BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : 2
Sm 12,1-7a.10-17
1
Một hôm, Đức Chúa sai ông Na-than đến với vua Đa-vít. Ông vào gặp vua và nói
với vua: "Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người
nghèo. 2 Người giàu thì có chiên dê và bò, nhiều lắm. 3
Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua.
Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với
ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con
gái.4 Có khách đến thăm người giàu, ông này tiếc của, không bắt
chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông.Ông bắt
con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông."
5 Vua Đa-vít bừng bừng nổi
giận với người ấy và nói với ông Na-than: "Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào
làm điều ấy, thật đáng chết!6 Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi
vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót."7a Ông
Na-than nói với vua Đa-vít: "Kẻ đó chính là ngài! 10 Ấy vậy,
gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể
Ta và cướp vợ của U-ri-gia, người Khết, làm vợ ngươi.11 "Đức
Chúa phán thế này: Ta sắp dùng chính nhà của ngươi mà gây hoạ cho ngươi. Ta sẽ
bắt các vợ của ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác, và nó sẽ nằm với
các vợ của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật.12 Thật vậy, ngươi đã
hành động lén lút, nhưng Ta, Ta sẽ làm điều ấy trước mặt toàn thể Ít-ra-en và
giữa thanh thiên bạch nhật."
13 Bấy giờ vua Đa-vít nói
với ông Na-than: "Tôi đắc tội với Đức Chúa." Ông Na-than nói với vua
Đa-vít: "Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không
phải chết.14 Thế nhưng vì trong việc này ngài đã cả gan khinh thị Đức
Chúa, nên đứa trẻ ngài sinh được, chắc chắn sẽ phải chết."15
Rồi ông Na-than trở về nhà.
16 Vua Đa-vít cầu khẩn Thiên Chúa cho đứa trẻ, vua ăn
chay nhiệm nhặt, và khi về nhà ngủ đêm thì nằm dưới đất.17 Các kỳ
mục trong nhà của vua nài nỉ xin vua trỗi dậy, nhưng vua không chịu và cũng chẳng
ăn chút gì với họ.
ĐÁP CA :
Đ. Lạy
Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng. (c 12a)
12 Lạy
Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con
nên chung thuỷ.13 Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng
cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
14 Xin
ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ
nâng con; 15 đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc
bước sẽ trở lại cùng Ngài.
16 Lạy
Thiên Chúa con thờ là Thiên Chúa cứu độ, xin tha chết cho con, con sẽ tung hô
Ngài công chính.17 Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất
tiếng ngợi khen Ngài.
BÀI GIẢNG
SÓNG GIÓ
CỦA NIỀM TIN
Sự
cố thuyền các Tông Đồ gặp sóng gió trên biển, nhằm tiên báo cho những ai tin
theo Đức Giêsu, họ sẽ còn phải gặp sóng gió. Nhưng qua Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục
Sinh, hé mở cho ta thấy sóng gió sống Đức Tin lại đưa đến vinh quang, vì cả đến
“Đức Giêsu cũng phải qua đau khổ mới đi
vào vinh quang” (x Lc 24,26). Bởi đó, những chi tiết thuyền các Tông Đồ gặp
sóng gió trên biển được lặp lại vào giờ Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu :
1- Trước Phục Sinh, Đức Giêsu nói với các
môn đệ : “Chúng con hãy sang bờ biển
bên kia” (Mc 4,35 : Tin Mừng).
Sau Phục Sinh, Chúa Giêsu ra lệnh cho
các môn đệ đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng (x Mc 16,15).
2- Trước Tử Nạn, Đức Giêsu nằm trên thuyền
của các môn đệ chở Ngài sang bờ bên kia, một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập
vào thuyền, trong lúc Đức Giêsu dựa đầu vào đằng lái mà ngủ (x Mc 4,36-38 : Tin
Mừng).
Vào giờ Tử Nạn, Đức Giêsu “ngủ” trên thập giá, niềm tin các môn đệ bị
dao động, các ông bỏ Thầy mà chạy trốn hết (x Mc 14,50).
3- Trước Tử Nạn, các môn đệ thưa : “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì
sao ?” Người thức dậy, ngăm đe gió và truyền cho biển : “Im đi !” Gió liền tắt, biển lặng như tờ
! (x Mc 4,38b-39 : Tin Mừng).
Sau Tử Nạn, Chúa Giêsu sống lại, làm
cho niềm tin các môn đệ kiên vững, không sợ sự dữ làm hại, đến như có cầm rắn
trong tay, uống nhằm thuốc độc cũng không hề hấn gì (x Mc 16,17-18).
4- Trước Tử Nạn, các môn đệ vẫn thắc mắc
Thầy mình là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải vâng lệnh ? (x Mc 4,41 : Tin
Mừng).
Lúc Tử Nạn, người đầu tiên trong nhân
loại, vị sĩ quan ngoại giáo đã chỉ huy thi hành bản án giết Đức Giêsu, khi Ngài
bị đâm, ông này đã đấm ngực và hô lên : “Đích
thực người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
Vậy
sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, đời sống Hội Thánh hay mỗi người Kitô hữu vẫn còn
gặp sóng gió, nhưng lộ ra tia hy vọng dẫn đến vinh quang. Tuy nhiên ta phải
nhận biết nguyên nhân nào gây ra sóng gió để phải đương đầu hoặc phải tránh. Có
hai loại sóng gió:
- Sóng gió
bởi làm theo Lời Chúa ta phải đương đầu.
- Sóng gió bởi tội gây ra ta phải tránh.
I. SÓNG GIÓ
BỞI LÀM THEO LỜI CHÚA TA PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU.
Thời
Tân Ước :
1/ Đức Maria gặp sóng gió nặng nề nhất. Vì
tin rằng “Chúa sẽ thực hiện những gì
Người đã nói” (x Lc 1,45) ; và tin rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của
Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 3,16 : Tung Hô Tin Mừng). Cụ thể Chúa đã
hứa cho Đức Maria :
Maria được gọi là “Đầy Ơn Phúc” vì có Chúa ở cùng (x
Lc 1,28).
Maria được làm mẹ Con Đấng Tối Cao (x Lc 1,32).
Maria là Nữ Hoàng, vì Con Bà là Vua thuộc dòng vua
Đavid, triều đại Ngài vô cùng vô tận (x Lc 1,32b-33).
Thế mà sau cuộc Truyền Tin, Đức
Maria lại gặp sóng gió càng ngày càng gia tăng.
Ông Giuse, chồng
Đức Maria định tâm ly dị (x Mt 1,18-19).
Đức Maria không
tìm được nơi xứng đáng sinh Con, đành phải đặt Con nằm trong máng cỏ (x Lc
2,7.12).
Vua Hêrôđê ra
lệnh truy nã Con Đức Maria để giết, thế nên ngay trong đêm Mẹ phải bồng Con
trốn sang Ai Cập (x Mt 2,13t).
Đau đớn nhất là
vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Maria chứng kiến Con bị treo trên thập giá,
thì tất cả những Lời Chúa hứa trong ngày Truyền Tin đâm vào tim Mẹ, đúng như
lời ông Simêon đã báo trước : “Thiên Chúa
đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên.
Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng ; và như vậy, những ý nghĩ từ
thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn
bà.” (Lc 2,34-35). Như vậy là Đức Maria đã hứng chịu Lời Chúa chúc dữ cho
bà Eva sau khi phạm tội : “Bà sinh con
đau” (St 3,16).
2/ Các
Tông Đồ gặp sóng gió. Sau khi Chúa Giêsu đã đánh gục thần chết, Ngài sống
lại đến gặp các Tông Đồ và chia chiến thắng cho các ông: “Chúng con cầm rắn trong tay, và dẫu cho uống nhằm thuốc độc, thuốc độc
cũng chẳng hại được chúng con” (Mc 16,18). Thế mà các Tông Đồ khi thi hành
sứ mệnh Chúa trao, các ông vẫn bị ra tù vào khám như cơm bữa, tất cả đều phải
đổ máu vì Tin Mừng để làm chứng cho Chúa!
Như
vậy, chỉ tới ngày cánh chung, ta mới chiếm hữu được phúc lộc Chúa hứa hơn lòng
mơ ước. Lúc đó, ta cùng chung lời với Mẹ Maria : “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm dân Người”
(Lc 1,68 : ĐC năm lẻ). Vì Đức Tin của người Công Giáo được sinh ra bởi Đức Tin
của tổ phụ Abraham : Dù Chúa để cho ông gặp sóng gió thử thách,nhưng Đức Tin
của ông rất vững mạnh, vì tin vào Lời Chúa chúc phúc cho dòng dõi ông sẽ được
thực hiện, đặc biệt vào ngày cánh chung, như tác giả thư Do Thái đã nhắc đến
cách sống đạo của tổ phụ Abraham : “Nhờ
Đức Tin, ông Abraham đã vâng nghe
tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và
ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Vì ông trông đợi một thành
có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng. Ông mong ước một
quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Nhờ Đức Tin, khi
bị thử thách, ông Abraham đã hiến tế
Isaac; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một. Rốt
cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng” (Dt 11, 1-2.8-19
: Bài đọc năm lẻ).
II. SÓNG
GIÓ BỞI TỘI GÂY NÊN TA PHẢI TRÁNH.
Có
hai loại :
-
Bởi tội xác thịt yếu
đuối của con người, Chúa cho phép xảy ra.
-
Bởi tội con người đưa
đến sự chết, Chúa không muốn cho xảy ra.
1/ Bởi tội
xác thịt yếu đuối của con người, Chúa cho phép xảy ra. Cụ thể như thánh Phaolô, vị Tông Đồ xuất sắc nhất,
cũng bị tính xác thịt nổi loạn, làm cho ông chới với, như ông thú nhận với giáo
đoàn Roma : “Chẳng có gì lành cư ngụ
trong tôi, sự thiện tôi muốn, tôi
không làm, còn điều dữ tôi ghét, tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19), và ông đã
năn nỉ với Chúa : “Xin Chúa đừng để Satan
đâm cái dằm vào con”, đã ba lần ông van xin như thế, nhưng Chúa chỉ trả lời
: “Ơn Ta đủ cho ngươi,vì quyền năng chỉ
được bày tỏ vẹn toàn trong yếu đuối” (2Cr 12,7-10).
Sự
yếu đuối về xác thịt nó là bản năng của con người, đến như vua thánh Đavid được
đặt thay quyền Chúa lãnh đạo dân, mà tính xác thịt của ông đã nổi loạn, dan díu
bất chính với vợ của tướng Uria, vị công thần của đất nước, rồi dùng mưu thâm
độc giết Uria, để chiếm vợ ông. Thế mà vua không biết ăn năn, sám hối, vua chỉ mới
nghe ngôn sứ Nathan nói : Có một người giàu bắt chiên của người nghèo làm thịt,
Đavid đã thịnh nộ đòi lấy mạng nó, nếu ông tìm được đứa bất lương ấy! Ngôn sứ
Nathan chỉ ngay vào mặt vua : “Kẻ đó
chính là ngài !” Lúc đó, vua Đavid mới giật mình và sám hối. Dầu ông đã sám
hối, tội ấy vẫn gây ra sóng gió:
"Đức Chúa
phán thế này: Ta sắp dùng chính nhà của ngươi mà gây hoạ cho ngươi. Ta sẽ bắt
các vợ của ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác, và nó sẽ nằm với các vợ
của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật.Thật vậy, ngươi đã hành động lén lút,
nhưng Ta,Ta sẽ làm điều ấy trước mặt toàn thể Israel và giữa thanh thiên bạch
nhật." Bấy giờ vua Đavid nói với ông Nathan: "Tôi đắc tội với Đức
Chúa." Ông Nathan nói với vua Đavid: "Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ
qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết.Thế nhưng vì trong việc này ngài đã
cả gan khinh thị Đức Chúa, nên đứa trẻ ngài sinh được, chắc chắn sẽ phải chết.
Còn Đavid, nhờ biết sám hối, nên Chúa không phạt ông phải chết ! " (2
Sm 11,1-14 : Bài đọc năm chẵn).
Vậy
“ngã
vào tội là người ; ở lại trong tội là quỷ” (ngạn ngữ Đức). Chúa không
muốn ai ở lại trong tội giống quỷ, vì người ta được dựng nên giống Thiên Chúa!
(x St 1,26).Thế nên càng biết mình yếu đuối trầm mình trong tội, càng cần đến
hiệp dâng Thánh Lễ và thưa cùng Chúa : “Lạy
Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng” (Tv 51/50,12a : ĐC năm
chẵn).
2/
Có những loại tội gây sóng gió làm mọi người phải chết, Chúa không muốn cho nó
xảy ra, đó là :
- Tội không tin vào quyền giáo huấn Chúa đã trao cho
Hội Thánh.
- Tội làm đảo lộn sứ mệnh Chúa trao phó.
- Tội không chu toàn sứ mệnh ngôn sứ theo Quy Luật
Phụng Vụ Hội Thánh đã dạy.
a- Tội
không tin vào quyền giáo huấn Chúa đã trao cho Hội Thánh.
Vì Chúa muốn mọi người phải được cứu độ trong một
“chuồng chiên” là Hội Thánh Ngài lập, nhất là phải tin vào Quyền giáo huấn của
Hội Thánh mà Chúa Giêsu đã trao (x Mt 11,25-26 ; 16,13-19 ; Ga 18,19-23 ; Gl
1,8), vì không thể tìm được chân lý Đức Tin vẹn toàn ngoài Hội Thánh.Thế mà, có
nhiều kẻ đã không xác tín như thế, họ đã ly khai Hội Thánh, vì thấy có nhiều
gương xấu xảy ra nơi hàng giáo sĩ. Họ không nhớ Lời Đức Giêsu dạy : “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên
toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm,hãy
giữ,còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm”
(Mt 23,2-3). Kẻ nào ly khai Hội Thánh là làm vô hiệu hóa lời cầu nguyện thiết
tha của Đức Giêsu : “Lạy Cha, xin cho
chúng nên một như Con ở trong Cha và Cha ở trong Con” (Ga 17,21-23). Thảm
họa này tệ hơn xưa kia bà Mariam thấy ông Môsê lấy vợ ngoại giáo người Kush,
nên bà không tin Chúa dùng riêng ông để nói Lời Chúa cho dân,bà nói: “Dễ chừng Chúa chỉ phán dạy qua Môsê mà thôi
sao,Ngài đã không phán dạy ngang cả chúng ta đó ư ?” Chúa nghe được, Ngài
phạt bà bị cùi tức khắc ! (x Ds 12,1-13). Loại sóng gió này Chúa không muốn nó
xảy ra vì nó chỉ làm khổ mọi người, mất vinh danh Chúa! Thế mà có ai nhận ra
sóng gió đó là do bởi tội mình gây nên, để bắt chính mình phải làm theo ý Chúa
qua giáo huấn của Hội Thánh ?!
b- Tội
làm đảo lộn sứ mệnh Chúa trao phó.
Cụ
thể các Tông Đồ của Đức Giêsu vào thời Giáo Hội sơ khai được giáo dân tín
nhiệm, họ bán hết tài sản góp cho các Tông Đồ để chia sẻ đồng đều cho mọi người
(x Cv 4,32-35). Quả thật, bản chất việc làm này là tốt, vì đã diễn tả thời cánh
chung trong Nước Thiên Chúa chẳng ai thiếu thốn gì. Vì thế, các Tông Đồ mải mê
công việc này mà xao nhãng cầu nguyện và
giảng Lời, tức là bỏ bổn phận chính yếu mà làm việc phụ, hậu quả gây sóng
gió trong cộng đoàn, các tín hữu bất hòa với nhau ! Nhưng sau nhờ Chúa soi sáng
cho các Tông Đồ nhận biết mình sai lầm, các ông đã chọn ra bảy người có uy tín
trong dân gọi là Phó tế, để trao việc quản lý tài sản của Giáo Hội và chia sẻ
của cải cho mọi người ; còn các Tông Đồ
trở về nhiệm vụ chính là cầu nguyện và giảng Lời, từ bấy giờ Hội Thánh được
bình an và phát triển (x Cv 6,1-7).Với trải nghiệm trên, thánh Phaolô nhắc nhở
cho môn đệ Timôthêu phải rà soát lại cách sống Đạo, vì “hình thức của Đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối
bỏ. Anh hãy xa lánh cả những người ấy” (2Tm 3,5). Thánh Augustin mỉa mai :
“Bạn chạy khỏe lắm đó, nhưng trật đường
mất rồi”.
Đức
Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói : “Một nỗi
nguy hiểm thường xảy ra nơi các giáo sĩ, là họ quá hăng say trong những công
việc của Chúa, mà quên mất Chúa là Chủ của công việc”. Nghĩa là cầu nguyện
và giảng Lời là Chúa làm chủ công việc mình làm. Hãy nhớ ba quyền Chúa trao cho
ta : Tư Tế, Ngôn Sứ, Vương Đế, khởi đi từ lúc lãnh Bí tích Thánh Tẩy, đặc biệt
trong Bí tích Truyền Chức, thì phần lớn người ta chỉ quan tâm đến quyền Vương
Đế mà coi nhẹ sứ mệnh Tư Tế và Ngôn Sứ. Trái với Chúa Giêsu, Ngài chỉ lo chu
toàn sứ mệnh Tư Tế và Ngôn Sứ, đó là cách Ngài thể hiện quyền Vương Đế của Ngài.
c- Tội không chu toàn sứ mệnh ngôn sứ theo Luật Hội
Thánh đã dạy.
Xưa kia con cháu Noe xây tháp Babel: Họ muốn xây tháp chạm Trời, nhưng
không thành công, vì không chung một ngôn ngữ, thế là họ phải tản đi khắp thế
giới (x St 11,1-9). Ngày nay nhiều người Công Giáo đang bỏ Đạo, hoặc sang tôn
giáo khác chỉ vì người ta đến Nhà Thờ nghe nhiều vị giảng cách tự biên tự diễn, không giảng đúng với quy định
về Luật giảng dạy trong Hiến Chế Phụng Vụ :
-
Khi cử hành Phụng Vụ, Kinh Thánh giữ vai trò tối quan
trọng. Thực vậy, Hội Thánh đã trích từ Kinh Thánh những
Bài đọc để diễn giải trong Bài giảng (số 24).
-
Bài giảng phải căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm Đức Tin và các quy tắc cho
đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ. Bài giảng rất đáng được coi như một phần của chính Phụng Vụ (số
52).
-
Bài giảng thuộc phần hoạt động của Phụng Vụ, nên phải có thời
giờ thích hợp để giảng giải…Phải hết sức trung thành chu toàn thừa tác vụ giảng giải đúng với Nghi Lễ. Tiên vàn
bài giảng phải múc lấy từ nguồn Kinh Thánh và Phụng Vụ, vì như thế là rao
truyền việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ (số 35).
-
Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục số 14
dạy : “Bài giảng hay bài giáo lý
phải dựa trên năm nguồn : Thánh Kinh –
Thánh Truyền – Phụng Vụ - Công Đồng – Giáo
Luật.
Vậy giáo sĩ nào chỉ chộp một
đoạn Kinh Thánh để trổ tài hùng biện, thì chẳng hơn gì Mục sư Tin Lành, còn nếu
giáo dân đi dự Lễ bất cứ nhà thờ Công Giáo nào, cũng được nghe lời giáo huấn do
các chủ chăn giảng đúng Quy Luật trên, thì chắc chắn tháp Babel mới càng ngày
càng được xây dựng rộng và cao hơn tháp Babel xưa đã được thể hiện trong ngày
lễ Ngũ Tuần, vì khắp mọi dân tộc trên thế giới đều đến nghe giáo huấn của thủ
lãnh Phêrô, và ai cũng tưởng ông Phêrô nói tiếng địa phương của mình, đó là một
cộng đoàn đang hoàn tất tháp Babel mới chạm Trời, cũng chính là được lên Trời
được hưởng phúc vinh với Chúa (x St 11; Cv 2). Trái lại, mỗi giáo sĩ giảng cách
tự biên tự diễn làm cho dân Chúa không thống nhất một ngôn ngữ, thì sự cố tháp Babel xưa bất thành nay
còn đang tái diễn trong Hội Thánh!
THUỘC LÒNG
Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, xin cho những
người trông đợi Chúa đừng vì con mà phải thẹn thùng.Lạy Chúa Trời nhà Israel,
xin đừng để những ai tìm kiếm Ngài lại vì con mà mang tủi hổ (Tv 69/68,7).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH