BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Cv 5, 34-42
34 Bấy giờ có một người Pha-ri-sêu tên là Ga-ma-li-ên đứng
lên giữa Thượng Hội Đồng; ông là một kinh sư được toàn dân kính trọng. Ông
truyền đưa các đương sự ra ngoài một lát.35 Rồi ông nói với Thượng
Hội Đồng: "Thưa quý vị là người Ít-ra-en, xin quý vị coi chừng điều quý vị
sắp làm cho những người này.36 Thời gian trước đây, có Thêu-đa nổi
lên, xưng mình là một nhân vật và kết nạp được khoảng bốn trăm người; ông ta đã
bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết.37 Sau
ông, có Giu-đa người Ga-li-lê nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân
đi với mình; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người theo ông ta đều bị
tan tác.38 Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những
người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất
sẽ bị phá huỷ;39 còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không
thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên
Chúa." Họ tán thành ý kiến của ông.
40 Họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông
không được nói đến danh Đức Giê-su, rồi thả các ông ra.41 Các Tông
Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ
nhục vì danh Đức Giê-su.
42 Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không
ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Ki-tô Giê-su.
ĐÁP
CA : Tv 26
Đ. Một
điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong Đền Chúa tôi. (c 4ab)
1 Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ
người nào? Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi,tôi khiếp gì ai nữa?
4 Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa
tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm
xem thánh điện huy hoàng.
13 Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống. 14 Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo
lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa.
BÀI TIN MỪNG
TUNG
HÔ TIN MỪNG: Mt 4,4
Hall-Hall: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng
còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra. Hall.
TIN
MỪNG: Ga 6, 1-15
1 Bấy giờ, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng
gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a.2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi
họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm.3
Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ.4 Lúc ấy, sắp đến lễ
Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.
5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng
đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn
đây? "6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp
làm gì rồi.7 Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm
quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."8 Một
trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người:9
"Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với
ngần ấy người thì thấm vào đâu! "10 Đức Giê-su nói: "Anh
em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi
xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn.11 Vậy, Đức Giê-su
cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ,
Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.12 Khi họ
đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo
phí đi."13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh
lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.14 Dân
chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng
phải đến thế gian! "15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt
mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
BÀI GIẢNG
CỬ HÀNH MẦU NHIỆM BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Trình thuật Đức Giêsu hóa bánh nuôi
dân, thánh sử Gioan không ghi là phép lạ mà ghi là dấu lạ. Dấu lạ đó tiên báo việc
Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, để nhờ đó ta rút ra những bài giáo lý sống Bí
tích Tình Yêu này.
1/ TRÌNH THUẬT HÓA BÁNH LÀ DẤU CHỈ
CHÚA GIÊSU LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Thánh Gioan ghi nhận: “Đức
Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ của Ngài. Lễ Vượt Qua, đại lễ của người
Do Thái đã gần” (Ga 6,3: Tin Mừng). Đây là dấu chỉ vào ngày Thứ Sáu
Tuần Thánh,vào dịp lễ Vượt Qua, lúc 12 giờ trưa, tổng trấn Philatô ra lệnh giết
Đức Giêsu theo ý người Do Thái xúi giục, và cũng chính giờ ấy nơi Đền Thờ người
Do Thái giết chiên tế lễ Thiên Chúa (x Ga 19,14). Chính khi Đức Giêsu bị giết,
mới thực là Con Chiên Thiên Chúa bị sát tế xóa bỏ tội trần gian (x Ga 1,29),chứ
máu chiên cừu không tẩy xóa được tội lỗi loài người (x Dt 10,4). Do đó Chúa không
muốn nhận của lễ người Do Thái dâng theo Luật Môsê, mà phải dâng theo thể thức
Đức Giêsu đã lập, được hoàn tất nơi núi Sọ (x Ga 19,17). Vì thế khi Đức Giêsu
cầm bánh và cá bẻ ra chia cho dân, đó là dấu chỉ Ngài bẻ nát cuộc đời trên thập
giá, để rồi trở thành Bánh trường sinh nuôi mọi người đến tham dự Hy Tế của
Ngài. Hy Tế này Đức Giêsu truyền cho Hội Thánh (các Tông Đồ) hãy làm hiện tại
hóa mỗi ngày cho đến thời cánh chung để nhớ đến Ngài (x 1Cr 11,23-27).
2/ ĐỨC GIÊSU MUỐN TA CỘNG TÁC VỚI NGÀI
TRONG HY LỄ NGÀI DÂNG BẰNG VIỆC ĐOÁN Ý CỦA NGƯỜI KHÁC ĐỂ PHỤC VỤ GIỐNG NGÀI
Thánh Gioan ghi nhận: “Ngước
mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê:
"Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?"Người nói thế là để thử ông, chứ
Người đã biết mình sắp làm gì rồi”
(Ga 6,5-6: Tin Mừng).
Ta biết Đức Giêsu là Thiên Chúa toàn
năng, Ngài dư quyền phép biến những cục đá thành bánh nuôi dân. Nhưng Ngài thử
xem người ta – các Tông Đồ - có sẵn sàng bắt chước Ngài đoán ý của người khác
mà phục vụ hay không? Vì lúc Đức Giêsu nhìn thấy một đoàn lũ dân, nếu hôm đó kể
cả đàn bà con nít, thì có lẽ đông gấp ba lần 5.000 đàn ông có mặt. Tất cả họ
đang đói lả, kẻ đứng người ngồi trước mặt Đức Giêsu, họ chưa cất tiếng xin Ngài
cho bánh ăn, thì Ngài đã lên tiếng hỏi các môn đệ: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn ? Ông
Philípphê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho
mỗi người một chút.” (Ga 6,7: Tin Mừng).
Hai trăm quan tiền là lương của một
người lao động dành dụm suốt một năm,vì lương công nhật mỗi người chỉ được một
quan (x Mt 20,2).
Như thế, lời ông Philíp thưa cùng Đức
Giêsu: “Chúng con nếu có 200 quan cũng
không đủ để mua bánh cho mỗi người một chút”, có nghĩa là dù các ông có tận
lực lo cho dân,các ông cũng chẳng giải quyết được nhu cầu của đoàn lũ dân chúng
đang đói. Nhưng nếu quảng đại làm theo Lời Chúa dạy chăm sóc nhu cầu của dân
bằng khả năng nhỏ bé mình đang có, thì lại trở nên dư dật của cải. Kìa bà góa
Sarepta đang lúc hai mẹ con lâm cảnh đói, trong nhà chỉ còn đủ bột và dầu làm một
chiếc bánh, nhưng vì nghe Chúa dạy bà cứ nhường bánh cho ngôn sứ Êlya ăn, từ đó
hũ bột và dầu nhà bà không vơi (x 1V 17,9). Thế nên thánh Phaolô dạy: “Gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt
nhiều. Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền,
cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.
Vả lại,Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh
em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt,vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện”
(2Cr 9,6-8).Ta cứ nhìn Đức Giêsu mượn em bé năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài
bẻ ra chia cho một đoàn lũ đông vô kể, thế mà sau khi mọi người ăn no, các môn
đệ còn thu lại được 12 thúng những mẩu bánh ăn còn dư! (x Ga 6,9-13: Tin Mừng).
Tưởng rằng hình ảnh 12 thúng bánh dư,
cho phép chúng ta hiểu rằng: Nếu chúng ta chỉ dùng những của cải không xâm phạm
đến sự sống của mình, mà góp lại để sung vào việc phát triển Tin Mừng, xây dựng
Hội Thánh – 12 thúng là dấu chỉ 12 môn đệ Đức Giêsu tuyển chọn đặt làm nền tảng
xây dựng Hội Thánh (x Cv 1,15-26). Ví dụ ta định mua chiếc xe 40.000 USD, thì
ta chọn chiếc 39.000 USD. Tưởng rằng ta dùng một trong hai chiếc xe này tương
đương nhau, nhưng ta có dư 1.000 USD góp cho Hội Thánh, hoặc nếu ta đi chợ mỗi
ngày 150.000$, thì ta bớt ra 10.000$ bỏ vào quỹ Truyền Giáo, tưởng rằng phần ăn
gia đình hôm đó 150 ngàn hay 140 ngàn thì cũng không khác gì mấy. Nếu mọi Kitô
hữu ai cũng ý thức dùng tiền của như thế, thì không nặng nề đối với họ (x 1Ga
5,3), họ đã làm ứng nghiệm Lời Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy thu lại những mẩu bánh người ta ăn dư,
và các môn đệ đã thu được 12 thúng”. Chính vì vậy mà Điều răn thứ V của Hội Thánh nhắc nhở cho người Kitô hữu phải đóng góp
tiền của tùy khả năng cho nhu cầu của Giáo Hội (x sách GLHT số 2041-2043. Ấy chưa kể có những tâm hồn quảng đại dâng
hiến hết cả tài sản kếch xù của mình cho công việc truyền giáo, thì càng làm
Chúa vinh hiển biết mấy! Vì “người ta
sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra”
(Mt 4,4:Tung Hô Tin Mừng). Nếu tất cả mọi người Công Giáo triệt để thi hành Lời
Chúa dạy: “Chúng con hãy cho người ta ăn” (Mt 14,16), thì Hội Thánh có dư
khả năng phát triển Tin Mừng ; còn đối với hàng Giáo sĩ, chắc chắn Chúa không buộc
phải cho người ta của cải vật chất, nhưng Ngài đòi phải cho người ta ăn Lời
Chúa. Vì “Linh mục mắc nợ giáo dân Lời
Chúa” (x Sắc Lệnh Đời Sống LM số 4 của CĐ Vat.II). Lời mà vị chủ tế giảng
là kết quả của đời phục vụ, nhất là vất vả trong việc dọn bài giảng, để nói
được như thánh Phaolô: “Tôi vui mừng được
chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi
xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”
(Cl 1,24). Thế nên, “các Tông Đồ bị đánh
đòn và cấm không được nói đến danh Đức Giêsu, thế mà khi các ông được tha về,
lòng đầy hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu”.
Ông Gamaliel xác nhận: Việc làm nào bởi người ta dù có kết quả cũng sẽ bị phá
hủy, còn việc nào làm bởi Thiên Chúa, thì không ai có thể phá hủy được,kẻ nào phá
sẽ vô ích lại còn mang tội chống Thiên Chúa! (x Cv 5,34-42: Bài đọc).
Ngày nay nhiều chủ chăn không muốn vất
vả dọn bài giảng, ỷ lại vào bài đã có sẵn trên Internet. Do đó Đức cha
Hoan,Giám mục Phan Thiết có lần nói: một Linh mục ngày Chúa nhật dâng Lễ, khi
đọc Phúc Âm xong, ngài nói với giáo dân: Hôm qua vì cúp điện, nên tôi không lấy
bài trên mạng được,do đó anh chị em thông cảm! Xin thêm lời cầu nguyện!
Có lẽ hôm ấy giáo dân sẽ cầu nguyện
xin Chúa cho cúp điện dài dài!
Nhiều Linh mục lấy cớ ngày thường Luật
Hội Thánh không buộc nên không giảng! Vậy nếu Luật buộc Linh mục phải ăn chay
những ngày trong tuần, hỏi có vui vẻ tuân giữ hay không? Lẽ ra việc giảng phải coi
đó là nhu cầu sự sống của chính mình, như thánh Phaolô nói: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải
là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân
tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng
Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa
giao phó” (1Cr 9,16-17). Nên “tôi có
sự thật về Đức Kitô thì không ai bịt miệng tôi được”(2Cr11,10).Vì giảng là
do “tình yêu Đức Kitô thúc bách”(2Cr
5,14). Giám mục hay Linh mục dâng Lễ mà
không cho dân ăn Lời Chúa, chỉ dùng quyền chức Thánh đọc lời Truyền Phép trên
bánh rượu, thì đó chỉ là “Chúa Giêsu
Thánh Thể cà thọt”!? Vì chỉ có Chúa Giêsu cho dân ăn, trong khi đó Ngài còn
bảo: “Chúng con hãy cho dân ăn”(Mt
14,16). Cũng vì thế mà Giáo Luật 906 quy định: “Nếu không có lý do chính đáng và hợp lý, tư tế không được cử hành Lễ Thánh
Thể nếu không có ít là một vài giáo dân
tham dự”, vì tư tế dâng Lễ phải cho dân ăn.
Vậy bàn tiệc Thánh Lễ không phải chỉ có
lương thực là Thịt Máu Chúa Giêsu, mà Chúa muốn mọi người cộng tác với Ngài để
nuôi nhau, đó mới thực là “một điều tôi
kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi” (Tv 27/26,4ab: Đáp ca).
THUỘC
LÒNG
Thánh
Phaolo nói: “Gieo ít thì gặt ít; gieo
nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không
buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa
yêu thương. Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân
huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc
thiện” (2Cr 9,6-8)
http://phaolomoi.net
Lm
GIUSE ĐINH QUANG THỊNH