Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN NĂM LẺ
Âm thanh
Video
Video
Video
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI ĐỌC : Xh 3, 1-6.9-12

            1 Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp.2 Thiên sứ của ĐỨC CHÚA hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi.3 Ông tự bảo: "Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi? "4 ĐỨC CHÚA thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: "Mô-sê! Mô-sê! " Ông thưa: "Dạ, tôi đây! "5 Người phán: "Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh."6 Người lại phán: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp." Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.

              9 Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập.10 Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập."

            11 Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: "Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập? "12 Người phán: "Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này."

ĐÁP CA : Tv 102

Đ.        Chúa là Đấng từ bi nhân hậu(c 8a)

1 Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! 2 Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

3 CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. 4 Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,

6 CHÚA phân xử công minh, bênh quyền lợi những ai bị áp bức, 7 mạc khải cho Mô-sê biết đường lối của Người,cho con cái nhà Ít-ra-en thấy những kỳ công Người thực hiện.

BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG : x Mt 11,25

            Hall-Hall : Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Hall.

TIN MỪNG : Mt 11, 25-27

            25 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

27 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.

 

BÀI GIẢNG

CHỈ NHẬN BIẾT Ý CHÚA QUA ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH

Muốn nhận biết ý Chúa qua đời sống Hội Thánh Công Giáo, ta phải xác tín rằng : Chúa chỉ mạc khải ý của Ngài cho Hội Thánh Công Giáo, và muốn hiểu việc Đức Giêsu làm và Lời Ngài dạy, phải đọc qua lăng kính Tử Nạn và Phục Sinh.

I. CHÚA CHỈ MẠC KHẢI CHO HỘI THÁNH CÔNG GIÁO.

            Dựa vào Mạc Khải, ta phải xác tín rằng: Chỉ có Hội Thánh Công Giáo mới có quyền công bố Lời Chúa chính xác qua năm chứng từ sau đây:

1- Chúa Cha chỉ mạc khải cho những người thuộc về Đức Giêsu.

a- Mạc khải cho Hội Thánh

Đức Giêsu tạ ơn Chúa Cha : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25 : Tung Hô Tin Mừng).

            “Kẻ bé nhỏ” trong Tân Ước phải hiểu là những người thuộc về Hội Thánh Chúa Kitô:

- Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Nếu chúng con không trở nên trẻ nhỏ, chúng con không được vào Nước Trời” (Mt 18,3).

- Đức Giêsu an ủi các môn đệ : “Hỡi các con thơ bé, Ta chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi” (Ga 13,33), nên “các con đừng sợ, hỡi đoàn chiên nhỏ bé, vì Cha các con đã khấng ban Nước Trời cho các con” (Lc 12,32).

- Thánh Gioan gọi các tín hữu là “các con thơ bé”, dù có nhiều người lớn tuổi hơn ông (x 1Ga 2,1.12.14.18.28).

Vậy Chúa Cha chỉ mạc khải cho những “kẻ bé nhỏ” (con thơ bé), phải hiểu cách cụ thể là Ngài chỉ mạc khải cho Hội Thánh Chúa Kitô, Giáo hoàng là thủ lãnh khởi đi từ ông Phêrô đã đặt, còn những kẻ thông thái, khôn ngoan, cậy dựa vào Luật Môsê mà chống đối Đức Giêsu, thì không được Chúa Cha mạc khải cho (x Ga 7,45-52 ; Mt 11,25b).

      b- Mạc khải cho thủ lãnh Hội Thánh.

Ông Mattheu ghi nhận : “Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai? "Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ." (Mt 16,13-14). Nói tắt : quần chúng nói Đức Giêsu là người phát ngôn viên của Thiên Chúa. Như thế họ không nói sai về Đức Giêsu, thế mà Ngài không có ý kiến gì về những nhận định đó ; nhưng khi Đức Giêsu lên tiếng hỏi các môn đệ : “Còn chúng con nói Thầy là ai?” Ông Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai thưa : "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đức Giêsu nói với ông: "Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”(Mt 16,16-17).

Như thế có nhiều người nói tốt về Đức Giêsu như các anh em Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo, nhưng họ không được Cha trên trời mạc khải cho. Chỉ có tiếng nói của thủ lãnh Hội Thánh Công Giáo qua Phụng Vụ mới thực là Lời Chúa Giêsu nói như Cha trên trời dạy (x Dt 1,1-2 ; Ga 12,50).

Việc các chú lính Roma chia nhau áo ngoài của Chúa Giêsu mỗi người một mảnh ; còn áo trong của Ngài, họ bắt thăm ai được thì lấy trọn (x Ga 19,23-24). Truyền thống Hội Thánh hiểu những người tin thờ Chúa Giêsu ngoài Công Giáo, họ là những người chỉ được mảnh áo ngoài của Chúa Giêsu, nên hiểu một phần nào Giáo Lý của Ngài mà thôi. Chỉ có Hội Thánh Công Giáo mới được phúc hiểu trọn vẹn ý Thiên Chúa, vì như chiếc áo trong của Chúa Giêsu, Hội Thánh được lãnh trọn vẹn, do ý Chúa ban cho.

2- Đức Giêsu chỉ mở trí cho môn đệ hiểu Lời Ngài giảng.

Khi Đức Giêsu nói những dụ ngôn về Nước Thiên Chúa, chẳng ai hiểu gì, trừ khi “Ngài ở một mình, những kẻ theo Ngài làm một với Nhóm Mười Hai hỏi Ngài về các ví dụ. Và Ngài nói với họ : “Đã ban cho các ngươi mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, còn mọi sự chỉ ban cho những kẻ ở ngoài trong câu ví, để “họ nhìn lấy nhìn để mà không thấy, họ nghe lấy nghe để mà không hiểu, kẻo họ trở lại mà được tha thứ” (Mc 4,10-12). Bởi đó mà Ngài nói : “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27 : Tin Mừng).

Thực vậy,

- Thiên Chúa chỉ mạc khải cho các ngôn sứ của Ngài,thánh Phêrô nói: “Thiên Chúa đã mạc khải cho các ngài biết là các ngài có phận sự truyền đạt thông điệp ấy, không phải cho chính mình, mà là cho anh em. Đó là thông điệp mà nay các người giảng Tin Mừng đã loan báo cho anh em, nhờ tác động của Thánh Thần là Đấng đã được cử đến từ trời. Chính các Thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp ấy” (1Pr 1,12).

- Chúa Giêsu chỉ mở trí cho những ai được Chúa Thánh Thần cư ngụ. Muốn được Chúa Thánh Thần ở cùng, giáo huấn Công Đồng Vat.II trong Sắc Lệnh Đào Tạo Linh Mục số 9, nhắc lại lời thánh Augustin: “Ai càng yêu mến Hội Thánh Chúa Kitô, người đó càng có ơn Chúa Thánh Thần”. Thực vậy, thánh Phêrô nói : “Anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2Pr 1,20-21).

3- Hội Thánh rao giảng chính là Đức Giêsu rao giảng.

Đức Giêsu xác nhận: “Ai nghe Lời môn đệ Ta là nghe Lời Ta” (Lc 10,16a). Trước tòa án, thượng tế Caipha tra hỏi Giáo Lý của Đức Giêsu đã dạy thế nào? Đức Giêsu trả lời : “Các ông muốn nghe Giáo Lý của tôi, cứ vào Nhà Thờ hỏi người nghe tôi nói” (Ga 18,19-21). Mà chỉ có hàng giáo sĩ mới được quyền giảng trong Thánh Lễ, nên ai vào Nhà Thờ nghe Giáo Lý do người đã nghe Đức Giêsu dạy, chính là nghe Chúa Giêsu (x Lc 10,16 ; Dt 1,1-2).

4- Đức Giêsu chỉ cầu nguyện riêng cho ông Phêrô, vì ông là thủ lãnh Hội Thánh Ngài đã đặt : “Simôn, Simôn ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 22,31-32).

5- Chỉ có Hội Thánh Công Giáo được đặc quyền công bố Lời Chúa.

Thánh Phaolô xác tín: “Thiên thần nào bởi Trời đến giảng Tin Mừng khác điều chúng tôi rao giảng cho anh em, thì nó hãy là đồ chúc dữ” (Gl 1,8).

Dựa vào những chứng từ Mạc Khải trên đây, ta phải vững tin rằng không thể tìm được Lời Chúa ngoài Hội Thánh Công Giáo. Bởi vì muốn biết đâu là chân lý, phải nghe Đức Giêsu dạy, vì cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều là Chân Lý, nhưng chỉ có Đức Giêsu là Thầy dạy (x Mt 23,10), mà quyền giáo huấn Đức Giêsu chỉ trao cho Hội Thánh do ông Phêrô làm thủ lãnh có quyền công bố mà thôi. Điều này trái với niềm tin của anh em Tin Lành, vì anh em Tin Lành tin rằng ai cũng có Chúa Thánh Thần, cứ đọc Thánh Kinh mỗi người tự hiểu lấy. Nếu thế thì mỗi một Nhà Thờ của anh em Tin Lành lại được Thánh Linh soi sáng hiểu Lời Chúa khác nhau, nghịch nhau!? Thế thì Thánh Thần tự mâu thuẫn với chính mình ư?! Nếu có hai điều đúng mà thiếu hiệp nhất, chắc chắn sinh ra sự dữ. Ví dụ vợ muốn bán nhà ở thành phố về quê mua đất rộng hơn, con cái ở thoáng mát, và không nhiễm lây tật xấu nơi đô thị ; trong khi chồng lại muốn ở thành phố tốt hơn, vì con cái đi học thuận lợi, dễ kiếm tiền bảo đảm kinh tế gia đình. Nếu mỗi người cứ làm theo điều đúng mình đã quyết định, thì gia đình đó tan rã! Thế thì cả hàng ngàn Nhà Thờ anh em Tin Lành, ai cũng cho mình đúng, và lên án Nhà Thờ khác là tà đạo, thì chắc chắn sự dữ sẽ gia tăng!

Đặc quyền giảng Tin Mừng là do Thiên Chúa ban cho ai tùy ý. Cho nên không ai được tự quyền làm việc này, xưa kia bà Mariam và ông Aharon khinh dể ông Môsê, vì ông này đã lấy vợ ngoại người Kus, nên họ lên tiếng : “Không lẽ Chúa chỉ mạc khải riêng cho ông Môsê ? Ngài cũng mạc khải cho cả chúng ta nữa chứ!” Chúa liền gọi cả ba Môsê, Mariam và Aharon đến, và Ngài nói : “Ta đã mạc khải riêng cho Môsê, tại sao các ngươi ghen tỵ?” Thế là Chúa phạt bà Mariam bị cùi! (x Ds 12). Thực ra người ta trách ông Môsê lấy vợ ngoại là có lý, nhưng không thể trách Thiên Chúa đã tự quyền mạc khải riêng cho ông Môsê. Cũng vậy, vào thời Tân Ước, Thiên Chúa có tự do mạc khải riêng cho Hội Thánh, do ông Phêrô làm thủ lãnh, dù ông bị Đức Giêsu kết án là Satan, lý do ông đã khuyên Thầy chớ liều mạng cho kẻ ác, như thế là dấu Chúa không thương (x Mt 16,21-23).

II. MUỐN HIỂU VIỆC ĐỨC GIÊSU LÀM VÀ LỜI NGÀI DẠY,TA PHẢI NHÌN QUA LĂNG KÍNH TỬ NẠN VÀ PHỤC SINH.

            Hiến Chế Mạc Khải số 16, cho ta chìa khóa mở kho tàng Kinh Thánh để hiểu : “Giá trị Cựu Ước được thể hiện trong Tân Ước ; giá trị của Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước”.

            Dựa vào nguyên tắc đọc Kinh Thánh này, ta so sánh lịch sử Do Thái thời Cựu Ước với lịch sử Hội Thánh Chúa Kitô :

            - Thời Cựu Ước, ông Akhaz là vua nước Giuđa (736 – 716 trước Công nguyên),sợ ông Teglat Phalasar, vua đế quốc Assur, chiếm thành Giêrusalem. Ông tin vào thầy tướng số xúi muốn thắng địch phải thiêu sống con, và ông còn làm nhiều điều bợ đỡ vua Assur hòng được thương xót, dù trái ý Chúa (x 2V 16). Bởi đó, bị Chúa kết án : “Một dân tộc vô luân, chọc giận Ta” (Is 10,6 : Bài đọc năm chẵn).

            + Thời Tân Ước, các đầu mục Do Thái xúi tổng trấn Philatô phải giết Con Một Chúa Cha gởi đến cứu  loài người (x Mt 27), tội này nặng hơn vua Akhaz nghe thầy bói xúi giết con mình để tế thần!

            - Thời Cựu Ước, vua Assur ngạo mạn tưởng mình dư sức tiêu diệt bất cứ dân tộc nào ông muốn, mà ông không nhận ra rằng : ông chỉ là dụng cụ Chúa dùng để làm theo ý Ngài là thanh tẩy dân Giuđa. Người phán : “Cái rìu lại lên mặt với kẻ cầm rìu mà chặt hay cái cưa tự đại với người kéo cưa sao? Như thể ngọn roi kéo được kẻ giơ nó lên, cây gậy nhấc được người cầm nó?! Bởi thế, Đức Chúa các đạo binh là Chúa Thượng sẽ làm cho những kẻ lực lưỡng của nó gầy đi; từ dưới cảnh vinh hoa phú quý của nó, một ngọn lửa sẽ bốc lên như ngọn lửa một đám cháy” (Is 10,15-16 : Bài đọc năm chẵn).

            + Thời Tân Ước, ông Philatô ngạo mạn trước mặt Đức Giêsu, ông tự cho mình có quyền giết ai tùy ý, nên ông bị Đức Giêsu cảnh cáo : “Ông không có quyền gì đối với tôi, nếu ơn Trên không ban cho ông” (Ga 19,10-11). Ông Philatô kiêu ngạo như thế, chẳng qua là dựa vào quyền lực đế quốc Roma, nhưng Chúa mới thực sự là Đấng làm chủ sức mạnh, là Vua trời đất, Ngài điều khiển lịch sử mọi dân tộc, nhưng Ngài chỉ ra tay che chở dân Ngài tuyển chọn, vì “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu” (Tv 103/102,8a : ĐC năm lẻ),và “Chúa không ruồng rẫy dân Ngài” (Tv 94/93,14 : ĐC năm chẵn). Thực vậy

-  Thời Cựu Ước, ông Môsê được Chúa ở cùng, với cây gậy trong tay, ông trở thành người uy quyền đưa dân Do Thái thoát nô lệ Ai Cập (x Xh 3,1-6.12-19 : Bài đọc năm lẻ).

+ Thời Tân Ước, Chúa sai Con  Một Ngài là Đức Kitô Giêsu vào trần gian để cứu độ loài người, ưu tiên cho dân tộc Do Thái, mà xưa kia họ bị làm nô lệ cho đế quốc Ai Cập, đã được Chúa dùng ông Môsê giải phóng,nhưng rồi họ lại bị đặt dưới quyền thống trị của đế quốc Roma. Vì ghen ghét Đức Giêsu, họ xúi ông Philatô được Roma đặt làm tổng trấn, đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá và dựng trên núi Sọ. Ngờ đâu, đấy lại là Hy Tế của Chúa Giêsu đã hoàn tất nhằm giải phóng cả loài người thoát khỏi nô lệ mọi ác thần. Nơi đây dân Chúa được nuôi dưỡng, giáo dục, canh tân đời sống vươn lên bởi lời rao giảng của Hội Thánh, và được ăn Thịt, uống Máu Con Thiên Chúa hằng sống, nên được hiệp thông cùng một sự sống sung mãn với Ba Ngôi Thiên Chúa, để không bị tiêu diệt như dân Do Thái bị đế quốc Roma xóa tên trên bản đồ, bắt dân đi lưu đày khắp thế giới vào năm 70 ; nhưng rồi cả đế quốc Roma, vì đã nhúng tay vào tội ác giết Con Thiên Chúa và tiếp tục giết các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai suốt ba trăm năm, nên Chúa dùng vua Constantino tiêu diệt đế quốc này vào thế kỷ thứ ba.

THUỘC LÒNG

            Ai muốn nghe Giáo Lý của Đức Giêsu, hãy vào Nhà Thờ nghe Hội Thánh giảng dạy (x Ga 18,19-21).

            Giá trị của Cựu Ước được thể hiện trong Tân Ước ; giá trị của Tân Ước đã tiềm ẩn trong Cựu Ước (HCMK số 16).

http://phaolomoi.net

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

           

 

 

 

 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: