BÀI GIẢNG
NGOÀI CHÚA
GIÊSU KHÔNG CÓ ƠN CỨU ĐỘ
(Cv 4,12)
Để
chứng minh chân lý trên, ta phải tìm hiểu Lời Đức Giêsu nói :
-
“Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa”
(Mc 10,25 : Tin Mừng).
Lời khẳng định này làm cho
các Tông Đồ thất vọng, họ kêu lên : “Như
thế thì ai còn có thể được cứu độ”. Đức Giêsu trấn tĩnh các ông ngay :
- “Nơi loài người, một điều cũng không thể được, nhưng không thể nơi Thiên
Chúa, vì đối với Chúa mọi sự đều có thể” (Mc 10,27 : Tin Mừng). “Nơi loài người một điều không thể được”,
có nghĩa là người đời chỉ chủ ý đến những người có bàn tay chia sẻ rộng rãi mới
là người có giá trị đáng được Chúa thương, nếu thiếu điều tích cực này, thì
không được ai thương và không được Chúa cứu độ. “Nhưng không thể nơi Thiên Chúa vì mọi sự đều là có thể nơi Ngài”.
Vì “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và
rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã
chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính
do ân sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2,4-5).
Chúng ta biết lối sư phạm
giảng dạy đặc thù của Đức Giêsu là điều gì Ngài muốn nhấn mạnh, quan trọng
nhất, thì Ngài dùng kiểu nói nghe rất vô lý, rất khó chịu, gây bực mình cho
người nghe. Nhưng ai có lòng khiêm tốn để tâm tìm hiểu, khi đã nhận ra chân lý
quan trọng Đức Giêsu muốn nhấn mạnh, thì làm cho người ta rất thích thú và nhớ
lâu. Đan cử : Đức Giêsu kết luận về anh thanh niên giàu có, xin Ngài dạy cách
sống để đạt sự sống đời đời, nhưng rồi anh lại không theo Lời Đức Giêsu dạy,
nên Ngài nói : “LẠC ĐÀ CHUI QUA LỖ KIM
CÒN DỄ HƠN NGƯỜI GIÀU CÓ VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA”.
Ở đây chắc chắn không phải Đức Giêsu kết án mọi người
giàu đều phải sa Hỏa ngục, vì người giàu có, nhờ tài năng và sức lao động của
họ làm việc cách liêm chính cũng là do ơn Chúa ban, để có thêm điều kiện làm
việc thiện. Người như thế Đức Giêsu ví : “Chủ
nhà trao của cải cho những đầy tớ : người năm nén vàng, người hai nén,
người một nén, tùy theo khả năng mỗi
người có thể đem vốn đó mà kinh doanh, khi chủ trở về đầy tớ làm sinh lời được
bao nhiêu, chủ không thu lại vốn, còn cho luôn số lời làm ra. Đặc biệt chủ lại
còn trao thêm cho nữa” (x Mt 25,14t). Bởi vì Đức Giêsu đã nói : “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho
lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ
vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho
anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6,38). Và vì thế thánh Phaolô nói : “Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên
anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa
mà làm mọi việc thiện,theo như lời đã chép : Kẻ túng nghèo, Người rộng tay làm
phúc ; đức công chính của Người tồn tại muôn đời.Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ
gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh
em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào”
(2Cr 9,8-10).
Như
vậy, Chúa muốn ta giàu có là dấu chỉ người được Chúa chúc phúc, để rồi ta trở
nên giống Chúa Giêsu : “Ngài vốn dĩ giàu
sang, nhưng đã trở nên khó nghèo, để lấy cái nghèo mà làm cho anh em trở nên
giàu có” (2Cr 8,9 : Tung Hô Tin Mừng).Nhưng chắc chắn Đức Giêsu kết án
những kẻ tự mãn có “tinh thần giàu”. Nghĩa là đối với những kẻ cậy dựa đã sống công
bằng và chỉ nương tựa vào thế lực của cải, chứ không muốn chia sẻ để được nương
tựa vào Chúa, như người giàu có trong Tin Mừng hôm nay, anh ta nói với Đức
Giêsu : “Từ nhỏ đến lớn tôi đã sống Sáu Điều KHÔNG phạm đến ai : Tôi không giết người, không ngoại tình, không
trộm cắp, không làm chứng gian, không quỵt của ai, không bất hiếu với cha mẹ” (Mc 10,19 : Tin Mừng).
Trước mặt người đời xem ra anh đạt đức công bằng ; nhưng trước mặt Thiên Chúa
công bằng đích thực phải là dùng của cải Chúa ban làm cho anh em được quyền
hưởng đồng đều theo nhu cầu chính đáng, như giáo huấn của Công Đồng Vat.II
trong Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng số 69 dạy :
“Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng
dụng. Thiên Chúa đã đặt định trái đất
và mọi vật trên trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi người và mọi dân tộc.
Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người
một cách hợp lý theo Luật công bằng là Luật đi liền với bác ái. Khi sử dụng của
cải, con người phải coi của cải vật chất mà mình làm chủ cách chính đáng không
chỉ như của riêng mình, nhưng còn là của chung nữa, nghĩa là, của cải đó có thể
sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác. Vả lại, mọi người
đều có quyền có một phần của cải đầy đủ cho mình và cho gia đình mình”.
Thực
vậy, vào ngày cánh chung,Chúa chưa cần xét
đến đức công bằng, mà Ngài tra hỏi người ta về hai tương quan :
- Tương quan
đối với Chúa :Người biết sám hối tội xin Chúa xót thương và xin
được theo Ngài (x Lc 18,9-14). Đây là việc tốt đứng hàng đầu trong những việc
tốt ta phải làm, Chúa không chuẩn chước cho bất cứ ai. Vì thế anh trộm lành cả
đời chi gây phiền đau cho nhiều người, anh thiếu đức công bằng, nhưng anh bằng
lòng chịu hình phạt đóng đinh như dịp đền tội mình, và anh xin Đức Giêsu thương
xót, được theo Ngài, Ngài nói ngay : “Hôm
nay anh ở trên Thiên Đàng với Ta” (Lc 23,39-43).
Chính vì vậy mà tác giả sách
Huấn ca nói : “Ai sám hối thì Người ban
cho ơn trở về, và những kẻ sờn lòng nản chí, Người cũng sẽ ủi an. Hãy trở về với Đức Chúa và từ bỏ tội lỗi, hãy
cầu khẩn trước nhan Người và giảm bớt dịp tội.
Hãy đoạn tuyệt với gian ác, trở về cùng Đấng Tối Cao, và cực lực gớm
ghét mọi điều ghê tởm. Vì trong âm phủ, ai nào ca ngợi Đấng Tối Cao, nếu những
kẻ đang sống không dâng lời cảm tạ? Chỉ người đang sống và khoẻ mạnh mới ca
ngợi Đức Chúa. Lòng lân tuất của Đức
Chúa cao cả dường bao, ơn tha thứ dành cho kẻ trở lại với Người lớn lao biết
mấy!” (Hc 17,24-29 : Bài đọc năm lẻ).
Kẻ độc ác nhất lại trở nên vị
thánh gương mẫu nhất, không ai hơn ông Phaolô, vì trước đó ông đã bách hại Hội
Thánh. Nhưng nhờ biết sám hối và trở về với Chúa, thì ngay khi ông còn sống đã
làm vinh hiển Chúa hơn các Tông Đồ thượng đẳng (x Cv 7-9 ; 2Cr 11,5).
-
Tương quan đối với đồng loại : Chúa xét hỏi chúng ta có biết quan tâm chia sẻ cho
đồng loại để vực họ dậy sống tốt hơn theo ý Chúa hay không? Thực vậy, vào ngày
cánh chung, Chúa hỏi những người đứng bên phải Ngài (được cứu độ), cũng như
những kẻ đứng bên trái (bị loại trừ) về sáu điều tích cực : “Xưa Ta đói ngươi có cho ăn ? Ta khát ngươi
có cho uống ? Ta là khách ngươi có tiếp rước ? Ta mình trần ngươi có cho áo
mặc? Ta đau yếu ngươi có đến viếng thăm? Ta tù đày ngươi có đến với Ta ?”
(Mt 25, 31-46). Chúa nhấn mạnh phải làm lành cho “kẻ bé nhỏ”,thì “kẻ bé nhỏ”
không chỉ hiểu theo nghĩa xã hội là giúp cho những kẻ nghèo khó, đói ăn, bệnh
tật, mà giúp “kẻ bé nhỏ” phải hiểu
là giúp người anh em điều gì, phải cầu nguyện cho họ trước với ý hướng ước mong
họ gia nhập Hội Thánh sống Đức Ái. Vì trong Tân Ước “kẻ bé nhỏ” chỉ riêng về những người được Chúa Kitô cứu độ trong Hội
Thánh của Ngài (x Ga 13,33 ; Mt 10, 42 ; Mt 11,25 ; Mt 18,6 ; Lc 12,32 ; 1Ga
2,1.12.14.18.28).
Như thế, chỉ những người sống Sáu Điều CÓ làm ơn cho
“kẻ bé nhỏ” mới là người làm cho Chúa, để được vào hưởng vinh quang trong Nước
Thiên Chúa. Trái lại, những kẻ nói Sáu
Điều KHÔNG đối với người anh em, chẳng
làm ích cho đồng loại, cũng không làm thiệt hại đến ai, đó là loại người luôn
thủ thân, không muốn ai đụng chạm phiền hà, quấy rầy mình, thì không tất yếu là
người giàu của cải không biết chia sẻ mới bị Chúa kết án, mà rất nhiều kẻ nghèo
lúc nào cũng mơ tiền của như thần hộ mạng, chẳng bao giờ quan tâm đến việc giúp
ai, họ thường nói : “Tôi nghèo chưa ai
giúp tôi, hơi đâu tôi giúp người khác, tôi nghèo làm vất vả còn chưa đủ ăn, giờ
đâu mà đến Nhà Thờ, mà đi Lễ, có thực mới vực được đạo chứ !” Loại này mới
thực là kẻ giàu đáng bị Chúa nguyền rủa nặng nề nhất !
Chúng
ta phải lưu ý câu hỏi của anh giàu : "Thưa
Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? "
Đức Giêsu đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành
cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết
người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy
thờ cha kính mẹ." Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi
đã tuân giữ từ thuở nhỏ." Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu
mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì
anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo
tôi." (Mc 10, 17-21 : Tin Mừng).
Người
giàu đã xác nhận Đức Giêsu là Đấng Nhân Lành. Nghe thế, Ngài nói ngay : “Không ai nhân lành trừ một mình Thiên Chúa”.
Vậy anh đã biết tôi là Chúa Nhân Lành dạy anh điều tốt lành để được sự sống đời
đời làm gia nghiệp, thì anh phải đi trọn ba bước :
- Bước I
: Sống công bằng, thì tốt thôi.
- Bước II : Biết chia sẻ, là tốt hơn.
- Bước III : Theo Đức
Giêsu, mới tốt nhất. Vì ngoài Chúa Giêsu không có ơn cứu độ (x Cv 4,12).
Người đi trọn ba bước trên, được Kinh Thánh xác nhận
: “ Đây là người công chính hãy vui luôn
trong Chúa, hãy nhảy mừng” (Tv 32/31,11a : ĐC năm lẻ).
Thế thì anh thanh niên giàu có chẳng làm hại ai, cũng
không chia sẻ cho ai, cùng lắm mới đi được bước thứ nhất (tốt thôi), mà bước thứ nhất : công bằng thì không mất gì
cả, thảo kính cha mẹ lại còn được hưởng phần gia tài (x Hc 4,3) ; hai bước còn lại : chia sẻ, tốt hơn và theo
Đức Giêsu, tốt nhất, anh không chấp nhận, vì như thế là xâm phạm đến tài
sản của anh, nghịch với quan điểm sống Đạo của những kẻ ích kỷ, luôn nghĩ : “Tôi không động đến ai, thì cũng đừng ai động
đến tôi, thế là tốt rồi, cần gì phải theo thần thánh nào?” Đó là lý do Đức
Giêsu quả quyết : “Lạc đà chui qua lỗ kim
còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10,25 : Tin Mừng). Ta
phải xác tín rằng theo Đức Giêsu là bước quan trọng nhất, để được Ngài dạy biết
chia sẻ đúng lúc và phải thời (x Lc 12,42). Có thế mới thực là công bằng. Vì
vậy thánh Phaolô chỉ nhắc một điều quan trọng Đức Giêsu đã dạy riêng cho ông: “Cho
thì có phúc hơn là lấy” (Cv 20,35). Sở dĩ lời giáo huấn trên Đức Giêsu
không dạy cho Nhóm Mười Hai là vì thời gian ấy Ngài chưa hiến cả mạng sống để
cứu loài người,nên chỉ sau khi Ngài từ cõi chết sống lại mới dạy ông Phaolô:
“Cho thì có phúc”, thì phải nhìn vào mẫu gương Đức Giêsu đã cho vì yêu hết
lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn, đến hiến cả mạng sống vì Tin Mừng,
rồi mới được Chúa Cha bắt muôn loài trên trời dưới đất phải sụp lạy tôn thờ Đức
Giêsu là Chúa (x Pl 2,6-11). Ai biết cho như thế, mới thực là có phúc hơn là
nhận.
Để thực hành mệnh lệnh chia sẻ hầu lãnh phúc,thánh
Phêrô dạy ta phải hướng lòng về niềm hy vọng vào ngày cánh chung: “Muốn được
hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này
dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa
quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra
trong thời sau hết.
Trong thời
ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa
trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện Đức Tin của
anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử
lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, Đức Tin đã được tinh luyện đó sẽ trở
thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.” (1Pr 1, 4-7 : Bài đọc năm chẵn). Đó là “Giao Ước đã lập ra muôn đời Chúa nhớ mãi”
(Tv 111/110, 5b : ĐC năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Để được bảo đảm chắc chắn được sống đời đời, Chúa dạy
ta phải đi trọn ba bước : Theo Chúa
Giêsu (để được Ngài hướng dẫn), rộng
tay chia sẻ (đúng lúc và phải thời), có thế mới sống công bằng (x Mc 10, 27-17).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH