Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH
Âm thanh
Video
Video
Video
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

BÀI ĐỌC : Cv 15, 1-6

         1 Có những người từ miền Giu-đê đến dạy anh em rằng: "Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ."2 Ông Phao-lô và ông Ba-na-ba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phao-lô, ông Ba-na-ba và một vài người khác lên Giê-ru-sa-lem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.

          3 Các ông được Hội Thánh tiễn đưa. Khi đi qua miền Phê-ni-xi và miền Sa-ma-ri, các ông tường thuật việc các dân ngoại đã trở lại với Thiên Chúa, khiến tất cả các anh em rất đỗi vui mừng.4 Tới Giê-ru-sa-lem, các ông được Hội Thánh, các Tông Đồ và kỳ mục tiếp đón, và các ông kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông.

5 Có những người thuộc phái Pha-ri-sêu đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: "Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Mô-sê."6 Các Tông Đồ và các kỳ mục bèn họp nhau để xem xét vụ này.

ĐÁP CA : Tv 121

Đ.        Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa(x c 1)

1 Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:"Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa! " Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,2 cửa nội thành, ta đã dừng chân.

3 Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn. 4a Từng chi tộc, chi tộc của Chúa,trẩy hội lên đền ở nơi đây.

4b Để danh Chúa, họ cùng xưng tụng,Như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.5 Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,ngai vàng của vương triều Đa-vít.6 Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình,rằng: "Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt.

BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG : x Ga 15,4a.5b

            Hall-Hall:  Chúa nói : “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Ai ở lại trong Thầy, thì sinh nhiều hoa trái.” Hall.

TIN MỪNG :Ga 15,1-8

            1 "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

            5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

 

BÀI GIẢNG

KẾT HỢP VỚI CHÚA GIÊSU MỚI ĐƯỢC CỨU ĐỘ

            Sở dĩ ông Philipphê nói với Đức Giêsu : “Thưa Ngài, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là đủ cho chúng con” (Ga 14,8). Là vì người Do Thái vẫn thắc mắc, khao khát được hiểu biết đầy đủ về danh Thiên Chúa. Xưa kia ông Môsê hỏi danh Chúa là gì, Ngài chỉ nói với ông “Ta là Giavê” (YHWH), có nghĩa là “Ta Là, Ta Có, Ta Hiện Hữu”. Trước thắc mắc của ông Môsê muốn biết Danh tánh rõ ràng của Thiên Chúa, câu trả lời của Ngài vẫn nằm trong bức màn mầu nhiệm (x Xh 3,13t). Chỉ khi Con Thiên Chúa vào đời, Ngài mới mạc khải đầy đủ về nội dung danh Chúa cho loài người được thỏa mãn.

            Đọc Tin Mừng Gioan, chúng ta biết bảy lần Đức Giêsu tự mạc khải về mình :

1-     Ta là (Ta có) BÁNH hằng sống (Ga 6,35)

2-     Ta là (Ta có) ÁNH SÁNG ban sự sống (Ga 8,12)

3-     Ta là (Ta có) CỬA chuồng chiên (Ga 10,7-8)

4-     Ta là (Ta có) MỤC TỬ tốt lành (Ga 10,11-14)

5-     Ta là (Ta có) SỰ SỐNG LẠI (Ga 11,25)

6-     Ta là (Ta có) ĐƯỜNG, và là SỰ THẬT, SỰ SỐNG (Ga 14,6)

7-     Ta là (Ta có) CÂY NHO THẬT (Ga 15,1)

            Như thế Mạc Khải mở đầu và kết thúc, Đức Giêsu tự xưng mình là Bánh, là Nho. Đây là hai chất liệu dùng trong Thánh Lễ để chủ tế đọc lời Truyền Phép trở thành Thịt, Máu Chúa Giêsu. Bởi thế, những lần Đức Giêsu mạc khải như trên, chúng ta rút ra được hai điểm xác tín.

            F Ai ăn Bánh Hằng Sống (mở đầu), người ấy được tháp vào Chúa Giêsu Phục Sinh, để trở nên nho thật (kết – Ga 15,1).

            F Ai được tháp vào Chúa Giêsu là Ngài tái tạo người ấy nên thụ tạo mới (x 2Cr 5,17). Và như thế tuần Sáng Thế thời Cựu Ước được Chúa Giêsu làm hoàn hảo trong tuần Sáng Thế Mới thời Tân Ước,

I. CON NGƯỜI ĐƯỢC THÁP VÀO CHÚA GIÊSU PHỤC SINH ĐỂ TRỞ NÊN NHO THẬT.

            Nho thật ở đây không phải là nho giả do bàn tay con người nhái lại, mà Chúa Giêsu chính là Cây Nho thật. Ngài tuy thuộc dòng giống Do Thái, nhưng Ngài không như dân tộc Do Thái thuộc loại nho lộn giống, lẽ ra chúng là nho ngọt, nhưng lại hóa ra nho chua loét. Ngôn sứ Isaia đã cảnh cáo dân này bằng bài ca Vườn Nho : “Do Thái là một dân tộc được Thiên Chúa lựa khắp thế giới, vì Ngài hy vọng họ là loại nho ngọt lịm đưa về trồng (định cư) trên đất chảy sữa và mật (x Xh 3,8). Thiên Chúa là Chủ vườn nho, đã sai các ngôn sứ đến dạy bảo, chăm sóc họ, hy vọng đến thời Con Một Chúa đến, Ngài tìm được nơi họ việc lành, giá trị hơn nho ngọt. Nhưng đến mùa gặt nho, chủ vườn (Chúa Giêsu) lại chỉ thấy toàn nho chua (dân Do Thái), không những nó là nho chua mà còn là nho độc, vì chúng chống đối Chúa Giêsu, không tin Ngài là Thiên Chúa thật, để được tháp vào Ngài là nho thật. Cuối cùng chủ vườn nho để cho dã thú (đế quốc Roma) đến giày xéo, đền thờ Giêrusalem bị phá vào năm 70, dân bị bắt làm nô lệ bên Babylon” (x Is 5).

            Thực vậy, ông Saulô, người gốc Do Thái, chính ông đã được cắt bì theo Luật, ông triệt để tuân giữ Luật Môsê – một người Do Thái rất gương mẫu – xứng đáng là bậc thầy mọi người. Thế mà ông ác hơn chó sói, tệ hơn nho chua, vì ông đã lãnh trát các thượng tế ở Giêrusalem xông về Đamas triệt hạ những người vô tội đã tin theo Giáo Lý các Tông Đồ mà gia nhập Hội Thánh. Nhưng sau khi ông bị Đức Giêsu khiển trách là đã bách hại những người Công Giáo ở Đamas chính là bắt bớ Ngài ! Nên ông sám hối và đến với các Tông Đồ để được tháp vào Chúa Giêsu là Cây Nho thật, từ đó ông được đổi đời trở thành sứ giả Tin Mừng xuất sắc cho muôn dân, đến nỗi không thua các Tông Đồ thượng đẳng (x Cv 9 ; 2Cr 11,5)

II. TUẦN SÁNG THẾ CŨ THỜI CỰU ƯỚC CHÚA GIÊSU LÀM HOÀN HẢO TRONG TUẦN SÁNG THẾ MỚI THỜI TÂN ƯỚC.

            Bất cứ ai đã lãnh Bí tích Khai Tâm, người ấy hoàn toàn được tháp vào Chúa Giêsu là Cây Nho thật cách trọn vẹn. Bởi đó Chúa Giêsu kêu gọi : “Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em, ai ở lại trong Thầy thì sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,4a.5b : Tung Hô Tin Mừng).

            Chúa Giêsu nói : “Ngành nho nào gắn liền với Thầy mà sinh trái tốt thì còn phải được cắt tỉa để sinh nhiều trái hơn nữa. Anh em còn phải được tỉa sạch nhờ Lời Thầy nói với anh em” (Ga 15,2b-3:Tin Mừng). Đan cử như dân ngoại, họ rất vui mừng khi được nghe các Tông Đồ rao giảng Lời Chúa, hòng được Chúa Giêsu thanh tẩy mọi tội, xứng đáng được tháp vào Chúa Giêsu là Cây Nho thật, để sinh trái việc lành nhiều hơn, chứ không phải hệ tại được cắt bì theo Luật Môsê để gia nhập Do Thái giáo, thì vẫn còn là nho dại, nho chua, nho độc!

           Thực vậy, khi hai ông Phaolô và Barnaba giảng Lời Chúa cho dân ngoại, nhiều người muốn được tháp vào Chúa Giêsu. Nhưng “có những người từ miền Giuđê đến dạy anh em rằng : Nếu anh em không chịu cắt bì theo tục lệ Môsê, thì anh em không thể được cứu độ. Ông Phaolô và ông Barnaba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô và ông Barnaba và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục. Các ông tường thuật việc dân ngoại đã trở lại với Thiên Chúa, khiến tất cả các anh em rất đổi vui mừng. nhưng vẫn còn có những người thuộc phái Pharisêu đã trở thành tín hữu, bất giờ đứng ra nói rằng : “Phải làm phép Cắt Bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ Luật Môsê”. Các Tông Đồ và các kỳ mục họp nhau để xem xét vụ này” (x Cv 15,1-6 : Bài đọc).

            Duyệt xét lại việc cắt bì chính là phải để Lời Chúa cắt tỉa quan niệm giữ Luật Môsê, chứ không cần phải cắt bì mới ban Bí tích Thánh Tẩy, mà chỉ cần ai nghe lời các Tông Đồ rao giảng mà tin vào Chúa Giêsu, gia nhập Hội Thánh, là người ấy được Chúa Giêsu ở cùng, Ngài làm cho họ sinh hoa kết trái việc lành. Bởi vì Chúa Giêsu đã nói : “Thầy là Cây Nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5 : Tin Mừng). Công Đồng Vat.II đã duyệt xét lại cách sống Đạo của người Công Giáo phải được canh tân, nhất là cắt xén và bổ túc Phụng Vụ, đặc biệt là Thánh Lễ. Ví dụ xưa kia cuối Thánh Lễ, chủ tế phải đọc hết chương 1 của Tin Mừng Gioan, ngày nay đã bỏ ; về phần Phụng Vụ Lời Chúa thì đưa vào nhiều bài Kinh Thánh phong phú hơn,nhất là Chúa nhật và lễ Trọng năm ABC khác nhau ; xưa kia chủ tế dâng Lễ quay lưng về phía giáo dân, bây giờ chủ tế và giáo dân quay vào nhau… Nhờ sự canh tân này mà dân Chúa được lớn lên trong Đức Tin và lòng Mến. Thế mà Giám mục Lefebrve ở Pháp lại kết án Công Đồng Vat.II là trò của ma quỷ ; thì chắc chắn thời các Tông Đồ bỏ cắt bì theo Luật Môsê cũng bị nhiều người Do Thái thủ cựu lên án!

            Đối với lối sống Đạo của giáo dân trong các giáo xứ hôm nay cũng cần phải xét duyệt lại, để bỏ đi những gì phụ thuộc và chú trọng làm những điều cần thiết. Đan cử : Chúa Giêsu chỉ lập một Hội Thánh. Hội Thánh được phát triển là hệ tại giáo dân trong xứ ai cũng tích cực tham dự Thánh Lễ, đọc kinh Phụng Vụ, và tham gia các lớp Giáo Lý, để hiểu biết thêm về Lời Chúa. Thế mà  nhiều giáo xứ chỉ thấy phát triển rất nhiều đoàn thể, thậm chí một người tham gia tới 4,5 đoàn thể, coi thường việc tham dự kinh Phụng Vụ và học Giáo Lý, thì làm sao Hội Thánh phát triển?! Hoặc người ta hết lòng cổ võ nhau lần hạt Mân Côi, mà chẳng mấy ai động viên nhau đọc Kinh Thánh! Ai tỏ ra năng đọc Kinh Thánh thì lại bị kết án là Tin Lành (lạc Đạo)!

            Vậy phải coi lại cách sinh hoạt trong giáo xứ, cũng như lối sống Đạo của giáo dân mà cắt xén đi những gì ngăn cản không giống sinh hoạt thời Giáo Hội sơ khai: “Họ chuyên cần với giáo huấn của các Tông Đồ và sự hiệp thông bẻ bánh (dâng Lễ),ngày ngày họ đồng tâm nhất trí chuyên cần lui tới Nhà Thờ cầu nguyện” (x Cv 2,42t).

            Đức Giêsu còn kết án : “Cành nho nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi” (Ga 15,2a : Tin Mừng). Đó là những người Công Giáo không kiên trì sống Đức Ái trong Hội Thánh. Giáo huấn của Công Đồng Vat.II nói về loại người này : “Dù được tháp nhập vào Hội Thánh, nhưng nếu không kiên trì sống trong Đức Ái, thì vẫn không được cứu độ, vì tuy “thể xác” họ thuộc về Hội Thánh,  nhưng “tâm hồn” họ không ở trong Hội Thánh. Nhưng các con cái của Hội Thánh phải nhớ rằng địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng mình,  nhưng do đặc ân của Chúa Kitô ; nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu độ mà còn bị xét xử nghiêm  khắc hơn” (Hiến Chế Hội Thánh số 14).

            Đối với những kẻ không muốn kết hợp với Chúa Giêsu, Ngài nói : “Chúng bị quăng ra ngoài như ngành nho và sẽ khô héo. Người ta sẽ nhặt lấy quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,6 : Tin Mừng).

            Loại người này cũng trong Hiến Chế Hội Thánh số 14 nói về họ : “Những ai biết rằng Hội Thánh Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập, hoặc không muốn kiên trì sống trong Hội Thánh này, thì không thể được cứu độ”.

            Bởi vì những ai không được Chúa Giêsu ở cùng, người ấy dù có làm việc tốt, có thành công ở đời, thì trước sau cũng sẽ ra tro bụi, vì đó là việc của loài người không có giá trị cứu độ ai (x Cv 5,38). Đến như thánh Phaolô còn nói : “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà chia sẻ, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3). Đức Mến ở đây phải hiểu là Thiên Chúa. Vì thánh Gioan nói : “Thiên Chúa là Đức Mến” (1Ga 4,8). Vì Đức Giêsu khẳng định với các môn đệ: “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5b: Tin Mừng). Và “ai có Thầy ở cùng, phải là người ở lại trong Thầy (rước Lễ), và Lời Thầy lưu lại trong người ấy (dự Lễ để tâm nghe Lời Chúa), thì muốn gì cứ xin sẽ được như ý. Điều làm Cha Thầy vinh hiển là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,7-8 : Tin Mừng).

            Vậy “ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa” (Tv 122/121,1 : Đáp ca).

THUỘC LÒNG

            Hiến Chế Hội Thánh số 14 dạy : “Những ai biết rằng Hội Thánh Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập, hoặc không muốn kiên trì sống trong Hội Thánh này, thì không thể được cứu độ”.Dù được tháp nhập vào Hội Thánh, nhưng nếu không kiên trì sống trong Đức Ái, thì vẫn không được cứu độ, vì tuy “thể xác” họ thuộc về Hội Thánh,  nhưng “tâm hồn” họ không ở trong Hội Thánh. Nhưng các con cái của Hội Thánh phải nhớ rằng địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng mình,  nhưng do đặc ân của Chúa Kitô ; nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu độ mà còn bị xét xử nghiêm  khắc hơn”.

            http://phaolomoi.net

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: