BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I: Am 7,12-15
Ngày ấy, tư tế đền thờ Bết Ên là 12
A-mát-gia nói với ông A-mốt: "Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa,
về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! 13 Nhưng ở Bết Ên này, đừng có
hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của
vương triều."14 Ông A-mốt trả lời ông A-mát-gia: "Tôi
không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là
người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung.15 Chính Đức Chúa đã
bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi:
"Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta."
ĐÁP CA : Tv 84
Đ. 8 Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa,
và ban ơn cứu độ cho chúng con.
9 Tôi lắng nghe điều
Thiên Chúa phán, điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung
hiếu 10 Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên
đất nước chúng ta.
11 Tín nghĩa ân tình nay
hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. 12 Tín nghĩa mọc lên từ đất
thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao.
13 Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban
phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. 14 Công lý đi tiền phong
trước mặt Người,mở lối cho Người đặt bước chân.
BÀI ĐỌC II : Ep 1,3-14
3 Chúc tụng Thiên Chúa là
Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người
đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.4
Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh
nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. 5
Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người,
Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, 6 để ta
hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử
yêu dấu. 7 Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu
chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. 8
Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông
hiểu. 9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế
hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô.
10
Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới
quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô, 11 Thiên Chúa
là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho
chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người,12 để
chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Ki-tô, chúng tôi ngợi
khen vinh quang Người.
13
Trong Đức Ki-tô, cả anh em nữa anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu
độ anh em; vẫn trong Đức Ki-tô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần,
Đấng Thiên Chúa đã hứa. 14 Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp
của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen
vinh quang Thiên Chúa.
BÀI GIẢNG
ĐỂ XỨNG DANH TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA
Giáo huấn Chúa nhật 14 B, nhằm giải
thích thế nào là phép lạ Đức Giêsu muốn thực hiện ; thì giáo huấn Chúa nhật 15 B này nhằm dạy chúng ta
những chỉ tiêu phải sống để trở thành
người Tông Đồ của Đức Giêsu, được cộng tác với Ngài để mở rộng và nối
dài các phép lạ như Đức Giêsu đã làm và còn hơn nữa (x Ga 14,12). Muốn được
thế, ta phải :
§ Định hướng việc Tông Đồ là liên kết muôn loài với Đức Kitô.
§ Xác định căn tính người Tông Đồ của Đức Kitô.
A. ĐỊNH HƯỚNG VIỆC TÔNG ĐỒ LÀ LIÊN KẾT MUÔN
LOÀI VỚI ĐỨC KITÔ
Thánh Phaolô trong Bài
đọc II cho chúng ta biết : “Ý muốn của
Thiên Chúa từ muôn thuở, trước khi Ngài tạo dựng vạn vật trong vũ trụ, là Ngài
muốn thi ân giáng phúc cho ta trong Đức Kitô, để trước Thánh Nhan Người, ta trở
nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người…Người đã tiền định cho ta
làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời… nhờ
Máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo lượng
ân sủng rất phong phú của Người… cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu… đưa
thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới
quyền một Thủ Lãnh là Đức Kitô” (Ep
1,3-14).
Vậy ta hãy cầu nguyện : “Xin Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem
lại cho chúng ta” (Ep 1,17-18 : Tung Hô Tin Mừng). Để chúng ta biết tiếp
tay với Chúa Giêsu thực hiện ý định từ muôn thuở Chúa Cha đã tiền định cho mọi
loài thụ tạo là “quy tụ muôn loài trong
trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 3,10 : Bài đọc II).
B. XÁC ĐỊNH CĂN TÍNH NGƯỜI TÔNG ĐỒ CỦA
ĐỨC KITÔ.
Có hai cách xác định căn tính người
Tông Đồ :
- Liên
kết với nhau nhằm công bố chân lý chính xác.
- Thực
hành chỉ thị của Đức Giêsu.
I. LIÊN KẾT VỚI NHAU NHẰM
CÔNG BỐ CHÂN LÝ CHÍNH XÁC.
Phải
liên kết mọi chủng tộc, liên kết mọi giai cấp.
Đức Giêsu đã truyền
lệnh cho các môn đệ : “Làm cho muôn dân
trở thành môn đệ của Ta bằng việc ban Bí tích Thánh Tẩy cho chúng ” (Mt
28,19). Bởi thế chính Đức Giêsu đã không chỉ chọn 12 người Do Thái làm môn đệ
(x Lc 6,12-16), mà Ngài còn chọn 70 (hay 72) dân ngoại nữa (x Lc 10,1-20), dựa
vào gia phả của ông Noe cho chúng ta phải hiểu như thế (x St 10). Vì ý định của
Chúa muốn chọn mọi sắc tộc làm ngôn sứ cho Ngài. Điều này đã bộc lộ ngay thời
dân Chúa bị chia đôi thành hai vương quốc : Ông Giacob có 12 người con dưới
quyền lãnh đạo của vua Salômôn. Nhưng vì vua chiều ý các bà vợ ngoại giáo xây
chùa miếu đối diện với đền thờ Giêrusalem, chính vua còn đến đó thắp nhang thờ
cúng ngẫu tượng. Vì tội ấy, mười chi họ kéo nhau về phía Bắc lập vương quốc Israel, chỉ còn hai chi họ là Giuđa và Benjamin
lập vương quốc Giuđa ở miền Nam
(x 1V 12,20t). Chúa sai ông Amos vốn chỉ là người chăn súc vật chứ không phải
là ngôn sứ, từ vương quốc Giuđa miền Nam, lên miền Bắc giảng cho vương quốc Israel,
nên ông Amos bị tư tế Amátgia ở đền thờ BếtÊn mắng : “Thầy chiêm ơi, về Giuđa mà kiếm ăn, chứ đừng hòng nói tiên tri nữa, vì
đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều”! Ông Amos
trả lời : “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng
chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật, và
châm quả cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt tôi, khi tôi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã tuyển chọn tôi : Hãy
đi tuyên sấm cho Israel
dân Ta” (Am 7,13-15 : Bài đọc I). Ông Amos không phải là ngôn sứ, chỉ làm
nghề chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung, mà Chúa còn bắt ông đi loan báo
Lời Ngài cho vương quốc Israel, huống chi người Công Giáo, ai cũng đã là ngôn
sứ của Chúa từ khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy, thì không được thua ông Amos, phải
tìm cách liên kết mọi chủng tộc, liên kết mọi giai cấp trong xã hội để cùng làm
Tông Đồ cho Chúa, tưởng đó là cách lý giải ý nghĩa Đức Giêsu sai từng hai người
đi truyền giáo (x Mc 6,7: Tin Mừng), để người Tông Đồ nói sự thật cho mọi
người, vì theo luật Do Thái : “Chứng của
hai người thì xác thực” (Ga 8,17).
II. THỰC HÀNH NHỮNG CHỈ
THỊ ĐỨC GIÊSU ĐẶT RA.
1- Trước nhất phải lưu ý thực hành Lời Đức Giêsu dạy “Hãy
cầm gậy trong tay” (Mc 6,8a) : Gậy các môn đệ phải có trong tay chính là Lời
Thiên Chúa các ông phải nắm vững và thi hành. Bởi vì “Lời Chúa phán ra là cây gậy đánh cường bạo” (Is 11,4b – Bản dịch
NTT) ; thực vậy, người Tông Đồ Đức Giêsu chỉ dựa vào Lời Chúa mới có khả năng
phục vụ hữu hiệu và được bình an, như lời Kinh đọc: “Cây gậy Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23/22,4). Bởi thế “con chẳng lìa xa điều Ngài quyết định, bởi
chính Ngài chỉ giáo cho con. Theo lời hứa của Ngài, xin cho con vững bước, chớ
để sự gian tà chế ngự được con” (Tv 119/118,102.133).
Sau đó mới lưu ý thực
hành các chỉ thị khác : “Không mang bánh,
bao bị, tiền vặn thắt lưng” (x Mc 6,8b) :
2- Không mang bánh : Đi truyền giáo không lo lấy gì mà ăn, mà uống, mà mặc,
chỉ lo làm vinh danh Thiên Chúa, còn về lương thực đi tới đâu người ta cho cái
gì thì dùng cái đó, vì “làm thợ thì đáng
được công” (Lc 10,7-8). Ai hết lòng lo việc Nước Thiên Chúa như thế thì,
những sự khác Chúa sẽ ban thêm sau (x Mt 6,33). Cụ thể giáo đoàn Galat chẳng
tiếc ông Phaolô điều gì, nếu có thể họ đã sẵn sàng móc mắt dâng (x Gl 4,15) ;
Luật Do Thái quy định : dòng tư tế Lêvi được chia 48 thành làm nơi cư ngụ, cùng
với đồng cỏ thuộc các thành ấy (x Ds 35,7). Tuy nhiên Chúa phán với tư tế
Aharon : “Đất chia cho chúng, ngươi không
có phần, ngươi không có phần gia nghiệp. Chính Ta là gia nghiệp của ngươi. Thuế
thập phân Israel dâng cho Ta, con cái Lêvi sẽ được hưởng, vì dòng họ Lêvi có
công phục vụ nơi Ta cư ngụ (Lều Hội Ngộ)” (x Ds 18,20-24). Chính Chúa cũng
đã hứa : “Thức ăn ngon Ta đãi hàng tư tế”
(Gr 31,14). Nhất là người môn đệ cần phải ý thức rằng khi làm tròn bổn phận
Chúa trao chính là lương thực nuôi sống mình, như Đức Giêsu đang lúc đói khát,
Ngài nói với các môn đệ : “Lương thực của
Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga
4,34).
3- Không bao bị : Người Tông Đồ chính là người quản lý trung trực của
Thiên Chúa, bất kỳ lúc nào Chúa đến cũng gặp thấy đang chia sẻ đúng lúc phải
thời (x Lc 12,42). Bởi thế không mang bao bị để thu tích của cải cho riêng
mình.
4- Tiền không vặn thắt lưng : Làm việc tôn giáo không phải thương
mại kiếm lời, hãy bắt chước ông Êlysa từ chối không nhận quà của ông Naaman, dù
ông Naaman đã được ngôn sứ Êlysa chỉ cho đi tắm sông Giodan để được khỏi bệnh
cùi (x 2 V 5,1-16). Chính vì vậy mà thánh Tông Đồ nói : “Đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng
không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi” (1Cr 9,18).
5- Chân đi dép (x Mc 6,9a) : Sẵn sàng lên đường để lãnh
đạo mọi người thoát nô lệ tội lỗi, giống như ông Môsê nói với dân : Mỗi người
hãy xỏ chân vào dép và mau mắn theo ông lên đường thoát ách nô lệ Ai Cập (x Xh
12,11).
6- Không mặc hai áo (x Mc 6,9b) : Đó là
người sống đơn giản, như Đức Giêsu nói với chị Matta đang lo lắng, bận rộn việc
phục vụ bữa ăn : “Cần thì ít thôi”
(Lc 10,42), để có điều kiện chia sẻ, như ông Gioan Tẩy Giả là mẫu người sống
đơn giản : “Mặc áo da thú, ăn châu chấu
và mật ong dại” (Mt 4,3), nên ông có lý để khuyên những người đến với ông :
“Ai có hai áo hãy chia cho người không
có,và kẻ có của ăn cũng hãy làm như thế” (Lc 3,11). Bởi vì “giàu có, của cải lấp mắt không nhận biết
Chúa” (Cn 30,8).
7-
Vào nhà nào hãy lưu lại đó
cho đến lúc đi ra khỏi nơi ấy (x Mc 6,10) : Thánh Phaolô nhắc lại ý Chúa : “Anh em không biết rằng người lo các thánh vụ
thì được hưởng lộc Đền Thờ, và kẻ phục vụ bàn thờ thì cũng được chia phần của
bàn thờ sao? Cũng vậy, Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng được sống
nhờ Tin Mừng” (1Cr 9, 13-14). Bởi vì đi loan báo Tin Mừng là làm phát triển
Nước Thiên Chúa, mà “Nước Thiên Chúa không
phải là chuyện ăn uống” (Rm 14,17), nên không lân la từ nhà này đến nhà kia
để kiếm chác ! Hoặc đứng núi nọ trông núi kia cao, chỉ muốn chọn nơi có nhiều
lợi nhuận !? Hãy biết rằng việc Tông Đồ không phải là một nghề kiếm ăn, như lời
tư tế Amatgia gán cho ông Amos : “Này
thầy chiêm ơi mau chạy về Giuđa, về mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm” (Am
7,12 : Bài đọc I). Người Tông Đồ của Chúa còn phải cần cù làm việc không thua
ông Amos : ông làm nghề chăn súc vật hay châm quả sung cho chín để súc vật ăn. Có
cần cù làm việc mới trở nên giàu có như Đức Kitô để có điều kiện phục vụ, chia
sẻ cho đồng loại, làm cho người anh em không chỉ giàu về vật chất, mà còn được
giàu ơn Chúa, mới giống Đức Giêsu, “Ngài
vốn dĩ là Đấng giàu, nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta, để nhờ sự nghèo khó
của Ngài mà chúng ta được nên giàu có” (2Cr 8,9).
8- Nơi nào không đón nhận anh em, thì hãy ra
khỏi nơi đó rũ bụi chân làm chứng trước mặt chúng (x Mc 6,11) : Đấy là cử chỉ của người Do
Thái khi từ miền đất dân ngoại trở về quê hương, họ phải rũ bụi chân để làm
chứng rằng : họ không bị nhiễm lây lối sống của dân ngoại không có Lề Luật Chúa
hướng dẫn. Ai không đón tiếp môn đệ Đức Giêsu, họ bị liệt vào hàng dân ngoại,
và người Do Thái khinh chê dân ngoại đến nỗi không thể ngồi ăn chung với họ (x
Gl 2,11-14). Do đó Đức Giêsu dạy các môn đệ phải giũ bụi chân để tỏ dấu tố cáo những kẻ không tiếp đón các
ông ; cũng không nghe các ông giảng, chúng bị liệt vào hàng dân ngoại, thì các
ông hãy phó mặc họ cho Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu bắt đầu đi rao giảng, Ngài tới vùng dân
ngoại, làm cho dân đang ngồi trong bóng tối sự chết thấy được ánh sáng ban sự
sống (x Mt 4,12-17 ; Ga 8,12). Người Do Thái còn coi dân ngoại chỉ là loài chó,
họ mới là con Chúa, thế mà Chúa vẫn cứu con gái bà ngoại giáo xứ Canaan thoát tay quỷ ám (x Mt 15,21t). Người môn đệ Đức
Giêsu phải nhớ rằng mình chỉ là đầy tớ vô dụng, không biết làm gì hơn là chu
toàn bổn phận đã được trao phó (x Lc 17,10). Nói như thánh Tông Đồ : “Tôi trồng anh tưới, Thiên Chúa mới làm cho
mọc lên” (1Cr 3,6), hay có tâm tư như ngôn sứ Isaia : “Tôi đã vất vả luống công phí sức mà chẳng được gì, chính Chúa minh xét
cho tôi, và phần thưởng của tôi ở nơi tay Ngài” (Is 49,4). Bởi vì “chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc, và đất
chúng ta trổ sinh hoa trái” (Tv 84 : Đáp ca).
9- Hãy rao giảng Tin Mừng kêu gọi người ta ăn
năn sám hối
(x Mc 6,12) : Sám hối không phải chỉ là ray
rứt vì tội đã phạm, mà còn thể hiện bằng làm việc lành (x Lc 3,8). Chính vì vậy
những người đến chịu phép rửa của ông Gioan, ai cũng đặt câu hỏi : “Chúng tôi phải làm gì ?” Ông Gioan đã
chỉ cho họ : Hãy làm việc lành ngay trong địa vị của mình (x Lc 3,10-14). Vì hối
cải được thể hiện qua làm việc lành là hành động đầu tiên để được thâu nhận vào
Nước Thiên Chúa. Thậm chí nếu họ không có điều kiện làm việc tốt, thì Chúa cũng
cho họ vào Thiên Đàng ngay giống anh trộm lành (x Lc 23,39-43).
10- Xua
trừ ma quỷ
(x Mc 6,13a) : Vì Lời Chúa là vũ khí sắc bén xua trừ ma quỷ. Đức Giêsu đã dùng
Lời Kinh Thánh để đẩy lui Satan ba lần nó tấn công Ngài (x Mt 4,1-11). Do đó
thánh Tông Đồ khuyên chúng ta : “Hãy đội
lấy mũ chiến cứu độ, đeo gươm Thần Khí tức là Lời Thiên Chúa,để dập tắt mọi tên
lửa của Kẻ Dữ” (Ep 6,16-17).
11- Xức dầu chữa lành bệnh nhân (x Mc 6,13b) : Đức
Giêsu chữa lành bệnh nhân, thì Ngài không cần dùng đến dầu hay loại thuốc nào,
trái lại các môn đệ muốn chữa lành bệnh người nào, các ông phải dùng dầu, là dấu
chỉ phải lệ thuộc vào Đức Giêsu. Thánh Gioan nói : “Dầu-Xức anh em đã lãnh nơi Ngài hiện lưu lại trong anh em, nên anh em
không cần nhờ ai dạy bảo, phải hơn như Dầu-Xức của Ngài dạy anh em về hết mọi
sự, và là sự thật, không phải là sự dối trá, nên chiếu theo điều Dầu-Xức đã dạy
anh em hãy lưu lại trong Ngài” (1Ga 2,27). Vì vậy mà hai ông Phêrô và Gioan
gặp anh què ngồi ở Đền Thờ, các ông đã cho anh được lành mạnh, nhờ ông Phêrô
nói : “Nhân danh Đức Giêsu người Nadareth,
anh hãy bước đi” (Cv 3,6b).
Vậy sứ mệnh của người
Tông Đồ phải làm cho người anh em thăng tiến đời sống Đức Tin từng bước.
- Bước
tốt thôi
: dạy người anh em sống nhân ái với đồng loại. Nói cách khác : sống có nhân bản
(x 1Ga 3,17).
- Bước
tốt hơn :
dạy người anh em hiểu Kinh Thánh và đem ra thực hành, dù biết rằng Kinh Thánh vẫn còn giam chúng ta trong tội,
vì không ai chu toàn mọi điều tốt Kinh Thánh dạy, cũng không ai tránh hết mọi
điều xấu Kinh Thánh chỉ (x Gl 3,22).
- Bước
tốt nhất
: chu toàn bước tốt thôi và bước tốt hơn, nhưng còn phải đi bước thứ ba là giúp
cho người anh em được kết hợp với Chúa Giêsu khởi đi từ việc lãnh Bí tích Thánh
Tẩy và hoàn hảo trong Bí tích Thánh Thể (x Gl 3,24).
Có đi trọn ba bước
trên, mới được sống hạnh phúc muôn đời trong Nước Thiên Chúa,vì đã “trở nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng
trọn lành” (Mt 5,48).
THUỘC LÒNG.
- Tôi
trồng, anh tưới, Thiên Chúa mới làm cho mọc lên, vì thế, trồng hay tưới chẳng
là gì, Đấng làm cho mọc lên mới đáng kể !(1Cr 3,6-7)
- Khi
đã hoàn tất những gì theo lệnh phải làm, hãy nói : “Chúng tôi là đầy tớ vô
dụng, không biết làm gì hơn là việc bổn phận phải làm” (Lc 17,10).
- Tôi
đã vất vả luống công phí sức mà chẳng được gì, chính Chúa minh xét cho tôi, và
phần thưởng của tôi nơi tay Ngài (Is 49,4).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH