BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN
MỪNG : Mt 5,10
Hall-Hall
: Phúc thay ai bị bách hại vì sống công
chính,vì Nước Trời là của họ. Hall.
TIN MỪNG :
Mt 10,34-11,1
10 34
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : "Anh em đừng tưởng Thầy đến
đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm
giáo.35 Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa
con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng.36 Kẻ thù của mình chính
là người nhà.
37 "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với
Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.38
Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.39
Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy,
thì sẽ tìm thấy được.
40 "Ai đón tiếp anh
em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.41
"Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần
thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là
người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.
42 "Và ai cho một
trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn
đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng
đâu."
11 1
Ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Đức Giê-su rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao
giảng trong các thành thị trong miền.
BÀI GIẢNG
DỰ LỄ LÀ
VÁC THÁNH GIÁ THEO CHÚA GIÊSU
Nếu gặp một người không học giáo lý chu đáo, hoặc một người ngoại giáo
mà đọc Lời Đức Giêsu dạy : “Anh em đừng
tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất ; Thầy đến không phải để đem bình an,
nhưng để đem gươm giáo” (Mt 10,34), thay vì là Tin Mừng thì lại trở thành
“tin tức mình”. Vì Đức Giêsu nói như thế là nghịch với lời Thiên thần công bố
trong ngày Ngài giáng sinh làm người : “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”
(Lc 2,14). Và còn bực mình hơn nữa vì Ngài dạy : “Tôi đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa
nàng dâu với mẹ chồng, kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10,35-36 :
Tin Mừng).
Không
lẽ theo đạo Công Giáo để gây chiến tranh, gây ẩu đả trong gia đình ? Không phải
thế. Với trải nghiệm cuộc sống trong bất cứ quốc gia nào : bình an chỉ đến trên
đất nước đó sau cuộc chiến tranh : bên nào thắng tất yếu là dựa vào vũ khí tối
tân. Thế thì trong Nước Thiên Chúa, ai chiến thắng sự dữ,chiến thắng tội lỗi,
đánh gục thần chết, tất yếu cần đến “vũ khí hiện đại” là Lời Thiên Chúa. Lời
Chúa còn sắc bén hơn gươm giáo để chiến đấu với mọi ác thần. Đúng thế, lời kinh
ta vẫn đọc : “Thanh gươm hai lưỡi, cầm
chắc trong tay. Để trả thù muôn nước và trừng trị chư dân, để xiềng chân vua
chúa và xích cổ vương hầu, để thi hành án phạt Chúa đã viết từ xưa. Đó là niềm
vinh dự cho mọi kẻ trung hiếu với Người” (Tv 149,6b-9) ; Lời Chúa là gươm
hai lưỡi có nghĩa là Lời Chúa vừa làm cho sống, vừa có sức mạnh diệt sự ác. Do
đó tác giả thư Do Thái nói : “Lời Thiên
Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi : xuyên thấu
chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư
tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Đức Giêsu ba lần chiến thắng Satan đến cám
dỗ Ngài làm theo ý nó, Ngài chỉ dùng Lời đẩy lui nó (x Mt 4,1-11). Bởi thế,
thánh Tông Đồ khuyên các tín hữu khi phải đương đầu với sự ác, ông nói : “Chân mang giày lòng hăng hái rao giảng Tin
Mừng bình an ; luôn luôn giương lên khiên mộc Đức Tin, nhờ đó anh em có thể dập
tắt mọi tên lửa của Kẻ Dữ . Hãy đội lấy mũ chiến cứu rỗi và đeo gươm Thần Khí
tức là Lời Thiên Chúa ” (Ep 6,15-17). Vì chính Đức Giêsu đã ra lệnh cho các
môn đệ trước khi các ông thấy kẻ ác xông đến bắt Ngài : “Ai không có gươm hãy bán cả áo choàng đi mà mua” (Lc 22,36). Chỉ có
gươm Lời Chúa mới gìn giữ các môn đệ và đẩy lui Satan, nếu không chúng đến cướp
mất Đức Tin của các ông khi thấy Thầy bị bắt. Bởi thế mà Đức Giêsu nói : “Tôi đến thế gian không đem bình an mà đem
gươm giáo” (Mt 10,34 : Tin Mừng).
Vậy
bình an của tâm hồn chỉ có được khi người ta dùng vũ khí Lời Chúa để chiến
thắng kẻ thù (người nhà mình – Mt 10,36). “Kẻ
thù là người nhà” trước nhất là những dục vọng bản thân nổi loạn. Muốn đẩy
lui nó phải sống Lời Chúa dạy : “Chúng
con được sạch bởi Lời Thầy nói với chúng con” (Ga 15,3) ; “kẻ thù là người
nhà” còn hiểu là phải đặt ý Chúa trên mọi ý loài người, kể cả ý người thân tộc.
Đan cử : Vua Saolê chỉ vì ghen tỵ với Đavid mà tìm mưu kế để diệt Đavid. Ông
lập mưu tổ chức bữa tiệc gọi là mừng công chiến thắng của Đavid, nhưng với ý đồ
đen tối là nhằm giết Đavid trong bữa tiệc lấy cớ say rượu. Gionathan, bạn của
Đavid, biết được mưu thâm độc của vua cha nên mật báo cho Đavid chạy trốn (x
1Sm 20). Như thế là Gionathan đã đặt chân lý hơn lợi nhuận được nối quyền vua
cha, đặt công bình bác ái trên tình cảm gia đình, Gionathan không sống kiểu “ăn cây nào rào cây đó”, cũng như không
sống kiểu “một giọt máu đào hơn ao nước
lã” mà người đời vẫn dạy. Sống như Gionathan chắc chắn là tạo xung khắc
trong gia đình, không trọn Đạo hiếu. Nhưng đó là cách thực hành Giáo Lý của
Chúa Giêsu dạy : “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy
không xứng đáng với Thầy, ai yêu con trai con gái hơn Thầy, không xứng đáng với
Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai
giữ mạng sống mình thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm
thấy được” (Mt 10,37-39 : Tin Mừng).
Sống Đạo như thế là “vác thập giá mình mà theo Thầy
Giêsu”. Đức Giêsu vác thập giá chính là lúc Ngài lên đồi Golgotha chịu đóng đinh dâng mình làm Của Lễ lên Chúa
Cha. Thánh Tông Đồ đã động viên các tín hữu bắt chước ông cộng tác với Chúa
Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh : “Tôi
vui sướng trong các nỗi thống khổ chịu vì anh em, và trong thân xác tôi, tôi bù
đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu vì Thân Mình là
Hội Thánh” (Cl 1,24). Đó là cách thực hành trọn Hiến Chương Nước Trời : “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10 : Tung Hô Tin Mừng).
Giáo lý Công Giáo dạy : Chỉ có Hy Tế của Chúa Giêsu
mới làm hoàn hảo lễ tế của Do Thái giáo, cũng như thay thế cho mọi kiểu tế tự
khác. Ngay từ thời dân Do Thái còn tế tự theo Luật Môsê, Chúa đã lên tiếng
trách : “Lễ của các ngươi dâng đối với
Ta, nào nghĩa lý gì?Lễ toàn thiêu chiên cừu, bê, bò, dê, Ta đã ngấy. Thôi, đừng
đem những lễ vật vô ích đến nữa.Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày
đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội,không chịu nổi những người cứ phạm tội ác
rồi lại cứ lễ lạt linh đình. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta. Khi
các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho
nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội
ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công
bình,sửa phạt kẻ áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is
1,11-17 : Bài đọc năm chẵn). Vì Chúa đã nói : “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời” (Tv
50/49,23b : ĐC năm chẵn). Do đó Đức Giêsu muốn mọi người cùng hiệp dâng Thánh
Lễ với Ngài mỗi ngày để
-
Được đồng hóa với Chúa
Giêsu.
-
Được trở nên công chính
trong Chúa Giêsu.
I. ĐƯỢC ĐỒNG HÓA VỚI CHÚA GIÊSU.
Chính
Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai
đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40 : Tin Mừng). Mà
người môn đệ của Đức Giêsu chỉ được đồng hóa với Ngài khi cử hành Bí tích Thánh
Thể. Vì trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu vừa là Chủ Tế, vừa là Của Lễ, vừa là Bàn Thờ
(x GLHT số 1348 ; 1383 ; 1410). Thế nên khi Đức Giám mục hay Linh mục dâng Lễ
là Chúa Giêsu dâng. Do đó Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp
Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40 : Tin Mừng). Mà
“Thầy và Cha Thầy là một” (Ga
10,30).
Thực
vậy, Đức Giêsu đã nói về những liên hệ giữa Ngài với Chúa Cha :
· "Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không
thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều
gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy, Chúa Cha còn cho người Con
thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. Chúa
Cha làm cho kẻ chết chỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng
ban sự sống cho ai tuỳ ý. Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban
cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính
Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha,
Đấng đã sai người Con” (Ga 5,19-23).
· “Tôi biết: Mệnh Lệnh của Cha tôi là sự sống
đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi."
(Ga 12,50).
· “Tôi yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa
Cha đã truyền cho tôi! " (Ga 14,31)
Đức Giêsu nói như thế được ứng nghiệm mỗi khi Hội
Thánh cử hành Bí tích Thánh Thể. Vậy ta phải hiểu Lời Đức Giêsu dạy : Ai đón
tiếp môn đệ Đức Giêsu (khi cùng hiệp
dâng Thánh Lễ với chủ tế) là đón tiếp
Chúa Giêsu (Rước Lễ) ; và đón tiếp Chúa Cha, Đấng đã ban Con Một Ngài cho thế
gian, để ai tin vào Người Con ấy thì được sống hạnh phúc muôn đời (x Ga 3,16).
II. ĐƯỢC TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH TRONG CHÚA GIÊSU.
Đức
Giêsu nói : "Ai đón tiếp một ngôn
sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ;
ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được
lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính” (Mt 10,41 : Tin Mừng).
F
“Ai
tiếp đón một ngôn sứ” chính
là tiếp đón Chúa Giêsu Phục Sinh trong Thánh Lễ, vì ai dự Lễ, người ấy được
trực tiếp nghe Chúa Giêsu giảng dạy (x Dt 1,1-2).
F
“Ai
tiếp đón người công chính” cũng chính là tiếp đón những người đã được
trở nên công chính trong Chúa Giêsu.
-
Thánh Phaolô nói :
§ “Nhờ một người duy nhất (Đức Giêsu) đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ
thành người công chính” (Rm 5,19b) ;
§ “Con người được nên công chính không phải nhờ
làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Quả thế, không phàm
nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy. Nhưng nếu khi tìm
cách nên công chính trong Đức Kitô mà chúng ta vẫn bị liệt vào hàng tội lỗi,
thì chẳng hoá ra Đức Kitô là người phục vụ tội lỗi sao? Không phải thế!”
(Gl 2,16-17).
- Thánh Giacôbê kết án những kẻ chỉ ham mê của cải coi nó như thần hộ mệnh chứ
không nương tựa vào Thiên Chúa : “Các
ngươi đã kết án và sát hại người công chính (Đức Giêsu), Ngài không cưỡng lại
các ngươi” (Gc 5,6).
Vậy ta hiểu Lời Đức Giêsu nói : “Ai tiếp đón một ngôn sứ, đón tiếp người công
chính, thì được phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ, cũng như phần thưởng dành cho
bậc công chính” (Mt 10,41 : Tin Mừng). Phần thưởng ấy chính là Chúa
Giêsu lúc họ dâng Lễ, để họ trở nên “kẻ bé nhỏ” trong Chúa Giêsu, mới thực là người
Công Giáo (x 1Ga 2,1.12.14.18.28).
Thế thì, “ai
giúp người Công Giáo (kẻ bé nhỏ) điều gì dù tầm thường như một chén nước lã, vì
người ấy là môn đệ Đức Giêsu, thì việc làm nhỏ bé đó đã được ghi vào sổ Hằng
Sống, phần thưởng không bao giờ mất” (x Mt 10,42 : Tin Mừng). Đan cử như
ông Timôthêu chỉ lấy giúp Tông Đồ Phaolô chiếc áo khoác ngoài và cuộn da thuộc
ở nhà ông Carpô đã được ghi vào Sách Thánh (x 2Tm 4,13).
Ta
xác tín rằng : Chỉ khi hiệp dâng Thánh
Lễ, ta mới được Chúa bảo tồn sự sống thật, hơn dân Israel khi còn được sống
trong cảnh giàu sang và hạnh phúc bên Ai Cập vì có ông Giuse còn sống che chở.
Nhưng khi ông Giuse qua đời, dân Israel bị đế quốc Ai Cập hành hạ, cưỡng bách
đúc gạch cùng với công việc đồng áng, đau đớn nhất là con trai của họ sinh ra
bị bóp chết (x Xh 1, 8-14.22 : Bài đọc năm lẻ). Trái lại,mỗi ngày đi dự Lễ là
ta được Chúa Giêsu Phục Sinh chộp lấy, Ngài không bao giờ chết nên “ta được phù hộ nhờ danh thánh Chúa” (Tv
123/122,8a : ĐC năm lẻ).
THUỘC LÒNG
Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy,
thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất
mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. (Mt 10,38-39).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE
ĐINH QUANG THỊNH