BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I
: Nkm 8,2-4a.5-6.8-10
2 Hôm ấy là ngày mồng một tháng thứ bảy,
ông Ét-ra cũng là tư tế đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn
bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. 3 Ông đứng ở quảng trường
phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ
em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe
sách Luật.
4a Kinh sư Ét-ra đứng trên bục gỗ đã đóng sẵn để dùng vào việc này. 5 Ông Ét-ra mở sách ra trước mặt toàn dân, vì ông đứng cao hơn mọi
người. Khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy.6 Bấy giờ ông Ét-ra
chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng:
"A-men! A-men! " Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa. 8 Ông Ét-ra và các thầy Lê-vi đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của
Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc.
9 Bấy giờ ông Nơ-khe-mi-a, tổng đốc, ông Ét-ra, tư tế kiêm kinh sư, cùng
các thầy Lê-vi là những người đã giảng giải Luật Chúa cho dân chúng, nói với họ
rằng: "Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em,
anh em đừng sầu thương khóc lóc." Sở dĩ ông nói thế là vì toàn dân đều
khóc khi nghe lời sách Luật. 10 Ông Ét-ra còn nói với dân chúng
rằng: "Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những
người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em
đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em."
ĐÁP CA :
Tv 18B
Đ. Lạy Chúa,
Lời
Chúa là Thần Khí và là sự sống. (x Ga 6,63c)
8 Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.Thánh ý Chúa thật
là vững chắc, cho người dại nên khôn.
9 Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa
xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
10 Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định
Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh.
15 Lạy Chúa là núi đá cho con trú ẩn, là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài
vui nhận bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa, và bao tiếng lòng con thầm thĩ
mong được thấu đến Ngài.
BÀI ĐỌC II
: 1Cr 12,12-30
12 Thưa anh em, ví như thân thể người ta
chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều,
nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy.13 Thật thế, tất
cả chúng ta, dầu là Do-Thái hay Hy-Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu
phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã
được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.
14 Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà
thôi.15 Giả như chân có nói: "Tôi không phải là tay, nên tôi
không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân
thể.16 Giả như tai có nói: "Tôi
không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế
mà nó không thuộc về thân thể.17 Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì
lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?
18 Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý
Người muốn.19 Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà
thành thân thể được? 20 Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ
có một. 21 Vậy mắt không có thể bảo tay: "Tao không cần đến
mày"; đầu cũng không thể bảo hai chân: "Tao không cần chúng
mày."
22 Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất;23
và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những
bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết.24
Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp
đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều
hơn. 25 Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ
phận đều lo lắng cho nhau.26 Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ
phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui
chung.
27 Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận.28
Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ
hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm
phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị,
để nói các thứ tiếng lạ.29 Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai
cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ,30
ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng
giải thích được các tiếng lạ sao?
BÀI GIẢNG
TIÊU CHUẨN NHẬN DIỆN LỜI CHÚA
Chúa
nhật trước (2 năm C), Phụng Vụ đã đề cao lời Đức Maria nói vào đầu đời công khai
của Đức Giêsu : “Ngài bảo gì, con hãy làm theo !’’ (Ga 2,5)
Chúa
nhật này, Phụng Vụ muốn triển khai để ứng dụng lời Mẹ dặn bảo con cái mình. Nhưng
dựa trên tiêu chuẩn nào để ta nhận biết được Lời Chúa ?
Muốn
nhận diện được Lời Chúa đích thực, các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay, cho chúng ta những tiêu chuẩn :
-
Sự chính xác của Lời Chúa dựa trên Đức Tin của cộng đoàn Hội Thánh.
-
Lời Chúa dạy khôn hết mọi loại người.
-
Lời Chúa được chủ chăn của Hội Thánh công bố trong cộng đoàn Phụng Vụ.
-
Lời giảng phát xuất từ con người đã sống Lời Chúa.
- Lời giảng phải do Chúa Thánh Thần tác động nhằm mục
đích xây dựng đời sống cộng đoàn.
I. SỰ CHÍNH XÁC
CỦA LỜI CHÚA DỰA TRÊN ĐỨC TIN CỦA CỘNG ĐOÀN HỘI THÁNH.
Mở
đầu Tin Mừng của Luca, ông viết : “Có nhiều người đã ra công soạn bản
tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những
điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền
lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự.” (Lc 1,1-3a)
Như
thế, đức tin Công Giáo ngay từ đầu đã được thiết lập trên dữ kiện chắc chắn có
chứng từ. Thế thì một bài giảng của Linh mục không phải là chuyện tầm phào mà
phải dựa vào Thánh Kinh, Thánh Truyền, Công Đồng, Giáo Luật, Phụng Vụ, cùng với
trải nghiệm sống đạo của nhiều người. Đặc biệt phải dựa vào Sách Thánh để trình
bày, như vị ký lục cũng là tư tế Edra (x
Bài đọc I), và cả đến Con Thiên Chúa cũng phải dựa vào Sách Thánh để giảng dạy
(x Tin Mừng). Bởi thế Công Đồng Vat.II, trong Hiến Chế Phụng Vụ số 52 dạy : “Phải căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày về
các mầu nhiệm đức tin, và những quy tắc cho đời sống Ki-tô giáo trong suốt chu
kỳ năm Phụng vụ, vì lời giảng được coi là một phần của chính Phụng vụ.’’
Đến
như thánh Phaolô, một người rất thông thái, rất giỏi về văn hóa, vì ông là học
trò của tôn sư Gamaliel (x Cv 22,3), thế mà ông còn phải nói : “Tôi giảng chẳng cần lời lẽ khôn khéo hấp
dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Lời Chúa và quyền năng Thiên
Chúa.’’ (1Cr 2,4)
II. LỜI CHÚA DẠY KHÔN HẾT MỌI LOẠI NGƯỜI.
Ông Luca đề gởi tác phẩm của mình cho
một người vị vọng : “Thưa ngài
Thê-ô-phi-lô … thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong
ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã
học hỏi thật là vững chắc.’’ (x Lc 1,3b-4 ; Cv 1,1a)
Ông Thêôphilô là một bậc vị vọng trong giới văn chương
Hy Lạp. Bởi vậy, Tin Mừng được ban tặng không phải chỉ cho những người vô học
thức, thuộc loại lê dân như người ta lầm tưởng (x Cv 4,13), mà nhất là còn cho
những bậc vị vọng, trí thức trong xã hội!
Thế thì người giảng
Tin Mừng không được coi tín hữu như những “củ khoai’’, để rồi “bắt nạt’’
người nghe mà nói bừa bãi !
III. LỜI CHÚA ĐƯỢC CHỦ CHĂN CỦA
HỘI THÁNHCÔNG BỐ TRONG CỘNG ĐOÀN PHỤNG VỤ.
Cách bố cục của tác gỉa Luca cho ta thấy một điều kỳ lạ
:
-
Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ rao giảng trong một cộng đoàn Phụng vụ tại
hội đường (x Lc 4,16).
-
Mới ngày hôm trước Ngài giảng tại hội đường Capharnaum, miền bắc nước
Do Thái. (x Lc 4,43)
-
Ngày hôm sau, người ta lại thấy Ngài giảng dạy tại hội đường ở Giuđê,
miền nam nước Do Thái. (x Lc 4,44)
Như thế, hội đường miền bắc và miền nam đã đóng khung
hoạt động giảng dạy của Đức Giêsu trong khắp ba miền nước Do Thái.
Cũng vì ông Luca muốn nhấn mạnh Lời Chúa phải được tìm
thấy trong cộng đoàn Phụng Vụ của Hội Thánh, nên ông ghi nhận sau khi Đức Giêsu về trời :
các Tông Đồ không đi khắp thế gian để giảng
Tin Mừng, nhưng họ “hằng ngày ở
trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa’’ (x Lc 24,53).
Bởi
vì chính Đức Giêsu đã trả lời cho thượng tế Caipha hỏi Ngài về Giáo Lý Ngài đã
giảng dạy, thì Ngài nói: “Tôi đã giảng
công khai cho mọi người, hằng ngày tôi giảng hoặc trong hội đường, hoặc nơi Nhà
Thờ (trong cộng đoàn Phụng Vụ). Các ông muốn biết giáo lý của tôi, cứ hỏi những
người đã nghe tôi, xem tôi đã nói gì với họ’’ (Ga 18,19-21).
Câu
nói trên, Đức Giêsu đã khẳng định :“Ai
nghe lời môn đệ tôi giảng trong cộng đoàn Phụng Vụ, là người đó đã nghe chính
lời tôi giảng’’ (Lc 10,16).
IV. LỜI GIẢNG PHÁT XUẤT TỪ CON NGƯỜI ĐÃ SỐNG LỜI MÌNH GIẢNG.
a-
Hoặc là Lời Chúa làm ray rứt tâm hồn họ, như trong Bài đọc I đã ghi lại :“Toàn dân đã khóc lên khi nghe các lời Sách
Luật’’, bởi vì nhờ được nghe cắt nghĩa Lời Chúa, toàn dân cảm nghiệm tình
thương của Thiên Chúa đối với họ rất lớn lao, thế mà cha ông họ cũng như chính
họ đã phản bội Thiên Chúa. Do đó họ xúc động, ưu phiền, khóc lóc, đến nỗi các
thầy Lê-vi và cả ông Ét-ra phải lên tiếng ngăn cản và an ủi họ : “Hôm nay là ngày
thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc
lóc… vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em’’
b- Hoặc là Lời
Chúa làm phấn khởi lòng người, như trong Tin Mừng có ghi lại :
* Người nghèo khó
được vui mừng.
* Kẻ tù đày vì tội lỗi cảm thấy được
Chúa xót thương.
* Người mù trở về với
Chúa nay được hiểu biết Chúa hơn.
* Kẻ bị áp bức được
Chúa nâng đỡ.
Vì vậy, sau khi nghe Lời Chúa mà không gây nên một phản
ứng buồn hay vui nào trong tâm hồn ta, thì hôm đó coi như ta chưa đón nhận được
Lời Chúa ; hoặc tại người giảng không giảng đúng Lời Chúa ; hoặc tại người nghe
không biết đón nhận với tất cả tấm lòng khao khát chân lý ! (x Mt 5,6 ;
11,16-19)
Hỏi
: “Đức
Giêsu có sứ mệnh đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ bị tù
đày, cho người đui mù được nhìn thấy, cho kẻ áp bức được giải oan, loan báo năm
hồng ân của Thiên Chúa’’, rồi Đức Giêsu lên tiếng xác nhận : “Hôm nay đã ứng nghiệm điều sách này nơi tai
các ngươi’’ (x Lc 4,18-19.21 : Tin Mừng).
Nếu
các điều trên đây đã được ứng nghiệm từ ngày Đức Giêsu công bố Tin Mừng cho
loài người, thì tại sao ngày nay sự ác vẫn còn đang tiếp tục diễn ra :
- Người nghèo đón nhận Tin Mừng vẫn là nghèo khổ, mừng gì đâu ?
- Có biết bao kẻ bị áp bức tù đày vì sự công chính vẫn còn đó.
- Nhiều kẻ mù quáng về đức tin vẫn chưa thông.
- Năm hồng ân của Thiên Chúa đến theo Lv 25,10-13, phải là : Nhân phẩm mọi
người được tôn trọng bình đẳng, nhu cầu đời sống con người không ai dư, không
ai thiếu, nhưng có đâu ? Ấy chưa kể đến loài người còn phải chịu nhiều tai ương
do thiên nhiên gây ra như bão lụt, động đất, đã cướp đi bao sinh mạng vô tội,
hoặc để lại hậu quả vô cùng tai hại cho bao nhiêu người nghèo khổ phải gánh
chịu?
Để lý giải vấn nạn trên, ta phải phân
biệt hai loại sự dữ : Sự dữ do thiên nhiên gây nên, và sự dữ do tội con người
gây ra.
a- Sự dữ do tội con người gây ra : là bởi vì con người không sống Lời Chúa dạy, Lời Kinh Thánh nói : “Trước
mặt con, Chúa đặt lửa và nước, con muốn gì hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con
người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì sẽ được cái đó’’ (Hc 15,16-17).
Lửa hay nước đều tốt cho con người,
nhưng tùy lúc chọn lựa và sử dụng nó đúng với mục đích Chúa đã tạo dựng nên ban
cho con người được hạnh phúc. Nếu ta chọn
nó và sử dụng không đúng mục đích Chúa đã dựng nên cho ta, thì ta phải mang hậu
quả khốn nạn do tự do của mình chọn lựa, chứ không đổ lỗi cho Thiên Chúa được.
Còn ai phải hứng chịu hậu quả của kẻ
gây nên tội, thì chắc chắn họ sẽ được Chúa biến dữ ra lành trong ngày họ nhắm
mắt lìa đời, còn bây giờ sống trên đời này, thì phải chấp nhận cảnh chiên sống
chung với sói (x Is 11,1-4), cũng như lúa phải mọc chung với cỏ trong một thửa
ruộng (x Mt 13,24), mầu nhiệm của Hội
Thánh lữ hành là thế.
b- Sự dữ do thiên nhiên gây ra : Chúa cho phép thiên nhiên gây họa cho con người, nhằm giáo dục mọi người :
- Đừng bám
vào giá trị trần thế như thần hộ mạng.
- Cuộc đời
này chỉ là quán trọ, sẽ phải rời bỏ về Quê Trời.
- Nhắc nhở
mọi người luôn sám hối và luôn kết hợp với Chúa, vì không biết mình chết giờ
nào và chết cách nào. Như Đức Giê-su đã giải thích về chuyện 18 người bị tháp
Siloam đè chết : “Đó không phải là tội
của họ nặng hơn người khác, mà để nhắc nhớ cho mọi người, nếu không ăn năn hối
cải trở về đường công chính, thì sẽ phải chết khốn nạn hơn những người bị tháp
Siloam đè!’’ (x Lc 13,1-5).
Ta đừng trách Thiên Chúa không làm cho
môi trường ta sống được bình an hạnh phúc, mà ta hãy tự trách chính mình, vì
Chúa đã ban ơn dồi dào cho mỗi người, đến nỗi Ngài ban cả Con Một Ngài cho loài
người chúng ta được sống dồi dào (x Ga 10,10), để “chúng ta trở nên hương thơm của Đức Ki-tô, xông ra giữa những người
được cứu độ và những kẻ bị hư mất’’ (x 2Cr 2,15) ; và “để cho muôn dân sẽ lấy dòng giống ta mà cầu phúc cho nhau’’ (x St
22,18 ; 28,14). Nói tắt là “sống hoàn
thiện như Cha trên trời’’ (x Mt 4,48)
Nếu ai cũng cố gắng sống được như thế,
chắc chắn ai cũng đoạt giải Nobel, thì thế giới này toàn là những người mẫu của
Tin Mừng. Và như thế không còn ai sợ sự dữ ập đến ! Vậy ta đừng quy trách nhiệm
cho Thiên Chúa làm khổ con người, vì "Thiên
Chúa không kêu gọi chúng ta vào đàng ô uế mà là để nên thánh" (1Tx
4,7). Đó quyền Chúa đòi buộc mọi người, chứ con người không được đòi hỏi Chúa
điều gì nữa !
V. LỜI GIẢNG
PHẢI DO CHÚA THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG NHẰM MỤC ĐÍCH XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN.
Trong ngày Truyền tin, khi Mẹ Maria biết nói tiếng “Xin
Vâng !’’ Chúa Thánh Thần làm cho Đức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa ; và từ phút
ấy Mẹ đã mang Chúa đến cho loài người. Ba mươi năm sau, Con Đức Maria vào hội
đường ở Nadareth, mở Sách ngôn sứ Isaia đọc, rồi gấp sách lại, Ngài nói : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi’’ (x Lc
4,18), thì lần này không phải là lúc Chúa Cha ban Thánh Thần riêng cho Đức Giêsu,
nhưng là lúc Thánh Thần tuôn đổ trên cộng đoàn những kẻ biết đón nhận Lời. Cụ
thể Chúa Thánh Thần ban đặc sủng cho riêng mỗi người : “Người được ơn làm Tông Đồ, kẻ thì được ơn nói tiên tri, người được ơn
làm phép lạ… cốt để xây dựng nên một
Thân Thể mầu nhiệm của Đức Giê-su là Hội
Thánh Ngài !’’ (1Cr 12,12-30 : Bài đọc II), đúng với Lời Kinh Thánh :“Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống’’ (Ga
6,63 : Đáp ca).
Truyện kể :
Một
Linh mục thao thao giảng trong tuần Tĩnh tâm, thu hút được rất nhiều người đến
nghe, linh mục cảm thấy mình tuyệt quá, nhất là năm nay giảng thành công chưa
từng thấy.
Trong
suốt tuần Tĩnh tâm, có một cụ già luôn đến sớm và ngồi hàng ghế đầu tiên, tỏ vẻ
chăm chú nghe cha giảng. Sau tuần tĩnh tâm, cha hỏi ông cụ
:
- Cụ nghe thế nào? Tuyệt không ?
- Thưa cha, con nghe câu sau thì quên câu trước, con lại là người thất
học, với tuổi già này, làm sao con hiểu được những lời cao siêu cha giảng! Con
đến nhà thờ sớm để có chỗ trên ngồi, tránh làm chia trí mọi người và cầu nguyện
cho cha thôi.
Lúc ấy Linh mục mới nhận ra
rằng : kết quả việc mình làm hôm nay còn tùy nhiều người cầu nguyện cho, để ơn
Chúa đổ xuống thêm. Đúng như lời thánh Phao-lô nói :
“Tôi trồng, anh tưới, Thiên Chúa mới làm cho mọc lên!” (1 Cr 3,6).
THUỘC
LÒNG.
Tôi giảng
chẳng cần lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của
Lời Chúa và quyền năng Thiên Chúa (1Cr 2,4).
http://phaolomoi.net
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH