BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : St 23, 1-4.19 ; 24, 1-8.62-67
23 1 Bà
Xa-ra sống được một trăm hai mươi bảy tuổi : đó là những năm bà Xa-ra đã sống. 2 Bà Xa-ra qua đời tại Kia-giát Ác-ba, tức là
Khép-rôn, trong đất Ca-na-an. Ông Áp-ra-ham đến làm lễ chôn cất bà và than khóc
bà.
3 Ông đứng
dậy, để người chết đó và nói với con cái ông Khết rằng : 4
“Tôi là ngoại kiều và là người khách ở giữa các ông. Xin các ông
nhượng cho tôi một miếng đất riêng làm phần mộ ở giữa các ông, để tôi đem người
chết của tôi đi chôn.”
19 Sau đó, ông Áp-ra-ham chôn bà Xa-ra, vợ ông,
trong hang của cánh đồng Mác-pê-la, đối diện với Mam-rê, tức là Khép-rôn, tại
đất Ca-na-an.
24 Ông Áp-ra-ham đã
già nua tuổi tác, và ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ông Áp-ra-ham trong mọi sự. 2 Ông Áp-ra-ham bảo người lão bộc sống lâu năm
nhất trong nhà ông, và cũng là người quản lý mọi tài sản của ông : “Chú hãy đặt
tay dưới đùi tôi, 3 và tôi xin chú nhân danh
ĐỨC CHÚA là Chúa trời đất, mà thề rằng chú sẽ không cưới cho con trai tôi một
người vợ trong số con gái xứ Ca-na-an, nơi tôi đang sống. 4
Nhưng chú sẽ về quê tôi, đến với họ hàng tôi, mà cưới vợ cho con tôi
là I-xa-ác.” 5 Người lão bộc thưa với ông :
“Có thể người đàn bà ấy không chịu đi theo tôi về đất này ; vậy tôi có phải đưa
cậu con trai ông về đất mà từ đó ông đã ra đi không ?” 6
Ông Áp-ra-ham bảo người ấy : “Coi chừng, đừng có đưa con trai tôi về
đó ! 7 ĐỨC CHÚA là Chúa Trời, Đấng đã đưa tôi
ra khỏi nhà cha tôi, khỏi quê hương tôi, Đấng đã phán với tôi và thề với tôi
rằng : ‘Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này’, chính Người sẽ sai sứ thần Người
đi trước mặt chú, để từ nơi đó chú cưới vợ về cho con tôi. 8
Nếu người đàn bà không chịu đi theo chú, thì chú không còn buộc phải
giữ lời thề với tôi nữa. Nhưng dù sao, cũng đừng đưa con tôi về đó.”
62 Sau một thời gian đầu, cậu I-xa-ác đã bỏ vùng
giếng La-khai Rô-i, và đang ở trong miền Ne-ghép. 63 Cậu
I-xa-ác ra ngoài đồng dạo mát lúc chiều tà. 64 Ngước
mắt lên, cậu thấy một bầy lạc đà đang tiến đến. Ngước mắt lên, cô Rê-bê-ca thấy
cậu I-xa-ác, cô bèn từ trên lưng lạc đà nhảy xuống 65 và
hỏi người lão bộc : “Người đang đi ngoài đồng tiến về phía chúng ta là ai đó ?”
Người lão bộc trả lời : “Chủ tôi đấy !” Cô bèn lấy chiếc khăn che mặt.
66 Người lão
bộc thưa lại với cậu I-xa-ác tất cả những gì ông đã làm. 67
Cậu I-xa-ác đưa cô Rê-bê-ca vào lều của bà Xa-ra mẹ cậu ; cậu lấy cô
làm vợ, cậu yêu thương cô và khuây khoả được nỗi buồn mất mẹ.
ĐÁP CA : Tv
105
Đ. Hãy
tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ. (c 1a)
1 Hãy tạ ơn
CHÚA vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. 2 Ai sẽ tường thuật những chiến công của CHÚA,
sẽ công bố mọi câu tán tụng Người ?
3 Hạnh phúc
thay người giữ đức công minh và hằng thực thi điều chính trực ! 4 Lạy CHÚA, xin Ngài nhớ đến con bởi lòng
thương dân Ngài, xin ngự đến viếng thăm mà ban ơn cứu độ.
5 Xin cho
con được thấy tỏ tường phần phúc lộc dành cho những người được Chúa chọn, để
chúng con được vui niềm vui dân Chúa và cùng hiên ngang với gia nghiệp của
Ngài.
BÀI GIẢNG
ĐỂ LÀM MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU
Chúa
Giêsu không chỉ muốn chọn 12 người Do Thái làm môn đệ của Ngài, mà Ngài còn
muốn chọn cả muôn dân. Do đó Chúa Giêsu đã ra lệnh cho Nhóm Mười Một : “Anh
em hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy cho họ nhân danh Chúa Cha và
Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
Nhưng
không tất yếu cứ lãnh Bí tích Thánh Tẩy đương nhiên trở thành môn đệ Chúa
Giêsu,mà phải có tâm nghe và thực hành giáo huấn Hội Thánh dạy (x Mt 28,20). Cụ
thể phải để tâm tìm hiểu Lời Chúa mà Hội Thánh cho đọc trong Thánh Lễ hôm nay,
dẫn ta đến những xác tín :
- Tin Chúa biến tội ra ơn.
- Làm tròn bổn phận : Mến Chúa và Yêu Người.
- Chọn việc tốt nhất.
- Chuyên cần hiệp dâng Thánh Lễ
I- TIN CHÚA BIẾN TỘI RA ƠN.
Ai càng ý thức mình là kẻ tội lỗi mà sám hối xin Chúa
Giêsu thương xót và được theo Ngài, thì càng làm vinh danh Chúa. Vì thế Đức
Giêsu nói : "Tôi không đến để kêu
gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mt 9,13b: Tin
Mừng).
Chúa
không kêu gọi người công chính là Ngài không kêu gọi kẻ tự mãn vào việc tuân
giữ Luật Môsê mà khinh dể người khác (x Lc 18,9), đến nỗi trở nên những kẻ
quyết liệt chống đối Đức Giêsu, và không muốn cho ai theo Ngài (x Ga 7,47-48).
Trước
mặt Thiên Chúa “không ai là người công
chính, dẫu một người cũng không, chẳng ai có lương tri, chẳng ai kiếm tìm Thiên
Chúa, dù đã làm những gì Luật dạy, Luật chẳng qua chỉ làm cho người ta ý thức
về tội” (Rm 3,10-11.20). Vì “Luật lập
ra cho loài người vô luân, chứ không phải cho người được công chính trong Chúa
Kitô” (1Tm 1,9). Mà “ai đã được công
chính trong Chúa Kitô, thì phải là người ngao ngán cực phiền trước thói phóng
đãng của lũ người phi pháp” (2 Pr 2,7).
“Vi
trùng bất lương” xâm nhập linh hồn mọi người, duy chỉ có “Lương Y Giêsu” mới
chữa lành (x Cv 4,12). Bởi thế, khi có kẻ chê trách Đức Giêsu dùng bữa với bọn
thu thế và quân tội lỗi, thì Ngài nói : “Người khỏe không cần thầy thuốc, người đau
ốm mới cần” (Mt 9,12 : Tin Mừng).
Sở
dĩ người Do Thái kết án những người thu thuế là kẻ có tội vì ba lý do :
1. Tội lạm dụng quyền để làm giàu : Người thu thuế dễ lạm dụng quyền đế quốc Roma cho
: Roma không trực tiếp đứng ra thu thuế người Do Thái, mà trao cho người địa
phương thầu. Người thu thuế chỉ cần nộp đủ số tiền thuế Roma đã quy định, nên
họ dễ dựa vào kẽ hở của Luật để làm giàu bằng cách thu cao hơn mức thuế đã ấn
định. Chính ông Giakêu cũng đã thú nhận điều này với Đức Giêsu, khi ông xin đền
gấp bốn đối với những ai ông đã làm thiệt hại (x Lc 19,8b).
2. Tội phản quốc : Lấy thuế của dân tộc nộp cho ngoại xâm là củng cố quyền lực Roma đang
đặt ách thống trị đè nặng trên người đồng chủng ! Đó là hành động “rước voi về giày mồ”.
3. Tội phản Đạo
: Vì người Do Thái chỉ tin cậy vào Chúa mà cầu nguyện : “Người ta cậy vào chiến xa pháo mã, còn dân chúng tôi chỉ trông chờ vào
danh Chúa mà thôi” (Tv 20/19,8). Như thế, người lấy thuế của người đồng
chủng mà nộp cho ngoại bang, là một cách trông cậy vào thế lực của kẻ ngoại hơn
là trông cậy vào Thiên Chúa. Nói cách khác : đặt uy danh Chúa dưới quyền lực
của đế quốc Roma !
Nhưng
ai biết ăn năn sám hối tội mình, thì đều đáng được Đức Giêsu kêu gọi để nên
chứng nhân cho Ngài, một khi họ cảm nghiệm được “ở đâu tội lỗi nhiều, ở đó ân sủng Chúa ban càng chan chứa” (Rm
5,20).
Trong
lịch sử Cứu Độ, người nào biết khiêm tốn thú nhận tội lỗi mình trước mặt Chúa,
thì được Chúa đặt làm việc lớn. Đan cử :
- Trong số 12 môn đệ Đức
Giêsu chọn, chỉ ông Phêrô thú nhận với Thầy: “Xin Thầy xa con, vì con là kẻ có tội” (Lc 5,8), nên ông đã được
Chúa đặt làm Giáo hoàng tiên khởi (x Mt 16,18), và trước khi Ngài trao quyền
lãnh đạo Hội Thánh cho ông, Ngài đã khéo léo, tế nhị qua ba lần hỏi : “Con có yêu Thầy không ?” Làm ông gợi nhớ
đến ba lần chối Thầy, nên khiêm tốn nói: “Thưa
Thầy,Thầy thông hay mọi sự,Thầy biết con yêu mến Thầy” (x Ga 21,15t).
- Ông Phaolô tự hào trong
Chúa (x 1Cr 1,31), nên khoe với giáo đoàn Corinthô : “Thiết tưởng nào tôi thua gì những Tông Đồ thượng đẳng” (2Cr 11,5).
Ông được Chúa ban cho thành công không thua kém các Tông Đồ của Đức Giêsu đã
chọn trước Phục Sinh, chỉ vì ông đã thành thật khiêm tốn thú nhận tội mình với
các giáo đoàn, như ông nói :
· “Chẳng có gì
lành cư ngụ trong tôi, sự lành tôi muốn, tôi không làm, còn sự dữ, tôi không
muốn,tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19).
· “Để những Mạc
Khải cao siêu khỏi làm tôi quá tự tôn, thì tôi đã được một cái dằm đâm vào thân
xác, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi. Về điều ấy, đã ba lần, tôi
nài xin Chúa cho nó rời khỏi tôi.Nhưng Ngài đã phán bảo tôi : Ơn Ta đủ cho ngươi.
Vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2Cr 12,7-9).
Vậy trong loài người không ai được thất vọng về sự
yếu đuối của mình, mà tự ti mặc cảm là kẻ tội lỗi bất xứng, không đáng được
Chúa kêu gọi làm Tông Đồ. Bởi vì cả đến tên trộm lành, suốt cuộc đời hắn chỉ
làm khổ người ta. Khi bị đóng đinh trên thập giá hắn biết sám hối tội, xin Đức
Giêsu thương xót, và xin theo Ngài, anh đã trở nên mẫu người động viên tất cả
những kẻ tội lỗi biết sám hối tội mình mà đến với Chúa Giêsu sẽ được ơn hơn
lòng mong ước (x Lc 23,43 ; Ep 3,20).
II- LÀM TRÒN BỔN PHẬN, MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI.
1. Mến Chúa, vì Ngài nói : “Ta sẽ gieo
đói khát trên xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống,
mà là đói khát được nghe Lời Chúa” (Am 8,11). Như thế, chỉ có Chúa mới làm
cho con người biết đói khát nghe Lời Ngài, vì bản năng tự nhiên của loài người
rất giống các sinh vật, chỉ tìm của vật chất để nuôi thân, chẳng mấy ai để tâm
nghe và thực hành Lời Chúa dạy : “Hãy tìm
kiếm nước Thiên Chúa trước và sự công chính của Ngài,còn các điều khác Ngài sẽ
ban thêm cho”(Mt 6,33). Phải biết rằng “người
ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ Lời Chúa dưỡng nuôi” (Mt 4,4
: ĐC năm chẵn). Do đó, biết đói khát Lời Chúa là một ơn nhưng không Chúa ban.
Tuy nhiên chỉ có những người khao khát sống đời công chính, khao khát sống đời
hoàn thiện (x Tv 119/118,20) mới đón nhận được ơn này. Thế thì ông Matthêu đang
ngồi thu thuế, Đức Giêsu gọi : “Hãy theo
tôi”, ông đáp ứng lời mời gọi ngay, bỏ việc thu thuế đi theo Ngài. Điều này
Matthêu đã minh chứng ông hằng khao khát sống hoàn thiện.
2. Yêu người, phải sống có nhân bản: Chúa dùng
miệng ngôn sứ Amos lên tiếng đòi mọi người phải tôn trọng người anh em, nhất là
quan tâm, đáp ứng nhu cầu người bần cùng, người thấp cổ bé miệng ; chứ đừng chỉ
mong ngày Lễ nghỉ theo Luật bao giờ qua, để bán thóc mọt, lại còn làm cho đấu
đong nhỏ lại, chế quả cân thêm nặng để đánh lừa thiên hạ, miễn sao vơ vét được
nhiều tiền. Khi đã dư tiền của thì mua đứa nô lệ, đem đôi dép đổi lấy kẻ cùng
khổ! Sống ác như thế là tham gia vào việc giết Con Thiên Chúa,như Lời sấm ngôn
báo trước: “Mặt trời lặn giữa trưa, khiến
cho mặt đất tối sầm giữa lúc ngày đang sáng” (Am 8,4-9 : Bài đọc năm chẵn).
Điều ấy đã xảy ra lúc Đức Giêsu bị treo trên thập giá (x Mt 27,45).
III- CHỌN VIỆC TỐT NHẤT.
Việc
tốt phải hội đủ ba yếu tố :
- Bản chất việc đó tốt.
- Thuộc bổn phận.
- Hoàn cảnh bắt buộc phải làm trước.
Nhưng việc tốt cũng có ba cấp độ :
C Việc tốt thôi
: Nếu ông Lêvi thu thuế đúng Luật quy định, để góp phần điều hành sinh hoạt xã
hội.
C Việc tốt hơn
: Ông Lêvi đã tổ chức bữa tiệc lớn để quy tụ những người tội lỗi đến đồng bàn
với Đức Giêsu (x Mt 9,10), là dấu họ được giao hòa với Thiên Chúa.
C Việc tốt nhất
: Tốt nhất là được lợi cả hồn lẫn xác, dù có mất đời này nhưng đời sau Chúa lại
ban trọng hậu. Điều tốt nhất không phải chỉ riêng cho mình, mà còn cho cả đồng
loại. Đan cử ông Lêvi đã bỏ nghề thu thuế, đi theo Đức Giêsu để thu góp Lời
Chúa và loan báo cho muôn dân. Nếu ông nán lại trong nghề thu thuế, thì ông chỉ
phục vụ gia đình và xã hội trong một thời gian nhất định, với một số người nhất
định. Nhưng nhờ ông biết thu góp Lời Chúa để nuôi sống muôn vàn người qua mọi
thế hệ cho đến ngày cánh chung. Trước Công Đồng Vat.II, Hội Thánh dùng Tin Mừng
của ông Matthêu nhiều nhất. Đó cũng là lý do Đức Giêsu khen cô Maria chăm chú
đón nhận Lời là cô đã chọn phần tốt nhất, và không bị ai giựt mất, hơn cô Matta
chỉ lo đến bữa ăn phục vụ khách! (x Lc 10,38-42).
Là
người Tông Đồ giỏi của Đức Kitô, phải làm cả ba việc tốt trên, tùy lúc, tùy
hoàn cảnh cho phép. Nhưng đừng bao giờ dừng lại việc tốt thôi hay tốt hơn mà bỏ
việc tốt nhất, nên trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, phải luôn chu toàn nhiệm vụ
ngôn sứ đã được Chúa trao ban trong ngày lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Vì thế giáo
huấn Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số 35 nhắc nhở cho các con cái
mình : “Giáo dân có thể và phải có một
hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng
việc trần thế” .
IV- CHUYÊN CẦN HIỆP DÂNG THÁNH LỄ.
Hình
ảnh bữa tiệc Đức Giêsu ngồi chung với những người tội lỗi tại nhà ông Lêvi
(x Mt 9,10 : Tin Mừng),
trở thành dấu chỉ bữa tiệc Thánh Thể Chúa mời gọi mọi người tham dự.
Ta
biết, ai được dự tiệc với Chúa Giêsu là dấu chỉ người đó được ơn giải phóng,
được giao hòa với Thiên Chúa, được cứu độ. Chân lý này đã được diễn tả qua hình
ảnh ông Giơhôgiakhin, vua Giuđa thất trận, bị vua Babylon tống ngục. Trong ngày vua Babylon đăng quang, ông Giơhôgiakhin được ân xá ra khỏi
tù, và được vua Babylon tiếp thân thiện, lại ban
cho ông Giơhôgiakhin ngồi trên một ngai cao hơn các vua có mặt tại Babylon. Vua Babylon cho
ông Giơhôgiakhin thay áo tù và suốt đời ngày ngày được đồng bàn với vua Babylon, cùng với cấp
dưỡng liên tục (x 2V 25,27-30).
Thực
vậy, Mạc Khải cho chúng ta biết ơn cứu độ được Chúa ban trọn vẹn cho con người,
luôn được diễn tả bằng bữa tiệc :
- Ngôn sứ Isaia đã báo
trước về ngày Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ loài người : Ngài dọn
tiệc thiết đãi muôn dân, ai dự tiệc này không còn tang chế khóc lóc, ngày ấy
người ta sẽ nói : “Đây là Thiên Chúa
chúng ta,chính Người là Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui
mừng bởi được Người cứu độ”(x Is 5,6t).
- Ông Lêvi dọn tiệc để
quy tụ những người tội lỗi đến đồng bàn với Đức Giêsu, là dấu chỉ họ được dự
tiệc trong Nước Thiên Chúa (x Lc 14,15-24).
- Người đầy tớ trung tín
làm trọn nhiệm vụ chủ trao phó, khi chủ về, ông đặt đầy tớ vào bàn tiệc để hầu
hạ (x Lc 12,35-37).
- Đứa con hoang đường trở
về cũng như người con cả muốn được hưởng lời cha hứa “mọi sự của cha đều là của con”, thì phải dự tiệc cha đã dọn (x Lc
15,11t).
- Năm cô trinh nữ khôn
ngoan được chàng rể dìu vào tiệc cưới (x Mt 25,1-13)
- Ngày cánh chung, tất cả
những người công chính : người đã thương giúp đồng loại, trở thành những “kẻ bé
nhỏ” – người thuộc về Hội Thánh Chúa Kitô - thì tất cả được vào dự tiệc hoan
lạc trong Nước Thiên Chúa (x Mt
25,31-46).
Ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa, người ấy được
Chúa Giêsu ở cùng, cuộc đời họ cảm thấy vơi nhẹ nỗi khổ đau, vì Đức Giêsu đã
nói : “Tất cả những ai đang vất vả mang
gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28 :
Tung Hô Tin Mừng).
Chúa Giêsu nâng đỡ bổ sức cho những ai đến với Ngài
khác nào chồng nâng đỡ vợ. Thực vậy, bất cứ ai đã được lãnh Bí tích Thánh Tẩy,
đều được trở nên Hiền Thê của Chúa Giêsu, như thánh Phaolô nói : “Tôi đã đính hôn anh em với một người độc
nhất là Đức Giêsu Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh
khiết” (2Cr 11,2). Chỉ khi nào là Hiền Thê của Đức Kitô, thì người đó mới
được thừa hưởng phúc lành của Chúa đã hứa cho tổ phụ Abraham : “Ta sẽ làm cho dòng giống ngươi nên đông như
sao trên trời, nhiều như cát bãi biển, và dòng giống ngươi sẽ chiếm cửa thành
quân địch, vì ngươi đã vâng nghe tiếng Ta” (St 22,17-18 : Bản dịch NTT).
Vì tổ phụ Abraham đã tin vào Lời Chúa hứa, nên sau
khi Sara, vợ ông qua đời, ông đã tậu một mảnh đất tại cánh đồng Marpêlla, tại
Canaan, là đất của con cái ông Khết (vì phần mộ của tổ tiên vốn là gia sản quan
trọng cho con cháu được an nghỉ - x 1V 13,22), rồi ông Abraham buộc ông lão là
người quản lý tài sản phải thề tìm cho được cô gái trong dòng họ để giới thiệu
cho Isaac, con ông, cưới làm vợ, hầu phúc lành của Chúa đã hứa cho dòng dõi
Abraham, không để cho dân ngoại được hưởng, Ông lão đã khấn với Chúa xin cho
một dấu chỉ cô nào có lòng thương người. Quả nhiên, khi ông gặp các cô gái
trong thành ra giếng kín nước, ông cất lời xin cô Rêbecca : “Vui lòng cho tôi hớp nước đỡ khát”, và
được cô Rêbecca cho ông lão uống đã khát, lại còn múc nước cho đoàn súc vật của
ông lão uống nữa. Ông lão nhận ra đó là dấu Chúa bảo ông “cô Rêbecca sẽ là vợ
của Isaac”, nên ông ngỏ ý với cha mẹ cô, xin dẫn cô về cho Isaac ! (x St
23,1-4.19 ; 24,1-8.62-67 : Bài đọc năm lẻ).
Vợ chồng Isaac và Rêbecca sinh Giacob, Giacob sinh 12
người con là tiền trưng cho 12 môn đệ của Đức Giêsu, để chính Nhóm này, Đức
Giêsu xây dựng Hội Thánh của Ngài, mà những ai đã thuộc về Hội Thánh Chúa Kitô,
đều phải học tinh thần sống Đạo của ông Lêvi (Matthêu) mới xứng đáng là Hiền
Thê của Chúa Kitô, đi loan báo Tin Mừng sinh con cho Thiên Chúa, để được lãnh
phúc lành Chúa đã hứa cho tổ phụ Abraham, mà Chúa Giêsu chính là phúc lành Chúa
Cha ban tặng cho những người Ngài tuyển chọn, như Chúa đã chọn ông Matthêu.
Vậy “hãy tạ ơn
Chúa, vì Chúa nhân từ” (Tv 106/105,1a : ĐC năm lẻ).
THUỘC
LÒNG
Giáo dân có thể và phải có một hoạt động
cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng việc trần
thế (Hiến Chế Hội Thánh số 35).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE
ĐINH QUANG THỊNH