BÀI GIẢNG
THOÁT LƯỚI
Trong
chương 13 của Matthêu, ông ghi lại 7 dụ ngôn Đức Giêsu dùng diễn tả mầu nhiệm
Nước Trời (Hội Thánh). Có hai dụ ngôn nói về cuộc phán xét :
- Dụ ngôn cỏ lùng : báo trước cuộc
phán xét riêng vào giờ chết của mỗi người (x Mt 13,24-30 ; 36-43).
- Dụ ngôn lưới cá : báo trước cuộc
phán xét chung vào ngày Chúa Giêsu trở lại trần gian lần II (x Mt 13,47-53).
Có ba điểm ta cần lưu ý trong ngày phán xét.
*
Tội lỗi, sự ác, kẻ ác, bị loại trừ.
*
Chỉ những ai kết hợp với Chúa Giêsu mới được cứu độ.
*
Cuộc phán xét xảy đến bất ngờ.
I. TỘI LỖI, SỰ ÁC, KẺ ÁC, BỊ LOẠI TRỪ.
Đức Giêsu
diễn tả qua hai dụ ngôn : Cỏ lùng bị thiêu trong lửa không hề tắt (x Mt
13,30b-42), và cá xấu trong lưới bị quăng đi (x Mt 13,48b : Tin Mừng). Vậy sự dữ
không tồn tại muôn đời, kẻ làm điều ác thì cả hồn lẫn xác sẽ bị quăng ra khỏi
Nước Thiên Chúa, và muôn đời phải khổ hơn kẻ bị lửa thiêu không hề tắt!
II. CHỈ NHỮNG AI KẾT HỢP VỚI CHÚA
GIÊSU MỚI ĐƯỢC CỨU ĐỘ.
Bất cứ ai
được kết hợp với Chúa Giêsu để làm lành tránh ác, thực hành Đức Ái, mới thực là
người công chính, ngày cánh chung cả hồn xác người ấy được hạnh phúc muôn đời
trong Nước Thiên Chúa. Họ như thóc mẩy trữ vào kho (x Mt 13,30c), hoặc như cá tốt
bỏ vào giỏ (x Mt 13,48a : Tin Mừng). Biệt phái Gamaliel đứng giữa Công nghị họp
để bàn về việc diệt các môn đệ Đức Giêsu, ông nói : “Kẻ nào tự sức mình mà làm bất cứ điều gì, thì việc ấy trước sau sẽ ra
tro bụi ! Những ai thuộc về Thiên Chúa mà hoạt động, đó là việc của Thiên Chúa,
không ai phá hủy được, kẻ nào cả gan phá sẽ vô ích, lại còn mang tội chống
Thiên Chúa” (Cv 5,38-39). Thế nên ông Phaolô vì đã được thụ giáo dưới chân
thầy Gamaliel, rập theo khuôn phép nhiệm nhặt của Lề Luật cha ông, nhiệt tâm thờ
Thiên Chúa (x Cv 22,3), đã lên tiếng dạy trong Bài ca Bác Ái : “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà
chia sẻ, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Mến, thì
cũng chẳng ích gì cho tôi. Hiện nay Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, cả ba đều tồn tại,
nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến” (1Cr 13,3.13). Đức Mến đó chính là Thiên
Chúa (1Ga 4,8).
III. CUỘC PHÁN XÉT XẢY ĐẾN BẤT NGỜ.
Có hai điều
bất ngờ :
1/ Bất ngờ vì không ai biết trước
ngày Chúa phán xét.
Không một ai biết trước Chúa gọi
mình ra khỏi thế gian vào lúc nào ? Cách nào ? Ở đâu ? Cũng như các loài cá
đang bơi lội trong biển, chúng không hề biết lúc nào bị người ta bủa lưới kéo
lên bờ. Do đó ai cũng phải sợ ngày Chúa phán xét đến bất ngờ, vì nếu ai cũng biết
trước giờ Chúa đến gọi, thì chắc chắn không còn ai sợ hãi, vì đã chuẩn bị tâm hồn
chu đáo đón Chúa. Và như thế, ngày Chúa đến gọi ra khỏi thế gian, thoát gian ác,
hết đau khổ là hạnh phúc khôn tả.
Thánh
Augustin nói : “Bạn đừng sợ cách chết dữ,
nhưng hãy sợ cách sống dữ. Vì sống dữ, ắt chết dữ, dù cách chết lành ; còn sống
lành, ắt chết lành, dù cách chết dữ”.
Ông Pascal,
nhà Toán học, Vật lý, Triết gia, nói : “Vũ
trụ có khả năng đè bẹp tôi, nhưng tôi vẫn hơn vũ trụ, vì vũ trụ không biết gì về
chiến thắng của nó, còn tôi, tôi biết về sự chết của mình”. Như thế ông
Pascal có ý nói : một người biết chuẩn bị cho ngày ra khỏi thế gian, người ấy
đáng quý hơn muôn vật trong vũ trụ cộng
lại.
2/ Bất ngờ vì ơn Chúa quá lớn lao, vượt ước mơ mọi người.
Để chuẩn bị ra Tòa Chúa phán xét riêng
vào giờ chết, không có cách nào chuẩn bị chu đáo, tốt đẹp bằng việc hằng ngày
tham dự Thánh Lễ. Vì bất cứ người Công Giáo nào, với Đức Tin và lòng mến đến
Nhà Thờ hiệp dâng Thánh Lễ, thì được trực tiếp gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài
là Đấng Phán Xét đầy lòng xót thương (x Ep 2,4), và đã đánh gục tử thần, toàn
thắng sự dữ, biểu lộ tình thương : biến tội ra ơn, đến như “ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng chứa
chan” (Rm 5,20). Lại được Hội Thánh dùng quyền năng Chúa Thánh Thần khắc
ghi Lời Chúa vào linh hồn và thân xác (x 2Cr 3,3) qua phần Phụng Vụ Lời Chúa
(Bàn Tiệc I), rồi được Chúa Giêsu ngự vào lòng (Bàn Tiệc II), thì người ấy được
Chúa Giêsu đồng công cộng tác, biến mọi sự nên tốt đẹp (x Rm 8,28).
Ơn lớn lao
này trổi vượt hơn xưa Chúa truyền cho ông Mô-sê ra lệnh cho dân dựng Lều Hội Ngộ,
ngày đêm Chúa hiện diện qua áng mây và cột lửa để dẫn dắt dân : khi áng mây hay
cột lửa bốc lên di chuyển từ Lều Hội Ngộ, thì dân nhổ trại lên đường, và lúc áng mây và cột lửa dừng
lại, dân biết Chúa muốn họ dừng chân đóng trại nghỉ ngơi (x Xh 40,16-21. 34-38
: Bài đọc năm lẻ). Vì thế ai được cư ngụ trong Nhà Chúa như ông Môsê đều cất lời
ca tụng : “Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện
Ngài xiết bao khả ái” (Tv 84/83,2 :
ĐC năm lẻ).
Nhất là người
Công Giáo ai cũng biết đến dự Lễ thì không bị Chúa xét xử.Thánh Tông Đồ nói : “Ai ở trong Chúa Kitô thì không còn bị lên án”
(Rm 8,1). Bởi thế “nếu Đức Kitô ở trong
anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban
cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính” (Rm 8,10). Quả
thật “phúc thay người được Chúa Trời nhà
Giacob phù hộ” (Tv 146/145,5a : ĐC năm chẵn).
Chúa Giêsu
Phục Sinh còn uốn nắn những ai đã tin gieo mạng vào tay Ngài, Ngài như người thợ gốm nắn tạo người ấy mỗi ngày thêm
hoàn hảo để nên giống Ngài, hơn ngôn sứ Giêrêmia nhìn thấy người thợ gốm với nắm
đất sét trên tay, ông muốn tạo hình gì tùy ý (x Gr 18,1-6 : Bài đọc năm chẵn).
Tác giả sách Sáng thế đã hé mở cho
chúng ta biết ba lần Chúa tạo dựng Adam, Eva, nguyên tổ loài người. Điều ấy chỉ
được hiểu khi được thể hiện qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu (x
HCMK số 16).
Thực vậy,
- St 1,26-27 : Chúa tạo dựng Adam, Eva
chỉ bằng một Lời ; thì vào thời Tân Ước, con người được tái sinh bởi Lời Chúa
(x Gc 1,18).
- St 2,21 : Chúa lấy phần xương thịt cạnh
sườn Adam tạo nên một người vợ cho ông ; thì vào thời Tân Ước, Hội Thánh là Hiền
Thê của Ngài được sinh ra bởi xương thịt Chúa Giêsu, khởi đi từ lúc tim Ngài bị
đâm trên thập giá, nước và máu đổ xuống (x Ga 19,31-37 ; Cv 2,28).
- St 2,7 : Chúa lấy đất sét nắn tạo
Adam ; thì vào thời Tân Ước, những ai được thông hiệp với Mình Máu Chúa Kitô, thì dù có chết trở thành
bụi đất, Chúa cũng cho sống lại vinh hiển như Ngài vào ngày cánh chung, hoàn tất
công trình tạo dựng loài người (x Ga 6,54).
Như thế trong thời Tân Ước, ta được
Chúa Giêsu Phục Sinh tái tạo mỗi khi tham dự Thánh Lễ, vì chỉ trong Thánh Lễ ta
được nghe Chúa Giêsu dạy bảo (x Dt 1,1-2), được rước Mình Máu Thánh Ngài, nhờ
thế vào ngày cánh chung, Chúa cho ta sống lại vinh hiển từ bụi đất, như thóc mẩy, được thu vào kho, như cá tốt bỏ vào giỏ.
Nếu ta được Chúa cho sống trên đời
100 năm, vào tuổi 7 – 8 về sau, ngày nào cũng được rước Lễ, ta như cục đất sét
trong tay Chúa Giêsu, Ngài nắn tạo ta 30.000 lần. Nếu chỉ rước Lễ ngày Chúa nhật,
thì được Chúa nắn tạo 5.000 lần. Còn nếu chỉ rước Lễ theo Luật, mỗi năm một lần
vào mùa Phục Sinh, thì ta chỉ được Chúa nắn tạo khoảng 90 lần! Không biết những
người được Chúa nắn tạo quá ít như vậy, vào ngày cánh chung, họ có phải là vị
Thánh khuyết tật hay không? Trong khi đó Chúa Giêsu đặt chỉ tiêu nên Thánh cho
mọi người là “phải lên hoàn hảo như Cha
trên trời” (Mt 5,48).
Vậy kẻ nào không để Chúa Giêsu Phục
Sinh nắn tạo, nó là “cỏ lùng”, là “cá xấu”, thì “đến ngày tận thế, các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi
hàng ngũ người công chính, kẻ ác, như cỏ lùng bị thiêu trong lửa, như cá xấu bị
quăng ra ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng ; còn người công chính như một
kinh sư học hỏi về Nước Trời, như chủ nhà kia lấy ra trong kho tàng của mình
cái mới : Tân Ước, lẫn cái cũ :Cựu Ước” (x Mt 13,47-53 : Tin Mừng). Nhờ biết
cầu nguyện : “Lạy Chúa, xin mở lòng chúng
con, để chúng con lắng nghe Lời của Con Chúa” (Cv 16,14b : Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Những ai ở trong Chúa Kitô Giêsu, thì không
còn bị lên án (Rm 8,1).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH