BÀI GIẢNG
CHÚA GIÊSU,
MỤC TỬ DUY NHẤT
Giáo
huấn Chúa nhật 15 B đã mô tả chân tướng người Tông Đồ của Chúa Giêsu ; thì giáo
huấn Chúa nhật 16 B này nhằm nói về căn tính người Tông Đồ, phải trở thành mẫu
người mục tử hoàn hảo như Mục Tử Giêsu. Vì thế mà Tin Mừng Gioan không ghi lại
danh sách Tông Đồ, chỉ có ba ông
Matthêu, Marcô và Luca ghi (x Mt 10,2-4 ; Mc 3,16-19 ; Lc 6,13-16 ; Cv 1,13). Lý
do ngoài Chúa Giêsu, không ai xứng đáng là Tông Đồ. Thực vậy, người Tông Đồ chính
danh dựa vào các Bài đọc trong Thánh lễ hôm nay, phải hội đủ bảy điều sau đây :
- Kết hợp nên một với Chúa Giêsu.
- Làm trước dạy sau.
- Nâng đỡ người cộng tác với mình.
- Chuyên tâm dạy Lời Chúa.
- Làm hoàn hảo Lề Luật.
- Chết vì say sưa giảng Lời.
- Giảng đúng và đủ.
1- Kết hợp nên một với Chúa Giêsu.
Người
Tông Đồ chính danh phải là người kết hợp nên một với Chúa Giêsu Mục Tử qua Bí
tích Khai Tâm (Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể) và đặc thù còn được lãnh nhận Bí
tích Truyền Chức Thánh. Người như thế, thánh Phaolô nói : “Họ ở trong Đức Giêsu Kitô, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, họ không còn là
người ở xa, mà là người ở gần” (Ep 2,13 : Bài đọc II). Bởi vì Đức Giêsu đã
nói : “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở
lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không
gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây
nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì
người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”.
Còn ai lưu lại trong Chúa Giêsu, dù còn gặp đau khổ, giống như cành nho bị tỉa,
có thế mới sinh nhiều hoa trái, trở nên Tông Đồ của Chúa Giêsu làm vinh hiển
Chúa Cha (x Ga 15,1-8).
Người
Tông Đồ sống niềm tin như trên mới làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia : “Đức Chúa phán : Ta sẽ làm nảy sinh cho nhà
Đavid, một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan
tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bấy giờ,
Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel
được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là : “Đức Chúa, sự công
chính của chúng ta” (Gr 23,5-6 : Bài
đọc I). Ta lại biết “chồi non chính trực Vị Vua nhà Đavid” chính là Chúa Giêsu
(x Mc 12,35-37).
2- Làm trước dạy sau.
Chúa
Giêsu là mẫu mực, là tiêu chuẩn, để đo lường giá trị hoạt động của các Kitô
hữu. Vì thế, mở đầu sách Tông Đồ Công Vụ, là sách lịch sử thời Giáo Hội sơ
khai, ông Luca ghi ngay đầu sách : “Đức
Giêsu làm rồi mới dạy” (Cv 1,1), để mọi tín hữu phải xác tín rằng : Đức
Giêsu đã bắt đầu viết lịch sử Hội Thánh, đến lượt những kẻ tin theo Ngài, phải
tiếp tục viết làm hoàn hảo cuốn Lịch Sử, muốn thế cũng phải làm rồi mới dạy, để
tới ngày cánh chung, mọi người nhận ra dung nhan rạng ngời của Chúa Giêsu Phục
Sinh, và đấy cũng là lý do khi thánh Gioan viết về cuộc đời hoạt động của Mục
Tử Giêsu, và hoạt động của Hội Thánh, ông đều dùng một câu : “Đức Giêsu đã làm trước mặt các môn đệ của
Ngài, nhiều dấu lạ khác nữa không viết lại trong sách này, bởi vì nếu viết lại
từng điều, thì thiết tưởng thế gian không đủ nơi mà chứa sách viết ra” (Ga
20,30 ; 21,25).
Chính
vì phải làm trước rồi dạy sau mới xứng danh là “Tông Đồ” của Chúa Giêsu. Thế
nên trong toàn bộ Tin Mừng của Marcô, chỉ có một lần ông ghi những người Đức
Giêsu tuyển chọn là Tông Đồ : “Khi các ông họp lại bên Đức Giêsu và tin cho Ngài tất cả những gì họ đã làm và đã dạy” (Mc 6,30: Tin Mừng).
3- Nâng đỡ người cộng tác với mình.
Các
Tông Đồ sau thời gian vất vả phục vụ mọi người theo lệnh của Thầy Giêsu, đến
nỗi họ không còn thời giờ nghỉ ngơi ăn uống, làm Đức Giêsu cảm thương họ, nên Ngài
bảo : “Anh em hãy lánh riêng ra, đến nơi
thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”, thế là Thầy trò xuống thuyền trốn đến một
nơi hoang vắng… nhưng dân chúng biết được, họ kéo nhau chạy bộ đến trước để
đón. Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng kéo đến phá vỡ kế hoạch nghỉ ngơi của
Thầy trò, lúc ấy Ngài cứ để các môn đệ nghỉ ngơi ăn uống, còn chỉ mình Ngài ra
đón dân với đầy lòng trắc ẩn lên tiếng dạy nhiều điều” (x Mc 6,30-34 : Tin Mừng).
Tâm
tình và việc làm của Mục Tử Giêsu đối với đầy tớ được Ngài sai đi phục vụ đã
mệt nhoài trở về và lòng trắc ẩn của Ngài đối với dân tuốn đến, trở thành mẫu
cho các Tông Đồ :
- Chủ
thấy đầy tớ vất vả, thì đỡ lấy công việc đã trao, mà tiếp tục phục vụ nhu cầu
mọi người.
- Mục
tử thấy đoàn chiên khắp nơi tuốn đến với các đầy tớ, lại không tỏ ra khó chịu dù
bị quấy rầy không cho nghỉ ngơi, nhưng ân cần tiếp họ và lên tiếng dạy nhiều
điều, để không ai còn đói khát Chân Lý!
Rất tiếc không ít chủ chăn khi trao công việc cho người dưới làm, không
hề hỏi han để khích lệ và nâng đỡ ; giáo dân cần việc gì chạy đến chủ chăn, thì
người ta cảm thấy sợ như gặp cọp!! Hãy nhớ lời thánh Phêrô dạy : “Anh em hãy chăn dắt đàn chiên của Thiên Chúa
nơi anh em, không phải như thể miễn cưỡng, nhưng là sẵn lòng, thể theo ý Thiên
Chúa, không hám trọc lợi, nhưng cách nhiệt thành. Đừng như thể làm chúa trên
phần cơ nghiệp đã lĩnh, nhưng là làm
gương mẫu cho đàn chiên” (1Pr 5,2-3), nhất là trong sứ mệnh loan báo Tin
Mừng.
Theo
Giáo luật số 756-757 đã xác định việc loan báo Lời Chúa (hay dạy Giáo Lý) là
bổn phận chính của các Giám mục, Linh mục và Phó tế. Trong thực tế, không biết
được bao nhiêu Giám mục nâng đỡ Linh mục ? Được bao nhiêu cha Sở nâng đỡ cha
Phụ tá? Được bao nhiêu Linh mục nâng đỡ thầy Phó tế? Và được bao nhiêu mục tử
nâng đỡ giáo dân? Có lẽ phần lớn chỉ dùng quyền trên mà trao phó việc nặng nhọc
cho người dưới, đôi khi còn lên tiếng khiển trách !
4- Chỉ giảng dạy Lời Chúa.
Cả
đoàn lũ dân tuốn đến cùng Chúa Giêsu,chắc chắn là họ đi tìm Ngài chỉ vì miếng
ăn no bụng, hoặc xin được chữa lành mọi bệnh tật (x Ga 6,22-27 ; Mc 1,29-39),
thế mà Chúa Giêsu lại giảng dạy cho họ nhiều điều, như Ngài làm lơ trước những
khát vọng của họ! (x Mc 6,33-34 : Tin Mừng), bởi vì Ngài muốn xác định với mọi
người :
- Hãy
tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước và sự công chính của Ngài, còn các điều khác
Ngài sẽ ban thêm cho (Mt 6,33).
- Hãy
ra công làm việc, đừng vì lương thực hư nát, nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi
đến sự sống đời đời (Ga 6,27).
Mà việc tiên quyết tìm kiếm Nước
Thiên Chúa trước hay ra công làm việc để có của ăn sinh sự sống đời đời, cụ thể
nhất là tìm kiếm, đón nhận Lời Chúa như chính Chúa Giêsu đã nói : “Người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng
bởi mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Nên khi giáo dân tìm đến
các chủ chăn trong Hội Thánh, thì phải hiểu các ngài là :
v Người của Thiên Chúa sai thì nói
Lời Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho vô lường vô hạn (Ga 3,34). Thế
nên :
v Ai có nói thì nói Lời Thiên Chúa,
ai phục vụ thì phục vụ bằng sức lực Chúa ban, có thế trong mọi việc chúng ta
làm mới tôn vinh Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu (1Pr 4,11).
Nói tóm lại, phải hiểu sứ mệnh của
Chúa Giêsu, cũng như các Tông Đồ chuyên lo “loan
báo Tin Mừng bình an, bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những
người ở gần, hầu liên kết mọi người trong một Thần Khí duy nhất, mà đến cùng
Chúa Cha” (Ep 2,17-18 : Bài đọc II).
5- Làm hoàn hảo Lề Luật.
Nhờ
Mục Tử Giêsu mà Luật trở nên hoàn hảo, như Ngài nói : “Đừng tưởng tôi đến để bãi bỏ Lề Luật hay các tiên tri, tôi đến không
phải để bãi bỏ, mà là để làm trọn” (Mt 5,17). Thế thì các Tông Đồ phải nên
giống Thầy Giêsu “làm rồi mới dạy”. Có thế mới làm cho lời dạy của mình nên
hoàn hảo, bởi vì dạy mà không làm, chỉ đặt thêm gánh nặng trên người khác (x Mt
23,3-4).
Nói tắt, mọi
lời sấm ngôn đã được ứng nghiệm cách hoàn hảo nhờ, với, trong Chúa Giêsu mới
tôn vinh Thiên Chúa (x Rm 11,36). Vì thế thánh Phaolô nói : “Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và
giới Luật. Khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới
duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được
hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất, trên thập giá, Người đã
tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,15-16 : Bài đọc II).
6- Chết vì say sưa giảng Lời hằng sống.
Trong
Bài đọc II, thánh Phaolô đã nhấn mạnh : Nhờ Chúa Giêsu hết lòng rao giảng Tin
Mừng, chứng minh sự thật Ngài là Thiên Chúa, có quyền tha tội, thế mà khi Ngài
nói với người bất toại đến xin chữa lành : “Tội
con đã được tha”, làm cho những kẻ chứng kiến phẫn uất : “Tên này nói phạm thượng (x Mc 2,4-7). Lý
do đó mà họ ném đá Đức Giêsu và còn nói : “Không
phải vì một việc trọn hảo mà chúng tôi ném đá ông, nhưng vì một lời phạm
thượng! Ông là một người phàm mà dám cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33).
Bởi thế họ đã la hét trước tòa công nghị: “Nó
đã nói phạm thượng, nó phải mang án tử!” (Mt 26,65-66).
Bởi
đó, khi Chúa Giêsu trao quyền cho ông Phêrô chăm sóc Hội Thánh, Ngài đã cho ông
biết trước : “Khi con còn trẻ, con tự
thắt lưng mình, mà đi đâu tùy ý ; nhưng khi đã về già, con sẽ giăng tay ra và
người khác sẽ thắt lưng cho con, lôi con đến nơi con không muốn. Ngài nói vậy
để ám chỉ Phêrô phải chết cách nào mà tôn vinh Thiên Chúa. Nói thế rồi, Ngài
bảo ông : Hãy theo Ta!” (Ga 21,18-19).
Thánh
Phaolô đón nhận đau khổ trong đời sống phục vụ Tin Mừng như một ơn cao trọng
đặc biệt Chúa ban, nên ông nói : “Ngoài
Chúa Kitô chịu đóng đinh,tôi không muốn biết điều gì khác nữa!” (1Cr 2,2)
Vì thế, “tôi vui thỏa trong nỗi yếu đuối,
trong lăng nhục, trong quẫn bách, trong bách bớ, và cùng khốn, vì Đức Kitô. Bởi
khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh!”
(2Cr 12,10).
7- Giảng đủ và giảng đúng.
Chắc
chắn Chúa Giêsu biết các môn đệ Ngài đã vất vả giảng Lời, đến nỗi không còn giờ
nghỉ ngơi ăn uống, nên Ngài bảo các ông : “Anh
em hãy tìm nơi vắng vẻ để nghỉ ngơi” vì Ngài biết các ông chưa giảng hết
những điều phải nói, nên Ngài lên tiếng
dạy dân chúng nhiều điều, và kéo dài tới ba ngày mà vẫn
chưa nói hết điều phải nói, đến nỗi các môn đệ phải lên tiếng xin Ngài ngưng
giảng, để dân vào làng mua bánh ăn! (x Mt 15,32-33)
Noi
gương Thầy Giêsu, ông Phaolô đến Trôa phục vụ suốt cả tuần lễ, mà ngày cuối
cùng, ông biết ngày mai phải lên đường, nên trong Thánh Lễ đêm thứ bảy tuần ấy
ông giảng đến quá nửa đêm, khiến anh Êutykhô, ngồi ở ban công lầu ba - cách mặt
đất khoảng 10 mét - quá buồn ngủ, anh gật gù nhất trí về bài giảng của ông
Phaolô, thế là bị lộn đầu xuống đất chết, cả cộng đoàn nhớn nhác đứng lên,
nhưng ông Phaolô ra hiệu cho mọi người ngồi yên, đoạn ông tới ôm lấy anh và bảo
mọi người “hồn vẫn còn trong nó”, rồi ông lại tiếp tục dâng Lễ cho tới sáng mới
nói hết điều phải nói. Thánh Lễ bế mạc, mọi người ra về, có cả Êutykhô vui vẻ
cùng hòa vào đoàn người! (x Cv 20).
Khi
đọc lại những chứng từ về cách giảng dạy của Đức Giêsu và các Tông Đồ, ta phải
đi đến xác tín: Chủ chăn có quyền bắt giáo dân nghe nhiều điều, và giáo dân
phải quảng đại nghe Lời Chúa ! Nhưng ngày nay trong các Thánh lễ Trọng hay lễ
Chúa nhật, dù Hội Thánh buộc vị có chức Thánh phải giảng, thì hầu hết bài giảng
cũng chỉ khoảng 10 phút đã cho là tốt, là đủ, là dài rồi! Quả thật là vô lý !
Người ta chỉ dựa vào thời gian để đánh giá bài giảng mà không quan tâm đến nội
dung, thì làm sao người giảng có thể trình bày cho giáo dân nhận ra một sợi dây
giáo lý xuyên suốt qua các Bài đọc trong Phụng Vụ, để mọi người xác tín vị
giảng đã giảng đúng Luật, như trong Hiến Chế Phụng Vụ
- “Trong
việc cử hành Phụng vụ, Thánh Kinh giữ
vai trò tối quan trọng,
Hội Thánh đã trích từ Thánh Kinh những Bài đọc, những Bài để dẫn giải trong Bài
giảng, cũng như những Thánh Vịnh để hát… Vì vậy, để xúc tiến việc canh tân, và
phát triển thích ứng Phụng vụ, cần phải phát huy lòng mộ mến Thánh Kinh đậm đà
và sống động” (Hiến Chế Phụng Vụ số 24).
- “Phải
cổ võ việc suy tôn Lời Chúa vào những ngày áp lễ Trọng, nhất là trong các mùa
Vọng, mùa Chay, những Chúa nhật” (Hiến Chế Phụng vụ số 35).
- “Bài giảng phải căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin, và các quy tắc cho đời sống
Kitô giáo trong suốt chu kỳ năm Phụng vụ, và rất đáng được coi như một phần
chính của Phụng vụ… nên không được bỏ giảng, nếu không có lý do hệ trọng” (Hiến
Chế Phụng Vụ số 52).
Tôi
đưa một thí dụ : Chủ nhà mời tôi đến ăn tái nhúng, chắc chắn trên bàn bày ra
năm món :
- Thịt.
- Rau.
- Bánh
tráng.
- Bún
- Nước
mắm.
Thế mà người phục vụ bàn ăn chỉ
cho tôi dùng một trong năm món đó. Hỏi chủ tiệc và người dự tiệc có bằng lòng
không?
Vậy trong bàn tiệc Lời Chúa của
Phụng Vụ, lễ Trọng hoặc lễ Chúa nhật, Hội Thánh cũng dọn ra “năm món” để dân
Chúa dùng :
- Bài
đọc I.
- Bài
Đáp ca.
- Bài
đọc II.
- Tung
Hô Tin Mừng.
- Bài
Tin Mừng.
Người phục vụ bàn tiệc chỉ cho dân
dùng một trong năm “món Lời Chúa” mà chẳng ai lấy làm khó chịu, lại còn cho đó
là tốt, thì thật là không thể hiểu nổi!? Trong khi đó giáo huấn của Công Đồng
Vat.II trong Sắc Lệnh về Đời Sống Linh Mục số 4 dạy : “Dân Chúa được đoàn tụ trước hết là nhờ Lời Thiên Chúa
hằng sống, Lời này phải đặc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các Linh mục … nhờ rao giảng Lời Chúa làm cho
dân Chúa ngày càng đông thêm… Do đó, các Linh
mục mắc nợ mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm”. Phận sự của
các ngài không phải là giảng sự thông thái của chính mình, mà phải xác tín như
thánh Phaolô : “Tôi giảng chẳng cần dựa
vào lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Lời
Chúa” (1Cr 2,4).
Thánh Tông Đồ sau khi đã tận lực
rao giảng Lời, ông hân hoan nói với giáo đoàn : “Tôi hoàn toàn trong sạch về máu mọi người, vì tôi đã không e ngại mà
giấu diếm đi, để không loan báo cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa”
(Cv 20, 26-27 – Bản dịch NTT).
Mà thật, nếu ông thiếu sót trong việc giảng Lời Chúa, thì ông
đã chủ ý giết cả hồn xác giáo dân mà quăng xuống Hỏa ngục!
Có hết lòng giảng Lời Chúa như ông
Phaolô, mới có thể nói : “Vô phúc cho tôi
nếu tôi không rao giảng Tin Mừng, tự ý làm điều đó thì tôi có công, còn nếu
ngoài ý tôi, thì đó là trách nhiệm Chúa đã ký thác cho tôi!” (1Cr 9,16) Và
“nếu tôi luôn luôn làm hài lòng người đời, tôi không còn là tôi tớ của Chúa nữa!” (Gl 1,10). Làm hài lòng người
đời, cụ thể nhất là giảng càng vắn càng tốt, không giảng thì tốt nhất, lễ càng
mau dân càng đông!
Khi
Đức Giêsu hóa bánh cá nhiều nuôi dân, là dấu Ngài lập Bí tích Thánh Thể, Ngài không dùng quyền toàn
năng của Ngài để nuôi dân, mà lại muốn các Tông Đồ cộng tác, Ngài nói : “Anh em hãy cho dân ăn” (Mt 14,16b). Như
thế, mầu nhiệm Thánh Thể không phải chỉ duy Chúa Giêsu nuôi dân, mà Chúa Giêsu còn
ra lệnh cho các mục tử phải cộng tác với Ngài cho dân ăn. Hỏi trong Thánh Lễ,
chủ tế lấy gì cho dân ăn nếu không phải là đã vất vả dọn bài giảng để trình bày
đúng Luật. Nếu chủ tế chỉ cho dân rước Lễ, thì mới cho dân một phần hai tấm
Bánh Hằng Sống, vì thiếu “bánh” (bài giảng)! Như thế Chúa Giêsu Thánh Thể đã
cụt mất một phần Thân Thể của Ngài (Chúa Giêsu cà thọt).
Mục tử nào không giống Thầy Giêsu,
hay không giống Tông Đồ Phaolô, thì Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Giêrêmia nguyền
rủa họ : “Khốn thay những mục tử làm cho
đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác ! Các ngươi đã xua đuổi chiên
và chẳng lưu tâm đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các
ngươi mà trừng phạt các ngươi!” (Gr 23,1-2 : Bài đọc I).
Ngôn sứ Malaki còn lên án gắt gao
hơn : “Ta sẽ chúc dữ cho sự chúc lành của
các ngươi. Ta sẽ chặt cánh tay các ngươi, và vãi phân lên mặt các ngươi”
(Ml 2,1-3).
Vậy các Tông Đồ trong Hội Thánh
phải là hiện thân Mục Tử Giêsu, đặc biệt trong nhiệm vụ ngôn sứ, để nói được
như Chúa Giêsu : “Chiên của tôi thì nghe
tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27 : Tung Hô Tin Mừng).
Đó mới thực là đoàn chiên của Chúa Giêsu nói lên niềm xác tín : “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu
thốn gì” (Tv 23/22, 1: Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng tuốn đến với Ngài,
dù Ngài và các Tông Đồ đã phục vụ họ vất vả không còn giờ nghỉ ngơi ăn uống,
thế mà Chúa Giêsu lại ra đón tiếp họ cách ân cần, rồi Ngài lên tiếng giảng dạy
nhiều điều cho họ
(x Mc 6,30-34).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH