BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : 1V 21,1-16
1 Hồi đó, ông Na-vốt người Gít-rơ-en có
một vườn nho bên cạnh cung điện vua A-kháp, vua Sa-ma-ri.2 Vua
A-kháp nói với ông Na-vốt rằng: "Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta, để
ta làm vườn rau, vì nó ở ngay sát cạnh nhà ta. Để bù lại, ta sẽ cho ngươi một
vườn nho tốt hơn, hay là, nếu ngươi muốn, giá bao nhiêu, ta sẽ trả bằng
bạc."3 Nhưng ông Na-vốt thưa với vua A-kháp: "Xin Đức Chúa
đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài! "
4 Vua A-kháp trở về nhà
buồn rầu và bực bội vì lời ông Na-vốt, người Gít-rơ-en đã nói với vua:
"Tôi sẽ không nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho vua." Vua nằm trên
giường, quay mặt đi, và không chịu ăn uống gì.5 Hoàng hậu I-de-ven
đi vào, nói với vua: "Tại sao tâm thần vua buồn rầu, và vua không chịu ăn
uống gì như vậy? "6 Vua trả lời: "Tôi đã nói chuyện với
Na-vốt người Gít-rơ-en và bảo nó: Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta mà lấy
tiền, hoặc, nếu ngươi muốn, ta sẽ đổi cho một vườn nho khác. Nhưng nó lại nói:
"Tôi không nhượng vườn nho của tôi cho vua được."7 Bấy giờ
hoàng hậu I-de-ven nói với vua: "Vua cai trị Ít-ra-en hay thật! Mời vua
dậy mà ăn cho lòng phấn khởi lên! Thiếp sẽ tặng vua vườn nho của Na-vốt người
Gít-rơ-en.
8 Bấy giờ, bà nhân danh vua A-kháp viết
thơ, rồi dùng con dấu của vua mà đóng ấn, và gửi cho các kỳ mục và thân hào cư
ngụ trong thành với ông Na-vốt.9 Trong thơ bà viết rằng: "Hãy
công bố một thời kỳ chay tịnh và đặt Na-vốt ngồi ở hàng đầu dân chúng.10
Hãy đặt hai đứa vô lại ngồi đối diện với nó, để chúng tố cáo nó: "Ông đã
nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua. Và hãy đem nó ra ngoài ném đá cho chết."
11 Dân chúng, kỳ mục và
thân hào cư ngụ trong thành làm theo lệnh bà I-de-ven như trong thơ bà đã viết
gửi cho họ.12 Họ công bố thời kỳ chay tịnh và đặt ông Na-vốt ngồi ở
hàng đầu dân chúng.13 Rồi có hai kẻ vô lại đi vào, ngồi đối diện với
ông. Những kẻ vô lại ấy tố cáo ông Na-vốt trước mặt dân rằng: "Na-vốt đã
nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua." Họ liền đưa ông ra ngoài thành và ném
đá ông. Ông đã chết.14 Họ sai người đi nói với bà I-de-ven:
"Na-vốt đã bị ném đá chết."15 Khi bà I-de-ven nghe biết
ông Na-vốt đã bị ném đá chết, thì nói với vua A-kháp: "Xin vua đứng dậy và
chiếm đoạt vườn nho của Na-vốt, người Gít-rơ-en, kẻ đã từ chối không chịu
nhượng cho ngài để lấy tiền, vì Na-vốt không còn sống nữa, nó chết rồi."16
Khi nghe biết ông Na-vốt đã chết, vua A-kháp đứng dậy, xuống chiếm đoạt vườn
nho của ông Na-vốt, người Gít-rơ-en.
ĐÁP CA : Tv 5
Đ. Lạy
Chúa, xin hiểu thấu điều con thầm thĩ nguyện xin. (c 2b)
2 Lạy Chúa, xin lắng tai nghe lời con nói,hiểu thấu điều con
thầm thì nguyện xin. 3 Lạy Đức Vua là Thiên Chúa con thờ,xin Ngài
nghe tiếng con đang cầu cứu.
5 Ngài không phải là một vị thần ưa điều ác, ác nhân đâu được
ở với Ngài, 6 trước nhan Ngài, đứa kiêu căng làm sao đứng vững!Ngài
ghét những kẻ làm điều ác,
8 Phần con đây, nhờ tình Chúa bao la, được bước vào nhà Chúa;
con hết lòng kính sợ, hướng về đền thánh mà phủ phục tôn thờ.
BÀI GIẢNG
PHẢI SỐNG
KHÔN VÀ BÁC ÁI VỚI KẺ ÁC
Đức
Giêsu đã nói : “Tôi đến không phải để bãi
bỏ Lề Luật nhưng để kiện toàn” (Mt 5,17). Để hiểu rõ Ngài đến
làm kiện toàn Lề Luật, ta dựa vào các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay, để sống
nhờ, sống với, sống trong Đức Giêsu, Ngài giúp ta biết sống kiện toàn Luật Yêu
kẻ hại ta.
- Ta không dùng quyền
diệt kẻ ác, nhưng lấy lòng nhân ái đáp lại.
- Ta phải lấy lòng khiêm
tốn lắng nghe chân lý từ mọi phía để xác định hướng đi của mình.
I. TA KHÔNG DÙNG QUYỀN DIỆT KẺ ÁC, NHƯNG LẤY LÒNG
NHÂN ÁI ĐÁP LẠI.
Luật
Môsê dạy rằng : “Mắt thế mắt, răng thay
răng” (Mt 5,38 : Tin Mừng). Luật này chỉ nhắm công bằng : “Ăn miếng trả
miếng”. Nếu thế thì ta chẳng hơn gì loài thú. Ví dụ ta đá con chó, chắc chắn nó
sẽ quay lại cắn ta. Vậy ta phải sống có nhân ái, ít nhất là sống tỏ ra một
người có nhân bản, xứng danh làm con Thiên Chúa. Muốn thế, ta phải lấy nhân ái
mà đáp lại kẻ ác, như Đức Giêsu dạy : “Ta
bảo các ngươi, đừng cự lại người ác ; nhưng nếu ai vả má phải ngươi, thì hãy
giơ má kia nữa ; còn ai muốn kiện ngươi để đoạt áo lót, thì bỏ cả áo choàng cho
nó ; và ai bắt ngươi làm phu đi một dặm, thì hãy đi với nó hai dặm. Ai xin
ngươi hãy cho, người muốn vay ngươi chớ khước từ” (Mt 5,39-42 : Tin Mừng).
Bởi vì Đức Giêsu dạy : “Ai vả má phải thì
đưa luôn má trái” (Mt 5,39b). “Vả má phải” là dùng tay phải đánh đối
phương, nếu đánh bằng lòng bàn tay, thì phải đứng sau đối phương, đánh như thế
là đánh lén, và đối phương không đau, như vậy không oai, không mạnh ; không gây
nhục. Vậy để tỏ ra mình mạnh làm cho đối phương đau và nhục, ta phải đứng đối
diện, dùng mu bàn tay phải quất ngang vào má đối phương, người Pháp gọi đó là
“cú rờ-ve” (revers).
Vào
thời Đức Giêsu, ai làm nhục đối phương tối đa như thế, thì người bị làm nhục có
quyền kiện, và pháp luật sẽ trừng trị kẻ hạ nhục người khác. Như vậy, khi kẻ bị
đánh có quyền quật lại kẻ đánh mình, thì Đức Giêsu dạy phải bắt chước Ngài,
không dùng quyền để hại kẻ ác. Thực vậy, trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là cao
điểm kẻ ác hành hạ Ngài, Ngài là Thiên Chúa có quyền xô ngã chúng và giẵm đạp
lên chúng mà đi. Cụ thể như khi kẻ ác đến tìm bắt Ngài, Ngài nói : “Ta đây”, chúng đều bổ ngửa : Rõ ràng
Ngài tỏ uy quyền Thiên Chúa, nhưng rồi Ngài lại cho chúng đứng dậy và cho phép
chúng xông vào bắt Ngài ! (x Ga 18,3t)
Vậy
Đức Giêsu chẳng những không làm gì hại kẻ giết mình, mà Ngài còn cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng lầm!”
(Lc 23,34).
Muốn sống Lời giáo huấn của Đức Giêsu dạy đối với kẻ
hại mình, ta cứ nhìn Ngài sống trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh : không phải lúc
nào Ngài cũng cho phép kẻ ác vả mặt Ngài, nên khi có thể tránh được là Ngài
tránh. Nhưng nếu vì yêu, thì cùng lắm là cho phép sự dữ nhỏ xảy đến, để ngăn
cản sự ác lớn ập tới.
1/ Khi có thể chống lại sự dữ, hoặc tránh nó,
thì phải chống, phải tránh. Cụ thể trước tòa án Do Thái xử Đức Giêsu, kẻ ác
vả mặt Ngài, thì Ngài không cho vả tiếp, Ngài cự lại chúng : “Nếu tôi nói không phải, hãy chứng minh đâu
là không phải ; mà nếu là phải, tại sao
đánh tôi” (Ga 18,23). Thế là kẻ ác không dám đánh Ngài nữa. Ngài dám chống
lại những người Do Thái đánh Ngài, là vì vào thời ấy, Roma không cho phép người
Do Thái có quyền giết người (x Ga 18,31).
Vậy
chống lại sự ác hoặc tránh được kẻ hại mình, đó là biểu lộ sức mạnh và khôn
ngoan.
2/ Vì yêu ta chấp nhận sự dữ nhỏ xảy đến, để
ngăn cản sự ác lớn ập tới. Cụ thể
trước tòa án Roma, kẻ ác vả mặt Đức Giêsu, thì Ngài lại đánh bài lờ, vì Roma có
quyền giết người (x Ga 19,3).Như thế, Đức Giêsu cho phép kẻ ác đánh Ngài để học
cho biết thế nào là vâng phục (x Dt 5,8), và để bày tỏ tình yêu tuyệt hảo đối
với phàm nhân (x Ga 15,13). Vả lại, Đức Giêsu cho kẻ ác tát má, vì đó là sự dữ
nhỏ để tránh sự dữ lớn là Roma giết Ngài sớm, nếu Ngài cự lại chúng.
Câu
chuyện ông Nabob không nhường vườn nho cho vua Akhab, đó là dại. Vì vua có bà
vợ rất quỷ quyệt : bà đã thảo sắc chỉ lấy ấn của vua đóng, rồi trao cho các
quan nịnh thần. Trong sắc chỉ viết rằng : Nabob đã xúc phạm đến Chúa và nhục mạ
vua, hãy cử hai đứa vô lại ra làm chứng trước mặt toàn dân, lên án ném đá cho
chết! Thế là vườn nho của Nabob thuộc về vua ! (x 1V 21,1-16 : Bài đọc năm
chẵn). Nếu ông Nabob khôn ngoan cho phép sự dữ nhỏ xảy ra : bằng lòng đổi vườn
nho của mình là gia sản của cha ông để lại để lấy vườn nho của vua. Vua còn hứa
: vườn ấy rộng và tốt hơn, nếu không đồng ý thì vua mua lại với giá cao, nhưng
ông Nabob dại dột không tuân theo,cuối cùng mất cả vườn nho, mất cả mạng sống!
Nhưng nếu gia sản của ông Nabob thuộc về gia sản tinh thần sống Đạo cha ông
truyền dạy, thì thà mất mạng để giữ Đức Tin và Đức Ái, còn hơn là cố thủ lấy
vườn nho. Đây là trường hợp xảy ra nơi các thánh Tử Đạo, họ bằng lòng mất tất
cả, kể cả mạng sống để trở nên chứng nhân cho Tin Mừng. Hết những ai chết vì
Chân Lý đều là những người đã luôn cầu nguyện : “Lạy Chúa, xin hiểu thấu điều con thầm thĩ nguyện xin” (Tv 5,2b : ĐC
năm chẵn).
II. TA PHẢI LẤY LÒNG KHIÊM TỐN LẮNG NGHE CHÂN LÝ TỪ MỌI
PHÍA ĐỂ XÁC ĐỊNH HƯỚNG ĐI CỦA MÌNH.
Khi
ta biết có kẻ ghét mình hoặc xử ác với ta, thì ta phải bình tĩnh với lòng khiêm
tốn xin Chúa soi sáng. Biết đâu ta đã gây cớ vấp phạm cho người anh em. Khi đã
cầu nguyện và xét mình, cân nhắc việc mình làm, thì cứ làm theo điều đã xác
tín, chấp nhận gian khổ xảy đến. Bởi thế :
a-
Không lạm dụng quyền tự do để gây cớ vấp phạm cho ai.
Phải nói được như thánh Phaolô “Chúng tôi chẳng làm gì gây cớ vấp phạm, để
không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi. Chúng tôi
còn chứng tỏ điều đó bằng cách ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu,
bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối” (2Cr 6, 3.6
: Bài đọc năm lẻ).
b-
Khi đã xác tín ta làm đúng theo ý Chúa, thì phải chấp
nhận gian khổ, nên cũng phải nói
được như thánh Tông Đồ : “Trong mọi sự,
chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan,
khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ,
chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng” (2 Cr 6, 4-5 : Bài đọc năm lẻ).
Như
thế phục vụ Tin Mừng, nếu gặp gian khổ thì chỉ một mình thân xác ta chịu, đó là
sự dữ nhỏ, nhưng có lợi cho linh hồn, nhất là lợi cho nhiều người, như thế là
giống Chúa Giêsu, vì “thà một người chết
thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt." (Ga 11,50).
Bởi
thế ta phải sẵn sàng đón nhận mọi tình huống xảy đến : “Khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng
xấu. Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh
tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết,
nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị
giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như
nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không
có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2 Cr 6,8-10 : Bài đọc năm lẻ).
Sống được như thế là nhờ sức mạnh của Lời Chúa và sự
trợ giúp của chính Thiên Chúa, đúng như lời thánh Tông Đồ nói : “Bằng Lời Chân Lý, bằng sức mạnh của Thiên
Chúa, chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ” (2 Cr 6,7 :
Bài đọc năm lẻ), để “Chúa biểu dương ơn
Người cứu độ” (Tv 98/97,2a : ĐC năm lẻ).
Đúng là “Lời
Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv
119/118,105 : Tung Hô Tin Mừng).
Nhà văn Salman
Rushdie là tác giả sách “Vần Thơ Ác Quỷ” , nội dung có tính chất bài Hồi
giáo.Thế là ông Khomeini – Giáo chủ Hồi giáo – ra lệnh truy nã ông Salman
Rushdie, và treo giải thưởng cho ai giết được ông. Nhà văn này đã phải thay
hình đổi dạng sống ẩn dật trong suốt 14 năm!
Trái lại, anh Ali
Agca - người Hồi Giáo cuồng tín – đã ám sát Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II ngày
13-05-1981. Sau đó anh bị bắt và giam tại nhà tù Rchibba ở Roma. Năm 1984, Đức
Giáo hoàng ngay sau khi được bình phục, ngài đã đem qùa đến thăm Ali Agca tại
nhà tù đang giam giữ anh ! Anh hỏi lại Đức Giáo hoàng :
- Tại sao tôi đã bắn ông mà ông không chết ?
Hành động của Đức Gioan Phaolô hơn hẳn ông Khomeini,
chỉ vì Đức Thánh cha đã thấm nhuần lời thánh Tông Đồ dạy : “Đừng lấy ác báo ác, nhưng hãy lấy lành mà
thắng ác!”(Rm 12,21). Bởi vì
- Lấy ác báo lành, ta là
Satan
- Lấy ác báo ác, ta là
chó sói.
- Lấy lành báo lành, ta
là con người.
- Lấy lành báo ác, ta là
con Chúa.
Để bày tỏ ta là con Chúa, thánh Tông Đồ dạy : “Nếu kẻ thù ngươi đói, hãy cho nó ăn, nó
khát, hãy cho nó uống, làm thế như ngươi chất than hồng trên đầu nó. Chớ để dữ
thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ” (Rm 12,20-21).
THUỘC LÒNG
Nếu kẻ thù
ngươi đói, hãy cho nó ăn, nó khát, hãy cho nó uống, làm thế như ngươi chất than
hồng trên đầu nó. Chớ để dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ ! (Rm 12,20-21).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH