BÀI GIẢNG
BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
Đức
Giêsu dùng hai biểu tượng muối và ánh sáng để diễn tả bản chất và sứ mệnh của
người Kitô hữu, hầu có thể đạt được tám phúc lộc Chúa mới công bố trong Hiến
Chương Nước Trời, mà Phụng Vụ Thánh Lễ ngày hôm qua đã nói đến (Mt 5,1-12). Bởi
vì muối và ánh sáng đều có những đặc tính :
- Len lỏi vào mọi môi
trường để ngăn ngừa sự dữ.
- Làm tăng phẩm giá vật
nó tiếp xúc.
- Là dấu chỉ sự hiệp
nhất.
- Là nhu cầu sự sống của
con người.
I. LEN LỎI VÀO MỌI MÔI TRƯỜNG ĐỂ NGĂN NGỪA SỰ DỮ.
-
Người Kitô hữu phải như muối. Kìa xác một sinh vật để ngăn ngừa khỏi ươn thối,
người ta dùng muối ướp nó. Xác sinh vật ấy sau khi được tiếp xúc với muối, thì
muối len lỏi vào các tế bào của nó, muối sẽ tiêu diệt vi trùng xâm nhập.
-
Người Kitô hữu phải là ánh sáng. Ánh sáng cũng len lỏi vào mọi môi trường ta
sống, nhờ đó mà nhiều vi trùng trong bầu khí quyển bị tiêu diệt.
Thế thì sứ mệnh người Kitô hữu cũng
như muối và ánh sáng, phải len lỏi vào môi trường trong xã hội, để nhờ sự hiện
diện của người sống Lời Chúa, trở nên như muối và ánh sáng, đẩy lui tội lỗi,
loại trừ sự dữ. Nhất là người Kitô hữu phải biết dùng Lời Chúa làm cho môi
trường sống được thêm mặn mà, vui tươi, như thánh Phaolô nói : “Lời lẽ của anh em hằng phải thanh nhã, mặn
mà,ý nhị, biết đối đáp sao cho phải với mỗi một người” (Cl 4,6). “Lời lẽ
thanh nhã mặn mà ý nhị” phải là được bắt nguồn từ Kinh Thánh. Vì thế thánh Tông
Đồ nói với giáo đoàn Côrinthô : “Khi tôi
đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà
loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ
khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền
năng Thiên Chúa” (1Cr 2,1.4). Cùng một niềm xác tín như thế, thánh Phêrô
nói : “Ai có nói thì nói Lời Thiên Chúa”
(1Pr 4,11a). Vì Đức Giêsu đã nói : “Người
của Thiên Chúa thì nói Lời Thiên Chúa” (Ga 3,34). Có sống được như thế, ta
mới “như ngọn đuốc sáng trên trần gian,
bày tỏ Lời sự sống” (Pl 2,15). Vì “Lời
Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv
119/118,105). Như thế “giữa chốn tối tăm
bừng lên một ánh sáng, chiếu rọi kẻ ngay lành” (Tv 112/111, 4a).
II. LÀM TĂNG PHẨM GIÁ VẬT NÓ TIẾP XÚC.
Người
Kitô hữu muốn như muối và ánh sáng,thì phải có tinh thần phục vụ khiêm tốn, để
làm cho người anh em hoặc cảnh vật tăng thêm phẩm giá. Thực vậy,
- Thực phẩm trong bữa ăn
nếu thiếu chất mặn (muối), thì dù đó là cao lương, cũng chẳng ai muốn dùng.
Nhưng nếu thực phẩm ấy dộp muối lên, thì có là cao lương cũng chẳng ai dùng
được. Trong bữa tiệc người ta khen cá ngon, thịt ngon… chẳng ai khen muối, và
cũng chẳng ai thấy muối.
- Vào phòng triển lãm xem
tranh ảnh, mà phòng ấy không có ánh sáng, thì dù có những tác phẩm tuyệt vời,
cũng bằng không ; nhưng nếu ánh sáng làm chói mắt mọi người, thì chắc chắn ai
cũng phải nhắm mắt lại. Như thế, cảnh vật đẹp nhờ có ánh sáng, người ta khen
cảnh vật chẳng ai để ý đến ánh sáng.
Như vậy,sự hiện diện của người Kitô
hữu trong cộng đoàn nếu chỉ muốn mọi người chú ý đến mình kèm theo lời khen,
thì cũng giống như thực phẩm cõng muối, hoặc như đèn pha chiếu thẳng vào mắt
mọi người! Thì người kiêu hãnh đòi danh như thế, thà rằng đừng có mặt. Do đó,ta
phải sống khiêm tốn như ông Gioan : “Người
phải lớn lên,còn tôi thì nhỏ lại” (Ga 3,30). Kinh Thánh dạy : “Hãy để người khác khen con, chớ không phải
miệng con, một người xa lạ, chứ không phải môi con” (Cn 27,2). Ta vẫn
thường nghe người đời nói : “Bạn đừng lo
người khác không biết đến tài đức của bạn, một hãy lo cho mình có tài có đức
thật”.
III. LÀ DẤU CHỈ SỰ HIỆP NHẤT.
Người
ta tìm thấy sự hiệp nhất nơi muối cũng như ánh sáng. Thực vậy
- Muối là sự kết hợp giữa
hai phân tử Cl và Na. Na là kim loại kiềm và mềm, người ta điện giải muối để
tách hai phân tử Cl và Na, thì chúng đều là chất độc đối với cơ thể. Thế mà khi
chúng hiệp nhất với nhau, chúng làm cho cơ thể được thêm sống.
- Ánh sáng là sự tổng hợp
giữa các mầu sắc không tách biệt. Người ta đã chứng minh điều này bằng cách bôi
các mầu sắc vào đĩa rồi cho quay tít, thì các mầu trên đĩa ấy đồng hóa với ánh
sáng.
Vậy sự hiện diện của người Kitô hữu ở bất cứ nơi đâu
phải làm cho đồng loại được hiệp nhất trong chân lý, đặc biệt là giúp nhau sống
Lời Chúa, cũng chính là Thần Khí ban sự sống (x Ga 6,63). Thánh Phaolô nói : “Anh em hãy hăm hở sự hiệp nhất của Thần Khí
(Lời Chúa) trong dây liên kết hòa thuận” (Ep 4,3), đồng thời giúp nhau được
hiệp thông Thánh Thể, “vì chưng chúng ta
được chia sẻ cùng một tấm bánh (Thánh Thể)” (1Cr 10,17), mới đem lại ơn
giải phóng đích thực cho mọi người. Đúng như Đức Giêsu nói : “Sự thật (chân lý) sẽ làm cho anh em được
giải phóng” (Ga 8,32).
IV. LÀ NHU CẦU SỰ SỐNG CỦA CON NGƯỜI.
Nhu
cầu sự sống của nhân loại không thể thiếu muối và ánh sáng, thì người Kitô hữu
phải luôn có Chúa ở cùng, Ngài chính là “Đấng Có” (Giavê). Ai được “Đấng Có”
(Chúa Giêsu) ở cùng, đó là người lương thiện, trung tín biết thực hành Lời
Chúa, chứ không phải lúc có, lúc không. Ai không sống “Có”, nó là con cái ma
quỷ, cha của sự dối trá (x Mt 5,37 ; 2Cr 1,18-22 : Bài đọc năm lẻ). Chúng ta
được Chúa (Đấng Có ở cùng) nhờ biết cầu nguyện : “Xin tỏa ánh Tôn Nhan rạng ngời trên tôi tới Chúa” (Tv 119/118,135a
: ĐC năm lẻ). “Ánh sáng rạng ngời trên tôi tớ Chúa” chính là Chúa Giêsu bao phủ
chúng ta, vì Ngài đã nói : “Tôi là ánh
sáng thế gian. Ai theo tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được
ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Và như vậy, họ trở nên người lãnh đạo
dẫn dắt người khác. Thực vậy đi trong đêm tối, người sáng mắt và kẻ mù lòa chẳng
ai hơn ai, nhưng ai có ánh sáng, người ấy trở thành người lãnh đạo.
Ai
thực hành Lời Chúa, người ấy được “Đấng Có” (Thiên Chúa) biến dữ ra lành, nghèo
nên giàu. Chân lý này bà góa thành Sarepta đã là chứng nhân. Thực vậy, trong
lúc biết bao người lâm cảnh đói khát, vì gặp hạn hán mất mùa, ngôn sứ Êlya
không kiếm đâu ra lương thực để nuôi thân. May thay, ông gặp bà góa thành
Sarepta đang lượm củi về làm bánh cho hai mẹ con ăn rồi chờ chết, vì trong nhà
chỉ còn một chén bột duy nhất. Thế mà ông Êlya lại đến xin bà bánh ăn. Bà khước
từ liền, vì bổn phận làm mẹ phải lo cho con trước khi lo cho người ngoài. Nói
cách khác, người mẹ không thể giựt chiếc bánh con đang ăn trong lúc đói mà đưa
cho người khác được. Nhưng khi bà nghe ngôn sứ Êlya nói : “Chúa sai tôi đến nói với bà : nếu bà làm bánh cho tôi ăn, thì hũ bột và
bình dầu nhà bà không bao giờ vơi”. Bà góa ngoại giáo vừa nghe Chúa nói như
thế, bà tin ngay, nên bà đã đổi ý làm bánh đưa cho ngôn sứ Êlya ăn trước. Quả
thật, từ bấy giờ hũ bột và bình dầu nhà bà luôn đầy ắp, trong khi đó biết bao
người phải chết đói vì thiếu lương thực ! (x 1V 17,7-16 : Bài đọc năm chẵn).
Như
thế, bà góa thực hành Lời Chúa đã trở thành muối mặn, làm cho ngôn sứ Êlya
không chết vì đói, bà cũng là ánh sáng soi cho mọi người biết cách thực hành
Lời Chúa. Nói tắt, bà góa Sarepta là muối mặn, là ánh sáng đáp ứng nhu cầu sự
sống đồng loại. Đi xa hơn nữa, bà góa ấy chính là bà góa Maria, Mẹ chúng ta, Mẹ
đã nghe và thực hành Lời Chúa, sinh Con Thiên Chúa vào đời cứu nhân loại.
Vậy
ai muốn sống bốn điểm trên đây, thì người đó đã thực hành Lời Chúa dạy : “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước
mặt thiên hạ, để họ thấy các việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em”
(Mt 5,16 : Tung Hô Tin Mừng), nhờ đã dâng lời cầu xin : “Lạy Chúa, xin tỏa ánh Tôn Nhan Ngài trên chúng con” (Tv 4,7b : ĐC
năm chẵn).
Vì
Chúa Giêsu Kitô đã buộc hết thảy mọi người phải là muối mặn, phải là ánh sáng.
Và nếu muối ra lạt thì nó cũng không phải là độc dược ; đèn mà không sáng thì
nó cũng chưa làm chết ai. Loại người như thế đã bị Đức Giêsu nguyền rủa : “Đổ ra đường cho người ta dẵm đạp” (Mt
5,13b: Tin Mừng) .Thế thì người Kitô hữu có khi không phải là muối lạt, mà còn
là độc dược, là vi trùng đối với đồng loại, thì hỏi Đức Giêsu phải dùng hình
ảnh nào để nguyền rủa loại người này ?! Ta cứ so sánh Giuđa Iscariot với anh
trộm lành : Giuđa tuy là môn đệ Đức Giêsu tuyển chọn, nhưng hắn đã không thực
hành Lời Thầy Giêsu dạy, hắn chỉ trông cậy vào thế lực của tiền bạc, thậm chí
với 30$ đã phủ lấp lương tri hắn, trở thành tên phản Thầy! Cuối cùng hắn đi tự
tử nhào xuống vỡ bụng lòi ruột ra (x Ga 6,70-71 ; Cv 1,18) ; trong khi đó, anh
trộm lành suốt đời đằm mình trong tội lỗi, nhưng cuối cùng anh sám hối, nhận
hình phạt bị đóng đinh như dịp để đền tội, và anh xin được theo Đức Giêsu, thì
anh lại trở thành vị Thánh đầu tiên được Chúa đưa vào Thiên Đàng (x Lc
23,42-43). Nói tắt, Giuđa không thực hành Lời Chúa, hắn đi vào cõi chết nhục
nhã ; còn anh trộm lành xin theo Chúa Giêsu, anh còn hơn muối và ánh sáng, vì
anh trở thành mẫu cho các tội nhân trở về với Chúa.
Nhà Cách mạng lừng danh Gandhi, tuy
ông không phải là người Công Giáo, nhưng ông rất say mê Thánh Kinh, Thánh Kinh
chính là Cuốn Sách gối đầu giường của ông. Nhờ thấm nhuần tinh thần Phúc Âm mà
ông đã chủ trương bất bạo động, lấy tình thương xóa hận thù để buộc đế quốc Anh
phải trả lại độc lập cho dân tộc Ấn, lại còn giúp dân Ấn xây dựng đất nước! Nhờ
trải nghiệm này mà ông đã nói với mọi người rằng : “Đời chỉ thành công bao lâu dám thí nghiệm sống chân lý Phúc Âm”.
Đức Tin đã đâm rễ sâu vào ông Gandhi
đến thế, nhưng sao đến cuối đời ông vẫn không xin theo Đạo??
Lý do là vì một lần kia, ông muốn vào
cầu nguyện tại một Nhà Thờ của người da trắng, với hy vọng sẽ gặp một Linh mục
để ông xin học Giáo Lý và được lãnh Bí tích Thánh Tẩy, nhưng khi ông vừa mới
bước lên bậc thềm của ngôi thánh đường, thì một người da trắng từ bên trong
bước ra cản :
- Nhà Thờ này chỉ dành cho người da trắng, ông muốn
cầu kinh thì đi Nhà Thờ khác!
Từ đó ông quyết định không theo đạo Công Giáo nữa !
Kẻ đã cản bước đường ông Gandhi đến với Chúa đáng bị
lãnh án Đức Giêsu nói : “Buộc cối đá vào
cổ nó mà xô xuống biển” (x Mt 18,6). Vì nó là độc dược, là vi trùng, tệ hơn
muối lạt!
THUỘC LÒNG
Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi
trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp của anh em làm mà tôn
vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời (Mt 5,16).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH