BÀI GIẢNG
CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
ĐỂ NÂNG TA LÊN ĐỊA VỊ CAO CẢ
Từ
lễ Giáng Sinh đến nay,chưa lúc nào Đức Giêsu tỏ ra thấp hèn bằng lúc Ngài đến
xin ông Gioan làm phép rửa ! Thực vậy,
*
Lễ Sinh Nhật và lễ Hiển Linh,Đức Giêsu tỏ mình là một cậu bé nghèo khó, nhưng
dễ thương, đến nỗi cả vua chúa trần gian (ba đạo sĩ) tìm đến tặng quà cao quý
nhất (x Lc 2,12 ; Mt 2,1-12).
*
Lễ Thánh Gia, Đức Giêsu tỏ ra là một cậu bé mới 12 tuổi mà rất thông thái về
giáo lý, Cậu trở thành bậc thầy ngồi trao đổi với các tiến sĩ Luật nơi Đền Thờ
(x Lc 2,41t).
* Nhưng lễ Phép Rửa, kết thúc mầu nhiệm Giáng Sinh, Đức Giê-su khai mào đời sống
công khai, Ngài tỏ ra như một tội nhân, xếp hàng với bao phàm nhân khác lội
xuống sông Giođan xin ông Gio-an làm phép rửa! (x Mt 3,13-17: Tin Mừng). Đây là
dấu Đức Giêsu tự hủy đời mình toàn diện trên thập giá. Đó chính là Phép Rửa
bằng máu mà Ngài bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất (x Lc 12,50). Nhờ mầu nhiệm Tử
Nạn và Phục Sinh, cụ thể:
-
Chúa thanh tẩy tội muôn dân.
-
Chúa hoàn tất cuộc tạo dựng.
-
Chúa cho ta được công chính.
-
Chúa cho ta trở nên Hiền Thê của Ngài.
***
I. CHÚA GIÊSU THANH TẨY TỘI MUÔN
DÂN.
Nước và máu từ tim Đức Giêsu dốc
ra, mới thực sự rửa sạch tội lỗi của hết mọi hối nhân tin vào Ngài qua việc
lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Xưa kia qua dòng nước Biển Đỏ, Chúa chỉ cứu dân Do
Thái, bằng cách diệt đế quốc Ai Cập và cho vua Cyros đập tan đế quốc Babylon. Nay những kẻ gian
ác cỡ như hai đế quốc trên cũng chỉ như cây sậy bị dập, hay như tim đèn leo loét,
Đức Giêsu không muốn bẻ gãy hoặc dập tắt, vì qua nước Thánh Tẩy, Ngài muốn cứu
hết mọi loại người, một khi họ hối lỗi và tuốn đến xin lãnh Phép Rửa của Ngài,
thì họ còn hơn mọi dân kéo nhau đến với ông Gioan xưng thú tội và xin chịu phép
rửa của ông (x Mt 3,7).Vì vậy ông Phêrô qủa quyết rằng: “Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn
ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng
đều được Người tiếp nhận.…nhờ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của
mọi người.…, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong
Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma
quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.” (Cv 10,34-38 : Bài đọc II). Ơn cứu độ này khởi đi
từ lúc Đức Giêsu bước xuống sông Giođan, người ta nhìn Ngài chỉ là tội nhân.
Đây là dấu chỉ Ngài sẽ bước lên thập giá, để những hối nhân xin Ngài thương
xót, thì được Ngài cho vào Thiên Đàng ngay như anh trộm lành! (x Lc 23,43)
Điều này minh chứng rằng : Đức
Giêsu không có ý đến để tiêu diệt kẻ tội lỗi, nhưng Ngài biến đổi kẻ tội lỗi
có lòng sám hối trở nên người công chính. Chân lý này ngôn sứ Isaia trong Bài
đọc I cũng đã đề cập tới :
-“Cây sậy bị
giập, nó không đành bẻ gãy” (Is 42,3a) : Nhắc đến đế quốc Ai Cập, bị ông Môsê giáng xuống 11 tai
họa, lúc đó bọn Ai Cập mới để cho ông dẫn dân Israel thoát nô lệ về định cư
miền đất Chúa hứa chảy sữa và mật (x Xh 3,8).
-“Tim đèn leo
loét cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,3b) : Liên tưởng đến đế quốc Babylon, bị ông Cyros, vua Ba Tư đánh tan
tành. Sau đó vua Cyros giải phóng cho dân Do Thái khỏi kiếp nô lệ Babylon, và cho hồi hương
để tái thiết đền thờ Giêrusalem. Đoàn dân này được ngôn sứ Isaia mô tả: “Như đàn chim câu bay về tổ” (Is 60,8b).
Vậy không tất yếu mọi tội nhân
phải chết treo như anh trộm lành mới được vào Thiên Đàng, mà là những ai nhờ
Phép Rửa của Đức Giêsu, họ được Chúa Cha mở cửa Trời đón rước họ vào. Vì thế,
khi Đức Giêsu bước lên từ sông Giođan,
thì Trời liền mở ra (x Mt 3,16), để “Ngài
tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an” (Tv 29/28,11b : Đáp ca), nhờ tình
thương Chúa Cha ban khi chúng ta biết vâng nghe Lời Con yêu dấu của Ngài (Mc
9,7 : Tung Hô Tin Mừng).
II. CHÚA GIÊSU HOÀN TẤT CUỘC TẠO
DỰNG.
Tác
giả Mattheu ghi nhận : “Sau khi Đức Giêsu
chịu phép rửa, vừa bước lên khỏi nước, thì các tầng trời mở ra, và thấy Thần
Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim câu và ngự trên Người” (Mt 3,16 : Tin Mừng).
Chim câu đáp xuống là dấu chỉ ngày Chúa thiết lập Hội Thánh để hoàn tất
cuộc tạo dựng, vì xưa kia sau lụt Hồng Thủy (dấu chỉ Bí Tích Thánh Tẩy), khi ấy
tầu Noe đậu trên núi,ông Noe thả chim
câu ra, lúc nó bay
trở về, mỏ công ngành ô-liu non, báo hiệu mặt đất đã khô ráo, sự sống bắt đầu
khai diễn, ông mở cửa thả các súc vật và đưa gia đình ra (x St 8), tiên
báo Hội Thánh được sinh ra từ núi Chúa
thắng quỷ cám dỗ (x Mt 4,8t) ; núi tám mối Phúc thật (x Mt 5,1-12), núi Hiển
Dung (x Mt 17), núi Sọ (x Mt 27,33t), và núi Chúa lên Trời, nơi Ngài sai môn đệ đi khắp thế gian tập họp
thêm môn đệ cho Ngài bằng hai việc : Làm Phép Rửa và dạy họ những Lời Thầy đã
truyền (x Mt 28,16t).
III. CON NGƯỜI ĐƯỢC TRỞ NÊN CÔNG
CHÍNH TRONG CHÚA GIÊSU.
Tác
giả Matthêu ghi: Ông Gioan Tẩy Giả không dám làm phép rửa cho Đức Giêsu, thì
Ngài lại bảo ông : “Bây giờ cứ thế đã. Vì
chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” (Mt 3,14-15 : Tin
Mừng). Mà người ta chỉ thực sự trở nên công chính nhờ lòng tin kết hợp với Chúa
Giêsu khởi đi từ nước Bí Tích Thánh Tẩy. Nước này có sức sinh ơn cứu độ cho ta,
chỉ vì Đức Giêsu đã lội xuống sông Giođan xin ông Gioan làm phép rửa, để Ngài
thông ban cho nước tự nhiên chuyển tải ơn cứu độ của Ngài đến thụ nhân. Vì vậy
mà thánh Phaolô nói : “Con người được nên
công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu
Kitô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Giêsu Kitô để được nên công chính, nhờ tin
vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm
nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy” (Gl 2,16). Ta lưu
ý ở đây thánh Phaolô ba lần nhắc đi nhắc lại điệp khúc : “Sự công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng là nhờ tin
vào Chúa Giêsu”
IV. NGƯỜI KITÔ HỮU ĐƯỢC TRỞ NÊN
HIỀN THÊ CỦA CHÚA GIÊSU.
Khi
Đức Giêsu chịu phép rửa, ông Mattheu ghi nhận : “Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim câu mà đến trên Đức Giêsu”
(Mt 3,16 : Tin Mừng) : Thần Khí Thiên Chúa (Thánh Thần) không phải là con chim
câu, mà là giống như chim câu. Ý niệm về
chim câu ở đây được
hiểu theo hai nghĩa :
1- Thiên Chúa che chở và dẫn dắt dân Ngài : “Chim câu” người Do Thái gọi là
“Shakinah”, còn có nghĩa là áng mây,Thiên Chúa dùng để che cho dân Do Thái trên
đường tiến về đất Hứa (x Xh 13,22). Đó cũng là dấu chỉ vào thời Tân Ước ta được
trở nên Hiền Thê của Đức Kitô, ta đã được mặc lấy Ngài (x Gl 3,27), thì chính
Ngài che chở ta, không để sự dữ nào giựt ta khỏi tay quyền năng và yêu
thương của Ngài, hơn xưa ngôn sứ Hôsê quyết tâm gìn giữ cô vợ điếm, như lời
ông nói : “Phen này ta sẽ lột trần cái đĩ
già của vợ ta trước mặt các gã tình lang, để không đứa nào giựt nó khỏi tay ta” (Hs 2,12 : Bản dịch NTT).
2-
Đức Kitô tìm thấy Hiền Thê của mình
trong dòng nước tái sinh
: Hình ảnh người chồng trong sách Diễm ca diễn tả Đức Kitô gọi Hiền Thê của
mình là “bồ câu của anh” (x Dc 2,14 ;
Is 61,4-5), xứng hợp hiểu về vai trò của Chúa Thánh Thần hoạt động từ khi Đức
Giêsu chịu phép rửa. Trong dòng nước tái sinh, Con Thiên Chúa tìm thấy Hiền Thê
(Hội Thánh) của Ngài : Thực vậy, thánh Phaolô nói với tín hữu Corintho : “Tôi đã đính hôn anh em cho một người độc
nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết”
(2 Cr 11,2).
Người
vợ nào cũng phải được thông chia quyền của người chồng ; Tân Lang Giêsu là Tư
Tế, là Ngôn Sứ và là Vương Đế, mà ta là Hiền Thê của Ngài (2Cr 11,2), tất nhiên
ta cũng được thông dự vào chức Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế. Bởi đó, khi ta được xức
dầu Thánh trong Bí tích Thánh Tẩy, Linh mục cũng long trọng tuyên bố : “Từ nay con là tư tế, là ngôn sứ, là vương đế”.
Vậy
người Kitô hữu được thông dự quyền của Chúa Giêsu trong ba chức vụ : Ngôn Sứ,
Tư Tế và Vương Đế :
a- Làm Tư Tế. Thánh Phaolô nói :“Nhờ
Thánh Tẩy, ta được mai táng với Đức Giêsu trong sự chết’’ (Rm 6,4a), mà
cái chết của Đức Giêsu là một hiến tế đẹp lòng Chúa Cha, thì qua Thánh Tẩy, ta
đã cùng được đồng tế với Ngài !
Vậy Chúa Cha xức dầu trên đầu Đức
Giêsu, không phải chỉ là dấu tấn phong Ngài làm Vua, mà còn là để người Ki-tô
hữu được tấn phong, được chia quyền Vua với Ngài, vì họ là Hiền thê của Vua Giêsu.
b- Làm Ngôn Sứ. Ông Gioan thì đổ nước trên đầu Đức Giêsu ; còn Chúa Cha
thì đổ Thần Khí (Lời Chúa) trên Con của Người, để “suốt đời Người Tôi Tớ Giavê chỉ mong lập phán quyết trên trần, và các
hải đảo mong đợi huấn chỉ của Ngài”. Và chỉ ai được Lời Chúa (Thần Khí Chúa
– Ga 6,63) đậu lại trên họ, thì họ mới thực là chiên của Mục Tử Giêsu (x Ga
10,27), và trong Chúa Giêsu, họ trở nên “Con
chí ái của Chúa Cha, được Chúa Cha sủng mộ” (x Mt 3,17 : Tin Mừng). Vì ai có
dồi dào Lời Chúa mới đủ khả năng “làm
ngôn sứ, làm rạng phán quyết của Chúa ra cho các nước, được Chúa đặt làm giao
ước của dân, làm ánh sáng muôn dân, để mở mắt kẻ mù lòa, để đưa tù nhân ra khỏi
nhà lao, khỏi ngục thất, những dân còn ngồi trong bóng tối sự chết !” (Is
42,1.6-7 : Bài đọc I).
Vì
thế bản chất của Hội Thánh là truyền giảng Tin Mừng. Sứ mệnh này không phải chỉ
dừng nơi hàng giáo sĩ, mà còn là bổn phận của mọi tín hữu, không phải chỉ đòi
hỏi nơi những người rảnh rỗi, mà cả
những người giáo dân đang bận tâm lo lắng việc trần thế, lấy việc loan
báo Tin Mừng là việc cao quý nhất (x HCHT số 35).
c- Làm Vua. Bởi vì “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà XỨC DẦU TẤN PHONG ĐỨC
GIÊSU. Đi tới đâu, Người cũng thi ân giáng phúc tới đó và chữa lành mọi kẻ bị
ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người” (Cv 10,38 : Bài đọc II).
Đây là nghi thức phong vương của người Do Thái. Ở đây chỉ khác : Dầu không phải
là dầu ô-liu mà là “dầu Thánh Thần quyền
năng”, Chúa Cha xức cho Chúa Con. Rõ ràng Vua Giêsu trổi vượt hơn các vua
chúa trần thế, đồng thời cũng là “Con Cha yêu dấu” (Mt 3,17a : Tin Mừng). Mà ai
đã được tái sinh bởi Chúa Giêsu, người ấy cũng là con Thiên Chúa (Ga 1,12-13).
Trong Bí
tích Thánh Tẩy, ta cũng được xức dầu, thì ta cũng được thông dự vào vương quyền
của Vua Giêsu, để cùng với Vua Giêsu phục vụ mọi người : “Đi tới đâu cũng thi ân giáng phúc tới đó và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ
kiềm chế” (Cv 10,38b).
Vậy
mỗi Kitô hữu hôm nay thử nghĩ : Ta có nghe được tiếng Chúa phán : “Con là Con chí ái Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng”, hay ta lại nghe : “Con làm phiền
lòng Ta mọi đàng!”
Giống như tên trộm dữ đã làm nhục Chúa Giêsu, mà đáng lẽ ít ra ta phải giống
anh trộm lành, bênh vực danh dự Ngài, và sám hội tội xin Ngài thương xót, để xứng
đáng được Ngài tha tội và cho vào Thiên Đàng (x Lc 23, 40-43).
Một
em nhỏ mới sáu tuổi từ lớp giáo lý về nhà, em đố ba mẹ :
-Con gì lớn nhất, ba mẹ?
Bà mẹ
nhanh nhẹn trả lời :
-Con khủng long.
-Không phải.
-Con voi.
-Cũng không phải
Người cha
xen vào :
-Con cóc là cậu ông Trời.
-Thưa ba, người ta bảo câu ấy chỉ
có nghĩa là khi con cóc kêu tức thì trời mưa.
-Vậy ba mẹ chịu thua rồi đấy.
-Thưa đó là “Con Đức Chúa Trời”,
lớn hơn ông Gioan Tẩy Giả ạ!
Cả nhà phá
lên cười, em bé với nét mặt nghiêm trang nói :
-Con mới học Lời Chúa, cha dạy câu
: “Trong những kẻ sinh bởi người nữ, chưa
từng có ai cao trọng bằng Gioan Tẩy Giả đã trỗi dậy, nhưng kẻ nhỏ nhất trong
Nước Trời (là người Công Giáo) lại
lớn hơn ông” (Mt 11,11).
THUỘC LÒNG.
Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta
sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ, chúng ta biết rằng khi Đức Giêsu Kitô
xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người. Vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy
Người như vậy (1Ga
3,2).
http://phaolomoi.net
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh