Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ BA CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN NĂM LẺ
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : 2Mcb 6,18-31

             18 Hồi ấy, có một người tên là E-la-da, một trong những kinh sư quan trọng tuy tuổi đã cao nhưng trông rất đẹp lão. Ông bị ép phải há miệng ăn thịt heo.19 Nhưng ông thà chết vinh hơn sống nhục, nên đã tự ý tiến ra nơi hành hình,20 sau khi đã khạc nhổ hết thịt ra. Ông đã làm như vậy theo thói thường của những người can đảm là từ chối những thứ Luật Lệ không cho phép ăn, dù phải ăn để sống.21 Vì quen biết ông E-la-da đã lâu năm, nên những người chủ toạ bữa tiệc cúng thần trái với Lề Luật, kéo riêng ông ra một chỗ. Họ khuyên ông nói với người ta đem thịt đến, thứ thịt được phép dùng, tự tay ông dọn lấy, rồi chỉ giả vờ ăn thịt cúng, như vua đã truyền.22 Làm như vậy ông mới thoát chết, lại còn được đối xử nhân đạo, vì trước kia ông đã xử tốt với họ.23 Nhưng ông đã có một quyết định dứt khoát, thật xứng với tuổi cao, và uy thế của bậc lão thành, với vẻ khả kính của mái tóc trắng phau vì lao tâm khổ tứ, với tác phong hoàn hảo từ buổi thiếu thời, nhất là phù hợp với Luật thánh do chính Thiên Chúa lập ra. Ông trả lời họ thật đích đáng là cứ việc đưa ngay ông xuống âm phủ.24 Ông nói: "Ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già E-la-da đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại.25 Rồi bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già.26 Dù hiện nay tôi có tránh được hình phạt của người ta, thì sống hay chết tôi cũng sẽ không thoát khỏi bàn tay của Đấng Toàn Năng.27 Vậy giờ đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già,28 và để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao quý, vì đã trung thành với các Lề Luật đáng kính và thánh thiện." Nói thế rồi, ông đi thẳng đến nơi hành hình.29 Những người điệu ông đến nơi đó đổi thiện cảm họ vừa có đối với ông thành ác cảm, vì họ cho những lời ông nói là điên khùng.30 Khi sắp chết vì đòn vọt, ông vừa rên vừa nói: "Đức Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, hẳn Người biết là dù có thể thoát chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những lằn roi gây đau đớn dữ dằn trong thân xác, còn trong tâm hồn, tôi vui vẻ chịu khổ vì lòng kính sợ Người."

31 Con người ấy đã từ giã cuộc đời như thế đó. Cái chết của ông để lại không những cho các thanh niên, mà còn cho đại đa số dân chúng một tấm gương về lòng cao thượng và một hình ảnh đáng ghi nhớ về nhân đức.

ĐÁP CA : Tv 3

Đ.        Có Chúa đỡ nâng tôi.  (c 6b)

2 Lạy Chúa, thù địch con đông vô kể, người nổi dậy chống con thật quá nhiều! 3 Quá nhiều kẻ đang nói về con: "Chúa Trời đâu cứu hắn! "

4 Nhưng lạy Chúa, chính Ngài là khiên che thuẫn đỡ, là vinh dự của con, là Đấng cho con được ngẩng đầu bất khuất.5 Tôi vừa cất tiếng kêu lên cùng Chúa, Chúa liền đáp lại từ núi thánh của Người.

6 Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ, rồi thức dậy, vì Chúa đỡ nâng tôi. 7 Tôi chẳng còn phải sợ lũ người đông vô số đang vây bọc quanh tôi.

BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG : 1Ga 4,10b

            Hall-Hall : Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Hall.

TIN MỪNG : Lc 19,1-10

            1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! "6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! "8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn."9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."

 

BÀI GIẢNG
KHÔNG GÂY CỚ VẤP PHẠM NHƯNG LÀM GƯƠNG SÁNG

            Muốn không gây cớ vấp phạm, ta phải giữ Luật ; và muốn làm gương sáng ta phải sống hơn Luật dạy.  Qua các Bài đọc trong Thánh Lễ  hôm nay, vừa cho ta mẫu người giữ Luật để không gây cớ vấp phạm, vừa cho ta mẫu người làm hơn điều Luật dạy để gây gương sáng.

1/ GIỮ LUẬT ĐỂ KHÔNG GÂY CỚ VẤP PHẠM.

            Nếu ông Êlêada giả vờ ăn thịt heo vẫn không lỗi Luật – chỉ vi phạm Luật khi ăn thịt heo (x Lv 11,7-8), sống như thế là khôn ngoan, được thoát chết lại còn được thăng quan tiến chức, thì ông cũng không ăn, vì ông không muốn ai khinh dể đã trên 90 tuổi mà còn ham sống để gây cớ vấp phạm cho giới trẻ (x 1Mcb 6,18-31: BĐ năm lẻ). Ông Êlêada can đảm chịu chết để không gây cớ vấp phạm, vì ông luôn nhẩm đi nhắc lại lời kinh : “Có Chúa đỡ nâng tôi” (Tv 3,6b : ĐC năm lẻ).

            Cũng thế, không có Luật nào buộc Đức Giêsu và các môn đệ phải nộp thuế Đền Thờ, nhưng để không gây vớ vấp phạm, Ngài bảo ông Phêrô : “Hãy ra biển buông câu bắt được con cá thứ nhất, ngươi hãy mở miệng nó và sẽ lấy lạng bạc, hãy lấy mà nộp thuế vào Đền Thờ, phần của Thầy và phần của anh”(Mt 17,24-27). Vì vậy thánh Phaolô khuyên : “Hãy coi chừng kẻo sự tự do của anh em nên dịp cho người yếu đuối sa ngã. Đừng để sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Ki-tô đã chịu chết để cứu chuộc ! Như vậy phạm đến anh em là làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ, là phạm đến Đức Kitô” (1Cr 8,9.11-12).    

Đức Giêsu kết án kẻ gây cớ vấp phạm: “Thà lấy cối đá buộc vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn” (Mt 18,6). Có nghĩa là kẻ gây cớ vấp phạm bị đồng hóa với Satan, bởi vì “biển” là sào huyệt của Satan, ngày cánh chung “biển” không còn nữa (x Kh 21,1).

2/ SỐNG VƯỢT TRÊN LUẬT ĐÒI HỎI ĐỂ LÀM GƯƠNG SÁNG.

            Ông Giakêu được Đức Giêsu đến thăm nhà,khiến cho nhiều người xầm xì với nhau. Họ nói : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! "Ông Giakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,7-8 : Tin Mừng).

            Chẳng có Luật nào buộc ông Giakêu phải làm như vậy. Việc đền bù theo Luật Do Thái đã quy định :

            - Khi lấy của ai bất cứ cái gì, trừ bò và chiên cừu, thì phải hoàn trả lại nguyên vật đó cho chủ, và thêm 1/5 cho chủ của (x Lv 5,21-24).

            - Nếu trộm chiên, bò hay cừu, lừa, mà chưa giết, thì phải hoàn trả lại con vật đó và phải bồi thường gấp đôi (x Xh 22,3).

            - Nếu gian lận chiên, bò hay cừu, lừa mà đã ăn thịt hay đem bán, trộm 1 bò thì phải trả lại cho chủ 5 bò, trộm 1 chiên, cừu, thì phải trả lại cho chủ 4 chiên, cừu (x Xh 21,37).

            Như vậy ông Giakêu làm nghề thu thuế, nếu ông có gian lận là gian lận tiền bạc, chứ không gian lận chiên cừu, bò, lừa, nên Luật chỉ buộc ông trả lại nguyên vẹn số tiền và thêm 1/5 cho chủ của! Thế mà ở đây, ông lại đền gấp bốn, trổi hơn Luật quy định! Rõ ràng ông đã làm quá điều Luật dạy. Vậy người Kitô hữu hãy bắt chước lối sống Đạo của ông Êlêada và ông Giakêu : vừa để tránh gây cớ vấp phạm cho người khác, vừa làm gương sáng cho mọi người nhất là giới trẻ và thiếu nhi.

            Có rất nhiều bạn trẻ thắc mắc : “Chúng tôi yêu nhau thì có được hôn nhau hay không?” Xin trả lời :

-  Không có Luật nào cấm nam nữ hôn nhau, nhưng nếu họ tự do trong việc này, thì liệu họ có giữ được tâm hồn trong trắng hay không? Kể cả vợ chồng có nên âu yếm nhau trước mặt con cái không ?

Cũng tương tự

-  Không có Luật nào buộc ta đi dự Lễ phải ngồi ở ghế trên, nên nhiều người đi Lễ cứ đứng ngoài Nhà Thờ ngó vào. Hỏi “xem” Lễ kiểu đó có làm gương sáng hay gây gương mù cho nhiều người ?

-  Không có Luật nào buộc ta phải đi dự Lễ cả tuần. Nên một giáo xứ ai cũng chỉ đi dự Lễ Chúa nhật, thì liệu đời sống Đạo của giáo xứ đó như thế nào? Trái lại, trong giáo xứ mọi ngày trong tuần ai cũng tham dự Thánh Lễ, thì Đức Tin và lòng Mến của giáo xứ đó bốc lên biết chừng nào ?

-  Không có Luật nào buộc người lớn phải đi học Giáo Lý, nên nhiều tín hữu sau khi lãnh Bí tích Thêm Sức, không bao giờ màng chi tới việc học hỏi Lời Chúa nữa, liệu đời sống Đạo người đó có biết Chúa Kitô hay không? Giáo huấn Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Mạc Khải số 25 nhắc lại lời thánh Giêrônimô khẳng định : “Ai không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”.

-  Không có Luật nào kết án ta hút thuốc là có tội, do đó ai cũng hút thuốc, thì liệu có sức khỏe không ? Có làm gương sáng cho trẻ em không ?

-  Không có Luật nào cấm ngày Tết không được chơi cờ bạc,nên nhiều người chủ trương không chơi cờ bạc, thì không ra Tết. Nếu một cộng đoàn đâu đâu ai cũng thấy từ trong nhà ra ngoài đường, người lớn cũng như trẻ nhỏ đều xúm lại chơi cờ bạc, thì liệu nơi đó có tránh được chửi thề đi đến gây gổ không ?

Vậy muốn giữ Luật để không gây cớ vấp phạm và làm gương sáng, ta phải làm hơn Luật đòi hỏi. Làm thế là ta có dịp đền tội mình và cũng là cách tìm gặp Thiên Chúa, đừng bắt chước Adam, Eva sau khi phạm tội, họ nghe tiếng chân Chúa đến thì vội tìm gốc cây ẩn mình! (x St 3,10) Hãy bắt chước ông Giakêu, khi biết mình có tội thì leo ngay lên cây để được thấy Đức Giêsu (x Lc 19,4). Tâm hồn khiêm tốn như ông Giakêu khao khát đi tìm Đấng giải thoát, ông được Đức Giêsu không chỉ vào nhà vật chất của ông, mà Ngài còn vào tận nhà tâm hồn, nên nhờ được ơn Chúa, ông dám bán cả gia tài chia cho người nghèo một nửa, phần còn lại, ông đền gấp bốn cho những ai ông đã làm thiệt hại. Tuy thế ông Giakêu vẫn còn thua xa tình yêu Thiên Chúa, như thánh Gioan nói : “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10b : Tung Hô Tin Mừng).

Ông Giakêu tuy dáng vóc thấp bé, nhưng tinh thần ông lại là người cao thượng nhất giữa rừng người đang theo Đức Giêsu, ông như một ngọn đuốc chiếu sáng giữa những kẻ giàu có chỉ lo hưởng thụ bị bị Đức Giêsu điểm mặt :

-  Ông Phú hộ được mùa, dư của mà không biết chia sẻ, ông nổi lửa đốt các kho cũ, xây kho mới lớn hơn và chất của vào đó, đoạn nhủ hồn mình : “Ăn uống vui chơi cho đã…” nhưng Thiên Chúa bảo nó : “Thằng ngốc,đêm nay ngươi ra khỏi thế gian” (x Lc 12,16-21).

-  Tên phú hộ thuộc đại gia, chỉ biết ăn nhậu, trên bàn của ăn thừa bứa mà không biết chia sẻ cho anh Ladarô nghèo khó nằm ngay đầu ngõ, chỉ vui đùa trong đàn ca múa nhảy giữa yến tiệc linh đình. Chung cuộc đời hắn là đằm mình trong lửa Hỏa ngục ! (x Lc 16,19-31).

Những loại người giàu có như thế, đã “lấy cái bụng làm chúa, vinh quang đặt nơi điều đáng xấu hổ, họ chỉ biết nghĩ đến những điều dưới đất” (Pl 3,19). Bởi thế trong thị kiến ông Gioan ghi lại Lời Chúa khiển trách :

Ta biết các việc ngươi làm, biết ngươi được tiếng là đang sống, mà thực ra đã chết. Hãy tỉnh thức! Hãy củng cố chút sức còn lại đang suy tàn, vì Ta nhận thấy các việc của ngươi không được hoàn hảo trước mặt Thiên Chúa của Ta. Vậy hãy nhớ lại: ngươi đã lãnh nhận và nghe Lời Chúa thế nào; hãy tuân giữ và hối cải! Vậy nếu ngươi không tỉnh thức, thì Ta sẽ đến như kẻ trộm, ngươi chẳng biết giờ nào Ta sẽ đến bắt chợt ngươi…. Như thế, ai thắng sẽ được mặc áo trắng; Ta sẽ không xoá tên người ấy khỏi Sổ Trường Sinh; Ta sẽ nhận người ấy trước mặt Cha Ta và trước mặt các thiên thần của Người. Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh. Đây là lời của Đấng A-men, là Chứng Nhân trung thành và chân thật, là Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng.Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta. Ngươi nói: "Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi"; nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng.” (Kh 3,1-6.14-17 : BĐ năm chẵn).

Hãy bắt chước ông Giakêu làm ứng nghiệm Lời Chúa kêu gọi : “Ta khuyên ngươi đến với Ta mà mua vàng đã thử lửa để làm giàu, mua áo trắng để mặc, khiến ngươi khỏi xấu hổ vì để lộ thân thể trần truồng, mua thuốc để xức mắt cho ngươi nhìn thấy được. Phần Ta, mọi kẻ Ta yêu mến, thì Ta răn bảo dạy dỗ. Vậy hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn! Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta. Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã thắng và ngự bên Cha Ta trên ngai của Người."(Kh 3,18-21 : BĐ và ĐC năm chẵn).

Như thế, cuối cuộc hành trình truyền giáo của Đức Giêsu, Ngài chỉ gặp được ông Giakêu giàu có đã biết dùng của cải đúng ý Chúa. Ông chính là hiện thân người đầy tớ lương hảo và trung tín : dùng yến bạc của chủ mà gây lời được mười yến, nên được chủ trao quyền lãnh đạo mười thành (x Lc 19,16-17). Ông xứng đáng đi chung đường với Đức Giêsu, long trọng khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem dâng Lễ (x Lc 19,28t); ông  Giakêu như một ống sáo vét rỗng, để Thần Khí Chúa thổi vào vang lên âm thanh du dương réo rắt, hòa với tiếng tung hô “chúc tụng Đấng nhân Chúa mà đến” của cả rừng người lớn nhỏ, họ đang trải áo lót đường cho Đức Giêsu đi, tay cầm ngành lá lúc lắc theo nhịp sáo. Trái lại, những kẻ chỉ lo hưởng thụ như phú hộ được mùa (x Lc 12,16-21), như người anh cả sợ em trở về chiếm gia tài (x Lc 15,11-32), như tên quản lý bất lương đã biển thủ số lời của chủ khi cho vay lúa và dầu (x Lc 16,1-13), và như tên phú hộ chỉ lấy cái bụng làm chúa, ăn uống xa xỉ mà không thương người nghèo nằm trước cổng nhà (x Lc 16,19-31). Chúng là những ống sáo đặc ruột, làm sao vang lên tiếng réo rắt để ca tụng Thiên Chúa, trong cuộc khải hoàn chiến thắng mọi sự dữ, hầu giải thoát con người được sống hạnh phúc dồi dào như Thiên Chúa?

Thực ra, ông Giakêu khi chia ½ gia tài cho người nghèo, đây chỉ có ý nêu giá trị của cải Chúa ban cho mỗi người, không phải chỉ dùng riêng cho mình, mà còn là của hết mọi người, nhất là những người mà ta có trách nhiệm. Bởi thế giáo huấn của Công Đồng Vat.II, trong Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng số  69 dạy : “Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dụng.Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo Luật công bằng là Luật đi liền với bác ái… Khi sử dụng của cải, con người phải coi của cải vật chất mà mình làm chủ một cách chính đáng không phải như của riêng mình, nhưng còn là của chung nữa : Nghĩa là, của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác. Vả lại, mọi người có quyền có một phần của cải đầy đủ cho mình và cho cả gia đình mình”.

Ông Giakêu chia sẻ kiểu đó, chắc chắn không được nhiều người ủng hộ, nhưng ông đã thực hiện lời Sách Thánh dạy : “Dù nước lũ có dâng lên, dù sóng thần có ập tới cũng không thể vùi lấp được tình yêu. Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời khinh dễ” (Dc 8,7). Thế nên triết gia Kierkegaard nói : “Làm một Kitô hữu mà không có chút điên khùng, thì không thể là một tín đồ của Chúa Kitô”.

Ông Giakêu chia sẻ vì tình yêu Đức Kitô thúc bách (x 2Cr 5,14). Và bởi ông dùng tiền của theo Giáo Lý Chúa dạy, ông đáng được Đức Giêsu chúc phúc : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu của tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,9-10 : Tin Mừng).

Vậy nếu ông Giakêu dùng của cải theo thói người đời, thì của cải ấy chỉ nuôi thân xác mọi người trong gia đình ông ở đời này mà thôi. Nhưng nếu ta sống Đạo “điên khùng” như ông Giakêu, thì ta phải chấp nhận đương đầu với nhiều kẻ kết án ta điên khùng, lúc ấy ta chỉ còn cầu cứu với Thiên Chúa : “Lạy Chúa, thù địch con đông vô kể, người nổi dậy chống con thật quá nhiều ! Quá nhiều kẻ đang nói về con : “Chúa Trời đâu cứu hắn”, nhưng lạy Chúa, chính Ngài là khiên che thuẫn đỡ, là vinh dự của con, là Đấng cho con ngẩng đầu bất khuất. Tôi vừa cất tiếng kêu lên cùng Chúa, Chúa liền đáp lại từ núi thánh của Ngài. Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ, rồi thức dậy, vì Chúa nâng đỡ tôi. Tôi chẳng còn phải sợ lũ người đông vô số đang vây bọc quanh tôi, vì có Chúa đỡ nâng tôi” (Tv 3,2-7 : ĐC năm lẻ).

Báo Khoa Học số 393 loan tin : Một bà cụ làm việc rửa chén cho một tiệm ăn, thế mà bà đã góp 100.000 Mỹ kim cho quỹ từ thiện của Liên Hiệp Quốc!

            Thấy vậy, ông Ted Turner, giám đốc Đài Truyền hình của Mỹ cũng góp cho Liên Hiệp Quốc một tỷ  USD !

Vậy bác ái là làm gương sáng cho nhau, như lời thánh Phaolô nhắc nhở : “Ta hãy nghĩ đến nhau mà lo đôn đốc lòng mến cùng các việc lành” (Dt 10,24).

THUỘC LÒNG

Việc chia sẻ cứu khỏi cho khỏi chết và không để rơi vào cõi âm. Vì trước nhan Đấng Tối Cao, của chia sẻ là một lễ vật quý giá (Tb 4,9-10).

 

http://phaolomoi.net

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

 

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: