BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC :
Đn 7,2-14
2
Tôi là Đa-ni-en. Ban đêm, trong một thị kiến, tôi đang mải nhìn thì kìa: gió
bốn phương trời khuấy động biển cả;3 bốn con thú lớn từ biển lên,
mỗi con mỗi khác:4 Con thứ nhất giống như sư tử, lại mang cánh đại
bàng. Tôi nhìn theo cho đến khi đôi cánh của nó bị giựt mất; nó được nhấc lên
khỏi mặt đất và đặt đứng trên hai chân như một người; nó được ban cho một quả
tim người.5 Và này một con thú khác, con thứ hai, giống như con gấu.
Nó được đặt trong tư thế chỉ đứng một bên, mõm ngậm ba khúc xương sườn giữa hai
hàm răng. Người ta bảo nó như thế này: "Đứng lên, ăn thịt cho nhiều đi!
"6 Sau đó, tôi đang nhìn, thì kìa: một con thú khác giống như
con beo; hai bên mình nó, có bốn cánh như cánh chim. Nó có bốn đầu, và được
trao quyền thống trị.7 Rồi vẫn trong thị kiến ban đêm, tôi đang nhìn
thì kìa: con thú thứ tư đáng kinh đáng sợ và mạnh mẽ vô song; răng của nó bằng
sắt và rất to. Nó ăn, nó nghiền, rồi lấy chân chà đạp những gì còn sót lại. Nó
khác hẳn tất cả các con thú trước. Nó có những mười sừng.
8 Tôi đang chăm chú nhìn
các sừng, thì kìa: giữa các sừng này, một sừng khác, nhỏ hơn, mọc lên; và ba
cái trong các sừng trước bị nhổ đi trước mặt cái nhỏ. Và kìa: có những con mắt
như mắt người trên sừng ấy, và có một cái mồm nói những điều quái gở. Thị kiến
về Đấng Lão Thành và về Con Người 9 Tôi đang nhìn thì thấy đặt những
chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an toạ. Áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu
Người tựa lông chiên tinh tuyền. Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của
ngai cũng rừng rực lửa hồng. 10 Từ trước nhan Người, một sông lửa
cuồn cuộn chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Người,vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan. Toà
bắt đầu xử, sổ sách được mở ra.
11 Bấy giờ tôi mải nhìn vì
có tiếng ồn ào của cái sừng thốt ra những lời quái gở; tôi vẫn mải nhìn khi con
thú bị giết, thây nó bị huỷ diệt và làm mồi cho lửa.12 Những con thú
còn lại bị tước mất quyền thống trị, nhưng đời chúng được kéo dài thêm một thời
và một kỳ hạn. 13 Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì
kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần
bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. 14 Đấng Lão Thành
trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi
dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của
Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng
hề suy vong.
ĐÁP CA : Đn
3
Đ. Muôn
ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn. (c
59b)
(75)
Chúc tụng Chúa đi, này đồi xanh núi biếc, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy
tôn. (76) Chúc tụng Chúa đi,
kìa hoa lá cỏ cây, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn. (77) Chúc
tụng Chúa đi, hỡi suối nước tràn đầy, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn. (78) Chúc tụng Chúa đi, nào sông
sâu biển cả, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
(79)
Chúc tụng Chúa đi, kình ngư cùng thủy tộc, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy
tôn. (80) Chúc tụng Chúa đi,
hết mọi loài chim chóc, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn. (81)
Chúc tụng Chúa đi, gia súc lẫn thú rừng, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
BÀI GIẢNG
MUÔN LOÀI
CHỈ TỒN TẠI TRONG CHÚA GIÊSU
(Cl 1,19)
Vào
những ngày cuối năm Phụng Vụ, Hội Thánh hướng lòng mọi người về ngày cánh chung.
Ngày ấy “tất cả chúng ta đều phải được
đưa ra ánh sáng trước tòa Đức Kitô, để mỗi
người lãnh nhận tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm khi còn ở trong thân
xác” (2Cr 5,10). Như vậy, cánh chung là mùa thu hoạch của Chúa Giêsu. Vì
Ngài giáng trần đi gieo hạt giống Lời vào lòng người (x Lc 8,11), rồi đổ ân
sủng dồi dào bón tưới cho hạt giống để nó mọc lên, như Đức Giêsu đã hô lên vào
cuối ngày Đại Lễ : “Ai khát thì hãy đến
với Ta và hãy uống. Kẻ tin vào Ta như Kinh Thánh đã nói : tự lòng Ngài có những
sông tuôn chảy nước trường sinh” (Ga 7,37-38). Đúng vậy, chỉ những ai tham
dự Phụng Vụ, nhất là dự tiệc Thánh Thể, “họ
mới được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16), làm cho tâm hồn họ
phát sinh sự sống mới, hơn nước mưa thấm vào lòng đất (x Is 55,10-11), khởi đi từ
lúc họ lãnh Bí tích Thánh Tẩy, vì nhờ Bí tích này, họ được tháp vào Chúa Giêsu
là cây nho thật (x Ga 15) để trở thành giống nho tốt Thiên Chúa lượm khắp nơi
trên mặt đất đem trồng vào đất Hội Thánh của Ngài. Có thế họ mới là giống nho sai
trái ngọt lịm, thay thế cho giống nho Israel cũ, tuy là giống tốt nhưng
lại ra trái chua loét phải diệt đi (x Is 5, 1-7).
Đức
Giêsu còn ví Israel
mới (Hội Thánh) như cây vả vào mùa xuân đâm chồi nảy lộc, để tới mùa hè người
ta hái được trái vả dùng cho bõ công chăm sóc (x Lc 21,29-30 : Tin Mừng). Mùa
xuân ở đây Đức Giêsu muốn nói từ mùa Giáng Sinh đến mùa Phục Sinh. Mùa xuân này,Thiên Chúa vui thích ở với dân
Ngài, và tới mùa hạ (cánh chung), Ngài đến thâu hoạch hoa trái nơi loài người.
Dựa
vào Bài đọc năm lẻ (Đn 7,2-14), trong thị kiến Chúa cho ngôn sứ Daniel biết về
những dấu chỉ diễn tả ngày Chúa Giêsu trở lại trần gian để thâu hoạch hoa trái,
Ngài là Vua trên các vua, Chúa trên các chúa, vượt trên mọi quyền lực trong thế
gian đã được Ngài thông ban cho (x Ga 19,11), thì vào Ngày của Thiên Chúa, các
vua chúa phải tính sổ trước mặt Ngài. Những kẻ nào lạm quyền hành hạ dân, thì chúng
là những con thú :
- Con sư tử có cánh (x Đn 7,4), đó là đế quốc Babylon
do Nabukodonosor lãnh đạo, đã ra lệnh phá thánh địa Giêrusalem bắt dân Chúa đi
lưu đày.
- Con gấu (x
Đn 7,5), đó là đế quốc Mê Đi, khét tiếng độc ác, giết ai tùy tiện !
- Con beo (x
Đn 7,6), đó là đế quốc Ba Tư quyền lực mạnh đến nỗi đập tan đế quốc Babylon. “Con beo” này
dưới bàn tay của vua Kyros, đã giải phóng cho dân Do Thái thoát nô lệ Babylon và cho hồi hương
tái thiết đền thờ Giêrusalem .
-
Mãnh thú thứ tư (x Đn 7,7), dễ sợ, đáng khinh, dù nó rất hùng mạnh. Nó có nanh sắt to
lớn và vuốt đồng, có 10 sừng, đó là đế quốc Hy Lạp rất hùng mạnh, do đại đế
Alexandro thiết lập.
Cả bốn vương quốc trên đều xử quyền trên dân Israel
là dân Thiên Chúa tuyển chọn, dù chúng có sức mạnh vô song như có mười sừng
trên đầu, lại rất lanh lợi tinh khôn, mưu mô quỷ quyệt như những mắt trên sừng
chúng, chúng có miệng lưỡi uy quyền, phán ra thì như tiếng sét đánh vào dân bị
trị (x Đn 7,8).
-
Một sừng khác mọc lên (x Đn 7,8a), tức là vua Antiôkhô thứ tư Êpiphanê,
vua này phỉ báng Thiên Chúa, nhưng bị dòng họ Macabê đánh bại, kết thúc cuộc
bách hại dân Chúa (x 1Mcb 5,55-60).
- Thế rồi ba sừng nhỏ lại mọc lên (x Đn 7,8b), kế vị vua Antiôkhô, đó là ba vua:
Sêlêukut IV Philopator, rồi đến vua Đênêtrius, sau cùng là vua Holiđôrô, tất cả
các vua này đều bị nhổ sạch khỏi mặt đất.
Như vậy mọi quyền lực vô cùng dũng mãnh trên đây, đều
bị “Con Người (Chúa Giêsu) ngự giá mây
trời đến xét xử chúng, và Ngài chấm dứt quyền bính đã trao cho nó, để thiết lập
vương quốc của dân Thiên Chúa thuộc mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi ngôn ngữ. Vì
tất cả mọi dân tộc đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền
vĩnh cửu, không bao giờ mai một, Vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong”.
Đó chính là Hội Thánh Chúa Kitô vững mạnh tồn tại muôn đời, dù quyền lực Satan
có dấy lên cũng không thể triệt hạ được (x Mt 16,18). Vì Chúa Kitô là Đầu của
Hội Thánh và, Chúa Thánh Thần là linh hồn của Hội Thánh, nên Hội Thánh có sức
mạnh toàn năng của Thiên Chúa đạp nát đầu rắn Satan (x St 3,15).
Nhưng chân lý này chỉ biểu lộ cách trọn vẹn vào Ngày
của Chúa ra tay cứu dân Ngài như Chúa đã mạc khải cho ông Gioan qua thị kiến :
“Một thiên thần từ trời xuống, tay cầm
chía khóa vực thẳm, và một dây xích lớn. Người ấy bắt con Mãng Xả, tức là con
rắn xưa (xúi loài người chống ý Chúa) cũng là ma quỷ, và xích nó lại một ngàn năm (thời Thiên Chúa ra tay
cứu độ cho muôn thế hệ - x Xh 20,6 ; Gr 32,18), và quăng nó vào vực thẳm, rồi đóng cửa và niêm phong lại, để nó không
còn mê hoặc các nước. Tôi lại thấy những chiếc ngai có người ngồi trên đó, và
họ được ban quyền xét xử (quyền xét xử của các Tông Đồ được Chúa ban- Mt
19,28). Rồi tôi lại thấy hồn những người đã bị chém đầu vì đã rao giảng lời
chứng của Đức Giêsu, họ là những người không thờ lạy con thú (không thờ ngẫu
tượng), họ được sống lại hiển trị với Đức Ki-tô một ngàn năm. Tôi lại thấy đất
và trời biến mất trước mặt Người, không để lại một dấu vết, rồi hết thảy mọi
người đã chết đều sống lại đứng trước ngai. Sổ Sách đã mở sẵn, đó là Sổ Trường
Sinh. Các người chết được xét xử tùy theo những công việc họ đã làm, chiếu theo
những gì đã được ghi chép trong Sổ Sách.
Biển (tử
thần, satan – Kh 21,1) trả lại những người chết nó đang giữ. Tử thần bị quăng
vào hồ lửa là những kẻ không có tên trong Sổ Trường Sinh.
Bấy giờ trời
mới đất mới xuất hiện, vì trời cũ đất cũ đã biến mất. Biển không còn nữa : sự
ác, tử thần, satan không còn tồn tại. Một thành thánh Giêrusalem mới tự trời
nơi Thiên Chúa mà xuống, đó là những người được Chúa Kitô cứu độ trong ngày
cánh chung, họ sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón Tân Lang Giêsu” (Kh 20,1-4.11-21,2 : Bài đọc năm chẵn). Như thế thị
kiến của ông Gioan nói về đời sống Hội Thánh Chúa Kitô : “Đây là Nhà Tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại” (x Kh 21,3b : ĐC năm
chẵn). Những ai được dung thân trong Nhà Tạm này thì đều được Chúa Giêsu cứu
độ, lúc ấy họ mới thực sự là những người được “đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì ơn cứu độ đã đến” (Lc 21,28 : Tung
Hô Tin Mừng). Chiến thắng cứu độ này chắc chắn phải xảy đến, vì Đức Giêsu đã
khẳng định với các môn đệ : “Trời đất sẽ
qua đi, nhưng Lời Thầy nói sẽ không bao giờ qua” (Lc 21,33 : Tin Mừng).
Lịch sử loài người qua đi cùng với các đế quốc, cũng
như các bạo chúa, chúng đã được sinh ra, nhưng như không bao giờ có mặt, vì chúng
là loài thú, số phận cũng như muôn thú đều phải chết (x Gv 3,18-19). Chính vì
thế mà ông Gamaliel đứng giữa công nghị của Thượng hội đồng Do Thái lớn tiếng nói
: “Cơ đồ nào hay công trình nào do tự
loài người tất sẽ bị phá hủy ; nhưng nếu do bởi Thiên Chúa thì không ai phá hủy
nổi,kẻ nào phá sẽ vô ích lại còn lâm họa vì trở thành những kẻ đối địch với Thiên
Chúa” (Cv 5,38-39).
Vậy muốn được sống vinh quang muôn
đời trong Nước Thiên Chúa, ta phải thực hành Lời Chúa dạy : “Tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước và sự công
chính của Ngài còn những sự khác Ngài sẽ ban thêm sau” (Mt 6,33), có thế ta
mới không thua các loài thụ tạo, vì cả đến lửa hồng vây quanh ba chú bé Do Thái
cũng cùng với các chú hò vang ca tụng Thiên Chúa : “Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.” (Tc Đn 3,59b : ĐC năm lẻ).
Năm 1961,ý thức hệ Tư bản và Xã hội chủ nghĩa gia
tăng cực độ giữa dân tộc Đức, khiến họ đưa đến quyết định tôn trọng nhau : ai
thích Cộng sản thì ở Đông Đức ; còn ai ưa Tư bản thì sống ở Tây Đức. Nhưng làn
sóng người ở Đông Đức tràn qua Tây Đức mỗi ngày một gia tăng, khiến họ phải xây
bức tường chia đôi đất nước từ ngày 13-08-1961. Tường dài 700 km, cao 8m, dầy
3m. Tiếc thay bức tường dựng lên lại càng tăng thêm sự thù ghét giữa đôi bên!
Nhưng sau 3 giờ, ông Gorbachov,Tổng bí thu đảng Cộng
sản Liên xô gặp Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ông trở về nước tuyên bố giải
tán đảng Cộng sản. Tức khắc bức tường ô nhục Bá-linh bị phá đổ ngày 13-11-1989.
Bức tường ngăn cách giữa Tây Đức và Đông Đức cũng là
biểu tượng cho sức mạnh của lý thuyết Mác-Lê,nhưng lý thuyết ấy không mạnh bằng
Lời Thiên Chúa, vì trước đó hai năm Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố với
thế giới trong dịp Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ tại Pháp rằng : “Chân
lý sẽ giải phóng con người” (Ga 8,32). Chính sức mạnh của Chân Lý này
là nguyên nhân làm cho bức tường chia rẽ đó sụp đổ, nối lại tình thân giữa Đông
Đức và Tây Đức.
THUỘC LÒNG
Đức
Giêsu nói: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng
những Lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 21,33).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH