Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH
Âm thanh
Video
Video
Video
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI ĐỌC : Cv 18,1-8

            1 Hồi ấy,  ông Phao-lô rời A-thê-na đi Cô-rin-tô.2 Tại đây, ông gặp một người Do-thái tên là A-qui-la, quê ở Pon-tô, vừa mới từ I-ta-li-a đến, cùng với vợ là Pơ-rít-ki-la, vì hoàng đế Cơ-lau-đi-ô đã ra lệnh cho mọi người Do-thái phải rời Rô-ma. Ông Phao-lô đến thăm hai ông bà,3 và vì cùng nghề, nên ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều.4 Mỗi ngày sa-bát, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp.

5 Khi ông Xi-la và ông Ti-mô-thê từ Ma-kê-đô-ni-a xuống, thì ông Phao-lô chỉ lo giảng, long trọng làm chứng cho người Do-thái biết rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô.6 Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: "Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại."7 Ông rời bỏ chỗ ấy đến nhà một người ngoại tôn thờ Thiên Chúa, tên là Ti-xi-ô Giút-tô, ở sát bên hội đường.8 Ông Cơ-rít-pô, trưởng hội đường, tin Chúa, cùng với cả nhà. Nhiều người Cô-rin-tô đã nghe ông Phao-lô giảng cũng tin theo và chịu phép rửa.

ĐÁP CA : Tv 97

Đ.        Chúa đã mạc khải ơn  Người cứu độ trước mặt muôn dân(x c 2)

1 Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh,nhờ cánh tay chí thánh của Người.

2 Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, mạc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân; 3ab Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en.

3cd Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. 4 Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,mừng vui lên, reo hò đàn hát.

BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG : x Ga 14, 18

            Hall-Hall :  Chúa nói : “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy sẽ lại đến với anh em, và lòng anh em sẽ vui mừng”. Hall.

TIN MỪNG : Ga 16,16-20

            16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng :"Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy."

17 Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau: "Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy" và "Thầy đến cùng Chúa Cha"? "18 Vậy các ông nói: ""Ít lâu nữa" nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì! "19 Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: "Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy".20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”

 

BÀI GIẢNG

ĐỜI LÀ THUYỀN LƯỚT SÓNG

 

            Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Ít lâu nữa anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy” (Ga 16,16:Tin Mừng). Ngài nói với các môn đệ như thế, ta có thể hiểu :

-         Theo nghĩa lịch sử.

-         Theo nghĩa Mục vụ.

-         Theo nghĩa mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.

-         Theo nghĩa ngày cánh chung.

 

1/ THEO NGHĨA LỊCH  SỬ

            CÍt lâu nữa anh em sẽ không còn trông thấy Thầy” : Đây là Lời Đức Giêsu tâm sự với các môn đệ sau bữa Tiệc Ly trước giờ Tử Nạn,vì chẳng bao lâu nữa những kẻ ghét Đức Giêsu sẽ đến bắt Ngài và lên án tử thập giá ! Các môn đệ bỏ Thầy chạy trốn hết! (Mc 14,50). Và người ta sẽ an táng Ngài trong mộ, lúc đó các môn đệ không còn thấy Thầy.

            CÍt lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy”. Đức Giêsu báo cho các môn đệ biết trước Ngài sẽ bị giết, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại và đến gặp các ông (x Ga 20,19-23).

2/ THEO NGHĨA MỤC VỤ

            “Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa anh em lại thấy Thầy” (Ga 16,16). Đời người Kitô hữu làm chứng cho Chúa khác nào con thuyền vượt biển, có lúc biển lặng như tờ ; có lúc biển nổi sóng gió làm chao đảo ; thì đời các Tông Đồ làm chứng cho Chúa cũng có lúc bị kẻ ác tấn công mà xem ra không thấy Chúa ra tay bênh đỡ ; có lúc thành công rực rỡ hơn lòng mơ ước, đến như phải hô lên rằng : “Chúa đó!” (Ga 21,7). Đan cử như đời Tông Đồ Phaolô, có lần ông bị ném đá tưởng đã chết (x Cv 14,19) ; rồi ông lại được nhiều người nhiệt tình cộng tác như khi ông gặp một người Do Thái tên là Aquila giúp ông nghề dệt vải kiếm tiền sống qua ngày, rồi sau đó khi hai ông Sila và Timôthê đến, ông Phaolô liền bỏ dệt vải cùng chung đường với hai ông đi truyền giáo. Lòng các ông đang hân hoan phấn khởi thì,lại bị một số người Do Thái chống đối nói lộng ngôn, nên các ông bỏ họ sang vùng dân ngoại, họ gặp người đầy Đức Tin là ông Titiogiusto, có nhà ngay bên cạnh hội đường thuận lợi cho việc giảng dạy của các ông. Rồi các ông lại gặp ông Krispo, viên trưởng hội đường đã tin theo Chúa, làm một với cả gia đình, cùng nhiều người miền Corintho được nghe Tin Mừng, tất cả đã tin vào Chúa và chịu thanh tẩy (x Cv 18,1-8 : Bài đọc).

            Đời chứng nhân của các Tông Đồ ba chìm bảy nổi chín lênh đênh như thế, nên với trải nghiệm đời phục vụ Tin Mừng của ông Phaolô, đã lên tiếng khuyên các tín hữu : “Một chút gian truân nhẹ bỗn trong hiện tại, gây nên cho chúng ta đời đời một khối vinh quang siêu vời tuyệt đỉnh,miễn là chúng ta đừng dán mắt vào những điều trông thấy được, nhưng là vào những điều mắt không trông thấy, vì hữu hình là phù vân, vô hình  mới trường cửu” (2Cr 4,17-18). Vì “ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 126/125,5). Đúng như Lời  Đức Giêsu đã nói với chúng ta rằng :

- Anh em sẽ khóc sẽ than còn thế gian sẽ mừng rỡ” (Ga 16,20a : Tin Mừng). Có nghĩa là khi phục vụ đồng loại, ta càng gặp nhiều gian khổ, càng gặt được nhều hoa trái.

- Anh em sẽ phải ưu phiền, nhưng sự ưu phiền của anh em trở thành niềm vui” (Ga 16,20b : Tin Mừng). Có nghĩa là nếu ta làm vì Chúa, với Chúa, trong Chúa, mà ta gặp khổ, có lúc xem như thất bại, thì hãy xác tín như thánh Phaolô: “Tôi vui thỏa trong các nỗi yếu đuối, trong lăng nhục, trong quẫn bách, trong bắt bớ, và cùng khốn vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10).

Ta cứ nhìn Đức Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, người đời cho đó là thất bại, chuốc lấy ô nhục. Nhưng dưới cái nhìn của Thiên Chúa, thì đó lại là ngày thành công nhất, vinh quang nhất của Thiên Chúa dành cho loài người. Có thể nói suốt 33 năm Đức Giêsu phục vụ trên dương thế, giá trị không sánh bằng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Tôi nhớ lúc 11 giờ trưa ngày 15 tháng 8 năm 1975, một số anh em Chủng sinh cùng lớp đến thăm Đức Cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, đang bị nhà cầm quyền Cộng sản ép phải từ chức Giám mục Phó Giáo Phận Saigon, và ngài biết trước sẽ bị bắt, nên nói với anh em chúng tôi : “Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh người ta cho Chúa Giêsu thất bại, nhưng đối với Chúa lại là  ngày thành công nhất”. Chỉ 10 phút sau, công an thành phố ập vào Chủng viện bắt ngài! Tưởng ngài vô tội được về sớm, ai dè 13 năm trong tù, có lúc ngài tưởng mình chết! Tôi tin rằng lời Đức cha Thuận nói như thế là Chúa mở miệng ngài, để nhắc nhở cho mọi tín hữu, nhất là hàng Giáo sĩ Việt Nam đừng sợ gian khổ vì Tin Mừng ; trái lại, phải hân hoan khi gặp khó khăn là cơ hội Chúa làm cho hạt giống Đức Tin nảy mầm, như lời ông Terturiano nói : “Máu các thánh Tử Đạo là hạt giống phát sinh các Kitô hữu”. Trong các Giám mục Việt Nam sau ngày 30-04-1975, không vị nào bị khổ như Đức Cha Thuận ; nhưng nay cũng chưa có Giám mục Việt Nam nào được đa số giáo dân trên thế giới đề nghị phong Thánh, ngoại trừ Đức Hồng y Phanxico Nguyễn Văn Thuận. Quả thật, đúng như Lời Đức Giêsu đã nói : “Ưu phiền của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20b : Tin Mừng).

3/ THEO NGHĨA MẦU NHIỆM NƯỚC THIÊN CHÚA

            “Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy, và ít lâu nữa anh em lại thấy Thầy” (Ga 16,16). Có nghĩa là qua sự chết Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha thì, từ bấy giờ các môn đệ bắt đầu cử hành Phụng Vụ theo lệnh Chúa truyền (x 1Cr 11,24-25) ; lúc ấy các ông lại gặp thấy Ngài qua Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể.

4/ THEO NGHĨA CÁNH CHUNG

            “Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy, và ít lâu nữa anh em lại thấy Thầy” (Ga 16,16). Có nghĩa là sau khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, Ngài còn ở với môn đệ 40 ngày (x Cv 1,3) ; rồi Ngài về cùng Cha để dọn chỗ cho tất cả những ai tin theo Ngài, đến ngày cánh chung Ngài trở lại, làm cho hồn trở về cùng với xác sống lại, và Ngài sẽ đón họ về cùng Chúa Cha, để Thầy ở đâu, trò cũng được ở đó (x Ga 14,2-3).

            Những điều trên đây, Đức Giêsu không chỉ tỏ riêng cho các môn đệ Ngài biết, mà còn “mạc khải ơn cứu độ trước mặt muôn dân” (Tv 98/97,2 : Đáp ca). Để nhắc nhở cho hết thảy những ai nhớ đến ngày sinh thì ai cũng khóc, khóc vì ra đời phục vụ, nhưng ngày lìa cõi thế thì được vui cười. Như thế ngày tôi ra đời, tôi khóc mọi người cười ; còn ngày tôi nhắm mắt lìa đời, tôi cười làm cho mọi người khóc!

            Mẹ Têrêsa Calcutta lừng danh trên thế giới về lòng bác ái và khoan dung. Dưới tay mẹ có hơn 4.000 nữ tu và trên 500 sư huynh. Mẹ hoạt động trên 80 quốc gia. Kinh phí hằng năm mẹ phải tiêu dùng cho người nghèo trên 50 triệu dollars. Mẹ được giải thưởng Nobel Hòa Bình vào năm 1979. Thế mà một ký giả người Anh, tên Christopher Hisson đã vu khống cho mẹ đủ điều xấu xa, nào là : liên kết với nhà độc tài Duvalier ở Haiti, với Enver Hossa ở Albani, chống phá cực đoan quá khích, là sứ giả của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thủ cựu, mỗi năm đã đưa cho Đức Giáo hoàng một triệu Mỹ kim chứ không phải lo cho người nghèo. Ông Christopher Hisson đã dựng thành phim, lấy tên là “Thiên Thần Của Hỏa Ngục”, và đã phát trên bốn kênh của Đài Truyền Hình Anh quốc tối ngày 08-11-1994!

            Cuốn phim này đã bị người Công giáo ở Ấn Độ cực lực phản đối. Đức Hồng y B. Hillin, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hội Anh giáo đã gọi cuốn phim này là “Trò chơi thô bỉ đối với Têrêsa Calcutta”. Ông Avan Khara đứng đầu tổ chức Bác Ái ở Bom Bay nói : “Chỉ ai có tâm trí bệnh hoạn mới nghĩ đến việc tấn công mẹ Têrêsa như vậy. Bởi vì mẹ giúp đủ loại người nghèo của Ấn Độ, Hồi Giáo, Công Giáo, cũng như các tôn giáo khác!”

         Phóng viên báo Ananda Beata Patrice Calcutta đã phỏng vấn mẹ về chuyện này :

         - Mẹ có phản ứng gì không? Mẹ có muốn chúng tôi cải chính trên tờ báo của chúng tôi không?

         Mẹ ôn tồn đáp :

            - Chính bạn là người phải quyết định xem phải sống thế nào. Phần tôi, tôi vẫn tiếp tục làm việc cho bốn cơ sở ở Anh quốc để giúp đỡ mọi người nghèo, tâm hồn tôi vẫn bình an, tôi xin Chúa tha thứ cho Christopher Hisson.

            Với lòng quảng đại, khiêm tốn như thế nên ngày qua đời, mẹ đã được quốc táng theo nghi thức của Ấn. Nhiều cường quốc trên thế giới như Mỹ, Ấn-Độ, Úc v.v… đã treo cờ tang, và xin nhận mẹ làm Công Dân Danh Dự cho quốc gia mình, mặc dù mẹ là người gốc Phi Châu.

            Nay Giáo Hội đang lo thủ tục phong Thánh cho mẹ, vì mẹ đã sống Lời Chúa Giêsu dạy : “Phúc cho các con khi người ta sỉ mạ các con và bắt bớ, đặt điều nói xấu về các con một cách lếu láo vì cớ Thầy. Hãy vui sướng và hân hoan, vì phần thưởng của các con thật lớn lao ở trên trời. Vì cũng như thế, chúng cũng bắt bớ các tiên tri, tiền bối của các con.”  (Mt 5,11-12).

            Quả thật, đời phục vụ của Mẹ Têrêsa nhiều lúc chẳng thấy Chúa có mặt trong công việc đầy khó khăn, nhưng cũng không thiếu lúc Mẹ chỉ thấy Chúa làm chủ công việc của Mẹ.

            Vậy tất cả những ai sống làm chứng cho Chúa mà gặp gian khổ, thì đừng quên Lời Đức Giêsu đã  hứa : “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy sẽ lại đến với anh em, và lòng anh em sẽ vui mừng” (Ga 14,18 : Tung Hô Tin Mừng).

THUỘC LÒNG

            Một chút gian truân nhẹ bỗng trong hiện tại, gây nên cho chúng ta đời đời một khối vinh quang siêu vời tuyệt đỉnh (2Cr 4, 17).

http://phaolomoi.net

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: