên ; cũng thế, không phải ai đã được người đời kính trọng như
Giám mục, Linh mục là tất yếu sau cuộc đời được vinh hiển hơn người phu quét
rác, dù bị xã hội coi thường, nhưng nếu người ấy “làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời”(Cl
3,23), thì chắc chắn, khi kết thúc cuộc đời,họ là người cao cả trong Nước Thiên
Chúa hơn các “đấng mũ gậy”, mà suốt đời chỉ làm cho người khác sợ hãi hơn là
yêu mến!
THUỘC LÒNG
Đối
với tôi sống là Đức Kitô, chết là mối lợi ! (Pl 1,21)
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH