BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I :
Kng.9,13-18
13
Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa ? Nào có ai hiểu được Đức
Chúa muốn điều chi ?14 Chúng con vốn là loài phải chết, tư tưởng
không sâu, lý luận không vững. 15 Quả vậy, thân xác dễ hư nát này
khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ
trăm bề. 16 Những gì thuộc hạ giới,chúng con đã khó mà hình dung
nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì
thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng ? 17 Ý định của Chúa,
nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan,
chẳng gửi thần khí thánh ? 18 Chính vì thế mà đường lối người
phàm được sửa lại cho thẳng, cũng vì thế
mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan
mà được cứu độ.
ĐÁP CA : Tv
89
Đ. Lạy
Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài
vẫn là nơi chúng con trú ẩn. (c.1)
3 Chúa
bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: "Hỡi người trần thế, trở về
cát bụi đi! " 4 Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi
mất rồi, khác nào một trống canh thôi!
5 Ngài
cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng, như cỏ đồng trổi mọc ban mai, 6 nở
hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.
12 Xin
dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. 13
Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những
tôi tớ Ngài đây.
14 Từ
buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,để ngày ngày được hớn hở vui
ca. 17 Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là
Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố,xin củng cố việc
tay chúng con làm.
BÀI ĐỌC II
: Plm.9b-10.12-17
Anh Phi-lê-môn thân mến, 9b tôi, Phao-lô,
một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su,10
tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng
xích, đó là Ô-nê-xi-mô,12 tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón
nhận nó như người ruột thịt của tôi.13 Phần tôi, tôi cũng muốn giữ
nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì
Tin Mừng.14 Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận
của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện.15
Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn,16
không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được
một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại
càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong
Chúa.17 Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón
nhận nó như đón nhận chính tôi.
BÀI GIẢNG
CHÍNH DANH MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ
Đức
Giêsu không chỉ muốn chọn 12 môn đệ, nhưng Ngài muốn mọi người trên mặt đất trở
nên môn đồ của Ngài khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy và trở nên hoàn tất nhờ suốt
cuộc đời được giáo dục và nuôi dưỡng bởi Lời Chúa (x Mt 28,19-20) ; bằng chính
Máu Thịt Chúa Giêsu Phục Sinh (x Ga 6,27-58). Người Kitô hữu muốn xây dựng đời
mình nên mô hình “người môn đệ của Chúa
Kitô” (x Lc 14,33: Tin Mừng), thì ngoài Đức Tin kết hợp với Chúa Giêsu, ta còn
phải đầu tư tất cả những gì mình có để xây dựng lý tưởng Tông Đồ. Cụ thể :
- Không dùng quyền để thống trị người khác.
- Đầu tư ý chí, khắc phục bản thân.
- Đầu tư tất cả của cải mình có.
- Đầu tư cả tình cảm chính đáng của mình.
- Đầu tư cả mạng sống mình.
&&&
1/ KHÔNG DÙNG QUYỀN ĐỂ THỐNG TRỊ NGƯỜI KHÁC.
Đan cử : Tông Đồ Phaolô không dùng
quyền vì đã sinh ra ông Philêmôn làm con Chúa trong Bí tích Thánh Tẩy, để ép
buộc Philêmôn làm một việc nghĩa là tha tội và tha nợ cho tên nô lệ Ônêsimô đã
ăn cắp món đồ của chủ là ông Philêmôn rồi trốn đi. Trong thư gởi cho Philêmôn,
ông Phaolô viết : “Tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón
nhận nó như người ruột thịt của tôi. Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với
tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin
Mừng.Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc
nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện.Nó đã xa anh một thời
gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một
người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân
mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy,
cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa. Vậy, nếu anh coi tôi là
bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi” (Plm 12-17
: Bài đọc II).
Ta
thấy cách cư xử của ông Phaolô rất khéo léo, tế nhị đối với ông Philêmôn. Sự
khôn ngoan đó của ông Phaolô cho ta đi đến kết luận : Làm đúng, nói đúng, chưa
đạt, mà còn phải làm khéo,nói khéo nữa! Chứ không dùng quyền để thống trị, để
nạt nộ người khác.
Ông
Philêmôn nhận biết ông Phaolô là người cha thương mình vì đã sinh ông trong Bí
tích Thánh Tẩy, nên ông cũng không dùng quyền làm chủ để xiết Ônêsimô, nhưng
ông bắt chước lòng nhân ái của thầy, tình nguyện tha tội, tha nợ cho Ônêsimô,
và còn muốn Ônêsimô ở bên thầy Phaolô giúp đỡ thay cho Philêmôn, vì thầy Phaolô
đang trong cảnh lao tù (x Plm 9b-10.12-17 : Bài đọc II).
2/ ĐẦU TƯ Ý CHÍ, KHẮC PHỤC BẢN THÂN.
Đức Giêsu dạy :“Vua này chỉ có một vạn quân dám tiến đánh đối phương hai vạn quân,
vì nắm chắc phần thắng về mình”
(Lc.14,31-32 : Tin Mừng).
Hình ảnh trên cho ta hiểu rằng : Ai trong loài người cũng phải đối mặt
với ba thù : “Bản thân, thế gian, ma qủy”. Ai thắng được bản thân (một
vạn quân) là nắm chắc thắng được thế gian và ma qủy (hai vạn quân). Bởi thế thánh
Phaolô nói : “Tôi nhắm con ngươi đồng tử
mà thụi vào chính thân tôi, và bắt nó qụy lụy phục tùng, kẻo lỡ ra tôi làm thày
dạy người khác, mà chính tôi lại bị loại” (1Cr 9,27- bản dịch NTT).
3/ ĐẦU TƯ TẤT CẢ CỦA CẢI MÌNH CÓ.
Đức Giê-su đưa ra một ví dụ : “Ai
trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính
toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không ? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà
không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo
: "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc” (Lc.14,28-30
: Tin Mừng).
Như
thế mô hình người môn đệ Đức Giêsu không phải là kẻ ăn mày, loại người bạc
nhược, vì kẻ nghèo, kẻ bạc nhược làm sao tính chuyện xây tháp, làm sao thắng
đối phương mạnh gấp đôi mình, mà phải là người giàu nghị lực, giàu ý chí, giàu
của cải, để khi đã quyết định chọn mô hình xây dựng cuộc đời, thì phải đầu tư
năng lực vào lý tưởng đó, nếu không chỉ là võ miệng, là anh hùng rơm, mơ mộng
hão huyền.
4/ ĐẦU TƯ TẤT CẢ TÌNH CẢM CHÍNH ĐÁNG CỦA MÌNH.
Đức
Giêsu dạy : “Ai đến với tôi mà không dứt
bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm
môn đệ tôi được” (Lc
14,26) nghĩa là khi ta đã yêu và tin vào giá trị Lời Chúa trên hết thì ta không
thể đặt ý cha mẹ, ý vợ con, ý mình trên ý Chúa được. Chân lý, lẽ phải trên hết.
Cụ thể vua Saolê thấy ông Đavid thắng mọi kẻ thù làm cho đất nước được thanh
bình, nên Đa-vit được toàn dân ca tụng hơn vua Sao-lê : “Saolê giết một ngàn, Đavid giết mười ngàn”, nên vua tìm mọi mưu kế
thâm độc để tiêu diệt Đavid! Gionathan con vua Saolê, biết được lòng hiểm độc
của vua cha, nên đã đi mật báo cho bạn Đavid, nhờ đó Đavid thoát chết, điều này
làm vua cha uất hận với con trai mình, và ông muốn giết đứa con “bất hiếu”,
không biết sống lời của tổ tiên răn dạy “ăn
cây nào, rào cây đó”, hoặc “một giọt
máu đào hơn ao nước lã”. Nhưng thực ra ông Gionathan chỉ muốn đòi cha mình
phải đặt chân lý – ý Chúa – trên tự ái và tư
lợi (x ISm.20)
Nói
tóm lại, dù bổn phận con cái vâng lời cha mẹ là một đạo hiếu – một tình cảm
chính đáng nhất – thì cũng không phải vì thế mà đặt trên chân lý, trên ý Chúa
được! Có thế mới thực thi điều răn thứ I : “Thờ phượng Chúa trên hết mọi sự”.
5/ ĐẦU TƯ CẢ MẠNG SỐNG MÌNH.
Đức
Giêsu nói: “Ai đến với tôi mà không mất
cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26b : Tin
Mừng).Thực vậy, tất cả các môn đệ của Đức Giêsu đều phải mất mạng sống mình để
chứng minh giá trị Tin Mừng các ông loan báo.
Khi
Hồng quân Liên Xô chiếm đánh Ba Lan, thì một sĩ quan đột nhập vào nhà xứ, ông
gõ cửa, cha xứ ra mở. Ông bước vào và khóa trái cửa, gương mặt ông hằm hằm, ông
rút súng dí vào trán cha xứ và nói : “Không
có Thiên Chúa, nếu có chỉ là một thần
dối gạt”. Tôi đếm một hai ba mà chưa
thấy ông nói đúng như thế, thì viên đạn này sẽ vào đầu ông”. Cha xứ thản
nhiên nói : “Ông có đếm đến 3 tỷ lần thì
tôi cũng vẫn tuyên bố có Thiên Chúa thật, và Ngài là Chân Lý, luôn nói sự thật”.
Vị
sĩ quan buông súng ôm chầm lấy cha xứ, ông vừa khóc vừa nói : “Cám ơn Chúa, cám ơn cha, nếu hôm nay cha
tuyên bố không có Thiên Chúa, thì cha đã mất mạng, rồi con sẽ rút súng tự sát.
Nhưng nhờ Đức Tin của cha đã cứu hai mạng sống hai cha con”.
Muốn
trở nên điên khùng vì đầu tư mọi năng lực vào năm điều trên đây, để xứng danh
Tông Đồ của Đức Giêsu, ta cần phải kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, Ngài chính
là tình yêu thúc bách ta (x 2Cr 5,14). Đó là lý do Đức Giêsu nói : “Vác
thập giá mình mà theo Ta” (Lc 14,27: Tin Mừng). Lời này không chỉ là Đức
Giêsu động viên ta khắc phục bản thân, lướt thắng mọi gian khổ, mà hình ảnh Đức
Giêsu vác thập giá chính là lúc Ngài dâng Thánh Lễ, đỉnh cao vào ngày Thứ Sáu
Tuần Thánh. Bởi đó, ta vác thập giá theo Ngài là phải đạp đổ mọi rào cản, mọi
quyến rũ trần thế, để có thời giờ đi dự Lễ, có thế Ngài mới ban cho ta sức mạnh
của Ngài, như Ngài đã hứa: “Hỡi những ai
đang vất vả khó nhọc gánh vác nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi
dưỡng” (Mt 11,28).
Ai
đầu tư năm điều trên đây để xây dựng nên đời Tông Đồ chính danh, thì dưới con
mắt người đời đó là điên rồ, nhưng trước mặt Chúa lại là con người khôn ngoan,
như Lời Thánh Kinh nói : “Nào ai biết
được ý định của Thiên Chúa,chúng con vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu,
lý luận không vững. Cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ
trăm bề. Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều
vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng
giới, có ai dò thấu nổi? Ý định của Chúa nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời,
chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gởi Thần Khí Thánh. Chính vì thế mà
đường lối người phàm được sửa lại cho ngay thẳng, cũng vì thế là con người được
dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ”
(Kn 9,13-18 : Bài đọc I).
Thực
vậy “trải qua bao thế hệ, Chúa vẫn là nơi
chúng con trú ẩn” (Tv 90/89,1 : Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Thánh
Phaolô xác tín : “Ngoài Chúa Kitô chịu đóng đinh, tôi không muốn biết điều gì khác”
(1Cr 2,2).
lm Giuse Đinh Quang Thịnh
phaolomoi.net