Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM B
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)

 BÀI ĐỌC I: Cv 3,13-15.17-19

            Hôm ấy, ông Phê-rô lên tiếng nói với dân chúng rằng : 13 “Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha.14 Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân.15 Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.

            17 “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. 18 Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình.19 Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.”

ĐÁP CA : Tv 4

Đ. 7b Lạy Chúa, xin tỏa ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

2 Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét, khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời. Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con,xin thương xót nghe lời con cầu khẩn.

4 Hãy biết rằng: Chúa biệt đãi người hiếu trung với Chúa;khi tôi kêu, Chúa đã nghe lời.7 Biết bao kẻ nói rằng : "Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc ?"Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

9 Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn.

BÀI ĐỌC II : 1Ga 2,1-5a

                1 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính. 2 Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa. 3 Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. 4 Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. 5 Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa. 

BÀI TIN MỪNG

TUNG HÔ TIN MỪNG : x Lc 24,32

            Hall-Hall : Lạy Chúa Giê-su, xin mở trí cho chúng con hiểu lời Kinh Thánh. Và khi Chúa phán dạy, xin đốt lòng chúng con cháy lửa nồng nàn. Hall.

TIN MỪNG : Lc 24,35-48

            35  Bấy giờ, hai môn đệ từ Em-mau trở về thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

          36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! "37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.38 Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? "40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? "42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.44 Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm."45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh46 và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

            

BÀI GIẢNG

SỨ GIẢ TIN MỪNG CỦA CHÚA GIÊSU PHỤC SINH

            Thánh Tông Đồ nói : “Có tin thật trong lòng mới được nên công chính, có xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10). Như thế tất cả những ai đã tin theo Chúa Giêsu Phục Sinh, muốn bảo đảm được ơn cứu độ, khi có điều kiện thì phải lên đường loan báo Tin Mừng.

- Chúa Giêsu Phục Sinh là sự xác thực. 

- Muốn gặp Chúa Giêsu Phục Sinh phải dựa vào Kinh Thánh.

- Muốn làm tròn sứ mệnh ngôn sứ phải chấp nhận gian khổ. 

- Muốn được Chúa Giêsu ban bình an phải tham dự Phụng Vụ.

 

I. CHÚA GIÊSU PHỤC SINH LÀ SỰ XÁC THỰC.

            Vào đêm Chúa nhật thứ nhất Phục Sinh, khi cửa nhà các môn đệ còn đóng kín vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu hiện đến, các ông la lên : “Ma kìa!” Nên Ngài nói : “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? " Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc 24,38-43:Tin Mừng).Vì thân xác phục sinh đã được thần hóa, nên sự hiện diện của Ngài không bị giới hạn bởi thời gian và không gian :

-   Cùng một lúc Ngài đi với hai môn đệ về làng Emmau, và cùng thời điểm đó Ngài hiện ra với ông Phêrô (x Lc 24,15-32.34 : Tin Mừng).

-   Cửa nhà các môn đệ đều đóng kín vì sợ người Do Thái, thế mà Ngài xuất hiện trước mặt các ông, chẳng cần ai mở cửa (x Ga 20,19).

            Vậy muốn chứng minh Chúa Giêsu Phục Sinh đang hiện diện nơi ta, thì ta luôn sẵn sàng lên đường phục vụ đồng loại, không có gì ngăn cản được, vượt qua mọi tị hiềm đố kỵ.

II. MUỐN GẶP CHÚA GIÊSU PHỤC SINH PHẢI DỰA VÀO KINH THÁNH.

            Bởi vì Đức Tin của ta khơi nguồn từ Kinh Thánh. Thánh Giêrônimô nói : “Ai không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Thật vậy, Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành với hai môn đệ về làng Emmau, Ngài không trách các ông không chịu tin vào những người đã thấy Thầy các ông sống lại, mà trách tại sao không tin vào Thánh Kinh, đến nỗi Ngài phải thốt lên : “Ôi hỡi những kẻ ngu đần và lòng trí chậm tin vào mọi điều Thánh Kinh đã nói, rồi Ngài giải thích cho các ông hiểu Kinh Thánh khởi từ ông Môsê đến các ngôn sứ và Thánh vịnh.” (Lc 24,25-26.44-45 : Tin Mừng).

            Ông Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi, đã theo gương Chúa Giêsu bám vào lời ngôn sứ để chứng minh cho mọi người tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất. Ông nói : “Thưa anh em, chúng tôi xin làm chứng, Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là : Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em” (x Cv 3,13-19: Bài đọc I). Vì nhờ Kinh Thánh ta biết Chúa Giêsu, nên giáo huấn của Công Đồng Vat.II đòi buộc các vị giảng trong Thánh Lễ  phải giảng đúng Luật đã quy định :

            F Hiến Chế Phụng Vụ số 24 dạy : Trong việc cử hành Phụng Vụ, Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy, người ta trích từ Thánh Kinh những Bài để đọc, những Bài để dẫn giải trong Bài giảng… để xúc tiến việc canh tân Phụng Vụ, cần phải phát huy lòng mộ mến Thánh Kinh đậm đà và sống động”.

            F Hiến Chế Phụng Vụ số 52 dạy : “Từ các Bài đọc trong Thánh Lễ rút ra những mầu nhiệm Đức Tin và những Quy Tắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ, rất đáng được coi như một phần của chính Phụng Vụ”.

            Để hiểu Lời Chúa trong Phụng Vụ, Hội Thánh dạy mỗi người, nhất là các chủ chăn phải cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin mở trí cho chúng con hiểu Lời Kinh Thánh. Và khi Chúa phán dạy,xin đốt lòng chúng con cháy lửa nồng nàn” (Lc 24,32: Tung Hô Tin Mừng). Bởi vì Đức Tin của người tín hữu còn được củng cố nhờ Đức Tin của các chủ chăn trong Hội Thánh.

            Thánh sử Luca đã dùng kiểu nói phản đề, để làm nổi bật Đức Tin của cộng đoàn trong Phụng Vụ dựa vào Đức Tin của chủ chăn trong Hội Thánh : Dù ông Phêrô, thủ lãnh Hội Thánh đã nhìn thấy Chúa Giêsu sống lại (x Lc 24,34). Thế mà khi Chúa Giêsu hiện ra lần nữa,cả Nhóm Mười Một vẫn không tin, họ hoảng hốt la lên: “Ma kìa!” (Lc 24,37: Tin Mừng). Đó là vì Satan sàng các ông như người ta sàng gạo, đúng như Đức Giêsu đã nói với ông Phêrô : “Simôn, Simôn ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,31-32).

            Như vậy, mọi Kitô hữu ở khắp nơi trong tâm trạng chán nản, Đức Tin bị giao động, thì hãy bắt chước gương sống Đạo của hai môn đệ về làng Emmau: Khi được Chúa Giêsu hiện đến cắt nghĩa Kinh Thánh cho các ông hiểu, nhờ vậy các ông mở rộng lòng đón khách vào nhà dùng bữa, lúc đó các ông mới nhận ra người khách ấy chính là Chúa Giêsu, các ông rất đỗi vui mừng và mau mắn trở về gặp Nhóm Mười Một, có ông Phêrô thủ lãnh đã được thấy Chúa Giêsu sống lại và, trong cùng đêm ấy, Chúa Giêsu lại xuất hiện, các Tông Đồ dâng cho Ngài miếng cá nướng và Ngài ăn uống trước mặt các ông, rồi cắt nghĩa toàn bộ Kinh Thánh : Luật Môsê, giáo huấn các ngôn sứ, lời cầu trong Thánh vịnh, được dùng trong Thánh Lễ, để cho các ông hiểu, đó là khung cảnh của Thánh Lễ, lúc đó Đức Tin của các ông mới vững,và lên đường loan báo Tin Mừng, khởi đi từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất (x Lc 24,45-48 : Tin Mừng).

III. MUỐN LÀM TRÒN SỨ MỆNH NGÔN SỨ PHẢI CHẤP NHẬN GIAN KHỔ.

            Khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Ngài cho các ông biết trước : “ Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em”(Ga 15,18-20). Quả thật, chính Chúa Giêsu luôn ở cùng Chúa Cha, Ngài không mồ côi (x Ga 14,10), nhưng Ngài vẫn phải chấp nhận gian khổ khi thi hành Lời Chúa Cha truyền dạy, rồi mới đi vào vinh quang vĩnh hằng (x Lc 24,46). Bởi thế, dù Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến cùng anh em” (Ga 14,18), thì khi các Tông Đồ đi loan báo Tin Mừng vẫn phải đổ máu mới sinh ơn cứu độ (x Dt 9,22), giống Thầy Giêsu, như ông Phêrô nói với dân chúng về những gian khổ Đức Giêsu phải chịu: “Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng: Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước,đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình.Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em” (x Cv 3,13-19 : Bài đọc I).

            Vì vậy muốn làm tròn nhiệm vụ ngôn sứ,mỗi người phải nói được như thánh Phaolô:

         -   Ngoài Chúa Kitô Giêsu chịu đóng đinh, tôi không muốn biết điều gì khác (1Cr 2,2).

-   Tôi có sự thật về Đức Kitô, không ai bịt miệng tôi được (2Cr 11,10).

-   Vô phúc cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng (1Cr 9,16).

-   Tôi cam đoan với mọi người : Tôi không hề nhúng tay vào việc đổ máu ai vì tôi không thiếu sót việc loan báo Tin Mừng (Cv 20,26-27).

IV. MUỐN ĐƯỢC CHÚA GIÊSU BAN BÌNH AN PHẢI THAM DỰ PHỤNG VỤ.

            Thực vậy, những lần Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Madalêna (x Ga 20,11t), với hai môn đệ về làng Emmau (x Lc 24,13t),cả khi Chúa Giêsu đứng trên bờ biển bảo các Tông Đồ thả lưới bên phải thuyền bắt cá (x Ga 21), tất cả những lần hiện ra này, Ngài không chúc bình an cho ai. Nhưng khi cộng đoàn dân Chúa họp nhau cử hành Phụng Vụ trong ngày Chúa nhật, Chúa Giêsu mới đến chúc bình an (x Ga 20,19.21.26 ; Lc 24,36 : Tin Mừng).

            Bởi vì người tín hữu được gặp Chúa Giêsu một cách thiết thực qua sáu cách Ngài hiện diện trong Hội Thánh :

-   Các hoạt động của Phụng Vụ trong Hội Thánh, Người hiện diện thực sự trong Hy Lễ.

-   Người hiện diện trong con người của thừa tác viên, vì như xưa chính Người đã tự dâng mình trên thập giá, thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các  Linh mục.

-   Nhất là Người hiện diện thực sự dưới hai hình thái Thánh Thể : Bánh và rượu.

-   Người hiện diện thiết thực trong các Bí tích nhờ quyền năng của Người ; vì thế ai ban Thánh Tẩy thì chính Chúa Kitô ban.

-   Người hiện diện thiết thực trong Lời của Người, vì chính Người nói khi ta đọc Kinh Thánh trong Hội Thánh.

-   Sau hết Người hiện diện khi Hội Thánh cầu khẩn và hát Thánh vịnh (Kinh Phụng Vụ), như chính Người đã hứa: “Đâu có hai ba Người nhân danh Thầy họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ” (x Hiến Chế Phụng Vụ số 7).

            Vì sự hiện diện của Chúa Giêsu cách thiết thực trong Phụng Vụ như thế mới bảo đảm chắc chắn bình an cho các tín hữu tham dự. Bình an này phải hiểu một cách cụ thể là dù chúng ta còn phạm tội, mà vẫn yêu mến và tuân giữ Điều Răn của Người, thì Chúa Giêsu  vẫn hằng cầu nguyện trước mặt Chúa Cha cho chúng ta, để ta luôn được ở trong Chúa.Đúng như thánh Gioan Tông Đồ viết thư cho giáo đoàn: “Tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha : đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa : là chúng ta tuân giữ các Điều Răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các Điều Răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ Lời  Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa” (1Ga 2,1-5 : Bài đọc II).

            Vậy chúng ta hãy cầu nguyện :  “Lạy Chúa, xin tỏa ánh Tôn Nhan Ngài trên chúng con” (Tv 4,7b : Đáp ca).

THUỘC LÒNG .

            Ai không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô (thánh Giêrônimô).

http://phaolomoi.net

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH 


Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: