Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
Thứ Bảy sau CN 3 Thường Niên-năm Lẻ
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
 BÀI ĐỌC : Dt 11, 1-2.8-19
1 Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.2 Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám.
8 Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu.9 Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông I-xa-ác và ông Gia-cóp là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa,10 vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng.11 Nhờ đức tin, cả bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín.12 Vì thế, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được.13 Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất.14 Những người nói như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương.15 Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về.16 Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài.
 17 Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Áp-ra-ham đã hiến tế I-xa-ác; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một.18 Về người con này, Thiên Chúa đã phán bảo: Chính do I-xa-ác mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi.19 Quả thật, ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng.
ĐÁP CA : Lc 1
Đ.        Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm dân Người.  (x c 68)
69 Từ dòng dõi trung thần Đa-vít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, 70 như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa:
71 sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; 72 sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước; 
73 Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, 74 và cho ta chẳng còn sợ  hãi, 75 để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG : Ga 3,16
Hall-Hall :  Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời. Hall.
TIN MỪNG : Mc 4,35-41
35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Chúng ta sang bờ bên kia đi! "36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? "39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: "Im đi! Câm đi! " Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.40 Rồi Người bảo các ông: "Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? "41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? "

BÀI GIẢNG
 
SÓNG GIÓ CỦA NIỀM TIN
Sự cố các Tông Đồ gặp sóng gió trên biển, nhằm tiên báo cho những ai tin theo Đức Giê-su, họ sẽ còn phải gặp sóng gió về niềm tin khởi đi từ cuộc Tử Nạn của Ngài.
Thực vậy, những chi tiết thuyền các Tông Đồ gặp sóng gió trên biển được lặp lại vào giờ Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su :
          1- Trước Phục Sinh, Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Chúng con hãy sang bờ biển bên  kia” (Mc 4,35 : Tin Mừng).
          Sau Phục Sinh, Chúa Giê-su ra lệnh cho các môn đệ đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng (x Mc 16,15).
          2- Trước Tử Nạn, Đức Giê-su nằm trên thuyền của các môn đệ chở Ngài sang bờ bên kia, một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, trong lúc Đức Giê-su dựa đầu vào đằng lái mà ngủ (x Mc 4,36-38 : Tin Mừng).
          Vào giờ Tử Nạn, Đức Giê-su “ngủ” trên thập giá, niềm tin các môn đệ bị dao động, các ông bỏ Thầy mà chạy trốn hết (x Mc 14,50).
          3- Trước Tử Nạn, các môn đệ thưa : “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao ?” Người thức dậy, ngăm đe gió và truyền cho biển : “Im đi !” Gió liền tắt, biển lặng như tờ ! (x Mc 4,38b-39 : Tin Mừng).
          Sau Tử Nạn, Chúa Giê-su sống lại, làm cho niềm tin các môn đệ kiên vững, không sợ sự dữ làm hại, đến như có cầm rắn trong tay, uống nhằm thuốc độc cũng không hề hấn gì (x Mc 16,17-18).
          4- Trước Tử Nạn, các môn đệ vẫn thắc mắc Thầy mình là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải vâng lệnh ? (x Mc 4,41 : Tin Mừng).
          Lúc Tử Nạn, người đầu tiên trong nhân loại, vị sĩ quan ngoại giáo đã chỉ huy cuộc hành quyết giết Đức Giê-su cũng phải hô lên : “Đích thực người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
Vậy sau khi Chúa Giê-su Phục Sinh, đời sống Hội Thánh hay mỗi người Ki-tô hữu vẫn còn gặp sóng gió. Có hai loại sóng gió:
-              Sóng gió bởi tin làm theo Lời Chúa.
-      Sóng gió bởi tội người ta gây ra.
I. SÓNG GIÓ BỞI TIN LÀM THEO LỜI CHÚA.
Thời Tân Ước :
1/ Đức Maria gặp sóng gió  nặng nề nhất. Vì tin rằng “Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói” (x Lc 1,45) ; và tin rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con  Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,16 : Tung Hô Tin Mừng). Nhất là Chúa đã hứa cho Đức Maria :
§    Maria được gọi là “Đầy Ơn Phúc” vì có Chúa ở cùng (x Lc 1,28).
§    Con Đức Maria là Con Đấng Tối Cao (x Lc 1,32).
§    Con Đức Maria là Vua thuộc dòng vua Đavid, triều đại Ngài vô cùng vô tận (x Lc 1,32b-33).
Thế mà sau cuộc Truyền Tin, Đức Maria gặp sóng gió càng ngày càng gia tăng.
§    Ông Giuse, chồng Đức Maria định tâm ly dị (x Mt 1,18-19).
§    Đức Maria không tìm được nơi xứng đáng sinh Con, đành đặt Con nằm trong máng cỏ (x Lc 2,7.12).
§    Vua Hê-rô-đê ra lệnh truy nã Con Đức Maria để giết, thế nên ngay trong đêm Mẹ phải bồng Con trốn sang Ai Cập (x Mt 2,13t).
§    Đau đớn nhất là vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Maria chứng kiến Con bị treo trên thập giá, thì tất cả những Lời Chúa hứa trong ngày Truyền Tin đâm vào tim Mẹ, đúng như lời ông Si-mê-on đã báo trước : “Này, Ngài có mệnh cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong Israel, và làm dấu gợi lên chống đối” (Lc 2,34). Như vậy là Đức Maria đã hứng chịu Lời Chúa chúc dữ cho bà Eva sau khi phạm tội : “Bà sinh con đau” (St 3,16).
2/Các Tông Đồ gặp sóng gió. Sau khi Chúa Giê-su đã đánh gục thần chết, Ngài sống lại đến gặp các Tông Đồ và chia chiến thắng cho các ông : “Chúng con cầm rắn trong tay, và dẫu cho uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng con” (Mc 16,18). Thế mà các Tông Đồ khi thi hành sứ mệnh Chúa trao, các ông vẫn bị ra tù vào khám như cơm bữa, tất cả đều phải đổ máu vì Tin Mừng để làm chứng cho Chúa!
Như vậy, chỉ tới ngày cánh chung, ta mới chiếm hữu được phúc lộc Chúa hứa hơn lòng mơ ước. Lúc đó, ta cùng chung lời với Mẹ Maria : “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm dân Người” (Lc 1, 68 : ĐC năm lẻ). Đó là Đức Tin của người Công Giáo được sinh ra bởi Đức Tin của tổ phụ Abraham : Dù Chúa để cho ông gặp sóng gió thử thách,nhưng Đức Tin của ông rất vững mạnh, vì tin vào Lời Chúa chúc phúc cho dòng dõi ông sẽ được thực hiện, đặc biệt vào ngày cánh chung, như tác giả thư Do Thái đã nhắc đến cách sống đạo của tổ phụ Abraham : “Nhờ Đức Tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu.Vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng.Những người nói như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương.Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về.Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời.Nhờ Đức Tin, khi bị thử thách, ông Áp-ra-ham đã hiến tế I-xa-ác; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một.Quả thật, ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết chỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng” (Dt 11, 1-2.8-19 : Bài đọc năm lẻ). Vì “tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng là phương nhận thức các thực tại người ta không thấy” (Dt 11,1).
II. SÓNG GIÓ BỞI TỘI NGƯỜI TA GÂY NÊN.
Có hai loại :
-          Bởi tội xác thịt yếu đuối của con người, Chúa cho phép xảy ra.
-          Bởi tội con người đưa đến sự chết, Chúa không muốn cho xảy ra.
1/ Bởi tội xác thịt yếu đuối của con người, Chúa cho phép xảy ra. Cụ thể như thánh Phao-lô, vị Tông Đồ xuất sắc nhất, cũng bị tính xác thịt nổi loạn, làm cho ông chới với, như ông thú nhận với giáo đoàn Roma : “Chẳng có gì lành cư ngụ trong tôi, sự thiện tôi muốn, tôi không làm, còn điều dữ tôi ghét, tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19), và ông đã năn nỉ với Chúa : “Xin Chúa đừng để satan đâm cái dằm vào con”, đã ba lần ông van xin như thế,  nhưng Chúa chỉ trả lời : “Ơn Ta đủ cho ngươi,vì quyền năng chỉ được bày tỏ vẹn toàn trong yếu đuối” (2Cr 12,7-10).
Sự yếu đuối về xác thịt nó là bản năng của  con người, đến như vua thánh Đavid được đặt thay quyền Chúa lãnh đạo dân, mà tính xác thịt của ông đã nổi loạn, dan díu bất chính với vợ của tướng Uria, vị công thần của đất nước, rồi dùng mưu thâm độc giết Uria, để chiếm vợ người. Thế mà ông không biết ăn năn, sám hối, ông chỉ mới nghe ngôn sứ Nathan nói : Có một người giàu bắt chiên của người nghèo làm thịt, Đavid đã thịnh nộ đòi lấy mạng nó, nếu ông tìm được đứa bất lương ấy! Ngôn sứ Nathan chỉ ngay vào mặt vua : “Kẻ đó chính là ngài !” Lúc đó, vua Đavid mới giật mình và sám hối. Dầu ông đã sám hối, tội ấy vẫn gây ra sóng gió:
"Đức Chúa phán thế này: Ta sắp dùng chính nhà của ngươi mà gây hoạ cho ngươi. Ta sẽ bắt các vợ của ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác, và nó sẽ nằm với các vợ của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật.Thật vậy, ngươi đã hành động lén lút, nhưng Ta, Ta sẽ làm điều ấy trước mặt toàn thể Ít-ra-en và giữa thanh thiên bạch nhật." Bấy giờ vua Đa-vít nói với ông Na-than: "Tôi đắc tội với Đức Chúa." Ông Na-than nói với vua Đa-vít: "Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết.Thế nhưng vì trong việc này ngài đã cả gan khinh thị Đức Chúa, nên đứa trẻ ngài sinh được, chắc chắn sẽ phải chết. Còn Đavid, nhờ biết sám hối, nên Chúa không phạt ông phải chết ! " (2 Sm 11,1-14 : Bài đọc năm chẵn).
Vậy “ngã vào tội là người ; ở lại trong tội là quỷ” (ngạn ngữ Đức). Chúa không muốn ai ở lại trong tội giống quỷ, vì người ta được dựng nên giống Thiên Chúa! (x St 1,26). Thế nên càng biết mình yếu đuối trầm mình trong tội, càng cần đến hiệp dâng Thánh Lễ và thưa cùng Chúa : “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng” (Tv 51/50,12a : ĐC năm chẵn).
 2/ Có những loại tội gây sóng gió làm mọi người phải chết, Chúa không muốn cho nó xảy ra, đó là :
§    Tội không tin vào quyền giáo huấn Chúa đã trao cho Hội Thánh.
§    Tội làm đảo lộn sứ mệnh Chúa trao phó.
§    Tội không chu toàn sứ mệnh ngôn sứ theo Quy Luật Phụng Vụ Hội Thánh đã dạy.

a- Tội không tin vào quyền giáo huấn Chúa đã trao cho Hội Thánh.

Vì Chúa muốn mọi người phải được cứu độ trong một “chuồng chiên” là Hội Thánh Ngài lập, nhất là phải tin vào quyền giáo huấn của Hội Thánh mà Chúa Giê-su đã trao (x Mt 11,25-26 ; 16,13-19 ; Ga 18,19-23 ; Gl 1,8), vì không thể tìm được chân lý Đức Tin vẹn toàn ngoài Hội Thánh. Thế mà, có nhiều kẻ đã không xác tín như thế, họ đã ly khai với Hội Thánh. Bởi lẽ những người này thấy nhiều người Công Giáo sống thiếu gương mẫu, không phải chỉ ở nơi giáo dân, mà còn lần lên tới Giáo hoàng. Do đó, họ không tin là Chúa dùng các chủ chăn trong Giáo Hội để giảng dạy Lời Chúa, vì vậy họ tách ra thành nhiều giáo phái như ý mỗi người : Nào là Chính Thống, nào là Tin Lành, nào là Anh Giáo ! Sự cố đau lòng này trái với lời cầu nguyện của Đức Giê-su cho Hội Thánh Ngài được luôn hiệp nhất : “Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Con ở trong Cha và Cha ở trong Con” (Ga 17,21-23), không biết bao giờ lời cầu nguyện này mới được ứng nghiệm !? Thảm họa này tệ hơn xưa kia bà Ma-ri-am thấy ông Mô-sê lấy vợ ngoại giáo người Kush, nên bà không tin Chúa dùng riêng ông để nói Lời Chúa cho dân, bà nói : “Dễ chừng Chúa chỉ phán dạy qua Mô-sê mà thôi sao, Ngài đã không phán dạy ngang cả chúng ta đó ư ?” Chúa nghe được, Ngài phạt bà bị cùi tức khắc ! (x Ds 12,1-13)  Loại sóng gió bởi tội mất niềm tin vào chủ chăn trong Hội Thánh nên lập ra các giáo phái khác, Chúa không muốn nó xảy ra vì nó chỉ làm khổ mọi người, làm mất vinh danh Chúa ! Thế mà có ai nhận ra sóng gió đó là do bởi tội mình gây nên, để bắt chính mình phải làm theo ý Chúa qua giáo huấn của Hội Thánh ?!

b- Tội làm đảo lộn sứ mệnh Chúa trao phó.

Cụ thể các Tông Đồ của Đức Giê-su vào thời Giáo Hội sơ khai được giáo dân tín nhiệm, họ bán hết tài sản góp cho các Tông Đồ để chia sẻ đồng đều cho mọi người. Quả thật, bản chất việc làm này là tốt, vì đã diễn tả thời cánh chung trong Nước Thiên Chúa chẳng ai thiếu thốn gì. Vì thế, các Tông Đồ mải mê công việc này mà xao nhãng cầu nguyện và giảng Lời, tức là bỏ bổn phận chính yếu mà làm việc phụ, hậu quả gây sóng gió trong cộng đoàn, các tín hữu bất hòa với nhau ! Kinh Thánh đã trách : “Nhiều kẻ giữ đạo hình thức, vì nó loại bỏ điều chính mà làm điều phụ” (2Tm 3,5). Thánh Augustin nói : “Bạn chạy khỏe lắm đó, nhưng trật đường mất rồi”. Nhưng sau nhờ Chúa soi sáng cho các Tông Đồ nhận biết mình sai lầm, nên các ông đã chọn ra bảy người có uy tín trong dân gọi là Phó tế, để trao việc quản lý tài sản của Giáo Hội và chia sẻ của cải cho mọi người không ai dư của, không ai túng thiếu ;  còn các Tông Đồ thì trở về với nhiệm vụ chính là cầu nguyện và giảng Lời, từ bấy giờ Hội Thánh được bình an và phát triển (x Cv 6,1-7).

Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II nói : “Một nỗi nguy hiểm thường xảy ra nơi các giáo sĩ, là họ quá hăng say trong những công việc của Chúa, mà quên mất Chúa là Chủ của công việc”. Như vậy các Tông Đồ khi đảo lộn sứ mệnh được Chúa trao phó trong ngày lãnh Bí tích Thánh Tẩy, đặc biệt là lãnh Bí tích Truyền Chức, đáng lẽ sứ mệnh được trao thứ tự phải là  :

I- Tư Tế (cầu nguyện) ;

II- Ngôn Sứ (giảng Lời) ;

III- Vương Đế (điều hành, quản trị, và phục vụ cộng đoàn)

Thế nhưng, các Tông Đồ đã triệt để thi hành sứ mệnh vương đế, và đưa lên hàng ưu tiên (hạng III đưa lên hạng I). Họ đã chẳng giống Thầy Giêsu, Ngài vốn dĩ là Vua, nhưng xem ra Ngài không thể hiện quyền Vua. Cụ thể có lần một người xin Ngài can thiệp vào việc chia gia tài, thì Ngài đã khước từ ! (x Lc 12,13-14), và mặc dù Ngài dư khả năng cho kẻ đói ăn và chữa lành mọi bệnh tật, nhưng nếu vì việc ấy làm ngăn trở việc cầu nguyện và giảng Lời, thì Ngài phải trốn nhu cầu của dân mà đi (x Mc 1,21-39). Đặc biệt vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, kẻ ác đến bắt Ngài, thì Ngài tỏ uy quyền, mới chỉ lên tiếng hỏi chúng : “Các ngươi đi tìm ai?” Chúng trả lời : “Chúng tôi đi tìm Giê-su Nadareth”, Ngài đáp : “Này Ta đây”, chúng bổ ngửa ra hết! (x Ga 18, 4-6). Nhưng Ngài không dùng quyền Vua đạp lên chúng mà đi, trái lại Ngài cho chúng đứng dậy xông vào bắt Ngài. Rõ ràng Đức Giê-su chỉ lo chu toàn hai sứ mệnh Tư Tế và Ngôn Sứ, là cách Ngài chu toàn sứ mệnh Vương Đế.

Tiếc rằng có chủ chăn lạm dụng quyền vua của mình, ra vạ Tuyệt Thông hay dứt Phép Thông Công để trói buộc giáo dân và làm nhục họ ; hoặc có Giám mục không cho phép đồng tế trong các lễ An Táng của giáo dân, trừ phi người đó là ông cố, bà cố của Linh mục hoặc tu sĩ. Đối với những người nghèo không có tiền mua bằng Ân Nhân, thì không bao giờ cha Sở cho phép đồng tế khi qua đời. Nhưng đối với người giàu bỏ tiền mua bằng Ân Nhân, thì lúc chết, gia đình tha hồ mời các cha đến đồng tế. Hỏi những việc làm của các chủ chăn như trên, có đúng là thể hiện quyền Vua của Chúa Giê-su hay không!?

Trong khi đó giáo huấn của Hội Thánh trong Hiến Chế Phụng Vụ số 27 dạy : “Phải quý chuộng việc cử hành cộng đồng hơn việc cử hành đơn độc và có vẻ riêng tư. Điều này có giá trị đặc biệt cho việc cử hành Thánh Lễ”.

c- Tội không chu toàn sứ mệnh ngôn sứ theo quy Luật Phụng Vụ  Hội Thánh đã dạy.

Nhìn vào đời sống Hội Thánh sau hơn 20 thế kỷ, tỷ lệ người Công Giáo không gia tăng, nhưng lại đi xuống cách trầm trọng! Dân Chúa hôm nay đang tái diễn cảnh thất bại thời con cháu Noe xây tháp Babel : Họ muốn xây tháp chạm Trời, nhưng không thành công, vì không chung một ngôn ngữ, thế là họ phải tản đi khắp thế giới (x St 11,1-9). Ngày nay nhiều người Công Giáo đang bỏ đạo, hoặc sang tôn giáo khác, cũng chỉ vì người ta đến Nhà Thờ nghe nhiều vị giảng cách tự  biên tự diễn, không giảng đúng với quy định về Luật giảng dạy trong Hiến Chế Phụng Vụ :

-          Khi cử hành Phụng Vụ, Kinh Thánh  giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy, Hội Thánh đã trích từ Kinh Thánh  những Bài đọc để diễn giải trong Bài giảng” (số 24).

-          Bài giảng phải căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm Đức Tin và các quy tắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm phụng vụ. Bài giảng rất đáng được coi như một phần của chính Phụng Vụ (số 52).

-          Bài giảng thuộc phần hoạt động của Phụng Vụ, nên phải có thời giờ thích hợp để giảng giải…Phải hết sức trung thành chu toàn thừa tác vụ giảng giải đúng với Nghi Lễ. Tiên vàn bài giảng phải múc lấy từ nguồn Kinh Thánh và Phụng Vụ, vì như thế là rao truyền việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ (số 35).

Nếu giáo dân đi dự Lễ bất cứ nhà thờ Công Giáo nào, cũng được nghe lời giáo huấn do các chủ chăn khai triển từ các bản văn Kinh Thánh, làm đúng Quy Luật Phụng Vụ, như giáo huấn của Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Phụng Vụ đã dạy như trên, thì chắc chắn tháp Babel mới càng ngày càng được xây dựng rộng và cao hơn tháp Babel xưa đã được thể hiện trong ngày lễ Ngũ Tuần, vì khắp mọi dân tộc trên thế giới đều đến nghe giáo huấn của thủ lãnh Phê-rô, và ai cũng tưởng ông Phê-rô nói tiếng địa phương của mình, đó là một cộng đoàn đang hoàn tất tháp Babel mới chạm Trời, cũng chính là được lên Trời được hưởng phúc vinh với Chúa  (x St 11. Cv 2).

THUỘC LÒNG

Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn,xin cho những người trông đợi Chúa đừng vì con mà phải thẹn thùng.Lạy Chúa Trời nhà Ít-ra-en, xin đừng để những ai tìm kiếm Ngài lại vì con mà mang tủi hổ (Tv 69/68,7).

 
 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: