BÀI GIẢNG
LỜI CHÚA
LÀM CHO NGƯỜI LÀNH KẺ DỮ SỐNG HÒA HỢP
Đức
Giêsu nói với ông Nicôđêmô : “Thiên Chúa
yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải
chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3,16). Nhưng muốn được Ngài cứu độ ta
phải tin yêu Ngài, thể hiện bằng “chịu Phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để
được ơn tha tội và được lãnh nhận ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,38). Vì “dưới gầm trời này, không một danh nào khác
đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ”
(Cv 4,12), đồng thời ta còn phải tin và hiệp thông với Hội Thánh là Thân Thể Mầu
Nhiệm Chúa Kitô (x Ep 5,23b). Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài và Chúa Cha
chỉ nói với loài người qua Hội Thánh Công Giáo mà thôi. Như Đức Giêsu đã nói “Cha tôi giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai
biết Người Con là ai trừ Chúa Cha, cũng không ai biết Chúa Cha là ai, trừ Người
Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho. Chúa Cha đã giấu không mạc khải cho
bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những
người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21-22 : Tin
Mừng). Như vậy ai đã thuộc về Hội Thánh, thì đều được Chúa mạc khải cho, để dù
họ có sống chung với “dã thú” (kẻ ác), họ cũng giống “Đức Giêsu trong hoang địa bốn mươi đêm ngày, sống giữa dã thú mà chúng
không làm hại Ngài, và các thiên thần đến hầu hạ” (Mc 1,12-13 = Is 11,6-9 :
Bài đọc). Một khi chúng ta đã xác tín Chúa Giêsu chỉ trao cho Hội Thánh quyền công
bố Lời Ngài, để loài người được sống hạnh phúc và bình an, thì ta phải tuyên
xưng cho đồng loại về Đức Tin của mình.
I. CHỈ CÓ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO MỚI NÓI ĐÚNG Ý CHA TRÊN
TRỜI.
Xác
quyết như thế không phải là người Công Giáo muốn “vơ phần chăn” về phía mình,
mà căn cứ vào một số chứng từ trong mạc khải sau đây :
1- Chúng ta
biết Đức Giêsu chấm dứt giảng và trao quyền giảng cho Hội Thánh từ lúc Ngài bị
đưa ra tòa án. Thực vậy, thượng tế
Caipha – chánh án – hỏi Đức Giêsu : “Ông
dạy giáo lý thế nào, nói cho chúng tôi nghe ?” Đức Giêsu đáp ngay : “Tôi đã không nói gì bí mật cả, tôi đã nói công khai nơi các hội đường
và nhà thờ, hằng ngày tôi giảng dạy ở đó, cứ vào đó mà hỏi người đã nghe tôi
nói ” (Ga 18,19-21).
Chúng ta để ý đến hai điều Đức Giêsu nói với thượng
tế Caipha.
· “Hằng ngày tôi giảng dạy trong Nhà Thờ” :
Đó chính là ở Nhà Thờ Hội Thánh hằng ngày giảng dạy cho dân (x Cv 2,42-46). Đức
Giêsu chỉ có hai lần trong đời Ngài giảng tại đền thờ : Lúc 12 tuổi (x Lc
2,41t) và khi Ngài đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền thờ (x Lc 19,47).
· “Vào Nhà Thờ hỏi người nghe tôi nói” :
Tức là vào Nhà Thờ nghe lời Hội Thánh giảng dạy khi cử hành Phụng vụ, nhất là
Thánh Lễ, dù không ai thấy Chúa Giêsu nhưng Đức Tin dạy ta trong Thánh Lễ, Chúa
Giêsu trực tiếp giảng dạy (x Dt 1,1-2). Vì Đức Giêsu đã nói : “Ai nghe lời môn đệ Ta là nghe Ta, và hết
thảy ai khước từ môn đệ Ta là khước từ Ta, và khước từ Đấng đã sai Ta” (Lc
10,16).
Một
kịch tính xảy ra nơi tòa án : Nơi tòa án, khi Đức Giêsu trả lời câu hỏi giáo lý
của thượng tế Caipha : “Cứ hỏi người nghe
tôi nói”, thì trong sân tòa, người
ta liền hỏi ông Phêrô, thủ lãnh Nhóm Mười Hai đã từng được nghe Đức Giêsu giảng dạy :
-
Chắc bác thuộc về ông Giêsu ?
Ông
Phêrô giật bắn người lên, chối ngay :
-
Tôi không hề biết ông ấy.
Ở
sân ông Phêrô chối Thầy, thì trước tòa án, Đức Giêsu lại giục người ta : “Cứ hỏi người đã nghe tôi nói”. Thế là người khác lại đến hỏi ông
Phêrô :
-
Tôi biết bác ở vườn Cây Dầu với ông Giêsu mà ?
Ông
Phêrô lại kéo gân cổ lên thề :
-
Tôi thật không biết gì về ông Giêsu đó cả!
Đức
Giêsu thấy Phêrô còn chối, Ngài lại bảo người ta:
- Cứ
hỏi người nghe tôi nói.
Thế
là một đứa tớ gái cất tiếng hỏi ông Phêrô :
-
Nghe giọng bác nói, tố cáo bác là người Galilê, đồng hương với ông Giêsu ?
(Không biết người khác nghe giọng ta nói, họ có nhận ra ta là người Công giáo,
thuộc về Đức Giêsu hay không?!)
Ông
Phêrô vẫn quyết liệt chối :
-
Tôi thề là tôi thật không biết chị nói gì ?
Tức
thì gà liền gáy, ông Phêrô sực nhớ lại lời Thầy đã nói cho ông biết: “Trước khi gày gáy, con đã chối Ta ba lần
!” Ông òa lên khóc, tỏ dấu sám hối!
Sự
việc trên đây đã xác quyết với mọi người : ĐỨC GIÊSU CHẤM DỨT GIẢNG, VÀ NGÀI ĐÃ
DỨT KHOÁT TRAO QUYỀN GIẢNG LỜI CHO HỘI THÁNH CÔNG GIÁO TỪ LÚC NGÀI BỊ LÊN ÁN TỬ
! Dù những vị chủ chăn trong Hội Thánh có bất xứng như ông Phêrô chối Thầy, Đức
Giêsu cũng vẫn bảo mọi người : “Muốn biết giáo lý tôi dạy, cứ vào nhà thờ
hỏi người đã nghe tôi nói!” Chứ Ngài
không bảo ai đến gặp vị thánh nào, hay thiên thần nào mà hỏi (x Ga 18,19t ; Mt
26,69t).
2- Để xác tín thêm tầm quan trọng mọi người
phải nghe Lời Chúa qua Hội Thánh Công giáo, chúng ta nhớ lại lúc Chúa Cha giới
thiệu Con chí ái của Người với ba môn đệ Đức Giêsu ở núi Hiển Dung, và Chúa Cha
đã buộc mọi người phải nghe Lời Con của Người giảng dạy, thì Đức Giêsu lại ra lệnh cấm các Tông Đồ, không được nói
lại cho ai lời Cha mới truyền, cho đến khi Con Người từ cõi chết sống lại ! (x
Mt 17) Không lẽ Đức Giêsu chống lại lời Chúa Cha vừa nói sao? Thưa không, Đức
Giêsu bảo các Tông Đồ phải im lặng cho
đến khi Con Người từ cõi chết sống lại, vì hai lý do :
- Lời giảng của Đức Giêsu khi còn trên dương
thế đã có Mẹ Maria chỉ dẫn cho mọi người : “Hãy
đến cùng Giêsu, Ngài bảo gì cứ làm theo” (Ga 2,5).
- Khi Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, Ngài
không giảng cho dân, nhưng là Hội Thánh (x Mt 28,19-20). Vì Ngài đã chấm dứt
giảng và trao quyền giáo huấn cho Hội Thánh ngay từ lúc Ngài bị xử án, như
chúng ta mới xác quyết trên đây. Cho nên lệnh Đức Giêsu cấm các môn đệ không
được nói lại Lời Chúa Cha phán bảo “hãy
nghe Lời Con chí ái của Ta”, đã trở thành lời giải thích : LỜI CHÚA CHA
BUỘC PHẢI NGHE LỜI CHÚA GIÊSU, CHÍNH LÀ PHẢI NGHE LỜI GIẢNG CỦA HỘI THÁNH CÔNG
GIÁO!
3- Tin Mừng chúng ta mới được nghe, thánh
sử Luca ghi nhận : “Được Thánh Thần
tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con
xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết
những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó
là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21 : Tin Mừng).
- Chúa Cha không mạc khải
cho “hạng khôn ngoan thông thái” là
những đầu mục và các thượng tế tự mãn đã nắm trọn chân lý, vì đã thông suốt
Luật Môsê, thế mà họ lại tìm cách diệt Đức Giêsu và ngăn cản không muốn cho ai tin
theo Ngài (x Ga 7,40-52).
- “Kẻ bé mọn” là người kiên trì sống Đức Ái trong Hội Thánh Công Giáo,
họ hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, vì thế. Ta không chỉ hiểu “kẻ bé mọn” là trẻ
con hay người thấp cổ bé miệng, nghèo khổ, mà nhất là phải hiểu “kẻ bé mọn” là
người thuộc về Hội Thánh Chúa Kitô. Đan cử :
* Đức Giêsu bảo các môn đệ : “Nếu các con không trở nên trẻ nhỏ, thì sẽ không vào được Nước Thiên Chúa”
(Mt 18,3), và Ngài còn nói : “Hỡi các con
thơ bé, Ta chỉ còn ở với các con với các con một ít nữa thôi” (Ga 13,33). Tuy
thế “chúng con đừng sợ, hỡi đoàn chiên
nhỏ bé, vì Cha các con đã khấng ban Nước Trời cho các con” (Lc 12,32).
* Thánh Gioan cũng gọi các tín hữu bằng thuật ngữ “các con thơ bé” trong các thư ông viết
cho giáo đoàn, dù trong cộng đoàn có những người lớn tuổi hơn ông (x 1Ga
2,1.12.14.18.28).
4- Thực vậy sau khi ông Phêrô – thủ lãnh
Hội Thánh - tuyên xưng Đức Tin về Đức Giêsu : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, thì được Ngài xác
nhận ngay : “Này anh Simon, con ông
Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều
ấy, nhưng là Cha Thầy Đấng ngự trên trời”. Trong khi đó có nhiều người ngoài Nhóm Mười Hai nói tốt về Đức
Giêsu : “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlya, có người lại
cho là ông Giêrêmia, hay một trong các vị ngôn sứ”. Thế mà Đức Giêsu không
xác nhận là Cha trên trời cho họ nói, ngoại trừ ông Phêrô (x Mt 16,13-20).
5- Cũng vì vậy mà Đức Giêsu đã nói với mọi
người : “Ai nghe lời môn đệ tôi là
nghe tôi và nghe Đấng đã sai tôi, và ai khước từ môn đệ tôi là khước từ tôi, và
khước từ Cha tôi” (Lc 10,16).
6- Vì chỉ có Hội Thánh Công Giáo công bố
Lời Chúa, nên thánh Phaolô đã nói với giáo đoàn Galata : “Dù các thiên thần từ trời xuống trần gian đến giảng Lời Chúa khác
với chúng tôi, thì nó là đồ chúc dữ !” (Gl 1,8)
Vậy nếu có ai đó trăn trở muốn tìm hiểu Lời Chúa nhiều, khi đến dự
Phụng Vụ của Công Giáo, vẫn chưa thỏa mãn, nên tìm đến nhà thờ Tin Lành, thì có
nên không? Tưởng rằng ai đã nắm vững giáo lý của Công Giáo thì có thể đến nhà
thờ Tin Lành nghe thêm được. Nhưng nếu
người Công Giáo nào còn non yếu về giáo lý, thì chớ nên tới đó, vì hai lý do :
a-
Về mặt tâm lý :
Anh em Tin Lành chủ trương mỗi người tự đọc Thánh
Kinh và tự hiểu. Ai hiểu thế nào, thì Chúa dạy như vậy! Nếu thế ở bên Hoa Kỳ có
trên 1.000 nhóm hiểu Thánh Kinh khác nhau, mỗi nhóm tự lập ra Hội Thánh riêng,
có Nhà Thờ riêng và nhóm nào cũng cho Hội Thánh của mình mới hiểu đúng Lời
Chúa. Do đó, có một số người quá khích kết án nhóm khác là tà đạo. Bởi thế dù
Tin Lành ở Mỹ nhiều hơn mọi quốc gia khác, nhưng họ không mạnh vì thiếu hiệp
thông. Thế thì tôi biết chọn nhà thờ Tin Lành nào giảng đúng ý Chúa ? Vả lại
nếu có hai điều đúng mà thiếu hiệp thông, đã trở thành điều ác ! Ví dụ : vợ nói với chồng : Bán nhà ở thành phố về quê
mua đất rộng rãi, làm nhà cho các con ở thoáng mát, con cái lại không vướng tật
xấu ở chốn đô thị, dễ dạy và đỡ hư hơn. Vợ nói đúng. Nhưng chồng lại nói : Về
quê, việc học của con cái không thuận lợi, tôi về đó không kiếm được việc làm
theo khả năng, làm gì ra tiền để nuôi gia đình, đang khi tôi có một công việc
rất tốt ở thành phố ! Chồng nói đúng. Nếu chồng cứ làm theo ý của mình, và vợ
cũng khư khư làm theo điều đã quyết định, thì chắc chắn gia đình sẽ tan vỡ! Đấy
mới chỉ có hai điều đúng mà thiếu hiệp thông, đã trở thành điều ác ! Huống hồ
cả trên 1.000 Hội Thánh Tin Lành không hiệp thông, thì sự ác sẽ gia tăng thế
nào ?! Điều này khác hẳn với Giáo Hội Công Giáo, mọi Nhà Thờ Công Giáo trên
khắp thế giới các chủ chăn đều cùng một Đức Tin, giải thích Lời Chúa cho dân.
b- Về mặt tín lý :
Anh em Tin
Lành chỉ dựa vào Thánh Kinh để cắt nghĩa.Trong Hội Thánh Công giáo, ai muốn cắt
nghĩa Lời Chúa, phải dựa giáo huấn của Công Đồng Vat.II trong Sắc Lệnh về Nhiệm
Vụ Mục Vụ của các Giám Mục số 14 dạy :
Bài giáo lý phải dựa trên năm nguồn sau :
1* Thánh Truyền : Có trước văn tự, văn tự là con đẻ,là một phần của Thánh Truyền. Vì
Lời Chúa trong Tân Ước mãi tới khoảng năm 60 mới có ông Marcô viết đầu tiên,
ông chỉ tóm tắt ghi lại một phần nội dung chính từ các bài giảng của thánh Phêrô.
Ta lại biết lời giảng thì sinh động và phong phú hơn bài viết, văn bản chỉ tóm tắt lời giảng,và Chúa cũng
không bảo các môn đệ viết Lời Chúa trao cho người khác, mà Ngài chỉ ra lệnh : “Chúng con hãy đi giảng dạy cho muôn dân…”
(x Mt 28, 19-20).
2* Thánh Kinh : Đức Giêsu không để lại cho ai một chữ nào, mà Ngài chỉ dùng tám chứng
nhân : Matthêu, Marcô, Luca, Gioan, Phaolô, Giacôbê, Phêrô, Giuđa, để viết bộ
Tân Ước. Cả đến sổ bộ Kinh Thánh chúng
ta đang có : Cựu Ước gồm 46 tác phẩm ; Tân Ước có 27 tác phẩm. Bộ Kinh Thánh
này đã được Hội Thánh định tín cho chúng ta : Toàn bộ Kinh Thánh Cựu và Tân Ước
gồm có 73 cuốn. Do đó cuốn nào ngoài sổ bộ Thánh Kinh Công Giáo, dù đó là tác
giả Luca, Phêrô, Giacôbê … thì sách ấy chỉ được xếp vào loại Ngụy kinh.
Mặt
khác, khi ta đọc Thánh Kinh, muốn hiểu đúng ý Chúa, ta phải dựa vào nguyên tắc quan
trọng này : “Giá trị của Cựu Ước được thể
hiện trong Tân Ước ; giá trị của Tân Ước đã tiềm ẩn trong Cựu Ước.” (Hiến
Chế Mạc Khải số 16). Nói cách khác, Cựu Ước là nụ, Tân Ước là bông, cánh chung
mới có trái tốt! Bởi đó những gì ở Cựu Ước không được thể hiện nơi giáo huấn
của Đức Giêsu hay trong giáo lý của Hội Thánh, thì đó chỉ là yếu tố loài người,
chứ không phải là ý Chúa.
Giáo lý Hội Thánh dạy ta biết
một đoạn văn Thánh Kinh có thể được tìm thấy bốn ý nghĩa :
§ Nghĩa văn tự dạy
về biến cố.
§ Nghĩa ẩn dụ dạy điều
phải tin.
§ Nghĩa luân lý
chỉ việc phải làm.
§ Nghĩa dẫn đường
dạy điều phải vươn tới.
(theo GLHT số 115-119)
3* Giáo huấn của Hội Thánh : như Công
Đồng Giêrusalem, Công Đồng Êphêsô, Công Đồng Trentô, Công Đồng Vat. II … và
sách Giáo Lý Roma
4* Các sách Phụng Vụ : Như sách Lễ Roma,
sách Kinh Phụng Vụ, sách Các Phép .
5* Giáo Luật : Những hướng dẫn về giáo
lý, những kỷ luật mọi sinh hoạt mục vụ của Hội Thánh.
Vậy mỗi khi ta dự Thánh Lễ, dù mắt
xác thịt không nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng với mắt đức tin ta phải xác tín rằng
: Chúa Giêsu trực tiếp nói với ta (x Dt 1,1), miễn là người giảng phải dựa vào
các bản văn Thánh Kinh đã được Hội Thánh chọn trong mỗi Thánh lễ, mà trình bày
các mầu nhiệm đức tin và các quy tắc cho đời sống Kitô hữu (x Hiến Chế Phụng Vụ
số 24 và 52).
Khi
ta đến dự Phụng Vụ Thánh Thể, không phải ta chỉ được nghe Lời Chúa mà thôi, mà
còn được ăn Chúa Giêsu Phục Sinh (rước Lễ) để trở nên cùng một nguồn gốc, một xương
thịt, cùng một sự sống với Chúa Giêsu (x Dt 2,11.14 ; Ga 6,57), đó là phúc lớn
nhất hơn xưa các tổ phụ Do Thái mong ước mà không được, đúng như lời Đức Giêsu
đã nói với các môn đệ : "Phúc thay
mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em
biết : nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà
không được thấy,muốn nghe điều anh em đang nghe,mà không được nghe"
(Lc 10,23-24 : Tin Mừng). Niềm vui cứu độ này làm bật miệng chúng ta hô lên : “Kìa Chúa chúng ta ngự đến uy quyền, sẽ chiếu
tỏa ánh quang cho tôi tớ Người rạng ngời đôi mắt” (Tung Hô Tin Mừng).
II. LỜI CHÚA GIÚP TA SỐNG HÒA HỢP VỚI CÁC “DÃ THÚ”.
Ngôn
sứ Isaia đã nói về ngày Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ loài người : “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên
dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt
chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái,con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng
ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai
sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp
núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa
sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển” (Is 11, 6-9 :
Bài đọc).
Mà
thực chỉ những ai sống trong Hội Thánh mà cầu nguyện với Chúa Giêsu, thì chẳng
những không sợ “chó sói”, “rắn lục”, hay “rắn hổ mang” mà còn biến “chúng”
thành Tông Đồ xuất sắc cho Chúa Kitô. Cụ thể, Phó tế Stêphanô bị “sói Saulo” ôm
áo cho những “con rắn lục” ném đá ông cho đến chết. Như thế Phó tế Stêphanô đang
sống giữa “dã thú”, nhưng nhờ lời cầu nguyện của Stêphanô cho “sói Saulo”, kết quả “sói Saulô”
trở thành Tông Đồ Phaolô xuất sắc của muôn dân (x Cv 7,54t – Cv 9).
Nhưng chỉ khi nào chúng ta được về Thiên Đàng với
Chúa, lúc ấy mới thấy được hết giá trị Lời Chúa giúp cho ta sống giữa “dã thú”
mà chúng không làm hại. Còn bây giờ Chúa vẫn cho phép “dã thú” vây ta, nên ta còn
phải chịu đựng, tha thứ, cầu nguyện cho những “dã thú” đang gầm gừ muốn cắn xé
ta, để “triều đại Người đua nở hoa công
lý, và thái bình thịnh trị đến muôn đời” (Tv 72/71,7 : Đáp ca). Và có thể
nói với mọi người : “Kìa Chúa chúng ta
ngự đến uy quyền sẽ chiếu tỏa ánh quang cho tôi tới Người rạng ngời đôi mắt”
(Tung Hô Tin Mừng).
Nhờ
giáo huấn qua các Bài đọc hôm nay, ta xác tín rằng : Mỗi khi đi dự Lễ, ta được
nhiều ân phúc hơn lòng mong ước, thế nhưng bản tính xác thịt con người mấy ai
ham thích ? Có lần cuối Thánh Lễ, tôi nói với thiếu nhi :
-
Sáng mai cha dẫn chúng con ra tiệm đãi mỗi em một tô phở.
Thì
tất cả các em đều nhảy mừng :
-
Chúng con cám ơn cha.
Sau
đó, tôi lại nói với các em :
-
Sau khi ăn phở xong, cha dẫn chúng con đi tắm biển Nha Trang.
Thế
là mọi em nhảy lên vỗ tay :
-
Hoan hô, hoan hô.
Cuối
cùng, tôi nói :
-
Sau chuyến đi chơi về, cha sẽ có Thánh Lễ dành riêng cho thiếu nhi mỗi tuần.
Nghe thế mặt mọi em sụ xuống, buông tiếng thở dài !
THUỘC LÒNG
Khi còn trung thành với Lời Chúa, môi
trường ta sống là vườn Địa Đàng ; khi ta bất trung với Lời Chúa, vườn Địa Đàng
trở thành Địa Ngục, vì “gai góc” mọc lên cho ta (x St 2-3).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH