BÀI GIẢNG
HỠI MUÔN LOÀI, HÃY NGỢI KHEN THIÊN CHÚA
Giáo lý Công giáo dạy ta biết rằng
: “Chúa ở khắp mọi nơi”, có nghĩa là mỗi loài thụ tạo đều diễn tả về sự toàn
năng, về chân, thiện, mỹ của Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra nó, khiến cho dân ngoại
tưởng lầm nó là thần, mà thờ lạy! Nhưng tác giả sách Khôn ngoan lên tiếng cảnh báo
: “Tại sao các ngươi không biết tôn thờ
Đấng tạo nên những vật kỳ diệu đó? Nếu các ngươi thấy các tạo vật ấy quá tốt
đẹp, thì Đấng tạo ra chúng còn tốt đẹp hơn nhiều, phải biết ngợi khen và tôn
thờ Đấng đã tạo dựng nên muôn vật kỳ diệu mới phải lẽ!” (x Kn 13)
Như
thế, loài vô tri, dù nhỏ bé như bông hoa dại, nó cũng biết khoe vẻ đẹp Chúa ban
cho,để ai thấy thế, thì phải nhận ra mình là một kiệt tác trong muôn loài Chúa
đã dựng nên.Do đó lẽ ra ai cũng phải biết nói về Thiên Chúa là Đấng toàn năng,
toàn thiện là Chúa Tể vũ trụ, để quy tụ nhiều người cùng chung với muôn tạo vật
mà ngợi khen Chúa, nếu không thì thua loài vật ! Tệ nhất là nếu ta câm
nín,không biết nói về Thiên Chúa, thì ta không được Chúa cứu độ, như thánh
Phaolô nói : “Có tin thật trong lòng mới
được nên công chính, có tuyên xưng ra ngoài miệng mới được Chúa cứu độ !”
(Rm 10,10)
Điều
nghịch lý trong Tin Mừng của Marcô cho biết suốt cuộc đời Đức Giêsu trên dương
thế, có biết bao nhiêu người đã từng chứng kiến các phép lạ Ngài làm, khiến ai
cũng phải kinh ngạc và khen ngợi: “Ông ấy
làm gì cũng tốt đẹp cả, ông làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ câm nói được” (Mc
7,37 : Tin Mừng). Nhưng trong loài người không ai biết nói “Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống”, kể cả các môn đệ đã đi theo Thầy Giêsu suốt ba năm, hằng
được ở bên cạnh Thầy, thế mà các ông cứ vẫn thắc mắc hỏi nhau rằng : “Ông này là ai mà cả biển và gió phải vâng
phục?” (Mc 4,41)
Có
lần Ngài quay lại hỏi các môn đệ : “Các
ngươi nói Ta là ai?” Ông Phêrô, vị thủ lãnh Nhóm 12 đại diện anh em phát
biểu : “Thầy là Đức Kitô” (x Mc
8,27-29). Kitô bởi động từ Christos có nghĩa là được xức dầu, thì có gì là đặc
biệt? Vì thời Cựu Ước, các vua chúa và các ngôn sứ đều được xức dầu khi được
trao sứ mệnh (x 1Sm 16,13 ; Is 61,1). Như thế, các Tông Đồ chỉ biết Thầy mình
là Đấng Kitô, thì Thầy của các ông cũng như
các vua chúa trần thế, hay là một ngôn sứ như các ngôn sứ khác mà thôi ! Vì các ông không biết nói về căn tính của Thầy Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống, mà chỉ biết Thầy là Đấng Kitô thì,
chỉ là những kẻ “ngọng”! Mãi đến khi Ngài bị đâm nát tim trên thập giá, nước và
máu chảy ra, dấu chỉ khơi nguồn các Bí tích, lúc đó Ngài mới mở miệng cho ông
sĩ quan Roma hô lên rằng : “Đích thực người này là Con Thiên Chúa !” (Mc 15,39). Mà ai biết nói như
thế, người đó đạt được sự sống đời đời,
như lời Đức Giêsu nói : “Sự sống đời đời
là chứng nhận Thiên Chúa là Cha duy nhất, chân thật và Đấng Cha sai là Giêsu
Kitô” (Ga 17,3).
Vậy
qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu, Ngài hoàn tất Hy Lễ mới đã
thiết lập, Ngài trở thành Con Chiên Thiên Chúa, đến gánh tội trần gian (x Ga
1,29), thay thế cho Hy Tế của Do Thái giáo giết chiên cừu tế lễ dâng lên Chúa. Ai
tham dự Hy Tế của Chúa Giêsu đã truyền cho Hội Thánh tiếp tục cử hành (x 1Cr
11,23-25), thì người ấy được Chúa Giêsu Thánh Thể chữa lành không còn bị điếc,
không còn bị ngọng (câm) về Ngài, nhưng biết mở miệng cùng với muôn tạo vật ca
tụng Thiên Chúa, là Đấng giàu lòng thương xót (x Ep 2,4) và là Đấng Cứu Độ duy
nhất (x Cv 4,12). Như thế, muôn loài thụ tạo không còn lâm vào cảnh hư nát, nhưng
được tham dự vào vinh quang của con cái Thiên Chúa! (x Rm 8,18-27). Và như vậy Chúa Giêsu đã hoàn
tất cuộc Sáng tạo mới.
Chính
vì lý do đó mà Tin Mừng Marcô chương 7,31-37, được Hội Thánh công bố trong
Thánh lễ hôm nay, đọc lại phép lạ Đức Giêsu chữa lành cho người điếc và ngọng
trong bối cảnh một cuộc sáng tạo mới qua dấu chỉ :
- Ngài đưa bệnh
nhân biệt riêng ra khỏi đám đông và đặt ngón tay vào lỗ tai nó (x Mc 7,33a). Việc Ngài làm không
ai được biết, vì chỉ có Ngài với bệnh nhân, giống như thuở xưa Thiên Chúa dựng
nên Ađam, Evà cũng không ai biết (x St 1.2).
- Ngài nhổ nước
miếng và bôi vào lưỡi anh, anh được hết điếc và ngọng tức khắc! (x Mc 7,33b). Đây là dấu chỉ khi
tim Ngài bị đâm thủng vào giờ Tử Nạn, nước từ cạnh sườn Ngài dốc ra. Nước ấy là
dấu chỉ khơi nguồn Bí tích Thánh Tẩy để tái tạo kẻ tin vào Ngài qua lời rao
giảng của Hội Thánh (x Cv 2,41 ; Gc
1,18).
Ta lại biết, trong đời của Đức Giêsu
có bốn lần Ngài chữa lành bệnh người ta, thì Ngài đều cấm họ không được nói cho
ai biết về Ngài :
1-
Chúa
chữa lành người cùi (x Mc 1,44).
2-
Chúa
phục sinh con gái ông Giairô (x Mc 5,41-43).
3-
Chúa
chữa lành người điếc và ngọng (x Mc 7,36).
4-
Chúa
mở mắt cho người mù (x Mc 8,26).
Đức Giêsu cấm người ta nói về Ngài
vì bốn lý do :
a/ Việc Ngài chữa lành bệnh không phải là mục đích chính Ngài đến trần gian. Vì việc chữa lành bệnh Chúa đã
cho nhiều thầy thuốc có khả năng làm điều đó. Thánh Tôma Tiến sĩ nói : “Mỗi vấn đề được giải quyết trong lãnh vực
của nó”, nghĩa là lãnh vực chữa bệnh phải cần thầy thuốc, phải cần uống
thuốc, chứ không phải cứ cầu nguyện, phó thác cho Chúa là hết bệnh, trừ phi
người ta đã làm hết cách mà bệnh không thuyên giảm, thì cho bệnh nhân lãnh Bí
tích Xức Dầu. Việc Đức Giêsu chữa lành một số bệnh nhân, là dấu chỉ về sứ mệnh
chính của Ngài là tha tội cho con người, thoát tay Satan !
b/ Chúa cấm người được lành bệnh không cho phép nói về Ngài, vì Ngài không giúp người ta để mong được đáp đền ơn, ơn Ngài ban là ơn nhưng không
(không do công nghiệp của ai), Ngài làm vì
thương, hoàn toàn vô vị lợi !
c/ Đức Giêsu cũng không muốn người ta tung hô Ngài là vị lãnh đạo dân Do
Thái. Thậm chí các
môn đệ cũng tưởng Thầy sống lại là đưa dân tộc lên siêu cường (x Cv 1,6). Nếu
để người ta tung hô Ngài, nghĩa là Ngài có sức thu phục nhiều người, gây cớ cho
chính quyền Roma hiểu lầm Ngài sẽ lên làm vua, chống lại họ, chắc chắn họ sẽ
gây khó dễ và giết Ngài sớm !
d/ Đức Giêsu chỉ muốn người ta nói về Ngài sau khi Ngài từ cõi chết sống
lại, vì lúc đó Ngài
mới chu toàn sứ mệnh cứu độ loài người mà Cha Ngài đã trao phó. Nói cách khác,
Ngài muốn ta nói về hiệu quả của Bí tích Thánh Thể,để thêm nhiều người lãnh Bí
tích Thánh Tẩy gia nhập Hội Thánh mới bảo đảm được cứu độ.
Bốn lần Đức Giêsu cấm người ta không
được nói về Ngài, thì lần I (chữa lành cho người cùi) và lần III (chữa lành cho
người điếc và ngọng), lệnh cấm không được tôn trọng! Điều nghịch lý này ông Marcô muốn nhấn mạnh
rằng : Việc rao giảng về Chúa Giêsu Kitô
không phải do Luật dạy hoặc Luật bắt phải làm, mà phải phát khởi bởi lòng yêu
mến, bởi lòng biết ơn Chúa đã quá thương yêu và cứu chuộc tôi! Nên cả đến Thiên
Chúa cũng không thể cấm tôi nói về Ngài được ! Vì tôi đã xác tín : “Tôi có sự thật về Đức Kitô, không ai bịt
miệng tôi được !” (2Cr
11,10). Bởi lẽ “tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi !” (2Cr 5,14). Đừng quên rằng nhiệm vụ ngôn sứ, ai cũng
phải gặp cay đắng, như ngôn sứ Giêrêmia : “Lắm
lúc tôi đã tự nhủ : Tôi không muốn nghĩ đến Chúa nữa, tôi sẽ không nói nhân
danh Người nữa ! Nhưng nơi lòng tôi như lửa bừng bừng bốc cháy, bị dồn ép trong
xương cốt tôi. Tôi hết sức nén lại, nhưng không tài nào nén được !” (Gr
20,9)
Luật chơi dế, con nào mà không
gáy, thì bị ngắt đầu, lấy tăm cắm vào đầu nó, rồi ngoáy ngoáy kích cho con khác
phải gáy ! Cũng thế, nếu tôi không biết “gáy” để kích thích người ta đến với Chúa Giêsu, tôi là kẻ ác nhất
trên đời, vì tôi đã giết cả hồn xác nhiều người mà quăng họ xuống Hỏa ngục ! (x Cv 20,26-27). Bởi đó, nếu tôi tự ý giảng về Thiên Chúa thì tôi có công, còn nếu
tôi không muốn làm, thì tôi cũng phải giảng, vì đó là trách nhiệm Chúa đã ký
thác cho tôi! (x 1Cr 9,16-17)
Sau khi Chúa Giêsu phục sinh,
chẳng những Ngài không cấm ai, mà còn ra lệnh cho những người đã biết về Ngài phải
đi khắp thế gian nói cho muôn dân biết (x Mt 28,19-20). Nhất là nói cho muôn
dân đến kết hợp với Chúa Giêsu khởi đi từ việc lãnh Bí tích Thánh Tẩy, để rồi
được hiệp dâng Thánh Lễ, thì được Ngài biến chết ra sống và được lãnh nhận hết
ơn này đến ơn khác, trào lên tâm hồn người đó, như Chúa đã dùng miệng ngôn sứ
Giêrêmia báo trước vào thời Thiên Chúa cứu độ : “Nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu.
Miền nóng bỏng biến thành ao hồ, đất khô cằn có mạch nước trào ra” (Is
35,6b.7a : Bài đọc I). Rao giảng về Đức Giêsu Kitô chắc chắn sẽ gặp nhiều chống
đối, nhưng đừng sợ, điều ấy đã được Chúa báo trước cho ngôn sứ Isaia : “Can đảm lên, đừng sợ !” (x Is 35,4 : Bài
đọc I). Đây là một thuật ngữ, được dùng riêng để nói về ai, khi Chúa trao sứ
mệnh cho họ (x Gs 1,6 ; Mt 1,20 ; Lc 1,13 ; Lc 1,30). Người lãnh đạo mà thiếu
can đảm, thì dù có nhân từ, đức độ, thông minh sáng suốt, người ấy cũng giống
như mục tử dẫn chiên đi ăn, gặp sói đến bỏ chiên mà chạy trốn!
Như thế, mỗi Kitô hữu phải có tinh
thần can đảm mới mở rộng và nối dài lời ngôn sứ Isaia : “Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em (khỏi
chết). Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc được nghe. Bấy giờ kẻ què sẽ
nhảy như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (x Is 35,4-6a : Bài đọc I).
Hãy “ca tụng Chúa đi hồn tôi hỡi” (Tv
146/145,1b : Đáp ca).
Sứ mệnh rao giảng cho mọi người
biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất (x Cv 4,12), không chỉ nhắm đến những
người giàu có, mà còn phải giảng Lời cho những kẻ thấp cổ bé miệng,kẻ nghèo
của, nghèo quyền, nghèo tài, nhất là nghèo Chúa, bị xã hội khinh dể, xa tránh,
và không được ai quan tâm đến. Người đời thường phân biệt đối xử cách vô đạo
khiến ông Giacôbê phải lên tiếng trách : “Giả
như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng
lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em
kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: "Xin mời ông ngồi vào chỗ danh
dự này", còn với người nghèo, anh em lại nói: "Đứng đó! " hoặc:
"Ngồi dưới bệ chân tôi đây! ", thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và
trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao? Anh em thân mến của tôi, anh em
hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người
đời, để họ trở nên người giàu Đức Tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho
những ai yêu mến Người hay sao?” (x Gc 2,1-5 : Bài đọc II).
Nhìn vào sinh hoạt nơi các giáo xứ
trong giờ Thánh Lễ, giờ Giáo Lý, đâu có mấy người vị vọng, trí thức, đại gia
tham dự! Cùng lắm chỉ giữ Luật dự Lễ ngày Chúa nhật vì sợ tội! Nếu các bậc này
tầm cỡ như thánh Phaolô, mà hằng ngày đi dự Lễ, ham thích học Giáo Lý, thì quả
là làm gương cho người nghèo hèn, rồi đi loan báo Tin Mừng, thì Chúa được vinh
danh biết mấy!! Thực tế thì :
-
Người
nghèo, đàn bà, con nít lại năng tham dự Thánh Lễ, thường có mặt trong các lớp
Giáo Lý. Đó chỉ là tốt thôi.
-
Nếu
các đại gia, bậc vị vọng đến tham dự mọi sinh hoạt của giáo xứ không kém người
nghèo hèn. Như thế thì tốt hơn.
- Chỉ
đạt tốt nhất khi cả hai loại người trên cùng tích cực tham dự mọi sinh hoạt
trong giáo xứ. Đó là điều Chúa vẫn hằng mong ước, vì Ngài đã đặt chỉ tiêu nên Thánh
: “Chúng con hãy nên hoàn hảo như Cha
chúng con, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,48).
Nhìn vào lịch sự đời sống Hội
Thánh trải qua bao thế kỷ, những kẻ hèn hạ, họ lại làm vinh hiển Chúa hơn những
người giàu có quyền quý. Đan cử như bà Maria Madalena, bị bảy quỷ ám, sau khi
đã được Đức Giêsu cứu khỏi tay ác thần, bà đã dâng hết tiền của cho Chúa trong
việc truyền giáo (x Lc 8,1-3) và trở thành người đưa Tin Mừng Chúa Phục Sinh
đầu tiên cho loài người (x Ga 20,11-18) ; hoặc như khi Chúa khải hoàn vào thành
Giêrusalem, thì đàn bà, con nít, những người hèn hạ hết lời ca tụng Chúa, thậm
chí họ còn cởi áo choàng lót đường cho Chúa đi, trong khi đó những bậc vị vọng
lại uất ức khi thấy cảnh này, khiến Đức Giêsu phải nói : “Tôi bảo cho các ông biết, họ mà làm thinh thì những viên đá này sẽ la
vang lên !” (x Lc 19,28-40)
Vậy hãy mở miệng loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn
dân, để nối dài và mở rộng sứ mệnh của Chúa Giêsu : “Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn
tật nguyền trong dân” (Mt 4,23: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG.
C Tôi có sự thật về Đức Kitô, không ai bịt miệng tôi
được! (2Cr 11,10)
C Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi ! (2Cr 5,14).
C Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng, tự
ý làm việc đó thì tôi có công, còn nếu
ngoài ý tôi thì đó là trách nhiệm Chúa đã ký thác cho tôi! (1Cr 9,16-17)
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH