BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I :
Ed 17,22-24
22 Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Từ ngọn cây,
từ ngọn hương bá cao chót vót,Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ
trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi.
23 Ta sẽ trồng nó trên núi
cao của Ít-ra-en. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông
chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành.
24 Tất cả cây cối ngoài
đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao
cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi.
Chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta thực hiện.
ĐÁP CA : Tv
91
Đ. 2a
Lạy Chúa, hạnh phúc thay được tạ ơn Ngài.
2 Thú vị
thay được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao, 3
được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài
suốt canh khuya,
13 Người
công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng 14
được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta;
15 già
cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, 16
để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi
Người chẳng có chút bất công.
BÀI ĐỌC II
: 2Cr 5,6-10
Thưa
anh em, 6 chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại
trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa,7 vì chúng ta tiến bước nhờ
lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa...8 Vậy, chúng tôi luôn
mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên
Chúa.9 Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng
tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người.10Vì tất cả chúng ta
đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận
những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.
BÀI GIẢNG
GIEO LỜI CHÚA LÀ XÂY DỰNG HỘI THÁNH
Ai
muốn thấy Nước Thiên Chúa không phải đợi đến ngày cánh chung, mà được thấy ngay
từ đời này, khởi đi từ lúc Đức Giêsu gieo hạt giống Lời Chúa vào lòng người.
Dụ
ngôn Người Đi Gieo Giống diễn tả người đi gieo hạt giống tốt là Lời Thiên Chúa
(x Mc 4,14). Người đi gieo Lời Chúa cần phải kiên nhẫn và tin tưởng, ví như người
gieo hạt xuống đất, nó mọc lên lúc nào còn phải đợi thời gian, cần có mưa thuận
gió hòa, nên người đã gieo hạt rồi, ngủ hay thức, hạt giống vẫn âm thầm mọc,
bằng cách nào người gieo cũng không biết. Đất tự động sinh ra hoa mầu : “Trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng
đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm
hái ra gặt vì đã đến mùa” (Mc 4,26-29 : Tin Mừng).
Như
thế, để có mùa lúa bội thu, người gieo hạt còn cần phải lệ thuộc vào ơn Trời là
quan trọng nhất. Thánh Tông Đồ nói : “Tôi
trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới
làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng
Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1Cr 3,6-7). Nên “khi đã hoàn tất những gì theo lệnh phải làm,
hãy nói, chúng tôi là đầy tớ vô dụng, không biết làm gì hơn là việc bổn phận
phải làm” (Lc 17,10). Làm việc trong Nước Thiên Chúa nhiều lúc xem ra thất
bại, thì hãy nói : “Tôi vất vả luống
công, phí sức mà chẳng được gì,chính Chúa minh xét cho tôi,và phần thưởng của
tôi nơi tay Ngài” (Is 49,4).
Tin Mừng Nhất
Lãm khi diễn tả về mầu nhiệm Nước Chúa – mầu nhiệm Hội Thánh – cả ba tác giả
Matthêu, Marcô và Luca đều ghi ví dụ Người Gieo Giống đứng hàng đầu (x Mt 13 ;
Mc 4 ; Lc 8). Điều này Chúa Giêsu có ý nhấn mạnh : Không rao giảng Lời Chúa thì không thể có Hội Thánh, không có ơn cứu
độ, vì Chúa Giêsu chỉ muốn cứu những người đã thuộc về Ngài làm nên cùng
một Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu, cũng là làm nên một đoàn chiên gồm
những người có tâm hồn đón nhận Lời Chúa, họ mới được Chúa Giêsu là Mục Tử nhân
lành nuôi dưỡng và bảo vệ (x Ga 10,27-30).
Dầu
vậy đoàn chiên của Mục Tử Giêsu vẫn chỉ là “đoàn chiên nhỏ bé” (Lc 12,32a), vì
chính Chúa Giêsu ví Hội Thánh như “hạt
cải nhỏ bé nhất trong các loại hạt, nhưng khi đã gieo xuống đất, nó là loại hạt
nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau
cỏ, cành lá xum xuê đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4,31-32
: Tin Mừng). “Hạt cải nhỏ bé” trước nhất phải hiểu về Đức Giêsu, Ngài nhỏ bé vì
bị người đời phế thải, chịu đóng đinh trên thập giá, ai đi qua cũng lắc đầu bỉu
môi mắng nhiếc (x Mt 27,38-44). Ta hãy chiêm ngưỡng chân dung Đức Giêsu trong
ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Ngài trở nên kẻ bé nhỏ về cả thân xác đến danh dự :
1. Bé nhỏ vì thân xác Đức Giêsu bị bóc lột.
- Không còn mảnh vải che thân, vì bị lính Roma lột hết.
-
Không còn miệng để loan báo Tin Mừng, vì bị các đầy tớ của thượng tế vả đến
“phù mỏ” (x Ga 18,22).
-
Không còn khối óc để nghĩ kế cứu loài người tội lỗi, vì đầu Ngài bị vòng gai
nhọn ghim chặt thay thế cho vương miện.
-
Không còn đôi chân bước đến phục vụ người đau khổ, vì bị đinh ghim chặt vào cây
gỗ.
-
Không còn đôi tay để ban phát muôn ơn cho con người, vì bị đinh đóng thủng.
-
Không còn trái tim để yêu thương cả bạn lẫn thù, vì bị chúng đâm thủng, nước và
máu trong tim dốc ra hết.
2. Bé nhỏ vì
danh dự Đức Giêsu bị chà đạp.
Người ta giết Đức Giêsu chỉ vì họ liệt Ngài vào loại
người :
- Kẻ bị họ hàng kết án là
khùng điên (x Mc 3,21).
- Kẻ lạc đạo như quân
Samari bị quỷ ám (x Ga 8,48).
- Kẻ lộng ngôn phạm
thượng đến Thiên Chúa (x Mt 26,65).
Sau khi Ngài bị giết, ông Nicôđêmô xin lãnh “xác hạt
giống” này đem chôn vào lòng đất (x Ga 19,39). Ông Nicôđêmô làm như thế là diễn
tả tâm trạng tuyệt vọng của ông trước cái chết của Đức Giêsu, vì từ ngày ông
được thụ giáo với Ngài (x Ga 3), ông đã đặt hy vọng vào Ngài là Đấng đến giải
phóng dân thoát ách nô lệ Roma. Bởi đó chính ông đã đứng ra bênh vực Đức Giêsu
trước mặt các Thượng tế và Biệt phái muốn giết Ngài, ông nói : “Há Luật của chúng ta lại lên án người nào
trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì ?”(Ga 7,51) Ngờ đâu, ông
Nicôđêmô an táng Đức Giêsu, chính là chôn niềm tin của ông vào lòng đất, vì chỉ
ba ngày sau “Hạt Giống” ấy đã chỗi
dậy đến thổi hơi vào các môn đệ và ban Thánh Thần cho (x Cv 2 ; Ga 20,22). Từ
ngày hôm ấy các ông được biến đổi thành những mảnh đất mầu mỡ thích hợp để cho hạt
giống Lời gieo vào mọc lên và phát triển cho muôn dân được nương nhờ, dù trước
đó Đức Giêsu đã xếp các ông vào loại đất tồi tệ : đường đi, sỏi đá, bụi gai,
không thể làm cho hạt giống mọc lên được (x Mc 4,13-20). Thế mà trong số những
hạt giống âm thầm mọc, có ông Phaolô, từng là kẻ vũ phu đi bắt hại những người
công chính, nhưng khi ông được Chúa Giêsu chộp lấy và biến ông thành hạt giống
“con
cái Nước Trời” (x Mt 13,38), từ hạt giống này mọc lên thành lúa tốt,
rồi sinh ra những bông lúa nặng trĩu hạt mẩy, để có lương thực nuôi muôn dân
tộc, ông đã trở thành vị Tông Đồ xuất sắc không thua kém các Tông Đồ thượng
đẳng (x 2Cr 11,5), tập họp muôn dân về nương ẩn dưới “cây cải Giêsu” .
Bởi thế tuy Hội Thánh Chúa Kitô được ví như hạt cải
nhỏ bé (x Mc 4,13 : Tin Mừng), nhưng khi mọc lên thành cây lớn làm cho muôn dân
đến nương nhờ. Cụ thể nhìn vào lịch sử Hội Thánh hơn 20 thế kỷ nay :
- Nhờ sáng kiến của Đức
Giáo hoàng Grégorio XIII (1505-1583) mà thế giới có chung một niên lịch, khởi
đi từ ngày Con Chúa giáng trần.
- Nếu không có thày Dòng
Guion (955 – 1050) lấy nốt nhạc từ bài kinh tiếng La Tinh, thì làm sao ngành âm
nhạc của thế giới được phát triển như hôm nay.
- Ngay tại Việt Nam, nếu đạo
Công Giáo không có mặt, thì làm sao dân tộc ta có được chữ viết như ngày nay.
Gần chúng ta nhất :
- Mẹ Têrêsa Calcutta là
người phụ nữ nhỏ bé, lại được nhiều cường quốc trên thế giới xin mẹ làm Công
dân Danh dự, để mẹ là người mẫu cho loài người biết thương yêu nhau. Nhưng nếu
mẹ Têrêsa không được bón tưới bằng chính Lời và Máu Thịt Chúa Giêsu, thì chắc
chắn cũng chẳng ai biết đến mẹ.
Nếu không có Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II, liệu thế
giới ngày hôm nay có thoát khỏi thảm họa “nhuộm đỏ” do lý thuyết Mác - Lê? Mặc dù Đức Giáo hoàng chẳng mạnh về kinh tế,
chẳng cậy dựa vào vũ khí, nhưng được nhờ ở riêng với Chúa Giêsu – nghe Lời, ăn
Thịt và uống Máu Ngài – như xưa bao nhiêu người được nghe Đức Giêsu giảng dạy
và nhận được biết bao ơn của Ngài, mà chẳng ai làm cho mầu nhiệm Nước Thiên
Chúa phát triển, ngoại trừ các môn đệ Đức Giêsu muốn ở riêng với Thầy để được
Thầy giải thích cho hiểu Lời (x Mc 4,33-34 : Tin Mừng). Mà quả thật, sau khi
Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài tập họp những “viên đá sống” xây dựng Hội Thánh,
Ngài chỉ tìm gặp những người “đã cùng ăn, cùng uống với Ngài – dự
tiệc Thánh Thể - sau khi Ngài từ cõi
chết sống lại”(xCv10,41),và những người “đã từng theo Ngài từ Galilê lên
Giêrusalem” (x Cv 13,31), nghĩa là những người cùng đi gieo Lời Chúa với
Ngài. Chỉ những người này họ mới làm phát triển ơn cứu độ đến cho muôn dân vì
đã được ở riêng với Chúa.
Như
thế Hội Thánh Chúa Kitô làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Êzêkiel : “Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Từ
ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót,Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính
Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của
Ít-ra-en. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông
chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành.Tất cả cây cối ngoài
đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao
cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi.
Chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta thực hiện” (Ed 17,22-24 : Bài đọc
I).
Vì
Hội Thánh là nơi dung thân cho muôn dân nên hân hoan cất lời tạ ơn: “Lạy Chúa, hạnh phúc thay ai được tạ ơn Ngài’
(Tv 92/91,2a : Đáp ca). Tạ ơn Chúa vì “hạt
giống là Lời Thiên Chúa, người gieo giống là Đức Kitô, ai tuân giữ Lời Ngài, sẽ
muôn đời tồn tại” (Tung Hô Tin Mừng). Nên hết thảy những ai được Lời Chúa
gieo vào lòng, người ấy mới có thể nói : “Chúng
tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc
xa Chúa. Vậy điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên
Chúa. Chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người.Vì tất cả
chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Kitô, để mỗi người lãnh
nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân
xác” (2Cr 5,6-10 : Bài đọc II).
THUỘC LÒNG
Ai bền chí đến cùng, người ấy sẽ được cứu
độ (Mt 24,13).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE
ĐINH QUANG THỊNH