Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ BA SAU CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN NĂM LẺ
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI ĐỌC : 2 Cr 8,1-9

            1 Thưa anh em, chúng tôi xin báo cho anh em biết ân huệ Thiên Chúa đã ban cho các Hội Thánh ở Ma-kê-đô-ni-a.2 Trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại.3 Họ đã tự nguyện theo sức họ, và tôi xin làm chứng là quá sức họ nữa;4 họ khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các người trong dân thánh.5 Họ đã vượt quá điều chúng tôi mong ước là tự hiến mình phụng sự Chúa trước, rồi phục vụ chúng tôi theo ý Thiên Chúa.6 Vì vậy chúng tôi đã xin anh Ti-tô hoàn thành công việc lạc quyên đó nơi anh em, như anh ấy đã bắt đầu làm.

7 Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa.8 Tôi nói thế không phải để ra lệnh cho anh em đâu. Nhưng tôi chỉ nêu lên lòng nhiệt thành của người khác để xem lòng yêu mến của anh em chân thành đến mức nào.9 Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.

ĐÁP CA : Tv 145

Đ.        Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi ! (c 1b)

1 Ca tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!2 Suốt cuộc đời, tôi xin hát mừng CHÚA, sống bao lâu, nguyện đàn ca kính Chúa Trời.

5 Phúc thay người được Chúa Trời nhà Gia-cóp phù hộ và cậy trông CHÚA, Thiên Chúa họ thờ. 6a Người là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi, cùng muôn loài trong đó.

6b Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời,7a xử công minh cho người bị áp bức,ban lương thực cho kẻ đói ăn.

7b CHÚA giải phóng những ai tù tội,8 CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà. CHÚA cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,CHÚA yêu chuộng những người công chính. 9a CHÚA phù trợ những khách ngoại kiều.

BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG : Ga 13, 34

            Hall-Hall :  Chúa nói : Thầy ban cho anh em một Điều Răn mới là, anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Hall.

TIN MỪNG : Mt 5,43-48

            43 Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

 

BÀI GIẢNG

YÊU KẺ THÙ TA GIỐNG CHA TRÊN TRỜI

            Đức Giêsu đặt chỉ tiêu nên Thánh cho mọi người : “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48 : Tin Mừng).

            Sống trên đời không ai trọn lành, ngoại trừ Đức Giêsu, vì Ngài là Thiên Chúa (x Mc 10,17-18). Thiên Chúa thể hiện sự trọn lành với loài người:

- Ngài là Đấng cho.

- Ngài nhân ái với tội nhân có lòng sám hối.

 

I. THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG CHO.

            Vì chỉ có Ngài là Đấng Có (x 2Cr 1,19c). Không ai có thể cho người khác điều gì nếu mình không có. Thiên Chúa cho phàm nhân cách đồng đều những ơn để sống, như Đức Giêsu nói : “Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45: Tin Mừng). Những ơn ấy chỉ để nuôi sống thân xác con người. Đặc biệt Ngài còn nuôi cả hồn xác ta bằng Lời và bằng chính Máu Thịt Ngài đã chết vì phục vụ trong yêu thương theo ý Cha trên trời và,đã sống lại toàn thắng mọi sự dữ, hầu làm cho kẻ được kết hợp với Ngài qua Bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể, thì được sống bằng sự sống của Thiên Chúa (x Ga 6,57). Vì thế, Thiên Chúa muốn chúng ta là con cái của Ngài phải bắt chước gương sống của thánh Tông Đồ : “Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Chúa Kitô” (1Cr 11,1). Ta hãy bắt chước Thiên Chúa trong khả năng mình có, cụ thể như  đóng góp của cải vật chất cho nhu cầu Hội Thánh cũng như chia sẽ cho đồng loại. Thánh Phaolô đã tạo điều kiện và khuyến khích các tín hữu trong nhiệm vụ đóng góp của cải vật chất để làm phát triển Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh. Vì Hội Thánh không chỉ được xây dựng trên những yếu tố tinh thần mà còn xây dựng trên những thực tại trần thế. Sự kết hợp này khác nào như xác hồn tạo nên con người (x Hiến Chế Hội Thánh số 8). Vì thế,ông viết thư khuyến khích giáo đoàn Corinthô, hãy bắt chước lòng quảng đại của các tín hữu thuộc giáo đoàn Markêđônia. Các tín hữu trong giáo đoàn này đã “trải qua bao nỗi gian truân, mà họ vẫn được chan chứa niềm vui ; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại. Họ đã tự nguyện theo sức họ, và tôi xin làm chứng là quá sức họ nữa ; họ khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các người trong dân thánh. Họ đã vượt quá điều chúng tôi mong ước là tự hiến mình phụng sự Thiên Chúa, rồi phục vụ chúng tôi theo ý Thiên Chúa” (2Cr 8,2-5 : Bài đọc năm lẻ). Với gương sáng của giáo đoàn Markêđônia, ông Phaolô sai anh Titô đến giáo đoàn Côrinthô để lạc quyên, và ông Phaolô có lời khen giáo đoàn này : “Anh em từng trổi vượt về mọi mặt, về Đức Tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này. Quả thật, anh em biết Đức Kitô, đã có lòng quảng đại như thế nào : Người vốn giàu sáng phú quý nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,7.9 : Bài đọc năm lẻ).

            Ngày nay Hội Thánh vẫn tiếp tục động viên các tín hữu hãy rộng tay đóng góp của cải vật chất cho nhu cầu của Hội Thánh, như Điều Răn Thứ Năm Hội Thánh dạy : “Mỗi người theo khả năng đóng góp cho các nhu cầu vật chất của Hội Thánh” (x GLCG số  2041-2043). Đó là một trong những cách tôn vinh Thiên Chúa đúng với lời kinh ta đọc : “Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi” (Tv 146/145,1b : ĐC năm lẻ).

II. THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG NHÂN ÁI ĐỐI VỚI HẾT MỌI TỘI NHÂN BIẾT SÁM HỐI.

Đan cử : Vua Akhab và vợ là bà Isabel muốn cướp vườn  nho của ông Nabôt nên bằng mưu kế thâm độc đã giết được ông này! Họ đã ỷ vào quyền thế của mình mà làm điều gian ác, mà ai cũng phải theo, phải kính nể. Chỉ có Thiên Chúa thấy rõ tội ác của vua, mà Ngài vẫn thương, nên sai ngôn sứ  Êlya đến cảnh cáo, và báo cho vua biết tai họa sắp ập xuống trên triều đại của ông… Vua nghe được nên đã sám hối, liền xé áo mình ra rồi khoác áo vải bố bám sát vào da, ăn chay nằm ngủ với bao bì, và bước đi thiểu não. Bấy giờ Chúa thấy vua hạ mình xuống,nên Ngài không giáng họa trong buổi sinh thời của vua. Nhưng tội nào cũng gây vạ cho người khác phải hứng chịu. Thực vậy, vì tội ác của nhà vua, mà dòng giống phải lâm họa (x 1V 21,17-29 : Bài đọc năm chẵn). Khi ta lầm lỗi mà biết sám hối và xưng tội, thì tội đã được Chúa tha. Nhưng hậu quả bởi tội ta gây ra, đó là vạ ta để lại. Ví dụ : vì nóng giận ta giết một người đang giúp ích cho nhiều người, làm cho nhiều người đau khổ, thì làm sao ta có thể đền sự thiệt hại đó? Chỉ có cách là cầu nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc, Ngài không chuộc nơi tay ma quỷ những gì tốt lành nó đã cướp mất, nhưng Ngài chuộc nơi Chúa Cha ân lộc phong phú hơn để trao ban lại cho ta.

Để gia tăng lòng sám hối, ta hãy thưa cùng Chúa : “Lạy Chúa, xin dủ lòng thương xót, vì chúng con đắc tội với Ngài” (Tv 51/50,3a : ĐC năm chẵn). Ai muốn được Chúa dủ lòng thương xót thân phận tội lỗi của mình, thì phải thực hành Lời Chúa Giêsu dạy : “Cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình” (Mt 5,44 : Tin Mừng). Việc này vượt xa giá trị Luật Môsê dạy : “Hãy yêu mến thân nhân và hãy ghét địch thù” (Mt 5,43 : Tin Mừng). Ghét địch thù ở đây theo ngôn ngữ Do Thái (Aram) có nghĩa là không yêu kẻ địch thù bằng thân nhân của mình. Thực ra trong Cựu Ước không có chỗ  nào dạy ta ghét kẻ thù. Tác giả sách Huấn ca chỉ dạy ta không chấp nhận lối sống nghịch Đức Tin: “Sẽ chẳng có chi may lành cho kẻ ngoan cố trong điều ác, cho kẻ không thích làm việc từ thiện. Hãy cho người đạo hạnh, nhưng đừng giúp kẻ tội lỗi, đừng ủng hộ quân vô đạo, hãy khước từ, đừng cung cấp bánh ăn cho nó, kẻo nó được đàng chân lấn đàng đầu ; vì chính Đấng Tối Cao cũng gớm ghét phường tội lỗi,Người sẽ trừng phạt để trả oán quân vô đạo, hãy cho người tốt, nhưng đừng giúp kẻ tội lỗi” (Hc 12, 3-7).

            Như thế, Chúa dạy ta chỉ ghét tội, chứ không ghét kẻ có tội. Nhưng trong thực tế, ta chẳng thấy tội đi chu du để phải tránh vì ghét nó, mà tội gắn liền với một người nào đó. Nếu ta giúp điều gì cho kẻ thù ghét ta, thì

-         Chưa chắc nó nhận.

-         Giúp nó có khi lại tạo điều kiện cho nó sống ác.

-         Thương giúp nó biết đâu nó tưởng ta sai nó đúng, nên ta phải bợ đỡ tỏ dấu xin lỗi nó.

Như thế,giúp của đời cho kẻ ghét ta là cách có thể làm cho nó ra tồi tệ hơn, nên chỉ cầu nguyện cho nó là tốt nhất. Việc này ai cũng làm được, và không làm cho địch thù tự ái.Vì ta xin Chúa cho nó nhận ra tội mà sám hối, xin Chúa dẫn dắt nó đi vào con đường công chính. Lúc đó nó trở nên Thánh nhờ hối lỗi mà gia tăng việc lành, như lời ngôn sứ Baruk nói: “Xưa kia anh em lạc xa sự thật, nhưng nay hối lỗi trở về, anh em hãy nhiệt thành gấp mười mà tìm kiếm Ngài” (Br 4,28).

Đan cử như Phó tế Stêphanô, khi ông bị kẻ ác ném đá, ông đã cầu nguyện cho họ : “Lạy Chúa Giêsu xin đừng chấp tội họ” (Cv 7,60). Kết quả lời cầu nguyện ấy, Chúa đã ban ơn cho kẻ ác nhất trong số những người ném đá Stephanô, đó là Saulô. Ông này tiền thân còn độc ác hơn chó sói, nhưng khi ông đã được ơn Chúa, ông trở thành Tông Đồ xuất sắc, không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng Chúa chọn trước Phục Sinh, như ông khoe với giáo đoàn : “Nào tôi có thua gì các “Tông Đồ thượng đẳng”, dù tôi chỉ là không” (2Cr 11,5).

Vậy khi ta cầu nguyện cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về đường ngay nẻo chính, là ta đã cứu linh hồn và phủ lấp muôn vàn tội lỗi của mình (x Gc 5,19b). Nếu ta để tội nhân nán lại trong tội, nó sẽ chết trong tội của nó và Chúa sẽ đòi nợ máu nó nơi ta (x Ed 33,7-9). Đặc biệt ta cầu nguyện cho kẻ hại ta, để họ trở nên Thánh cùng chia sẻ sứ mệnh với Chúa Giêsu. Đây là việc Ngài thiết tha nhất, đến nỗi Ngài bằng lòng mất mạng cứu họ, dù có lúc Ngài cảm thấy việc ấy xem ra vô ích (x Lc 18,8).

Rõ ràng Chúa chỉ muốn ta cầu nguyện cho kẻ ác, và như vậy nếu cả đời ta luôn cầu nguyện cho kẻ ác mà vẫn còn có nhiều kẻ lạc xa Chúa, thì vẫn không mất ơn Chúa vì đã trở nên giống Ngài. Giống Chúa thì lối sống phải cao thượng hơn thói đời, như Đức Giêsu dạy : “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,46-48: Tin Mừng). Khi ta làm ơn cho kẻ hại ta, thì ta được đồng danh với Chúa Giêsu, vì cùng là “Con Đấng Tối Cao” (x Lc 1,32 = Lc 6,35).

Vậy chỉ khi nào ta biết dùng của cải rộng tay chia sẻ đúng ý Chúa và cầu nguyện cho kẻ ác biết sám hối trở về, ta mới thực hành Giới Răn trọng và cao quý nhất như Đức Giêsu dạy: “Thầy ban cho anh em một Điều Răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34 : Tung Hô Tin Mừng).

THUỘC LÒNG

            Ở đâu tội lỗi đã làn tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa (Rm 5,20)

            Kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết mà che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình (Gc 5,19).

http://phaolomoi.net

LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

 

 

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: